Lửa xuân nồng thắm cả miền thương

829

Lê Bá Duy

(Đọc “Mùa đông và em” tập thơ của Nguyễn Thị Phụng, NXB Hội Nhà văn, 2021)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cần mẫn như con ong hút mật về làm tổ, Nguyễn Thị Phụng sáng tác với niềm đam mê nhất là khi về nghỉ hưu trước tuổi. Mười ba năm, mười đầu sách (2 tiểu luận, 4 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 2 tản văn và 1 tạp văn), nếu không có đam mê sao chị có thể viết nhiều như thế được! Cứ nhìn vào tác phẩm, thời gian sáng tác và in ấn ra mắt bạn đọc ta sẽ hình dung khao khát viết, in sách để sẻ chia tác phẩm luôn thôi thúc Nguyễn Thị Phụng, đó cũng là động lực giúp chị vượt qua bệnh tật để tồn tại với cuộc sống này. 

“Mùa đông và em” tập thơ của Nguyễn Thị Phụng

Đấy, tác giả của tập sách “Mùa đông và em” mới ra lò tháng 8 năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, cười như hoa cuối mùa: “Chị tặng em tập thơ bằng file PDF đọc trước, khi nào hết giãn cách mời em đến nhà nhận sách tặng…”. Hồn nhiên như cuộc sống, như thơ chị nhưng dễ nhận ra khát khao cháy bỏng được chia sẻ cùng bạn đọc.

Cái tựa đề “Mùa đông và em” gợi cho tôi một nỗi buồn nhiều hơn là vui! Nếu đời người được ví như bốn mùa thì “mùa đông” là mùa cuối cùng của một đời người và “em” có phải chăng là tác giả-nhân vật trữ tình của tập thơ?! Vậy thì sau “Mùa đông và em” sẽ là “nán lại với bình minh” hoặc “đốm lửa mùa đông”… chứ không thể tái sinh “mùa xuân và em” được.  Bởi như “Tựa” chị đã viết: “Cuộc đời tựa mấy vòng xoay… Bụi trần gian cũng cuốn quay quanh mình”…

Tôi lần lượt bước vào khu vườn “Mùa đông và em” để thưởng thức 69 “bông hoa thơ” đẫm đặc một tình yêu mà chị gửi gắm vào trong những sắc hoa tươi thắm ấy. Mở đầu là “Tự bạch” của tác giả:Từ trăm năm trước ta chưa có/ Cho đến bây giờ ta có ta/ Cảm ơn mẹ, cảm ơn cha/ Cảm ơn nội ngoại sinh ra đóa hồng”.

Đó là hiển nhiên vì ai cũng biết: Thời gian ta chưa ra đời, thời gian ta tồn tại và chưa biết sẽ lãng đãng cõi trần bao lâu, nên ngẫm mà tạ ơn ông bà, cha mẹ đã sinh ra ta trong cuộc đời này, để biết được vui buồn khổ cực kiếp người như thế nào! Thường “Tự bạch” – tự giới thiệu tuổi tác, chiều cao, có thể khắc họa chân dung… nhưng với tác giả sau sự hiển nhiên ấy, không phải là điều mà ai cũng biết mà đó là sự trân trọng thời gian của mình để làm được những gì mà mình cho là vui là có ích đó mới là điều muốn nói…

Khác với những tập thơ trước, ở tập này Nguyễn Thị Phụng chắt chiu từ ngữ diễn đạt và cảm xúc được nén lại rồi đẩy lên ở mức độ cao hơn. Ví như “Mùa đông và em”:

Sợi nắng dưỡng sinh quanh miền sa mạc

Được thể

gió rít từng cơn rét buốt da người

bấc phùn khó nén

phả theo ngày xám xịt sầu đông

Ngoài tầng nghĩa ban đầu, đoạn thơ mở ra một trường liên tưởng trên những tầng nghĩa khác. Thơ là như thế vì thơ không đa nghĩa thì thơ không hay. Nhưng khổ thơ đầu cũng chỉ là khổ thơ làm tiền đề để nhà thơ gửi thông điệp muốn nói vào cuối bài thơ mà thôi: “Mùa đông và em dậy thì/ ken nhau nhóm bếplửa xuân nồng thắm đượm cả miền thương…” thì ra mùa đông chỉ là cái cớ mà tác giả mượn để bộc lộ tấm lòng xuân thì của mình luôn cháy bỏng cuộc sống; “ken” là “chen”, “nhóm bếp lửa” nhưng “ken” hay hơn “chen”, một kiểu dùng từ mà ta đã từng gặp ở Y Phương: “Vách nhà ken câu hát”; có điều “ken” mà Nguyễn Thị Phụng dùng đi kèm với “nhóm” để gợi hình ảnh ấm áp quen thuộc trong mùa đông mà con người cần đến: “bếp lửa”! Xét theo trường liên tưởng thì các từ “dậy thì”, “ken”, “nhóm” “nồng thắm” “đượm” đều là những động từ, tính từ mạnh, khơi gợi được ấn tượng và cảm xúc cho độc giả. Thế mới biết rằng “Miền thương” của tác giả thật nồng thắm và bao la vô cùng…

