Lửa trinh khiết – Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

662

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết: “Có muôn vàn cách thức của người viết văn làm cho trang sách của mình khác đi so với quá khứ, và ở đây không ai có quyền tuyên bố mình có trong tay cái chìa khóa duy nhất”. Nghĩa là mỗi nhà văn đều có những sáng tạo riêng khi xây dựng chân dung các nhân vật lịch sử. Nhà văn thăng hoa, hư cấu nhưng cần đảm bảo không sai lệch bản chất, sự thật của lịch sử. Nhụy Nguyên thường viết truyện lịch sử và đã khá thành công với một số giải thưởng. Hư cấu nghệ thuật của anh đã kéo nhân vật lịch sử về gần hơn với cuộc sống hôm nay, giúp người đọc cảm nhận được con người bên trong của nhân vật lịch sử. Xin giới thiệu bạn đọc truyện ngắn “Lửa trinh khiết” của Nhụy Nguyên.


Nhà văn Nhụy Nguyên 

Chiều xuống đậm. Vài giọt nắng sót lại, tan, và hư ảnh. Linga giữa tháp, bóng loáng kỳ vĩ. Một cô gái đã tựa vào đó mà khóc. Tôi bủn rủn, bị hút vào đôi mắt đẫm ướt ấy. Như đó chính là nàng. Tiên Thiên. Với khuôn mặt nhòe lệ ngước lên đỉnh tháp hỗng, dật dờ những triền mây. Nàng vô vọng đợi chờ. Nàng khóc cho số phận nghiệt ngã. Khóc cho vương quốc đã kéo cuộc tình trôi trên dòng sông nhuốm máu. Tôi nhìn nàng từ rất xa, qua khung cửa tháp thấy vừa vặn một thế ngồi bên linga. Những dòng nước mắt bắt đầu ăn mòn khuôn mặt nàng, toàn thân nhuộm tím và phút chốc chảy rệu thành vũng đen đặc. Tôi lao từ ngoài bờ tường vào tháp. Cô gái đâu? Tiên Thiên? Đến vệt máu khô cũng biến mất. Nhưng linga còn in dáng một vũ nữ say mê uốn lượn trong buổi đức vua tiếp đãi các vị thần.

Tôi bỗng nhớ đến cô bạn đã chuyển giao bàn cờ tâm linh cho tôi, 24 ô chữ cái vẫn nét mực cũ do chính tay cô vẽ, với ô số 0 nằm giữa. Cô đã dặn tôi rất nhiều lần, rằng mỗi lần chạm vào chén, nó chạy đến chữ nào mặc; chạy đến chữ nào rồi chạy trở vào ô 0 thì chữ đó mới chính thức. Mà tại sao bạn tôi không chơi với thần Chén nữa? Còn tôi thì vẫn, vẫn hy vọng thông qua những chữ cái để nói chuyện với Tiên Thiên! Tôi còn râm ran cảm giác lần được thần Chén lôi vào không gian đền tháp ấy, chút xíu nữa tôi đã gặp nàng, nếu không giật tỉnh bởi tiếng bước chân của vợ lên thang gác. Thần Chén lập tức biến.

Tôi dở bàn cờ tâm linh, úp cái chén và đặt hờ ngón tay lên đó, chờ cái chén động đậy. Cái chén sẽ chạy, thần Chén sẽ nhập vào điều khiển nó chạy qua từng ô chữ cái, và tôi sẽ nhận được dòng tin mật. Tôi sẽ hỏi thần Chén về số phận nổi nênh của Tiên Thiên kể từ cái ngày định mệnh ấy. Cái ngày lửa bốc lên từ giàn thiêu. Lửa trinh khiết. Lửa thiêu oan một linh hồn. Lửa ô uế. Nhưng cái chén không động. Chén không linh hồn chăng?, không còn linh nghiệm nữa chăng? Như tất cả huyễn ảo, như tôi chưa từng nói chuyện với thần Chén thông qua hai tư chữ cái. Quyền năng siêu hình dường như chưa bao giờ tồn tại. Tôi chỉ là cái xác bước ra từ cơn mê đói lả.

