“Ngàn thu rớt hột” hay làm sao cho rớt cái hột ngàn thu?
Nhà thơ Bùi Giáng.
Mở đầu
– Nước tới háng rồi, Nhào vô luôn đi, còn đè ĐẦU ra MỞ gì nữa mấy cha ơi!
– Chỉ cần xác con mẹ nó định rằng: mấy cha tìm Giáng hay tìm tui. Tìm Giáng thì đọc Giáng đi, đừng có rảnh háng đọc bài này. Còn tìm tui thì nhào vô lẹ lẹ! Quẹo chọn! Quẹo lựa!
“Ngàn thu” đã “rớt hột”, cách thế đã rồi của sự thể Bùi Giáng. Vậy thì việc đặt vấn đề mở đầu cho vài ba suy tưởng về Bùi Giáng, cơ hồ, chỉ càng khiến cho chậm trễ sự “rớt hột” sao băng giữa trời đêm khuya hoắt lặng lờ. Nói vậy cũng tức là tìm đến thơ Bùi Giáng cầm bằng đổ ngã lập tức vào từ trường thơ và đạo thơ của họ Bùi. Trung niên thi sĩ hiện hữu như trời mưa sao băng, đã giáng thế thành ra Bùi Giáng. Điều này khiến chúng ta không có lý do nhìn nhận Đười ươi thi sĩ bằng luận lý vốn dĩ của loài người. Từ đười ươi ôm mộng giả nhân, đười ươi đã vong bản để thành ra homosapien và trở thành loài người trần truồng, đánh mất lông lá che đậy thân-tâm. Quá trình đó, Bùi tiên sinh thể hiện thành cơn mưa bát ngát, chẳng thể gọi là buồn vì đười ươi vong bản thành con người, hay niềm hân hoan thoát cốt rừng rú dã nhân, bởi thế đứng của tiên sinh toàn hiện trên toàn bộ quá trình biến đổi ấy. Cũng bởi vậy, vài ba lời rỉ rả này chỉ đành bất đắc dĩ chia tách từng khía cạnh tương tự như phân chia tử thi văn bản để tìm hiểu chút ít bóng hình của Bùi tiên sinh. Cho nên, chúng ta sẽ chẳng thấy Bùi Giáng đã giáng thế và làm cho ngàn thu rớt hột như thế nào trong bài viết này. Ở đây, chỉ có cuộc gặp gỡ giữa Bùi Giáng và những kẻ “phù phiếm” nào đó không phải Bùi Giáng.
1. Tiếp nhận trong cách thế Kim Cương
Tiếp lấy rồi nhận, chẳng phải là từ chỗ đầy mà di dịch vào chỗ trống hay sao? Tâm trụ ở chỗ vô trụ là cách thế lấp đầy, trong điệu cách điên rồ của trống rỗng vô ngần vô cùng cực mà dung chứa vô bờ thế giới. Tiếp nhận như cách thế Kim Cương chính là lấy vô trụ để trú trụ vững chắc cương kiện không ngừng. Lập thức tiếp nhận thể theo bộ điệu Kim Cương vậy là cách thế điệu bộ của Bùi Giàng Búi đã và đang dẫn độ thiên hạ cầm thú chúng sanh vào tinh thể thơ ca. Ngã vào lòng Kim Cương vô thượng giới, bệ rồng ngôn ngữ không còn ngữ ngôn nữa. Vô minh ngôn ngữ chính là lối ngữ ngôn thượng thừa trác tuyệt.
Làm sao lấy thân tướng phát ngộ Như Lai. Không thể vậy thay, không thể vậy thay! Thế thì thân tướng ngôn ngữ hù họa và điếm trá có thể nào căng lối mở phơi cho bàn chân giả nhân lông lá, cho bàn tay vượn bầy cằn tục, cho con mắt phàm nhân chất liệu có thể nào bước vào cứ địa tuyệt mù trùng kín mật bí của ngữ ngôn phi ngữ ngôn (tịnh khẩu) được không? Làm sao có thể, làm sao có thể? Vậy thì cần ngữ ngôn cách thế và luận điệu tiếp nhận theo lối phi ngôn ngữ. Mượn đò qua sông thì không thể khư khư giữa lấy con đò. Phi ngôn ngữ và ngữ ngôn kỳ thực không phải đơn sai. Ngôn ngữ chính là phi ngữ ngôn tiền kiếp và ngữ ngôn cũng chính là phi ngữ ngôn mai hậu. Dịch chuyển thông đới giữa ngôn ngữ và ngữ ngôn, phi bất phi ngữ ngôn giữa ba ngàn kiếp trời mù sa mù sương phương chiều chính phụ ẩn hiện, tất cả cũng không hề đơn sai. Vậy làm sao có thể luận điệu ngữ ngôn như là phi ngữ ngôn. Trú trụ ở ngữ ngôn như là phi ngữ ngôn nghĩa là không trụ ở ngữ mà cũng chẳng trụ ở ngôn. Chỉ còn có ngữ ngôn lập tức thần trợ ngã vào ngôn ngữ khai thiên lập thế. Cách thức này may ra có thể phóng ra quang năng lượng tử vô biên cho chuyến du tưởng phi tưởng.
Trên chuyến du tưởng đó có những trạm nào, vả lại có nên dừng nghỉ chân chơi bời chút lát ở các trạm bến đó hay không vậy? Ngồi nghỉ ngơi nhấp một hơi trà ấm cũng hay ho? Bến Tu-Đà-Hoàn, nghĩa là tới chỗ bắt đầu ngồi vô khoang tàu cho phi thuyền cung trăng bắt đầu đốt cháy hột nhân phát tỏa năng lượng. Đó là chỗ bắt đầu nhập vào dòng, là ngồi vào chỗ, là chỉnh tề lột truồng xiêm áo quy hồi dã thú. Có thể không? Và có thể làm được điều ấy không? Tiếp nhận kiểu Tu-Đà-Hoàn là bắt đầu[1] ngã vào chân trời sự kiện của hố đen viễn quy. Là có thể vậy! Nhưng phải chịu chơi. Kẻ tiếp nhận, là “hắn nào đó” bất kỳ. Hắn phải chịu chơi. Nghĩa là phải chịu, thì mới chơi được (không chịu làm sao mà chơi). Chịu cái gì để chơi cái gì? Chịu ngã vào chân trời sự kiện của Giáng là một. Chịu lột truồng và phỉ báng cách thế thượng nhân trí thức là hai. Chịu phi ngã là ba. Bấy giờ chịu hết đã, mới có thể chơi. Có thể thôi, tức lập thành khả thể, chịu được ba cái ấy thì hắn (người đọc) mới có thể chơi thôi. Còn chơi tới đâu là một chuyện khác nữa. Chơi từ Mỹ Tho Mỹ Thỏ tới Sóc Trăng, chơi từ Chợ Thủ về bên hông chợ Lớn, hay chơi với cô mọi nhỏ chơi với em gái núi, chơi với châu chấu giở thói chuồn chuồn hay chơi một mình giữa đồi sim trái chín. Hắn chịu được ba cái ấy, hắn có thể chơi như Bùi Giáng đã chơi Lục tỉnh với Năm Châu.
