Lửa thép thiêng liêng – Bài của Trọng Bình

720

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cơn mưa ầm ầm kéo đến, gió giật làm cây cối ngả nghiêng kèm theo giông sét khét lẹt, ném vội con dao vào gốc chuối Phú chạy vào hiên nhà. Cuốn mình trên cái võng may bằng bao tải mà tim vẫn thình thịch liên hồi. Mưa đầu mùa nguy hiểm vậy đó.

Tác giả Trọng Bình

Cục tác… tác… ác… ác… Cục… cục… ục…ục. Phú choàng tỉnh, nó cầm chiếc dép chọi con gà mái nhảy ổ đẻ một phát. Con gà nhảy ré lên cành cạnh, lông lá bay tán loạn.

– Xì xì, hui… huiii.….. Không lo ấp ở đó nhảy ra ngoài kêu réo om xòm, kiếm chồng hả mày? Phú làu nhàu mắng con gà mái đẻ rồi nhảy cò cò đi lấy chiếc dép.

– Ui, phượng đẹp quá…!

Chưa đến lấy được chiếc dép Phú thốt lên khi nhìn thấy phượng nở bên hiên nhà thằng Thức. Vậy là hè đến rồi, phượng nở khi nào mà nó chẳng hay biết, chắc là phải mấy hôm nay rồi nên tán mới như mâm xôi thế kia. Không biết cũng phải, bởi cả tháng nay nó đì đạch với cái vụ sơ tổng kết gì đó, đi từ gà gáy cho đến khi gà lên chuồng mới về nhà.

Lót chiếc dép đặt cái mông lên đó, Phú đưa tay hái mấy trái xơry chín nhai nghiến ngấu bởi nó chua lét như sát dấm vào ruột; Chợt nỗi nhớ trường, nhớ lớp dậy lên trong lòng Phú từ những cánh phượng rực rỡ bên kia đường.

Trong cuộc đời học sinh, Phú nhớ nhất là năm 1991-1993 khi chuyển cấp đến học lớp 6 và 7 tại Trường Tiểu học Nông trường Quốc doanh Sông Đốc. Tại đây có hai phòng học tạm do Trường cấp 2 dựng nhờ, mái lợp tol, dừng gỗ, nền đất xập xệ dù mới cất xong.

Quyết sách này là để nhóm học sinh khu vực Nông trường và vùng lân cận đi học cho gần, thay vì phải đi đến điểm chính xa hơn và hạn chế tình trạng bỏ học. Lúc bấy giờ cả thị trấn Sông Đốc chỉ có mỗi Trường cấp 2 ở khu trung tâm, việc đi học là khó khăn do địa hình sông nước, nhất là với những trường hợp gia đình có con em ở các vùng ven, đò giang sông nước cách trở khiến việc học tập của trẻ em trở nên khó khăn và được ít người kỳ vọng.

Phú may nắm vì vừa vào cấp 2 là có điểm trường gần để đi học, chứ đó giờ nó chèo xuồng đi học xa nhà ngán lắm rồi, không có trường này chắc nó cũng bỏ học về đi cắt lúa thuê.

Hai năm học chỉ với 03 thầy giáo dạy tất tần tật các môn, thiếu nhi nông thôn quê mùa, lại nghèo túng nên Phú và nhóm bạn học thì dốt phá phách thì giỏi, đứa nào cũng đen trùi trũi bởi “nhiễm” nước mặn của biển, đây là một cửa biển lớn nhất phía tây Nam bộ, người dân ở đây đa phần sống bằng nghề ngư phủ, ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản trên mặt biển, có nhiều ghe tàu nên sầm uất và phức tạp bởi dân tứ xứ đến kiếm sống.

Học hết hai phòng này là phải di chuyển về điểm trung tâm để vào lớp 8, do xa nhà nên có nhiều bạn hết lớp 7 rồi thôi, nghỉ học về giúp cha mẹ, vài năm sau có thể lập gia đình. Với Phú, hết lớp 7 cũng chưa yên bởi phải thi lại môn Toán; thế rồi Phú chuyển ra điểm chính cách chỗ cũ hơn 2km để thi lại mong lên lớp 8.

***

– Điểm này của em đâu có phải thi lại. Cô nhìn bảng điểm rồi nói trong lúc Phú cắm cúi làm bài.