Loạng quạng đứng dậy, tôi vẫn lờ mờ thấy vị vua của nàng phía trước, bên cạnh là những tăng lữ tôn nghiêm. Tốp vũ nữ uyển chuyển trong sự kết tinh của ma thuật tạo hình, ám gợi vực thẳm nhục tình. Không Tiên Thiên. Nàng đã trôi vào huyền thoại, trôi vào ký ức của vị vua từng mê đắm afsara. Vẫn điệu múa siêu thoát, vẫn những tấm thân ngọc ngà thánh nữ đó nhưng hồn vía nơi đâu. Nét mặt sắc lạnh, ngỡ như ngài sẽ giáng lệnh lôi hết thảy ra chém đầu. Những tấm thân trắng hơn váng sữa không gợn chút khoái cảm trong nguồn lực thần quyền. Ngài chỉ tay vào gã tạc tượng:

“Ta lên ngôi đến nay đã mười năm, ngót mười năm ngươi vẫn chưa làm xong tượng người vũ nữ ấy là sao?”

“Thưa đức vua, sở dĩ phải phá đi làm lại như thế vì mỗi lần khắc xong lại thấy hình dạng vũ nữ afsara trong ký ức của ngài chưa hiện lên toàn vẹn”…

Tôi dùng kính lúp soi tấm ảnh chụp bức tượng vũ nữ, khuôn mặt gần giống Tiên Thiên. Không hề biết mặt Tiên Thiên, gã chỉ nghe đức vua mô tả, nhưng làm sao hình dung đúng khuôn mặt đó. Làm sao gã nhảy được vào tâm trí vua thấy nguyên vẹn hình hài Tiên Thiên để tạc ra như thật. Biết bao bức tượng sinh thành đều thất bại. Người thợ vẫn tạc thêm hầu mong hiển lộ phần nào. Nhưng mỗi lần xem, đôi mày đức vua đều díu lại, gồng lên kìm nén giận. Người thợ tượng hiểu điều gì sẽ xảy ra, hiểu phận mình. Và, một sáng người ta phát hiện tất cả các tượng thần Shiva và Vichnu ở khu đền đều bị chặt cụt đầu. Người tạc tượng đang ôm chặt lấy một vũ nữ vừa tạc. Máu từ nơi lưỡi kiếm đâm xuyên ngực còn tươi…

Nguyền rủa vị minh quân của nàng. Tôi nguyền rủa bất cứ ai từng để ý đến Tiên Thiên, từng lưu hình ảnh nàng sâu đậm. Chân dung nàng đã rệu rã loang đỏ bên vách tháp dưới cơn mưa nước mắt từ nghiệp đao binh ai oán. Tôi đau cho linh tánh của nàng đầu thai và sinh thành trong một vương quốc từng hiếu chiến. Tôi hận vị minh quân của nàng. Hận những trận chiến mang lại nhiều quyền lực và đội quân của hắn. Lại thương thân bọt bèo Tiên Thiên. Mũi giáo hòn tên không biết phân biệt thiện lương xuyên vào những tấm thân mong manh như sương tuyết. Tôi tưởng đến cảnh nàng gục xuống, chậm, chới với giữa khoảng không chờ một tấm thân trai tráng ngã vào nương tựa.

Lần dở từng trang sử cổ. Ngôi tháp Chăm lấp ló. Cô gái ngồi khóc bên linga đã nhòa vào hơi đêm. Nhưng dấu ấn của nước mắt còn in trên giấy ố vàng. Những đền tháp, nơi này tôi đã đến, chỗ kia tôi ngủ lại. Đây nữa, tháp Bằng An, nơi có bức phù điêu vũ nữ, Tiên Thiên đứng thứ bảy từ trái qua. Trăm năm mây đã trôi qua vòm tháp, chấm đỏ này trên bản đồ như quánh lại viên dung một gam màu nhức nhối. Như một giọt máu trinh của nàng, nhưng không đậu thai. Tôi mất tăm bóng dáng ấy. Mờ xa vĩnh viễn… Tiên Thiên từng ngồi đây đợi chờ và khóc. Nước mắt nàng không rỏ lên cội linga để giải oan cho một linh hồn bị đọa làm linh vật. Là tôi, trong tiền kiếp?? Tay đạo sĩ của vua vì ghen tức đã dùng ma lực đọa tôi làm “linh hồn” của cội linga. Cảm nhận được mọi xúc cảm đớn đau tột cùng. Lời nguyền, tôi đã nghe lời nguyền từ trong ý niệm vi tế của tên đạo sĩ, rằng nếu có nước mắt ai vương lên cội đá, tôi sẽ được hóa giải. Đã có người quỳ trước linga, đã có người khóc thảm; và Tiên Thiên, nàng đã đến, đã gieo vào tôi cơn đau khôn xiết. Nàng khóc nhưng quay mặt. Bao nước mắt uổng phí loang nền tháp. Lại không một giọt rỏ lên linga. Tôi muốn được cưỡi ngựa thẳng từ trận tuyến dùng hết sức phóng ngọn giáo về phía ngai vàng. Máu không tuôn. Đó chỉ là hình nộm vua! Con người đã nghe lời tên đạo sĩ hành hạ tôi. Hành hạ Tiên Thiên. Hành hạ một cuộc tình bằng cuộc chiến thảm khốc. Tôi tưởng đến vị vua lúc tìm đến ngôi tháp này, thì Tiên Thiên đã nhập vào hoàng hôn. Vua cho trùng tu ngôi tháp, sai vẽ lên tường điệu múa apsara xiêu đảo cả những vị thần. Hắn muốn được ở đây mãi để tưởng hình bóng của nàng. Ngôi tháp thành ngôi đền lăng; một Kalăn lộng lẫy.