Rồi tới bước Tư Đà Hàm, đó là bước trở về. Nên nói cách điệu ngàn thu là cách điệu cổ lụy đưa chân dẫn lối quay về. Nhưng không thể quay về được. Quê hương đã sụp đổ, núi thần đã lụn chìm. Quê hương nào, cố quận nào[2], ai mà biết, “chắc là biển xanh dâu chắc là mộng ban đầu rất xa”. Nên cách thế tiếp nhận Tư Đà Hàm cũng là cách thế tiếp nhận hồi quy. Sự hồi quy trong thể tính của nó đã phủ nhận chính nó. Vì ra đi cũng là trở về, vì thái cực cũng là vô cực, Nam cũng là Bắc, Đông cũng là Tây, đi từ Ai Cập sông Nile đến xứ Ấn sông Hằng rồi trèo lên Hy Mã để tụt xuống bình nguyên giữa đôi bờ Vàng thoải và Dài thủy, trôi ra tới Thái Bình bao la (nghĩa là rộng mênh mông bao mày kinh hoàng la hét) của mẫu tính bát ngát, hắn sẽ cập bến hoang dại thổ dân, nghe những bài sấm ký của người thổ dân Mỹ châu về ba thời gian thanh lọc trần thế, ngoi ngớp qua Đại Tây tam giác ma cao mấy trượng để chui vào lồng háng Âu tâm, phủ phục vẻ hào nhoáng của những con Quỷ Trắng căm căm lạnh đến nỗi mặt tái mét; đi-mãi-đi-hoài-đi-miết thôi, cho tới hết xi-bia mới bàng hoàng về cung Càn phương Bắc ngó xuống cung Ly phương Nam. Vẫn là bờ bến hoang dại cố quận năm nào. Cho nên nói, tiếp nhận Tư Đà Hàm là tiếp nhận tuần hoàn tịnh tiến. Cho nên đọc Giáng trong cách thế Tư Đà Hàm là không bao giờ đọc xong vậy. Vì tất cả các ngã đường thông biến lẫn nhau, kết liên lẫn nhau, cho nên đọc đi cũng có nghĩa là đọc lại. Đọc đi – đọc lại, đọc tới – đọc lui, đọc xuôi – đọc ngược, cái nào cũng được, cho nên có thể nói là đọc mãi. Trở lại phương Đông lần thứ “n” thì mặt trời ban mai[3] cũng “n” lần tái lai biến hoạt, có giống nhau chung một vầng thái dương nào đâu. Cái vô lượng ngàn thu trong cách thế đọc Tư Đà Hàm khi mắc mưu sáu Giáng ngã vào cõi ngàn thu chính là cái vô lượng “n” lần như vậy. Cho nên, “tụi mình” (kẻ tiếp nhận chẳng phải Giáng – Phi Giáng) có thể gọi “ngàn thu” = ∞n(∞(n)…..) . Cơ thức này là cái hột mà anh Bật Mã đã lén ăn, vứt ra, rồi rớt xuống Trung phần nước Việt.
Thế còn cái thói A Na Hàm thì răng? Liệu răng Hàm A Na có thể tiếp nhận cái ngàn thu. Làm mẹ gì còn ngàn thu mà tiếp. A Na Hàm răng cỏ đã ngoặm cứng ngàn thu, nuốt mẹ vào trong bụng. Nó là ngàn thu hay ngàn thu là nó, đến mức không phân biệt nữa. Hạnh A Na Hàm Răng không trở lại bởi tại sao vậy? Bởi vì có còn răng cỏ gì mà trở với lại. Biết nhận chân cái thói nư đi tới trở về, dứt khoát với mộng tưởng để mà đi thực thụ, để ngã tròn đầy vào mộng tưởng không phải là dễ vậy. Nhưng cái khoảnh khắc ngã vào ấy mới kinh hoàng làm sao. Sao lại kinh hoàng dữ vậy. Bởi vì hắn (kẻ tiếp nhận) đâu có biết hắn vào lúc nào. Cái khoảnh khắc đó vi tế ti tiểu bất khả giải phân chia tách kỳ cùng cho được, cái khoảnh khắc đó còn nhỏ xíu nhỏ xiu hơn cái chớp mắt vào yêu nữa, hắn đã ở ngàn thu mà không hay biết gì, cho nên kinh hoàng, cho nên có thể hắn sẽ hoảng hốt. Dù gì thì hắn đã ở trong ngàn thu rồi. Họ-Xuân Thu chẳng phải đã nói rồi đó sao, chẳng biết từ khi nào, chỉ ngó lại đã thấy an ngự giữa cõi trời. Thơ Giáng trong cách thế này cũng đồng thời là vô cực và thái cực vậy. Dứt tình với mộng để đi vào mộng tuyệt đích, đó là cái mộng đích thực. Cái mộng ấy còn thực hơn cái thực hề trò bày cuộc làm đời hằng hằng mỗi mỗi.
Tiếp nhận kiểu A La Hán. Vậy thì lúc đã ngã vào toàn triệt không thể biết, ngã vào và thuộc về trong cực tiểu sát na chẳng thể nghĩ tưởng thì bấy giờ hắn đã không còn là hắn nữa, không còn đâu phân biệt kẻ đang tiếp và nhận Sáu Giáng, nghĩa là Giáng hay cái thằng tiếp và nhận ra Giáng đâu có phân biệt nữa. Khi hắn nuốt Giáng vô bụng thì hắn cũng nuốt hắn vô bụng. Vì sao vậy? Vì Giáng đẻ hắn ra, Giáng đẻ ra niềm cơn cớ nguyên do cho hắn (kẻ tiếp nhận) lập thành tiếp nhận. Vậy nên, khi Giáng đẻ hắn ra và ngược lại hắn nuốt lấy Giáng vào bụng thì hắn cũng thành ra tiêu tan. Một dạng sống mà không sống, chết mà không chết. Có thể gọi là A La Hán, là cách điệu tiếp nhận A La Hán vậy. Sao gọi là A La Hán vậy? Bởi vì khi hắn tự hoại diệt bằng cách hoại diệt sinh quyển chữ nghĩa, tiêu diệt cái duyên do hiện hình có mặt của hắn, hắn diệt Giáng, nuốt Giáng, phi tang, tẩu táng, địa táng Giáng thì hắn cũng nằm luôn dưới nấm mồ cùng với Giáng rồi. Cái vướng mắc vào ngã có còn không? Đâu còn hắn, đâu còn Giáng. Hắn có thể bỏ hắn, bỏ hẳn tâm thân hắn để mà nhìn thấy Giáng rồi đãi đằng tiếp rước hậu hĩnh con người, bấy giờ hắn đang ở trong cách thế A La Hán mà tiếp rước hẳn rồi. Thơ Giáng có thể thành kinh điển phượng thờ tín ngưỡng. Nhưng hắn (kẻ tiếp nhận) thật khó mà đười ươi. Để thỉnh được chân kinh, quả là không dễ dàng.
Và ở vô thượng hoàng thiên bát ngát, tiếp nhận trong thể cách toàn hiện chánh đẳng chánh giác vô ngại, đã không còn gì để luận bàn nữa, bởi vì không thể luận bàn. Amita Buddha ! Amita Budda !
MỆT/MẸ/CON/QUÁ/NÓ!
MỆT/MẸ/NÓ/QUÁ/CON!
MỆT/CON/MẸ/NÓ/QUÁ!