– Dạ em không biết, tại thầy dạy Toán bảo em phải đi thi lại. Ngẩng đầu nhìn Cô Phú lí nhí trong họng.

– Ừm, em làm bài tiếp đi. Nói rồi Cô đi ra cửa đứng.

***

Ngày đầu tiên tập chung vào lớp 8A2, Phú bất ngờ khi giáo viên chủ nhiệm đến nhận lớp là Cô. Trong Phú vừa mừng vừa run, tâm trạng của người dốt là sợ Cô sẽ nhớ và để ý “thành tích” thi lại của mình.

Từ câu hỏi trong phòng thi lại hôm ấy, đến việc Cô làm chủ nhiệm mình, như chột dạ tỉnh giấc, Phú cảm phục tôn trọng Cô và nghiêm túc với việc học tập hơn. Phú xung phong ngồi đầu bàn, dãy trước mặt bàn giáo viên để tập chung mong sẽ không phải thi lại nữa.

Vào môi trường mới, được gặp Cô chủ nhiệm phong cách mới, Phú cảm thấy tự tin hơn nhiều, trong đầu luôn suy nghĩ bằng cách nào? từ đâu? phải cố gắng vượt qua chính bản thân học yếu kém của mình.

Phú nghiêm túc lắng nghe giảng ở lớp, cố gắng thuộc lòng lý thuyết, chăm chỉ hơn với bài vở khi về nhà. Nhờ vậy từ từ sức học cải thiện theo chiều hướng khá lên. Quan trọng hơn nữa sự tự tin đã dần xuất hiện, những suy nghĩ tích cực để thừa nhận mình còn quá nhiều yếu kém đã khiến Phú trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

Lên lớp 8, có thêm hai môn mới là Sinh Học và Hóa Học, Cô lại dạy ngay hai môn này khiến Phú càng phải cố gắng ngay từ ban đầu, mặc dù đang còn gặp rất nhiều khó khăn do mất gốc kiến thức từ môn Toán. Chính sự lo lắng đó, cũng như cảm nhận được sự quan tâm từ Cô mà Phú cũng biết cân bằng được một vài phương trình hóa học, giải bài toán tính nồng độ mol.

Đối với môn Toán cũng vậy, thầy Đỗ Quang Huy dạy phương trình bậc nhất 1 ẩn số, rồi 2 ẩn số, phương trình bậc 2 hai ẩn số. Chú ý lắng nghe Phú cũng giải được, khảo sát vẽ tọa độ hàm số cũng nắm sơ sơ, giải bài toán bằng cách lập phương trình; Riêng 7 hằng đẳng thức đáng nhớ Phú chỉ giải đến hằng đẳng thức thứ 4 là tịt. Đối với môn hình học Phú cũng nắm được chút xíu định lý về cung và góc, mặt phẳng, đường thẳng. Môn Vật lý cũng mới và bỡ ngỡ y như hai môn Cô phụ trách khiến Phú miệt mài hơn.

Phú nhớ như in bài kiểm tra Hóa Học 1 tiết theo bố cục từ dễ đến khó, một câu hỏi lý thuyết (2 điểm), cân bằng 6 phương trình hóa học (3 điểm), giải bài tập (3 điểm) và cuối cùng là nhận diện hóa học (2 điểm). Thực ra nhận diện chất hóa học là một dạng bài tập mới đưa vào thử nghiệm chương trình lớp 8, nên lớp khá lọng cọng. Nhiều bạn khác trong lớp học khá hơn cũng thường không giải được câu này.

– Có gì đâu mà khó, các em lấy một cái que đóm đốt lên đưa vào từng cái bình, bình nào có sự cháy thì đó là oxy, học Oxy sự cháy rồi. Cô vừa cười vừa nheo mắt mắng.

– Ơ … ô…. Ồ… Cô vừa dứt lời cả lớp một tiếng rõ to, tất cả các bạn đều bị đánh rơi 2 điểm dễ dàng.

Từ đó Phú chú tâm hơn vào những thí nghiệm Vật lý, Hóa học. Thầy Huy thường giao cho Phú và Đang về nhà làm những dụng cụ phục vụ học tập như con quay Mac-xoen, vẽ 7 hằng đẳng thức lên mặt giấy gito, các dạng hình học cung góc, các dạng phương trình… nói chung Toán, Lý, Hóa… đều có liên quan đến phương trình, về cơ bản Phú đều giải được và làm hài lòng Thầy cô phụ trách.