Ảnh minh họa.

Gấp dòng cổ sử, tôi vuốt mặt. Giả thuyết? Cuộc khai quật khảo cổ, phía dưới không gì ngoài đất đá. Vị vua không được chôn ở đó. Tôi nhắm hờ mắt, một quang cảnh khác hiện lên. Những con người vẫn đang cần mẫn xây tháp. Những viên gạch xếp chồng lên nhau khít đơ, vững chãi giữa bão tố. Một người lạ từ đâu lạc vào, ngơ ngác trước những công nhân bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc gạch. Vẫn tôi đó sao? Tôi nhớ mình đang ở gác xép kia mà. Tôi đang lần theo dấu vết của nàng trên bia ký, trên những văn tự Chăm cổ khắc trên cội linga khổng lồ phát hiện ở dãy Trường Sơn. Tôi chụp lại đưa đến nhờ vị sư trụ trì ngôi chùa trên cao nguyên dịch hộ. Sư không dịch những chỗ liên quan đến cuộc tình thấp thoáng bóng dáng của bể trầm luân. Tôi quay về nhờ thần Chén. Thần bảo tôi nhắm nhắm, thả lỏng và thư giãn, từ từ cảm giác mình đang chìm vào thể không… và tôi lạc đến ngôi tháp xây dở. Một lúc bỗng đâu chợt nghe tiếng rít, rồi luồng gió kéo ngược tôi trở về.

Choàng tỉnh. Tất cả, huyền thoại? Huyền thoại, sao tôi lại thu thập tư liệu làm báo cáo khoa học. Tiên Thiên có thực? Vị vua yêu nàng có thực. Cuộc chiến tranh Chăm – Việt có thực. Nỗi đau chia lìa giữa tôi và nàng là sự thật đau lòng từ dòng hồi ức vô thỉ. Tôi nhớ đến nữ thần Pô Ino Nagar và chồng bà là Shiva trong ngôi đền thiêng vua Vichitragara dựng lên năm 591 ở kỷ nguyên Dvàparata. Nữ thần Pô Ino Nagar – Mẹ Đất Nước – đã tạo nên lúa gạo và cây kỳ nam. Trong cách cảm luận của tôi, bà là mẹ Tiên Thiên. Nhưng đằng khác, lúc tôi đến Phật viện Đồng Dương điền giả, biết đến hai mẹ con từng là cư sĩ sống gần đó, chuyên lo cơm nước cho sư Cụ trong Phật viện. Đứa con gái được tuyển làm vũ nữ, người mẹ ngày ngày vẫn nấu cơm chay cúng dường sư Cụ, vẫn lặng lẽ đến Phật viện dọn dẹp vào sáng sớm và mỗi chập tối rồi về ngồi dưới chân Phật tụng kinh sám hối. Một sáng cánh cửa bỗng mở toang, ánh nắng sớm chiếu vào như lưỡi gươm. Đứa con trở về gặp mẹ lần cuối. Tiên Thiên gặp mẹ lần cuối… Tôi cũng từng đến thăm đền thờ Pô Ino Nagar, trung tâm tín ngưỡng toàn năng kiêu hãnh kể cả quãng thời gian đầy biến động của vương quốc Chăm. Nhưng ở đây không còn dấu Tiên Thiên nữa, ngoại trừ vết tích chiến tranh và tiếng thảm sầu của tập thể người vút lên từ đáy vực.