2. Tinh thể Ngàn thu đã còn đang rớt hột
Tinh thể Ngàn thu là cái tinh thể như thế nào? Khi cái thể đã tinh đến hạn mức Kim Cương thì có thể còn tinh thể không? Tất Đạt Đa cũng không thể thuyết bất cứ pháp xác định nào thì ngữ ngôn bình dân bãi chợ liệu có thể nói đến chỗ thượng pháp tuyệt đích ru? Hẳn là không thể vậy. Cho nên nói, tinh thể trong nghĩa lý tinh thể đủ đầy tròn vẹn tròn vo thì không thể nói là tinh thể. Cái ngàn thu rớt hột chính là ở chỗ rớt mà thành. Cũng có nghĩa là chỗ vô minh thượng đẳng chính giác vô cùng vô cực không còn nữa, đã lập thành lập định. Định ở chỗ bất khả lập định chính là tinh thể ròng nguyên của Thu. Thu của tinh thể đã thành ở phi tinh thể. Tinh thể hay tính thể hay thể tính hay thỉnh tế hay thế tỉnh không còn nghĩa lý nữa. Tỉnh ở cõi thế hay sự tỉnh và sự thế cầm bằng cũng bào ảnh trò chơi, sao có thể lấy ra mà bàn được. Vậy nên Bùi Giáng phải rỡn, phải chơi, phải mất nết mất nư, phải bày trò làm cuộc thành chơi, đưa bước theo ngữ điệu lãng mộng mà thành du. Ngàn thu rớt hột chính là cái thói mất nết lãng du để có mặt trên mặt đất hoang vu hoang lạnh này.
Lại nói, thực pháp với pháp hay phi pháp bất pháp với thực pháp thực tính có đơn sai bao giờ. Cái ngàn thu này với ngàn thu xưa, cái ngàn thu bây giờ với ngàn thu mai hậu, ai mà cần biết cái ngàn thu nào, cần phải biết ngàn thu nào “làm cái quần què gì”!. Chỉ là NGÀN THU thôi vậy! Cho nên, ngó về tinh thể/thể tính/thế tỉnh/thỉnh tế chi chi đó cũng cứ hãy mù mắt, đui tâm, bại não, cứ hãy diệt ráo trọi pháp-ngữ/pháp-ngôn/pháp-thoại/pháp-tâm/pháp-tính/pháp-thể/pháp-pháp/… để cho sự ngữ ngôn ngàn thu ròng nguyên khởi bày ra phơi trải. Bấy giờ có thể thấy Bùi giáng như là Bùi Giàng Giúi hay có thể nói là sự điên rồ rực rỡ bằng ngữ thức Hoederlin cũng được. Cuộc truy hoan của hai thằng mất nết trác tuyệt phi thường thướng vượt trải từ Đức quốc thảo dã đến Việt quốc đồi sim trái chín bò ỉa tùm lum.
Trong tinh thể và thể tính đó, các giác năng xô lệch, mà nói xô rồi lệch là nói cho có vẻ lịch sự phần nào để những bậc thượng đẳng trí thức có thể bớt tự ái mà nghĩ tưởng ngó lại xót thương cho phận hèn mất nết chăn bò. Nói vậy là nói cho có vẻ bớt du-đãng/du-côn/du-tưởng. Chứ thực tình, các giác năng đã trở nên bát nháo. Sáu Giáng gọi là “tôi nói điệu điên rồ. Ấy là vui vậy!”. Hoelderlin kể cho Giáng và Giáng nói ra những lời phân thân như thế. Rồi hai thằng chả lấy vui làm cuộc, lấy tiếu làm trò, lấy ngả ngớn làm di dịch, lấy phụng hiến cúng tế vô biên làm cái hướng để ngó tới mai hậu liên hoằng. Thành ra, giác năng của ý làm thức, giác năng ấy đã loạn. Sự loạn của trác tuyệt vô biên. Giác năng ấy chỉ là giác năng hôn mê. Hương liệu mê sảng làm cho ý được thức, Ý cũng lập từ chỗ đó. Nhưng nói nhiều vậy để làm gì, nói chi mà lằn nhằn thấy ớn! Ấy là bởi vì phải nói để mà ngõ hầu quỳ lạy thượng đẳng trí thức, chớ có bám lấy gót chân giác năng để truy-tìm-truy-đuổi-truy-bắt giác năng chữ nghĩa. Sao gọi là giác năng của chữ, vì giác năng của chữ đánh động bản năng sáng suốt của thượng đẳng trí thức. Nhưng làm vậy, cầm bằng đã gán ghép ép uổng giác năng cho chữ nghĩa. Những con chữ của Sáu Giáng đâu có thứ ngũ năng ngũ uẩn phiền trược đó. Nên muốn nhắc các bậc thượng tôn hàn lâm, chư vị thượng thừa trí giả đừng có mà ép uổng chữ Giáng thành ra thói bá vơ ngũ uẩn nhem nhuốc nhầy nhụa ấy. Thôi cứ ngó lấy ở đó bóng hình và mùi hương ròng nguyên bất khả phân tách, bất khả lập định, bất khả lập thức. Làm ơn lập thức ngàn thu ở chính ngữ điệu bất khả lập thức của nó. Làm ơn! Và cũng xin quỳ lạy mấy cha mấy mẹ hàn lâm tại thượng ba ngàn lần.
Tinh thể mù khơi – Có thể không mù khơi được chăng? Có thể mịt làm mờ, mù thành khơi kiểu như Tâm Thành Tuyền được chăng? Không thể không được mà cũng chẳng không thể được. Vì sao vậy? Vì trùng trùng mù khơi giăng lối. Từ mù khơi đã khơi mù của Thanh Tâm thành Tuyền ngó sang khơi còn mù của Bàng Giúi Bang quả là hai phương trời: một mờ mịt tạm bợ với một mịt mờ thâm u vĩnh cửu. Chữ và nghĩa của Bàng Giúi đã giắm giúi bàng bạc mênh mông. Tự nó đã thanh tẩy nghĩa, vậy thì làm sao chữ còn là chữ nghĩa được. Cũng như đã nói ở cách thế Kim Cương, chữ nghĩa đã thiên thu tự sát. Ngó vào xác chết của chữ ấy thì quả là không thể không mù khơi cho được. Mù khơi là một thảm trạng không thể né tránh vì nó đã chình ình nằm ngộn ra đó. Nhưng sau khi nấu cao chữ lên, chưng cất trên xác chết của chữ thì một thứ rượu ngất ngây phảng phất. Rượu gì vậy! Chẳng thể biết được. Thể tính của mù khơi ngàn thu đã ở trong thể tính của rượu. Rượu là xuân[4]. Xuân thì mê say. Vì mê muội nên say đắm. Mù khơi là đắm và say. Vậy nên thơ của Bàng Giúi Bang trong nghĩa lý ngàn thu đã mù khơi để thành ra say đắm như rượu. Kẻ nào đòi uống rượu mà không say là kẻ ngông cuồng, cũng là kẻ ngu ngục phủ chối cái phần trác tuyệt nhất của rượu và mù khơi. Ngàn thu sẽ rớt hột một khi đọc ngàn thu trong cách thế của rượu lập thành mù khơi vĩnh cửu. Du hí kim cương chính là ở chỗ đó vậy!