Nhà thơ là người sáng tạo. Muốn sáng tạo thì phải luôn tự làm mới mình nếu không muốn mình dậm chân một chỗ. Hiểu điều đó, Nguyễn Thị Phụng mỗi ngày luôn cố gắng làm mới chính mình bằng thi ca. Nếu như những bài thơ ở các tập trước, thơ Nguyễn Thị Phụng hiển hiện cảm xúc rất rõ qua từ ngữ mộc mạc chân chất cái tình của người làm thơ đối với quê hương, con người và cuộc sống thì ở tập thơ này, tác giả biết dồn cảm xúc lại qua dùng hình ảnh ngôn ngữ chắt lọc để rồi cảm xúc đó được bạn đọc giải mã qua cách cảm cách hiểu của mình. Như vậy tự nhiên hơn, nhẹ nhàng hơn và hợp tình hợp lý hơn: “Chào ngày mới nhưng sao mình vẫn cũ/ Trái đất ừ, ta có khác chi đâu/ Chỉ mưa nắng đủ phép màu định vị/ Cả đất trời cùng vạn vật lung linh…”.

Tôi thích cái lối diễn đạt này của chị:

Nhập cửa Phật mà người còn phàm tục

Tiếng chuông chùa mắc cạn chân không…”

Đến gần tuổi thất thập rồi chị mới ngộ được mặt trái cuộc đời của con người trong xã hội. Và tôi cứ trăn trở mãi âm thanh “tiếng chuông chùa” “mắc cạn chân không”. Âm thanh ấy sao không thoát ra được cái chốn hồng trần đến với niết bàn gần hơn. Như vậy nhà thơ khát khao luôn tự làm mới chính bản thân mình như làm mới thơ, và ngộ ra muốn thơ mình luôn mới thì cần gạt bỏ tạp niệm sân si, rũ bỏ “tháng năm dài quyến rũ” và “hình hài nhung lụa” thì chính mình sẽ dễ tiếp nhận và thể hiện cái mới trong tác phẩm.

Nguyễn Thị Phụng đã làm mới thơ bằng làm mới hình ảnh trong thơ. Bài thơ “Gạo ơi”“Hình hài của gió” nói lên điều đó rất rõ. Với “Gạo ơi” nhà thơ đã nhân hóa cây gạo biến cây gạo thành nhân vật gần gũi với con người hơn. Nhưng cốt yếu nhà thơ xây dựng một hình ảnh con người cao tuổi “gánh cả chiều rơi” bi thương trong cuộc đời lắm tai họa do con người và thiên tai mang lại, thông qua hình ảnh cây gạo “dáng gầy” “bên góc đời” “tần ngần” “cháy đỏ” trần gian…

Hoặc “Gió chẳng thổi về đâu bởi nó nằm trong chiếc lồng tre con con tuổi thơ ngày ấy/ bên đường làng có hàng rào mút mật, bên góc keo già nhễ nhại mồ hôi,…/ Gió chẳng thổi về đâu trong trận đá cầu, chơi ô quan, chọi vụ(*), mấy đứa giành nhau gương mặt đỏ lòm…” nếu không có “ngọn Nồm thả cánh diều lên”.

Cái mới còn thể hiện trong nhiều bài thơ khác của Nguyễn Thị Phụng như “Tháng Giêng xanh”: “Hạt mưa thèm quấn quýt/ Níu kéo nàng xuân chơi”. “Hạt mưa” và “xuân” được nhân hóa thật dễ thương, nhà thơ muốn níu kéo thời gian xuân trẻ đời người mãi ở lại bên mình để tận hưởng sự ấm áp, hạnh phúc của con người mà dễ gì mấy ai có được…

Hình ảnh “Mặt trời trong lá sen…” thật độc đáo! Tứ thì không mới nhưng ý thì mênh mông như vũ trụ. Mặt trời gói trong giọt sương mai đọng trên lá sen gợi lên một liên tưởng đặc sắc: gom vũ trụ vào trong một chiếc lá nhỏ bé qua hình ảnh giọt nước lung linh nắng sớm ban mai; nhưng cái mà tác giả muốn nói là sức ảnh hưởng lớn của mặt trời làm con người sống nhân hậu hơn, ý nghĩa hơn và tốt đẹp hơn…

Hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nhà văn là người phản ánh hiện thực khách quan qua lăng kính chủ quan của mình. Bởi cuộc sống đa dạng nên tác phẩm của nhà thơ cũng phong phú và nhiều đề tài khác nhau. Thật là buồn nếu tác giả không viết được những bài thơ bộc lộ suy ngẫm, cảm xúc lòng mình về những vấn đề nóng hổi đương thời mà cả xã hội quan tâm, lo lắng. Nguyễn Thị Phụng là nhà thơ luôn nhạy cảm trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội nên thơ chị cũng đẫm đầy suy tư, trăn trở. “Khung trời và ô cửa” là một bài thơ thú vị. Thú vị ở sự liên tưởng hình ảnh “mặt trời” – “mặt người”; “mây” – “khẩu trang”. Thực trạng về dịch bệnh đang xảy ra toàn cầu trong đó Việt Nam cũng đang oằn mình chống dịch, đau đớn trước chia ly, tang thương cho biết bao người, bao gia đình. Hàng triệu triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và hàng triệu người tử vong. Do vậy phận người thật quá mỏng manh, nhưng thơ chị không bi lụy, vẫn hướng về một ban mai ấm áp với khát khao an lành.

Chưa đủ, tác giả còn thể hiện suy ngẫm về những kẻ “mưu toan” rắp tâm gieo rắc dịch bệnh cho nhân loại. “Trên gương mặt người” là bài thơ có đề cập khẩu trang như “lá chắn” bảo vệ và hạn chế sự lây nhiễm co-ro-na qua đường không khí. Hướng con người đến lòng nhân ái với lòng nguyện cầu “mong an nhiên” đến với mọi người:

“…Trên gương mặt người ngột ngạt khẩu trang

rễ kí ức khô dần, cây đâm cành nhân ái

Tỏa bóng xanh, hoa thắm vàng, hương quyện

Mùi thời gian dị ứng cũng qua mau

Vút hàng mi khép mở

Nhẫn nại một cái nhìn

Hồi thái lai ấm áp ánh an nhiên”

Vẫn còn nhiều bài thơ khác trong tập có đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội như “Tổ quốc và mẹ”:

“Tổ quốc ơi, người Mẹ bao dung

Thuở chống giặc lấy chí nhân thay cường bạo

Thời Covid-19 âm thầm bao bức xúc

Lấy ngăn ngừa, giãn cách,… chặn lây lan…”

hay “Dịch”:

Bão tố qua rồi trời lại trong veo

Thêm câu ca dao cánh cò, cánh vạc

Chân dẫm bùn non bờ tre biêng biếc

Xanh cả ruộng đồng xanh một ban mai

Hoặc “Có còn một đóa vô ưu”:

Chim dương tính trên cành

Quên tiếng hót hàn vi

Lụt lội cả chúng sanh

Quên bữa tiệc mặn chay

Rần rần bia bật nắp…”

Do vậy mà đọc những bài thơ của Nguyễn Thị Phụng ta dễ nhận ra ẩn sau cách diễn đạt nhẹ nhàng đầy nữ tính ấy là cả một nỗi niềm nhân thế, là khát vọng hạnh phúc cho mọi người. Đơn giản lắm nhưng cũng rất chân thành!

Ngoài thơ tự do, lục bát của Nguyễn Thị Phụng cũng mượt mà đằm thắm. Thử đọc “Học phí” mà xem:

Dễ gì được trọ trần gian

Cho ta hưởng phúc thiên đàng hôm nay

Ngày mưa tháng nắng đong đầy

Luống cày đồng bãi quắt quay gió lùa

(…)

Dễ gì xa cách muôn trùng

Thuận buồm người lại ung dung lộ trình

Một trang giấy mới hồi sinh

Một câu thơ chuyện đời mình được chi.

“Học phí” – cái giá mà nhà thơ phải trả là cả một cuộc đời đắm mê với văn chương và hết mình cũng vì nó. Hiểu được bài thơ ta cảm thông với nhà thơ khi viết đến dòng này: “Một trang giấy mới hồi sinh/ Một câu thơ chuyện đời mình được chi”… Đó cũng chính là niềm vui, là điểm tựa tinh thần trong cõi người mà tác giả biết rằng cho dù tất cả đều vào cõi hư vô mà thôi.

Tình yêu gia đình nhất là yêu kính mẹ cha luôn thường trực trong lòng những người con hiếu thảo. Nhiều nhà thơ viết về cha, mẹ về gia đình cũng là điều bình thường nhưng viết như thế nào là còn phụ thuộc vào yếu tố cảm xúc đạt đến độ chín, cộng với tứ thơ và tài năng biểu đạt ý thơ bằng ngôn ngữ đắt ý. Nguyễn Thị Phụng viết những gì mình cảm, mình nghĩ một cách chân thành, mộc mạc, giản đơn theo kiểu nghĩ sao viết vậy. Trong cái đêm 30 Tết đầu năm này, không ngủ được, trằn trọc mãi, di ảnh người mẹ trong tấm bia mộ cứ ám ảnh, làm người con nghẹn ngào trước mộ mẹ không nói nên lời, rưng rưng khói hương quyện trắng chân trời:

Đẫm nắng gió lau chiều phơ phất

Trắng cả vùng sương khói màu mây

Trước mộ má lần này đâu nén được

Phất phơ chiều lau lại… nào hay.