***

Thiếp đang lún xuống đầm lầy. Cứu thiếp. Chàng nghe không. Sao mẹ không nghe thấu. Sao sư Cụ chưa nghe lời kêu cứu từ thiếp. Chàng ơi, mọi vật xung quanh lún dần. Bầu trời thấp hơn. Những đoàn ngựa tung vó, những chiến binh vẫy vùng khua giáo cũng đang dồn lại lún dần xuống hố thẳm. Thiếp đã thấy chàng, trên con ngựa huyết dụ, màu máu đang thâm dần, như khô đặc. Chàng cũng đang lún, chỉ có cây giáo chỉa lên chờ sự cứu rỗi từ vòm trời trắng đục.

Và hình như… có tiếng vọng. Thiếp mơ hồ nghe tên mình, một cái tên mờ nhòa tan loãng. Thiếp có ích kỷ chăng, sao thấy chỉ duy mình khổ đau. Cuộc chiến này dường như gây ra nỗi đau cho thiếp. Không ai có thể đau hơn. Không ai. Ngoài thiếp và chàng. Tại sao thiếp không phải là cô công chúa trở về trong vòng tay người tình. Tại sao chàng không thể cứu thiếp. Ôi!, chàng đừng trách, tại sao thiếp không thể cứu chàng. Tại sao thiếp và chàng lại đứng ở hai bờ chiến tuyến. Sao chàng xuất hiện trong đời thiếp. Hai quốc gia ngàn dặm xa, sao chúng ta lại gặp để lạc nhau trong một cuộc chiến thảm sầu. Lửa vẫn đang bốc lên từ dàn thiêu. Lửa ô uế bầu trời.

***

Tôi giận người tình của Tiên Thiên từng dẫn quân đánh vào nước Việt. Tiếng nàng kêu thật não. “Trên ngai vàng kia là một linh hồn. Thiếp không thể yêu một linh hồn. Chàng nơi đâu? Thiếp đang phải theo đội quân hàng trăm ngàn người, đã gần tới kinh đô nước chàng; thiếp phải phục vụ trong những cơn say chiến thắng và cả chiến bại. Có nỗi nhục nào hơn!”.

Tôi muốn lao mình xuống căn gác xuyên qua đội quân đến với nàng, cùng nàng chạy khỏi cuộc chiến, chạy khỏi lãnh thổ đến nơi hoang vắng tuyệt cùng. Nhưng một người lính có thể làm được gì. Một thân thể tàn tạ sau những cuộc hành quân liên miên. Suy kiệt.

Đành một chuyến ngược dòng lịch sử, tôi tìm lại những chiến tích đầy uy vũ trong cuộc chinh phạt vương quốc của Tiên Thiên. Tôi tìm đến cả núi Ngọc Trản, nơi từng quản thúc một vị vua Chăm, để xem mặt có phải là người tình của nàng. Tôi sẽ xử trước lúc ngài lãnh án từ thiên thượng. Nhưng nỗi thất vọng dày thêm. Tôi lang thang qua những kho chiến lợi phẩm. Những hình hài nõn nà, những đôi mắt đen tuyền hun hút; những ngón tay thon bây giờ đen điu khô gầy. Tiên Thiên dạt về đâu. Nàng có bị bắt cùng đám tàn quân, để rất có thể với hàng trăm kỹ nữ trở thành vật sở hữu của các tướng lĩnh thô bạo sau những máu me và bụi cát.

Sức hút của các vũ nữ afsara đã khiến một cuộc tình ngoặt phía tang thương. Vẫn mong sức hút ma lực của Tiên Thiên sẽ lọt khỏi đạo luật ngăn cấm mọi người từ hoàng thân đến thường dân lấy vợ là phụ nữ nước nàng. Rồi tôi liên tưởng đến vị hoàng hậu sinh hạ cho đời Tiền Lê đến hai ông vua, chính là một di nữ như nàng. “Cứu thiếp chàng ơi!” Nhiều lần tôi đã vùng khỏi bóng đêm mở rộng cửa. Gió từ muôn trùng thổi về. Tiếng nàng len lỏi mong manh như hơi thở nhẹ nồng ấm trong giá buốt tàn đông. Tôi cầm giáo nhảy lên thân ngựa lao điên dại trên ngọn đồi cát. Đỏ như máu vừa được hong khô. Phía thật xa bên kia sông, dàn thiêu còn đang rực cháy. Lửa bốc lên quấn lấy một hình hài quặn thắt. Cô dâu đã xuôi về bản quán. Lửa tung lên nền trời vô vàn sợi đỏ đan xem. Lửa trắng trong. Lửa hân hoan. Lửa mê man khúc miên trường tăm tối. Tiếng ngựa hí dồn. Tiếng thét gọi từ rất xa dàn thiêu: Dập lửa! Lệnh vua: Mau dập lửa. Cứu người. Hãy dập lửa cứu một linh hồn!