“Mấy lòng hạ cố đến nhau
Triều ngôn ngữ giậy biển dâu phiêu bồng
Lớp xanh dàn rộng nguyên vùng
Chiêm bao nam diện quên rồng Tấn Dương
Bình nguyên cồn lá hạnh vườn
Mộng mây trùng ải dâng màn chia trôi
Sầu cao nguyên khép sương đồi
Xuân tinh thể giập trong lời cổng xô
Ngõ về xứ sở tiêu dao” (NTRH-20)
Lại nói mù khơi của chữ, khơi mù của rượu, mù khơi của sương, mơi khù của nghĩa, khời mu của vô danh vô phân biệt, phá bỏ ráo trọi ranh giới phiên biệt cương vực hán giới sở hà, phủi sạch lằn ranh chia định, chỉ còn có bàng bạc lấp đầy, trọn vẹn trong thị hiện của ý hướng khởi-thủy-bình-nguyên-hồng-hoang. Cho nên phải mượn anh Chu đôi cánh chim bằng lướt trên cõi trần không bờ bến. Một khi đã nhận ra trùng trùng cõi bờ thì bấy giờ có thể nhổm đít dậy với lấy đôi cánh chim bằng và bay theo phiêu bồng phiêu kỵ phiêu diêu phiêu dật. Phải đúng là phiêu để du. Có thể tung hê, xáo trộn, thâu kéo thọ tưởng khởi thủy với chung kết, gộp lại âm cùng với dương cực mà không hề vô lý. Có thể dùng thần lực lượng tử mà bẻ cong không thời gian để dịch biến vô cùng thông suốt giữa các cực hạn bất khả lượng ước (immensurability) xa đưa. Vì trong cõi ngàn thu mai hậu ban đầu thì mai hậu ban đầu và ban đầu của mai hậu đâu có khác gì nhau. Chỉ có Bàng Giúi Bang bạc mệnh mong tròn lấp vẹn nguyên. Vậy nên có thể dọc Bàng Giúi Bang khắp nơi mà không thể vô lý. Vì ở chỗ phi lý mà an trú là cách thế mù khơi của Giàng Búi Giúi Bàng. Xổ tung các miền vũ trụ của chữ nghĩa, lập thành vô lượng thọ nghĩ tưởng, hay là phi tưởng trác tuyệt, hay là điên rồ, vì ba chiều sinh giới không thể chấp nhận và nghĩ tưởng theo cách thế như vậy được. Bàng Giúi Bùi Giáng là điên cũng được, là tỉnh cũng xong, mà là không điên không tỉnh, không không cả điên tỉnh cũng được! Hỡi đồng đảng du côn, nào đồng môn du đãng và tất thẩy đồng bọn điên rồ, đã sẵn sàng cho du tưởng phiêu dật hay chưa!
“Ngàn thu lộp độp trên đầu” (tr.21)
“Tuyết sầm lãnh nợ loạn màu không gian” (tr.25)
“Con thuyền bẻ sóng về hang” (tr.29)
“Màu nguyên nhung sẽ mơ màng nghĩ ra” (tr.31)
“Người đi tôi ở lại nhà” (tr.35)
“Ngàn con gái mọc ngọn già trổ bông” (tr.37)
“Hoàng quan vạn lý vân mồng” (tr.41)
“Trường giang ở lại ruộng đồng chưa bay” (tr.48)
“Mộng người ở cuối chân mây” (tr.54)
“Dấu ghi còn đó trên ngày phù du” (tr.63)
Rêu in trên gót khơi mù
“Xuân tinh thể mọc liễu ru tượng vàng” (tr.64)
Móc mò trong bóng tối hang
“Mưa tuôn vũ trụ vào càn khôn khe” (tr.66)
Suối ngàn thu đó sè sè
“Gập chân gãy gối chân đè lên chân” (tr.77)
Nước thiêng gột rửa chân thân
Mắt mơ phiêu kỵ hồng trần đười ươi
“Một hàng im tiếng lặng hơi
Ngàn thu rớt hột xuống đời ngẩng lên” (tr.85)
Phượng trì giữa háng một bên
Bờ kia một phía nổi nên diện tiền
“Bỗng đâu lại gặp cuối miền
Nghiêng trời bất tuyệt dàn thiên thu lời” (tr.116)
Đụ con đĩ mẹ mù khơi
Yêu đười ươi nghiệt vượn người thành tinh ….
Vậy là một thằng tôi với một thằng Giáng lập thành nhị thể, mà nhị thể đẻ tam thể là ngữ điệu của thằng thứ ba, ba thằng tôi lại với thằng Giáng ban đầu thành ra bốn đứa, bốn đứa ấy quánh lộn tùng phèo thành ra cái thằng u đầu mẻ trán gộp lại thành năm, rồi năm thằng đè nhau ra nhậu, nhậu cho tơi bời hoa lá chết đi sống lại một thằng để bốn đứa khóc ba thành ra tám kẻ, rồi tám kẻ lần lượt ôm nhau khóc ròng thiên thu để chẻ ra sáu mươi bốn đứa không đứa nào giống nhau. Cho nên, tôi với Giáng không thể đồng thời được. Vì lỡ rằng thủy mẫu Kim Cương đẻ ra cùng thời thì hai đứa sẽ quánh nhau tanh bành té bẹ. Chắc vậy nên mẫu thân Phùng Khánh Nguyên Thủy đẻ ra hai đứa lọt ra hai nơi, rớt ra hai chỗ thời không bất khả Trùng Phùng. Âu cũng là minh triết của mẫu thân vậy! Nhưng vì tôi với Giáng cũng như vô lượng tôi-thời-không với vô lượng Giáng-không-thời sẽ thành ra thọ thụ muôn đời dị biệt. Tràng Giang từ đó khơi dòng, Cửu Long từ đó cuộn đổ, Thái Bình sóng cồn dựng vô xây bờ. Hai đứa mình quỳ lạy mẫu thân muôn đời ba lạy đi Giáng, cho liên chuyển bất diệt (perpetual interchange), cho chết mẹ thằng tôi với thằng Giáng muôn đời mẫu thân.
Tinh thể vô cực nhi thái cực!
Tinh thể nguyên xuân!
Tinh thể chia biệt ngàn trùng!
3. Truy tìm lập thể tính ngữ ngôn Kim Cương của Ngàn thu
Ngữ ngôn lập thành hay lập thành ngữ ngôn, vấn đề là thể tính ngữ ngôn Kim Cương của Ngàn Thu. Để hiểu được điều này chúng ta có lẽ cần phải nhìn cho kỹ, nghía con cận, cái cấu trúc Kim Cương của tinh thể ngữ ngôn. Vì sao ngữ ngôn lập thành cấu trúc. Bằng sự thông liên như là kết thằng của muôn vàn phương tiện thiện xảo. Nhưng làm sao kết thằng, cái gì khiến cho ngữ ngôn Ngàn thu kết thằng thành hột rồi rớt xuống? Nói vậy nghĩa là chúng ta phải truy tìm cái bệ đỡ cho sự hiện hữu như là kết thằng của ngữ ngôn. Và điều này lần nữa sẽ đánh ta dạt ra khỏi hồn cốt. Đánh ta long hồn lở phách, đánh ta tanh bè té bẹ chè hẻ chè he ra. Đó là sự giải cấu (Desconstruction) của thời-không để tất cả chỉ còn là chiều kích. Vạn thể có đó bằng chiều kích. Những hãy thôi luận thuyết bằng thời không. Thời và không chính là biểu hiện chia biệt bệnh hoạn giả nhân.