(Lau chiều)

Nghĩ về mẹ nhà thơ lại nhớ lời dặn của cha nhắc nhở người con “bưng bát cơm đầy” hãy nhớ đến công lao của người làm ra lúa gạo nhớ đến công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ: “Đừng và vội những cao lương mĩ vị/ Chớ đắn đo cơm tấm muối vừng/ Bởi hạt thóc nhọc nhằn mồ hôi mẹ/ Những con đường nắng đổ bố đi qua!/ (Lời cha)

Tình cảm gia đình còn thể hiện ở lòng thương yêu người chị vĩnh viễn ra đi không bao giờ gặp lại đầy xúc động:“Chị trở về với anh đường rải vàng cánh cúc/ Tiếng kinh kệ a di đà… buông, giục/ khóe mắt cay cay/ Bên chị có các con, các em, các cháu,…Chông chênh lối nhỏ ngang đời/Chị ơi, tám mươi năm cuộc người!… (Thương chị)

Hoặc trong bài “Lòng quê” ghi lại cảm xúc của mình khi người anh Nguyễn Trọng Cảm ra đi, đọc lên, ta không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Anh về nơi an nghỉ/ Cánh cúc theo chân có bình yên, lặng lẽ/ Kịp hóa vàng tầm tã những hạt rơi…”.

Còn nữa tình cảm của nhà thơ lan tỏa yêu thương đến những “thiên thần áo trắng” – những người thầy thuốc hết lòng tận tụy với bệnh nhân mà không hoảng – ngại hiểm nguy tính mạng. Trong những ngày này, đọc đến bài thơ “Mỗi khi trái nắng trở trời” tôi nghĩ đến những người thầy thuốc hiện tại đang oằn mình chống dịch trên cả nước ta nói riêng, mà xúc động, mà kính phục. Cả ngày không ngơi nghỉ với bộ đồ bảo hộ nóng nực khô người với khẩu trang che kín mặt thiếu ô-xy, hít thở khí trời khó khăn mà vẫn hết lòng vì người bệnh… Tôi tin khi viết những dòng dưới đây, tác giả đã từng là bệnh nhân từng chứng kiến “những thiên thần áo trắng” tận tụy với nghề, lòng người viết cũng rưng rưng không ít: “Có nằm viện mới hiểu lòng thầy thuốc/ Tấm gương soi y đức sáng ngời…/ Mỗi khi trái nắng trở trời/ Quả xanh cũng nám riêng người an tâm (Mỗi khi trái nắng trở trời).

Thơ của Nguyễn Thị Phụng là thơ tâm trạng, trăn trở trước cuộc sống, con người, thế sự rồi đẩy cảm xúc lên cao bật ra thơ. Có bài viết tự nhiên theo mạch chảy cảm xúc nên có sức hút người đọc, có bài viết nén cảm xúc lại nhưng từ ngữ đôi khi ép chữ nên người đọc bị khựng lại suy ngẫm để đồng cảm, sẻ chia cùng với tác giả. Đời thơ của một tác giả tìm được những câu thơ, bài thơ hay để đời đâu phải lúc nào cũng đễ tìm… Với tập thơ “Mùa đông và em” lần này của Nguyễn Thị Phụng vượt trội hơn ba tập thơ trước rất nhiều cả về độ chín cảm xúc và thi pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong việc diễn đạt ý tưởng, tâm trạng ở các bài thơ.

Tựa đề tập thơ: “Mùa đông và em” có hai chủ thể một của thiên nhiên, một của con người. “Mùa đông” gợi đời người đã ở ngưỡng già, hoặc gợi thời tiết lạnh lẽo, cô đơn; “Em” gợi sự trẻ trung sôi nổi tràn đầy sức sống. Hai chủ thể trong một tên gọi tác phẩm tương hỗ cho nhau để bộc lộ thông điệp tình yêu con người và cuộc sống của nhà thơ. Chủ thể con người: “em” ấy vẫn hừng hực ngọn lửa xuân thì nồng thắm cả “một cõi đi về”, một “miền thương” nhớ mà cuộc đời này nhà thơ đã sinh ra. Cho dù “Ta không được chọn nơi mình sinh ranhưng được lựa chọn cách mình sẽ sống”. Và Nguyễn Thị Phụng đã lựa chọn cách sống có ý nghĩa như vậy!

Quê nhà tháng 8/2021

L.B.D