“Cô dâu đã xuôi về bản quán”. Tôi giật mình bởi tiếng gọi bâng quơ như câu nam ai trong đêm quạnh. Bóng tháp đổ xuống như một vị thần. Ngôi tháp chàm trơ trọi giữa sa mạng. Tôi vùng mình, tấm chăn mỏng tung lên rồi tan thành sương. Sóng trăng xanh trải miên man. Không tiếng vó ngựa. Đám rước hẳn còn rất xa. Cô dâu có lẽ chưa đặt dấu chân thon lên miền cát hoang liêu này. Nhưng tôi đã mơ thấy đoàn quân của vua đón dâu từ lúc mình lịm đi ở những giây đầu tiên. Tôi thấy nàng dâu và ai đó sánh bước giữa tiếng hô vang dội, giữa rừng mưa hoa và nữa là nhịp trống dành riêng cho tốp vũ nữ với điệu múa thiên tiên trinh khiết. Tôi ước một tấm gương lớn, soi xem có phải là khuôn mặt mình đang trong giờ phút hạnh phúc thiêng liêng. Nhưng ôi. Tôi giật mình trước dung nhan của nàng; nàng – một vũ nữ tiên thiên đang khiến trời đất xiêu đảo.

Cơn buồn ngủ kéo tôi vật xuống. Tôi lại vùng dậy, và cảm giác cái đang ngồi dậy được chính là một linh hồn. Tôi lê bước ra bờ sông. Bến xưa hiu hắt. Con thuyền chở nàng dâu mất dấu trong màn sương trắng. Tiếng kinh sám hối nghiệp tình loang theo sóng thời gian, dạt vào lòng cắt cứa.

***

Tôi đã thấy người vũ nữ ấy – Tiên Thiên. Tôi dường như gặp lại nhân tình từ tiền kiếp. Tôi dường như nhớ lại tiền kiếp của mình, nhớ lại khuôn mặt từng xuất hiện ở một góc thế gian nào đó…

Thiếp gieo mình vào lửa cảm nhận tấm thân nhẹ hơn một chiếc lá. Nhưng sư Cụ đã vớt. Bồng bềnh trên gió. Thiếp lên cao dần, xa dần cái mùi nồng khét lẹt từ ngọn lửa ô uế. Mẹ? “Bởi quá nặng tình máu mủ, mẹ con không thể lên cõi trời, đã đầu thai…”. Thiếp gào lên như đứa trẻ tỉnh giấc trên chiếc giường vắng lạnh. Sư Cụ vẫn tọa giữa hư không. Thiếp mất mẹ. Mẹ và thiếp đã thuộc về hai cảnh giới. Thiếp còn ngồi đây làm gì. Chờ ai? Nếu không phải chàng. Thiếp không thể tìm mẹ, dẫu giữa thiếp và chàng cũng thuộc về hai cảnh giới không thể sờ chạm được nữa chàng ơi.

***

Rùng mình. Cơn mê sảng. Tôi chưa thoát khỏi xác thân. Làm sao tôi tìm được nàng nếu không thoát nổi xác thân này. Tôi muốn đến tận cùng cõi Trung giới, thỉnh sư Cụ về mối oan duyên. Không thể. Tôi tự phán xử tôi. Tôi dày vò bản thể. Nàng trôi dạt nơi đâu trong cổ sử, trên những bi ký, trên những văn tự cổ và cả trong huyền thoại, trong giấc mơ tôi ám ảnh. Ôi, mấy ai phán xét lịch sử phong kiến để tạc tượng cho những hồn oan có xác thân an ngụ. Tôi muốn rũ xuống bên chân tháp, muốn gục xuống bên ngôi đền lăng thờ các vị vua giáng họa má hồng. Chạm tay vào bức phù điêu vũ nữ, bây giờ thực không còn Tiên Thiên nữa. Sự tàn khốc và vô cảm của chiến tranh đã biến tấm thân toàn bích màu ngọc của mỗi vũ nữ trở nên xáp rạp như chính họ đang hiện trên phiến sa thạch kia. Ngoại từ Tiên Thiên. Tôi đã đánh cắp nàng về. Từng đêm tỉnh giấc tôi vẫn bật điện ngắm nhìn, đợi linh hồn nàng nhập vào rồi bước ra ngã quỵ vào tôi.