Vậy đến đây chỉ xin nhận sinh giới làm thành chiều kích! Chiều kích nào cho Giáng và Chiều kích nào cho đồng loại giả nhân của Giáng? Giáng đã tự giải cấu bản thân (Desconstruction-Bui-Giang), nên lắm khi Giáng tự nhận mình là đười ươi, là Bùi Giàng Búi, là trung niên thi sĩ. Muôn ngàn phân ảnh là Giáng nhưng không còn là Giáng nữa. Giáng đã giải Giáng bằng cách nào? Bằng cách vận động chính Giáng theo một chiều hướng khác với sự vận động vốn có của Giáng. Cha nội này đã thực hiện được điều đó bằng chính động lượng nội tại và phản lực-phản hướng đồng loại. Đôi cánh truy vấn và phá hủy như lưỡi dao kim cương cắt đứt mọi sự trói buộc phi lý nực cười. Vậy nên thiên hạ cho là Giáng điên. Cũng đúng, bởi vì trong gầm trời ba chiều vốn có thì cách thế Giải-Giáng là một cách thế điên. Có thể cho cái điên ấy là vui vậy! Vui ấy là hỷ lạc của tam thiên đại thiên thế giới. Bằng cách đó Giáng nhú cái đầu ra khỏi vỏ ốc ba chiều và ngó thấy hằng hà sa số ốc bằng số cát sông Hằng lũy thừa bậc “n” vô lượng. Giáng đành gọi là Tam Thiên Đại Thiên thế giới vậy thôi (thỉnh thoảng Giáng lấy lồng gà nhốt đại thiên tam thiên thế giới lại). Cấu trúc tinh thể ngữ ngôn của Giáng trước tiên chính là đập vỡ từng mảnh vụn ngữ ngôn để tác thành Tam Thiên Đại Thiên ngữ ngôn. Bằng cách đó tái lặp và phức hệ số (thực-ảo) để tác thành vô lượng thơ phân dạng (poetic fractals). Thơ của Giáng hiện hình ra trong cách thế phân dạng (Fractal Geometry/Geometric Fractals).
Hai diễn trình ấy diễn ra đồng thời: Diễn trình nào? Ấy là diễn trình Kim Cương tinh thể phá hủy ta bà mộng tưởng và diễn trình tái lặp phân dạng muôn vàn nẻo hướng dựa trên động hướng tính (hay hướng động tính – tropismes) mà Nathalie Sarraute có nói đến. Bằng động hướng tính đó, cả tinh thể ngữ ngôn Sáu Giáng đùn đùn mây bạc lần hồi che lấp bầu trời để dẫn thiên địa vào cõi mù sương tận tuyệt. Hai quá trình ấy nương náu lẫn nhau. Không thể không có nhau mà tồn tại trên đời. Đến đây ta hú hồn nhận ra cấu trúc tinh thể ngữ ngôn Bùi Giáng vừa cấu trúc nhưng lại phi cấu trúc. Cầm bằng như bóng ma lượng tử khi mà các căn tố lập thành thể trạng không ngừng phân hủy nhưng đồng thời không ngừng tái hợp. Cho nên nói, cấu trúc nhưng mà phi cấu trúc bởi chăng vô lượng cấu trúc phá hủy và tái thiết luôn luôn. Sự tái thiết ấy chính là vô lượng phân dạng của trời đất. Từ ý hướng căn cơ cảm thấu được từ mù khơi vạn nẻo sông hồ dương thế, từ muôn hằng bát ngát u minh, Giáng đã thấu biết và bằng ngữ ngôn tinh thể đã thể hiện ra trong cấu trúc bóng ma phân dạng. Theo đó, Ngàn thu mà lẽ ra là vạn thu là vô lượng thu mới đúng. Nhưng tại sao cấu trúc phi cấu trúc ấy lại là thu. Bởi rằng trong tinh thể của Thu đã tự thân có được cả dương thế và u minh, có được cả bắt đầu và kết thúc. Bấy giờ thu sẽ rớt lộp bộp!
Vấn đề tiếp theo đặt ra, làm sao mà chộp bắt tinh thể ngàn thu/vô lượng thu. Làm sao hứng được hột trong khi hột là phi hột (cấu trúc phi cấu trúc, Giáng là Giải Giáng). Chính Giáng đã mách lẻo cho ta, ấy là trở về hằng thể căn cơ cốt tủy đười ươi. Và ta làm gì nữa, ta ngó xem thể điệu cách thể đười ươi phân dạng bóng hình vào cõi thế, ngó làm sao được trong mù sa bít lối, ta phải ngó bằng trực quan bản chất[5] bằng sự đốn ngộ ngu muội (dưới con mắt lý trí) bằng đốn ngộn điên loạn (dưới con mắt chỉnh tể trí thức) bằng ấu trĩ ấu thơ (dưới ánh nhìn trượng phu vượn bầy già nua). Bằng cách đó ta sẽ hứng được hột ngàn thu. Giáng đã mượn lời Holzwege: “Nhưng mà cuộc Ẩn Tàng của tinh thể nó, và của Căn Nguyên Tinh Thể, ấy là thể điệu mà Hằng Thể ban sơ cốt cách tự thân chiếu diệu, theo thể lệ tuyệt trù nào (đến nỗi nào) mà tư tưởng (do đó) tuyệt nhiên chẳng dõi bước theo sau”[6]. Khá khen cho thần lực chiếu diệu, Giáng đã nhìn thấy bằng cách đứng biệt phân với chính Giáng để ngó lại cái ánh chiếu diệu nhiệm màu của hằng thể vào chính Giáng để lập thành Giáng; cũng như chiếu diệu từ Giáng và ngữ ngôn tinh thể của Giáng để lập thành Thơ Giáng. Một thể điệu phân dạng, gọi là đứt gãy cũng được, chẳng hề gì, sự gãy đứt gãy đổ gãy tan tành của Giáng được Hằng thể chiếu diệu để lần nữa khúc chiết ánh chiếu diệu nhiệm màu tạo ra từ sự chiếu diệu ấy sẽ tái lặp chiếu diệu vào hiện hữu ý hướng ngữ ngôn thành Giáng ngữ ngôn. Một phân dạng của Giáng. Thơ Giáng, vì thế, chính là vô lượng Giáng!
4. Ngàn thu Vô minh giữa tinh thể tuyệt đối Kim Cương
Đã nói đến ngàn thu là nói đến vô lượng thu. Vô lượng cùng nhau một lúc hay vô lượng thu cách biệt ngàn đời. Ấy là thể điệu cách biệt bất khả hợp nhất của vô lượng chung cuộc. Giáng gọi là khai thiên đệ nhất và tối hậu thượng thừa. Bởi vậy giữa vô lượng thu/tinh thể ngữ ngôn là gần gũi mà cũng là cách biệt[7]. Về bản chất giữa chúng là khoảng trống đìu hiu cách biệt. Sự cách biệt thẳm sâu u u mật mật hằng thủy bất khả lượng ước và phân định. Nhưng chính vì ngàn thu lợn cợn cách biệt và ngàn thu chia biệt lẫn nhau bởi vực thẳm ngàn trùng chôn cất titan, chính bởi vậy là muôn trùng ngàn thu tự thân nó đã ẩn chứa khả lực tác hợp. Tiền giả định mà kỳ thực là vực thẳm có đấy, cho phép tinh thể ngữ ngôn phải không ngừng cuốn vào nhau. Sự vận động điên cuồng của ngữ ngôn xoay vòng buộc các chất điểm ngữ ngôn không ngừng cuốn vào nhau/bện vào nhau/quyện vào nhau để nhất thể hóa. Bấy giờ các khoảng trống vực thẳm hố sâu không đáy bắt đầu cắn xé và xâm lấn lẫn nhau. Bởi vậy, thơ của Giáng một khi thức tỉnh là một quá trình vần xoay không ngừng đẩy những khoáng dã đìu hiu ra phía ngoài và các tinh thể chất điểm ngữ ngôn dần cô đặc về trong. Chính tinh thể bên trong đó dần tạo nên hấp lực khiến cho quá trình xoay vòng ấy càng trở nên tít tắt nộ cuồng. Kim Cương sẽ trở nên tuyệt đối Kim Cương. Ngàn-thu/ngu-thàn/ngan-thù/ngù-than cứ dần dà vô minh sẽ lậm thậm Vô minh. Rốt cuộc chính vì khoảng trắng dã đìu hiu mà thơ Giáng hay ngữ ngôn Giáng trở thành một vũ trụ loạn cuồng trong thể điệu đang triển nở lập thành muôn vàn tinh-cầu-tinh-vân-tinh-khí. Cả vũ trụ đại thiên của đại thiên lũy thừa “n” đại thiên trẩy lộc sinh sôi.