***

Học kỳ I năm đó Phú được danh hiệu “học sinh tiên tiến”. Đó là điều nó chưa bao giờ nghĩ tới, bản thân Phú rất vui mừng bởi thành tích “đầu đời” rất bất ngờ này. Cô cũng vui, bởi mới các đây hơn 4 tháng còn phải coi Phú thi lại, mà hôm nay nó đã lột xác hoàn toàn.

Như có bước chạy đà, Phú vẫn giữ “phong độ” đó, học hành sinh hoạt đều mọi mặt trận, tham gia đầy đủ các phong trào. Vui mừng hơm khi thầy Huy chọn Phú và Đang đi thi học sinh giỏi môn Toán, biết là sẽ ngoài khả năng nhưng Thầy đã chọn thì cũng theo, kết quả là Phú không vượt qua được vòng “đấu trường” và dừng lại ở “vòng gửi xe”.

Đến cuối năm học Phú đạt danh hiệu tiên tiến cả năm, với điểm số khá đều nhau, điểm trung bình thấp nhất là môn Văn. Chẳng mong đạt danh hiệu giỏi hay xuất sắc, thành tích đó với Phú là tuyệt vời lắm rồi, chưa bao giờ gia đình Phú nghĩ tới. Động lực và ý chí của Phú được hình thành từ đó.

***

Lên lớp 9, Phú chuyển trường đến một cửa biển khác để học, đó là cửa Đá Bạc xã Khánh Bình Tây. Tuy cách đó cũng không là mấy nhưng phải xa nơi này Phú quyến luyến vô cùng, bởi Phú muốn tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa như một hành động để đền đáp ơn Cô. Thiết nghĩ, Cô cũng chẳng mong việc đền đáp; nhưng hoàn cảnh như vậy thì đành chấp nhận bằng cách học tốt hơn là xem như đáp ơn rồi!

Đến trường mới Phú vẫn giữ vững sức học đó cho những năm tiếp theo, Phú xem đây như là một lời cảm ơn, một lời hứa với bản thân là sẽ giữ vững ngọn lửa Cô trao để học hành tốt nhất có thể. Đường đời đã dẫn Phú đến trưởng thành như ngày hôm nay cũng từ đó.

***

Hai mươi lăm năm sau mới trở lại gặp Cô, vẫn tướng mạo rắn chắc, giọng nói đầm đậm gốc miền Trung thân yêu. Cô đã nghỉ hưu, con gái 5 tuổi của cô năm ấy giờ cũng theo bước chân Cô trở thành một giáo viên Tiểu học.

Phú dẫn các con mình đến chào bà Cô, Cô vui lắm vì Phú đã trưởng thành và là Phó Chủ tịch, con cái có nếp có tẻ đạt thang điểm 10, chứ không giống như những bài kiểm tra Hóa học năm nào Cô chấm điểm 8.

Với Phú, bao nhiêu năm qua vẫn ghi nhớ những giờ phút chỉ thoáng qua với Cô, nhưng tình cảm Cô trò vẫn khắng khít. Phú lại giật mình với câu hỏi trong phòng thi lại hôm đó, giây phút ấy khiến tư duy Phú thay đổi hoàn toàn, từ học lực yếu kém trở thành học sinh khá và mạnh mẽ vươn lên.

Phú cũng chỉ học được Cô mỗi năm lớp 8 rồi thôi, nhưng Phú đã biết cân bằng những phương trình hóa học Cô dạy. Biến sự quan tâm kịp thời của cô để trở nên tiến bộ cho bản thân, tạo ra những động lực tích cực trong học tập sau này. Giây phút lóe sáng lẻ loi đó là hành trình cho những bước chân trong đoạn đường hầm dài hun hút.

Những thời khắc ngắn ngủi đó hôm nay đã 30 năm, cảm ơn duyên trời đã tạo điều kiện để Phú có cơ hội gặp được Cô Đặng Thị Tịnh, người đã trao cho Phú một ngọn lửa có chất thép, để hôm nay Phú đạt được những thành công cho bản thân từ ngọn lửa thép thiêng liêng ấy./.

T.B