Tôi lại cầu thần Chén hiện về, nhập vào cái chén chạy qua từng ô chữ cái hiện dòng tin nàng đã gửi vào thinh không. Nhưng, ngài mất tăm. Linh hồn người Hời nào đó đã tuyệt giao với tôi, không còn nhập vào cái chén gửi về thông điệp. Cái chén trở lại với nguyên nghĩa một vật dụng tầm thường. Tôi lật ngửa chén, với tay rót rượu vào, trước lúc uống vẫn nhìn xem có ai hiện dưới đáy không. Thần Chén, hay đó là khuôn mặt tôi thoáng gặp lúc hồn mình lơ lửng trong phòng cấp cứu. Rồi sự sống thức giấc, một khoảnh khắc chưa từng xảy ra trong đời đã làm thay đổi toàn căn mạng. Đơn giản, vì tôi đã gặp gương mặt như khuôn đúc với vũ nữ trên bức phù điêu trên một đền tháp linh thiêng. Thần Chén đã làm trung gian để tôi biết đến nàng, nói chuyện với nàng, và có lúc tôi phiêu du mà chút nữa không còn kịp quay về. Nhưng rồi một lần vị thần tôi hằng tôn kính ấy bỗng lỡ lời lộ chuyện ép uổng tư tình với Tiên Thiên. Tôi vẫn nghĩ bởi có ý tưởng (và có thể cả hành động) xấu xa, nên thần Chén bị lôi đi đầu thai vào loài vật mất rồi? Bỏ lại tôi, bỏ lại bàn cờ tâm linh xỉn mốc với những xác chữ không nhớ nổi tên nàng.

***

Bật khóc. Vợ tôi hiểu. Nàng lý giải được phần nào những giọt nước mắt của người đàn ông chung sống mấy mươi năm. Cũng có lần tôi đưa vợ thăm phố cổ, dẫn nàng đến những ngôi tháp Chăm. Tôi lại có dịp hồi tưởng một vũ nữ trác tuyệt từng ảnh hiện trong cơn mơ triền miên, trong một lần tôi chết hụt hồn vừa chớm lìa thân. Chợt thấy nàng. Tôi bỗng tỉnh lại trong cơn nhức thấu gan óc. Tiên Thiên đâu rồi. Tôi chưa chết? Vợ thấy tôi sống lại nhảy lên ngoài phòng kính… Người con gái mang dòng máu Lạc Hồng đó một lần bên tôi bên ngôi tháp sừng sững, nếu dốc ngược thời gian biết đâu sớm trở thành một di nữ trong đêm trường tao loạn. Liệu tôi có tiếc nuối lần mò như từng lần theo dấu son trên bàn cờ tâm linh với những ô chữ cái hợp thành một cái tên vĩnh viễn không xóa được: Tiên Thiên.

Mãi quanh chân tháp, mỗi vòng là quãng đời ngắn ngủi của tôi trong chiều thời gian vô lượng thiếu vắng nàng. Vẫn nghĩ chính giữa tháp là huyệt mộ của vị vua đã khắc bóng dáng Tiên Thiên vào tâm khảm. Dẫu sao với tôi đó là hành động nghĩa hiệp nhất của ông. Nhưng “sự thật” ấy vốn truyền thuyết. Không có huyệt mộ. Hay huyệt đã bị quật lên, người ta moi hết báu vật và chẳng mảy may để ý đến bộ hài cốt quyền uy đang dần hóa bụi. Vợ tôi ngồi bên vách, ở đó không nhìn thấu đỉnh hỗng đang trôi đến một mảng mây xám. Nàng chú ý đến bầy dơi như tái sinh từ muôn kiếp xàn xạt vờn bay. Thần Shiva đã sáng thế chuỗi tâm thức trên sự điêu tàn hoang phế. Thời gian. Những viên gạch được nung kỹ nay nước da ngả màu vàng sậm. Đến bao giờ tôi mới nhận diện hết thảy hồn oan còn vật vờ trong mây gió. Đến bao giờ tôi gặp lại Tiên Thiên như từng gặp trong giấc mơ, trong tiềm thức, trong nỗi ám thị về một khuôn mặt hiện rõ trong lần linh hồn tôi bỗng lao lên trần của căn phòng cấp cứu.