Iser (1926-2007) không thể ngờ rằng, không thể nghĩ tới chuyện, có một con đười ươi An Nam đã loạn cuồng khoảng trắng tam thiên để lập thành vô lượng tam thiên. Mà những cứu xét tỉ ti của ông vẫn còn lò dò ở góc trời Đức quốc. Trong khi Giáng đã hồi quy cố quận bằng hồi tưởng quy tư thì bạn hiền Iser vẫn hãy còn vò võ buồn thương trên đất đai địa đàng sụp đổ. Bởi vì sao vậy? Có lẽ vì Iser chỉ mới ôm khu khư tương liên giữa người và phi người, giữa ngã và phi ngã trong mối tương ứng lấp đầy và dịch chuyển tâm thế (điểm nhìn) bởi chăng Iser chỉ lui cui qua lại giữa vi mô tế bào văn bản mà không thể để cho ngàn muôn hố thẳm nở hoa. Sự thất bại của Iser ở chỗ, ông chấp chịu ở mãi địa đàng bốn phương tám hướng ba chiều mà không thể phản tỉnh hồi quy (nghĩa là vận động Phi-Iser theo kiểu Phi-Giáng) để mà kích hoạt động hướng thời tính quy cố không tính, sau nữa sẽ phá hủy thời không chỉ còn chiều kích. Đó là bước đầu tiên vượt thoát đến đệ tứ sinh hiện. Thôi thì, cứ để Giáng ngàn thu vô minh ẩn hiện, và để Iser mãi mãi ba chiều trần gian. Mai kia mốt nọ, Iser có nhớ Giáng thì tính sau!
5. Phân hạch ngàn thu như là hột đang rớt (va đập các tinh thể ngữ ngôn)
Viết thơ cầm bằng như dong dài vài ba chuyện lẻ tẻ coi chơi; cũng tức là nghe chuyện lẻ rồi tẻ để coi, sau nữa lấy coi làm chơi. Liệu con mắt thịt thà trần tục lấm lem bụi trần ai với khoai củ, có giữ được vẻ thuần khiết ấu thơ như vậy trước vạn đại sự vật muôn đời. Cuộc diện bốn phương tám hướng chiều kích ba ngàn trời chung quy rốt lại một chỗ chơi hư thực đều không phải. Căn để sự chơi tức hữu lý, chẳng phải! Căn để sự chơi tức phi lý, cũng sai! Căn để sự chơi tức là sao? Kỳ thực làm gì có căn để sự chơi. Cái chơi rốt lòng ráo dạ tức là chẳng còn có căn để. Vậy lập thành tính thể sự chơi như thế nào? Phân chia vô cực, tức là quảng diễn liên hoằng ngữ ngôn không hồi kết, lấy sự liên hoằng bất tận kia làm chơi. Nhưng làm sao có thể khiến cho ngữ ngôn thành ra liên hoằng bất tận? Giáng đã chơi đẹp, bằng cách lấy tính thể ngữ ngôn như là phi ngôn – cho sự thể như vậy va đập cùng nhau, lấy chân trời mù sương làm không-thời, cho phép va đập diễn ra. Vậy nên, ngữ ngôn đã vỡ lỡ tan hoang, rồi những mảnh vỡ nhỏ va đập tức thời, kéo theo vô cùng vỡ lỡ đồng thời sinh hiển. Ngàn thu, vạn thu, muôn thu, ức thu, triệu thu, tỷ thu, tỷ tỷ thu, … vô cực thu… chung quy cũng là thu phân hạch thành ra, cho nên gọi là ngàn thu đang rớt hột mà kỳ thực cũng chính là ngàn hột từ chỗ thu rớt ra. Ngàn hột thu = hột thu cầm bằng như ∞=+∞=-∞=∞n=∞nn.
“Vì thiên cổ và bây giờ gần gũi
Vì hôm nay là chính bữa hôm qua
Thế nên chi anh xin trở lại nhà
Vì hơi thơ là linh hồn của phổi
Vì máu se là nhịp động của tim
Thế nên chi anh ngồi ở dặm nghìn
Và ngồi ở dặm không nghìn một lúc
Mái hiên cũng là rừng vang cổ lục
Vườn hoa bay là én bốn chân trời
Anh đi về là thế cũng như thôi
Và thôi cũng là nói lên như thế” (NTRH-55).
Nhưng làm sao sự phân hạch tinh thể ngữ ngôn có thể bắt đầu? Giáng đã mở ngõ cho thiên hạ chúng sinh giống loài đều có thể thâm nhập. Thể như châu chấu chuồn chuồn hay bò vàng đồi sim, thể tất đều có thể đồng thời thâm nhập. Bởi từng ngọn đồi trắng dã hư không, có đủ sức dung chứa tam thiên đại thiên, huống hồ mỗi ý niệm va chạm thơ Giáng cũng chỉ như vi trùng vi rút, như từng hạ nguyên tử với dòng sông Xoáy Nước, Chong Chóng, Nòng Nọc trong khoảng hơn nhất bách thất thập tỷ sông trời bát ngát xa trông. Bằng cách chơi, Giáng để lại sự chơi cho thiên hạ, rồi thiên hạ chúng sanh bá tánh mới theo đó làm chơi tiếp tục, tức là tháo rời (tháo rời ngữ ngôn, tháo rời ngôn ngữ, tháo rời ý niệm ý hướng ý tưởng, tháo rời ngã với phi ngã, tháo rời nhân với phi nhân, tháo rời Giáng với Phi-Giáng, đọc trong thể cách tháo rời trác tuyệt), rồi phân-rã-phân-hủy-phân-hạch-phân-tích-phân-tiếc gì cũng được. (Để mà làm chi), để rồi tái-lập-tái-thiết tân-tinh-thể-ngữ-ngôn khác theo cách thế đón đợi của hắn. Hắn nối dài sự chơi ngữ ngôn của Giáng để làm thành language game “Đồi Sim với Bò Vàng”. Hỏi rằng bò nào, sim nào? Câu hỏi “ngu ngục nguy ngại nhất trên đời”, cách thế hỏi nào (which) tức là một câu hỏi phân rã, chia biệt, tức là một câu hỏi loại phiên hủy hoại, tức là một câu hỏi giết chóc, một câu hỏi để “hư vô hóa” (nihilization). Nhưng hỏi hư vô hóa có khác gì câu hỏi trống không. Câu hỏi loại như vậy đã tự triệt tiêu nó, triệt và tiêu biến nhanh đến mức không còn đủ thời giờ cho kẻ trả lời bắt đầu nghĩ tưởng để đáp trả. Vậy nên, với dạng thơ phân hạch vô cực thiên thu của Giáng, việc ứng dụng lý trí truy vấn tự vẫn ngữ nghĩa thông thường hoàn toàn không có tác dụng. Chẳng lạ gì thiên hạ cho rằng Giáng loạn tâm cuồng chữ; dẫu cho Giáng mang theo Ngàn thu rớt hột làm bằng làm cớ mừng rỡ gặp lại cố nhân hoàng ngưu nhưng bò vàng cố nhân trấn thủ đồi sim nghi ngờ chửi rủa vì cho rằng Giáng đã là người của phương trời khác; cũng chẳng lạ gì những kẻ không thể xông vào vòng vây chữ nghĩa của Giáng nên vẫn đứng bên ngoài thành lũy ong óng miệng rỉ rả lời ong tiếng ve! Ngẫm có khác gì tiếng côn trùng rền rĩ trong bóng tối mỏi mệt sương khuya hòng phá vỡ đêm sâu hun hút, nhưng chỉ làm cho sương khuya hun hút càng thêm mịt mùng.
“Đồng có cỏ và hồn con than dế
Là dế than đen đủi kỷ nguyên xanh
Anh đi về là khóc cũng không đành
Em ở lại với ngàn môi cười thiếu
….
Em ra đi là nhắm mắt bước liều
Anh sẽ đợi chào nhau trong gió bụi
Tiết điệu ấy tha hồ cho sóng dội
Lời lai rai vạn vật đó sơ khai
Chút của tin bê bối gửi một vài
Đừng đo đếm cò kê thêm hay bớt” (NTRH-55-56).
Vậy để ngó và thấy được cuộc pháo hoa liên hoằng bất tận ấy, ngó và thấy sự phân hạch tức thời vô thời-không kia, ta phải làm thế nào? Để xông vào chiến lũy miên trường nghĩ tưởng ấy, ta phải làm sao đây? Tháo cương nghĩ tưởng, xuống ngựa và bước đi bằng chính đôi chân trần thịt thà bản thân (quy cố chân thân). Đi trên đường nghĩ tưởng cho đôi chân tiêu biến, và đôi tay tiến hóa thành ra cánh mộng. Biết viễn du bằng cách “hư vô hóa” các ranh giới. Giới hạn nghĩ tưởng hay hàng rào câu nhốt tư niệm, phải phá rào, nhưng làm sao phá rào đốn cương? Biết rằng không có rào cương cũng tức là công phá cương rào. Giả tỷ càng phá rào càng khổ lụy bít bùng, thì hãy biết rằng rào chẳng có bao giờ. Làm gì có rào để phá! Chim trời cứ ngỡ có lồng tưởng nên co ro chẳng dám vỗ cánh. Nhưng ngay lúc chim nhỏ nhún chân định phóng mình về phía thiên không thì rào niệm lồng tưởng liền tan biến. Bởi:
“Trường giang mất điệu giang hà
Ngàn năm mai trúc tuyết già phỉ phong
Gào to dấu điệu đau ngầm
Đoạn trường cô nguyệt huyền trung vô quyền
Hỏi gì cô quả bá vương
Truông đầu đá vọng nát nghiền tam tiêu
Di hài tờ mỏng đăm chiêu
Cuối non nước dội một điều riêng trôi
Vói tay dâu biển chôn lời
Ôm đầu ngựa khổ chia đời hỗn mang
Ngành chân tu giập xuống hàng
Chết trên thập giá tự bàn tay so” (NTRH-69)
Sự va đập của cánh chim nghĩ tưởng vào vật chất hư không chung quanh đã bắt đầu dây chuyền phản ứng. Phá vỡ thế chân không của tinh thể ngữ ngôn, khiến cho vô cực phút chốc xao động thành ra hai, thành ra ba, thành ra năm thành tám, thành ra sáu mươi bốn, thành thái cực…. Ngàn thu đi từ vô cực đến thái cực. Thái cực với vô cực chẳng hai chẳng một. Nhập cuộc vào quá trình đi từ vô cực đến thái cực, kẻ đọc ruồi nhặng vô tình lạc vào trường thơ Giáng, chính đó có thể khởi động “cỗ máy” thời không, du hành vào cõi giới phi tưởng của Giáng vậy. Lại nói, từ vô cực đến thái cực, hỏi chứ Ngàn Thu có còn không? Thì đó, Ngàn Thu như là thái cực hay Ngàn Thu như là vô cực, rõ ràng khác nhau nhưng làm gì có khác nhau. Cho nên Ngàn Thu cứ liên hồi rớt hột, rồi cứ rớt hột vĩnh hằng, nhưng cũng có nghĩa là vĩnh hằng còn đó Ngàn Thu để mà rớt từng hột vậy! Lượng như là vô lượng, ngữ ngôn của Giáng ẩn chứa năng lượng vô cùng.
“Bây giờ con mắt lim dim
Tôi xin Trời Đất đi tìm với tôi
Dấu chân dấu cẳng của người
Hôm qua tôi gặp giữa đời tôi đi
Nhớ nhung có nghĩa là gì
Mà nhung nhớ suốt li bì càn khôn” (NTRH-91).
6. Hồi ứng điên rồ trong ngữ điệu trực quan bản chất
Thế rồi sau khi va đập, liệu kẻ đọc có còn là kẻ đọc nữa không? Sự đọc Giáng, có lẽ làm ta nhớ tới người nhân tình cuồng nhiệt Pháp quốc (1905-1980) năm nào quen ngồi chù ụ trong cà phê đại lộ thành Ba Lê và ưa thói xuống đường nói nhảm. Hắn cho rằng đọc chính là cho kẻ khác hiển linh trong sinh mạng bản thân. Và thực sự Giáng sẽ linh hiển qua bàn tay hơi hám, với đôi mắt ngó nhìn chữ nghĩa Ngàn Thu. Xuân Thu đến Ngàn Thu bất tận, cho tới Thiên-Thu-Thiên-Thanh-Thiên-Thi, ẩn chứa trong đó cả quá trình dịch chuyển hồi ứng (transaction-response), có thể nói gọn lại: Giao Ứng. Trong cách thế Giao Ứng, Giáng có thể hiển linh thành con Giao Long nước việt vẫy vùng trong hố thẳm tư tưởng của chữ Việt. Đó lại là cuộc giao ứng đa chiều, từ phía văn bản, từ ngõ tâm lý, từ đường xã hội, từ lối văn hóa, tới cuộc dấn thân[8],…. Ngàn Thu rớt hột, kẻ đọc cho phép hột từng ngàn thu, qua đó có thể thực nghiệm Tâm cho phép Linh, mải miết lao thân vào chốn tao loạn chữ nghĩa (may mắn không bị phanh thây tan xác) thì kẻ đọc có thể về đến cõi bờ thinh lặng, bấy giờ Linh Tâm = Vô Tâm = không thể nói. Hồi ứng bấy giờ bất khả tư nghì, bất khả luận giải. Cho nên, Không thể nói/Vô tâm chính là điên rồ vậy. Nói điên rồ, Giáng thực sự “mát dây”; bởi một khi đứng bờ này sông Tương ngó qua bờ kia sông Giáng, thì làm sao hiểu được ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Và, ba-la-mật chỉ có thể có một khi có chân thân bát-nhã, và chân thân bát-nhã tức là đã thực sự ma-ha. Không phải ma-ha thì không thể luận bàn ma-ha; không phải bát-nhã thì không thể luận bàn bát-nhã; không phải ba-la-mật thì dẫu cho khản giọng gọi đò cũng không thể qua sông. Nhưng giả tỷ “người đọc hồi ứng” có thể đến bờ kia sông Tương, cùng Giáng ngó lại bờ này Lệ Thủy, hắn sẽ thấy cuộc miên trường điên rồ bỗng thành ra rực rỡ trang nghiêm.