***

Vợ tôi không hiểu hết, nàng cũng không đoán nổi bầu thai đang mang kia, là ai trong tiền kiếp? Bí mật riêng tư về một không gian mầu nhiệm, để tôi không phải là người điên trong mắt vợ, là một kẻ bội tình dẫu trong tâm tưởng. Thần Chén từng trải ra tấm địa ngục biến tướng đồ, chỉ rõ những hành vi tà dâm của người vùng vẫy khỏi giới luật vũ trụ, nhận lãnh hậu quả nghiệt ngã kì cùng. “Đáng thương cho kẻ bệnh tật hành hạ bởi ý nghĩ về một người con gái khác ngoài vợ ngươi”. Tôi thấy lửa ngập ngập, khói ngút ngàn. Những người đàn ông bị đốt sinh dục trăm ngàn lần. Nhưng tôi còn lao theo tiếng kêu thảm của nàng từ quá vãng. Tôi vẫn nghe tiếng gọi thao thiết của vợ mỗi đêm nàng bị thai nhi đạp nhói đau, không thể ngủ và tóc nàng chuyển dần qua bạc.

***

Mây vẫn vờn trên đỉnh tháp được gội rửa bằng sương và nước mắt. Cuộc chiến không thể át nổi tiếng kêu của Tiên Thiên. Tôi sợ phải nhớ đến dẫu là khoảnh khắc cùng nàng chân trần chạy khỏi kinh thành, rồi mất lối. Nỗi nhớ gợn lên sợ rằng đền tháp kia lở lói. “Cứu thiếp. Chàng ơi… Cuối cùng thiếp đã gặp đức vua”. Nàng reo vui hay gọi lời bi thiết. Vẫn chìm trong ảo mộng, tôi nhớ lại mình kiếp nào bị đọa làm cội linga, vặn mình lật cả ngôi tháp để hóa giải lời nguyền. “Giá thiếp không là con của mẹ, thiếp không được tuyển làm vũ nữ; vua không để mắt đến thiếp. Giá chàng không cùng trong đoàn đến giải cứu cô dâu… Thiếp không nhìn thấy chàng. Giá vua không hề biết đến hai ta, hẳn cuộc chiến đã tắt. Chàng ơi, lạnh lùng. Hoang vắng. Thiếp co mình lại và đang nhỏ dần đến bằng hạt bụi. Thiếp đang trôi vút trong tiếng râm ran của loài phù du ăn khuya…”.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận giấc mơ và sự thật ngoài đời nhòa vào nhau đến thế. Cảm giác cái đời thực này mới chính là giấc mơ; còn giấc mơ có tôi và nàng là sự thực nghẹn lòng buốt nhói. Đôi lúc tôi còn mơ tôi và nàng dắt nhau chạy băng qua sa mạc, bơi qua dòng sông rồi tiếp tục dìu nhau qua khu rừng ken đặc xác của bầy linh hồn sau cuộc tranh giành đầu thai vào mối tình rực lửa; cả hai thoát khỏi giấc mơ. Tôi và nàng kiệt nguồn sống, vẫn bò lại gần nhau cố chạm vào sự thật sau giấc mê muôn trùng…

Tôi vùng dậy. Ướt đẫm. Nóng ran người. Lửa từ dàn thiêu như đang bén đến căn phòng hạnh phúc. Tiếng ai oán vẫn phát ra từ đâu đó, ngoài vườn hoang, trên mái nhà hay từ dưới góc giường. “Cứu thiếp. Chàng ơi cứu thiếp! Lửa đang bốc lên. Mái tóc của thiếp, ôi bàn tay của thiếp cũng bén lửa rồi”. Tôi lạnh gáy bàng hoàng. Tiếng oan khiên ở đây, ngay dưới tấm chăn mỏng, len ra từ vòm bụng nở đầy của người con gái đang ươm mầm hạt giống của chính tôi.

Theo Ngụy Nguyên/Vanvn