“Bụi vàng phủ điện đài ma
Đã đành thế nọ lọ là thế kia
Nai sầm lãnh gót băng khuya
Tìm lưu trạch giữa trăng chia rú ngàn
Trường An vỗ cánh phượng hoàng
Phù vân rẽ ngả dặm đàng trích tiên” (NTRH-99)
Thứ nữa, liệu ta có thể quy kết sự rực rỡ điên rồ của Ngàn Thu cho Giáng, tức là bắt Giáng nhận cái tội rớt hột? Đố ai kết được Giáng nhận tội! Vấn đề là, chúng mình còn có Giáng không để mà làm tình làm tội. Bùi Giàng Búi đã thành Búi Giàng Bùi, đã thành Bang Giùi Báng, đã thành Báng Giùi Bang, đã phi thiên Đười Ươi, chỉ để lại tiếng cười ngoác trống trơn răng cỏ [9] vô thanh giữa miền khoáng dã Nam Việt. Từ Đười Ươi thành ra Nguyên Thủy Đười Ươi, thành ra tiền hiện sinh bào, hỏi chứ Giáng còn ở với chúng ta không, để mà bắt tội. Chúng mình không thể làm việc ấy được! Bởi Giáng không còn ở đâu cả, nhưng không đâu lại không có Giáng. Hằng hà sa số Giáng đã rớt hột, trải kiếp làm mảnh thành đời với cuộc, hỏi chỗ nào mà chúng mình bắt được tội gian tình dắt díu đồi sim với bò mộng mơ màng. Không thể! Chỉ có thể ứng hồi giao linh phút chốc ngay tại cực hạn sát-na, bấy giờ có thể tiệm cận đến phương trình Kim Cương nương tử vĩnh hằng của Giáng.
“Em con gái hai bàn chân em bước
Nhìn xung quanh gặp tê dại trong mình
Từ quê cũ biển dâu phai lớp lớp
Hồn Nữ Vương thành tượng có nguyên hình?” (NTRH, tr.65)
Và:
– Ngàn thu rớt vào hay rớt vào Ngàn thu?
– Rớt từng hột ngàn thu như phá hủy ngàn thu (ngữ thức điên rồ rực rỡ, hay luận về sự rớt cái hột)?
– Ngàn thu lập thành Phi Bất Phi Vô Dư Nát Bàn ra làm sao?
Ôi thôi! Còn bao nhiêu hột đang rớt, biết phải lượm lặt rơi rụng đến bao giờ. Kẻ phù phiếm Phi-Giáng tiếp đỡ dùm cho! Đội ơn bội phần!
Tạm kết như là không thể kết!
Diễn trình thơ Sáu Giáng vẫn còn đang sa mạc phát tiết trên cuộc thế, làm thành từng hột trần ai bay tán loạn và rồi vùi trong mắt mi dã nhân vượn người. Lời ong ve bâu quanh thơ Giáng cũng theo đó rền rĩ ngày đêm. Một tỉnh mà tới những mười mê cho nên đêm điên ngày dại, chẳng nhớ nổi chỗ nào quê hương để từ đó thoát thai Bùi Giáng.
Vì chẳng rõ quê nào hương nọ đã làm thành, lập nên Giàng Búi lộn ra Bùi Giáng, nên cách thế nghĩ tưởng tiếp nhận thơ Giáng cũng lăn lộn hố đen khôn chừng. Bấy giờ sẽ thông thiên cách thế tiếp nhận Kim Cương Ba La Mật. Lõi hố đen Bát Nhã, với sức hút vô lượng làm thành từ trường nghĩ tưởng, sẽ đánh bật những kẻ hôn mê trí thức thượng thừa thượng tôn thượng thặng, nhưng sẽ nuốt chửng những kẻ sống bằng cách chết. Cái chết là sự vận động khác đi của hiện tồn lưu hoạt, kẻ nào sống bằng cách chết tức là vượt qua trời phương ngoại, phượng trì hướng thượng đến siêu cấp chiều kích (high dimension), may ra có thể tiếp rồi cận tới nhận thành ra nhập vào đồng cốt bò vàng sim chín. Hắn – kẻ đọc – sẽ nằm ngửa ngó trời giữa mùi sim chín tới bát ngát bốn bề, rồi tự lư hỏi trời có đang ngó mình chăng!
Bấy giờ, khi hắn – kẻ đọc – đang ngó trời tư lự thì phân hạch ý hướng trong cuộc gặp gỡ muôn hằng ngữ ngôn tháo rời tiêu hủy bởi ngôn ngữ Giàng Búi, đang diễn ra. Phân-hạch/phân-hủy đồng thời tái-cấu/tái-lập, hai diễn trình vẫn tiếp tục liên hoằng bất tức. Dòng tương tục (élan vital) của thơ Giáng đã được Bergson tiên sinh bái tạ đôi lần. Còn Bùi Giáng thì bái tạ mẹ hiền:
Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā!
Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā!
Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā!
Nam Mô Mọi Nhỏ, Nam Mô Phùng Khánh, Nam Mô Nương Tử Kim Cương!
Theo Võ Quốc Việt/Vanvn
Tài liệu tham khảo:
Thần Thức Vũ Trụ (∞∞). Vô Lượng Giới. Vô Trụ: Vô Minh xuất bản.
__________________________________
[1] “Chạy vào cổ lục tìm trang
Giở tờ rách rưới mộng dàn rách bươm
Viễn khơi thuyền trưởng giương buồm
Một vùng rang đỏ ngóng truông nghiêng đồi
Vùng sa nước mắt tung dồi
Hàng cây sơ thủy ngọn phơi thẳng hàng” (NTRH-76)
[2] “Em em là nghĩa tan lìa
Tủi thân cố quận về chia nguyệt rằm ….” (NTRH-24)
[3] “Tin từ cố quận bờ mương
Hoàng hôn thâm tạ môi hường bình minh
Gửi trăng lục nhạt về ghềnh
Bước du tử dựng miếu đền chiêm bao” (NTRH-39)
[4] Rượu ngoài nghĩa vốn biết, người đời Đường còn xem rượu là xuân.
[5] Wesensschau, Wesenserchauung/ l’intuition des essences/ eidetic insight (Benoist, J., & Espagne M. (direction, 2013). L’itinéraire de Tran Duc Thao – Phénoménologie et transferts culturels (trans. and direction in Vietnamese by Bui Van Nam Son). Hanoi: University of Education Publishing House).
[6] Martin Heidegger (1972), Lời cố quận (Quy hồi cố quận Hoelderlin và tinh thể thi ca như vào ngày lễ hội hồi tưởng quy tư – Giảng giải về thơ Hoelderlin), Bùi giáng dịch giải, An Tiêm xuất bản, Saigon, tr.150.
[7] “Thường thường ngoài ra, chúng ta vẫn thể hội cái Gần Gũi như là cái khoảng cách rất mực bé tí giữa hai chốn hai nơi, hai đìu hiu Khu Vực. Giờ đây trái lại, Tinh Thể của cái Gần Gũi Lân Cận Láng Giềng lại hiện thị như là ….” Martin Heidegger (1972), Lời cố quận (Quy hồi cố quận Hoelderlin và tinh thể thi ca như vào ngày lễ hội hồi tưởng quy tư – Giảng giải về thơ Hoelderlin), Bùi giáng dịch giải, An Tiêm xuất bản, Saigon, tr.104.
[8] Xem thêm:
- Rosenblatt, Louise Michelle (1978). The Reader, the Text, the Poem: The Transactional Theory of the Literary Work. Carbondale: Southern Illinois University Press.
- Rosenblatt, Louise Michelle (1938). Literature as Exploration. New York, London: D. Appleton-Century company.
“Miệng anh còn đủ lưỡi môi
Mà răng rụng hết lấy gì nhe ra
Mím môi ôm mặt khóc òa
Hôn em một chút cho đỡ già nua thôi”. (theo Nguyễn Đình Toàn)