Lục bát đắm say

754

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tình yêu, khát khao xây dựng cuộc đời của phụ nữ thật mãnh liệt, thật đắm say. Hình như ba tâm hồn của ba nữ sĩ, đang hội tụ vào nhau trên những dòng thơ thâm thúy mà rung động, nhẹ nhàng man man mà chuyên chở vô cùng những khắc khoải ưu tư trong bể dâu của cuộc nhân sinh này.

Tập thơ Lục bát của ba nhà thơ nữ: Đặng Nguyệt Anh – Huệ Triệu – Trần Mai Hường

Mở đầu cho việc cảm nhận, tôi xin giới thiệu đến các bạn yêu thơ bài lục bát của chị Đặng Nguyệt Anh. Một thể thơ rất gần gũi với người Việt Nam, nhưng lại rất khó làm, vì nếu không khéo, sẽ dễ bị niêm luật khắt khe, khiến bài thơ thành hò vè. Nhưng, thơ lục bát của các nhà thơ nữ chúng ta, lại rất uyển chuyển, nữ tính, thiết tha và cả sự dữ dội, quyết đoán trong từng câu chữ.
“Tôi còn
một chút hồng hoang
thì xin ai
cứ địa đàng trăm năm
Tôi còn
một chút xa xăm
xin ai
đừng khép mình trong ngục tù
Tôi còn
một bến hoang vu
lênh đênh
tôi
kẻ lãng du
giữa đời
Tôi còn
một chút tôi thôi
xin ai gìn giữ
luân hồi có nhau
Tím xưa
dù có bạc nhàu
đường xưa
dù có lỗi câu hẹn thề
Tôi còn
một trái tim mê
cõi em
xin được đi về ngàn năm…”
(Tôi còn – Trích trong tập Lục bát – NXB Tổng Hợp TP. HCM- năm 2019)

Là một người rất yêu thơ, thích nhất vẫn là thơ Lục Bát, bởi rất dễ thuộc – dễ nhớ – dễ đọc. Có lẽ vậy nên khi được nhà thơ Đặng Nguyệt Anh ký tặng tập thơ mới nhất, in chung với hai người bạn thân thiết của chị, tôi đã dành trọn thời gian những ngày cuối tuần để cảm nhận từng câu chữ. Thơ như là nhịp cầu nối cho những tâm hồn xích lại gần nhau hơn. Khi đọc từng câu, từng vần, thấm vào từng huyết quản, từng mạch cảm xúc của mình. Bởi đa số những nhà thơ nữ, với sự nhạy cảm và tinh tế của mình, họ có cách nhìn về cuộc sống – tình yêu – hôn nhân – và gia đình vi tế đầy đủ nhất trên tinh thần cưu mang và trách nhiệm, với biết bao khát khao xây dựng, vun bồi cho tâm hồn con người ngày một thâm thúy và bao dung hơn.

“Tôi còn
một chút xa xăm
xin ai đừng khép mình trong ngục tù”
(Tôi còn)

Hồ Xuân Đà và nhà thơ Đặng Nguyệt Anh

Một tư tưởng sống tiến bộ. Một khát vọng vươn lên. Xã hội với bao hỉ – nộ- ái- ố. Niềm vui và nỗi buồn luôn trộn lẫn và song hành cùng nhau. Với người bình thường, họ sẽ dễ dàng bị những tiêu cực cám dỗ nhấn chìm. Nhưng với nhà thơ, họ tự tìm kiếm, tự tri kiến với chính mình, để tìm ra chân lý, minh bạch và vươn lên để sống với cuộc đời. Như một mầm xanh trong mưa bão, phải nghĩ rằng nó đang được tắm mát, chờ đợi cho ngày mai rực rỡ tươi hồng, không chịu khuất phục trước âm u giông gió.

Phải chăng? Một dòng thơ là một dòng tư tưởng sống. Một chân lý hiện sinh mang tâm giáo dục. Và, tôi rất tâm đắc điều này, thơ vốn là một thứ ngôn ngữ nhiều màu sắc có thể chuyên chở vô hạn chiều sâu của nội tâm và truyền đi nguồn năng lượng sống cho người đọc. Đó là giá trị.

Yêu thơ và cảm thụ thơ, là một món ăn tinh thần rất bổ dưỡng. Nếu bạn tìm được những gì tốt đẹp nó mang lại.

“Từ em
gọi nguyệt về trăng
là khi
tôi đã gọi rằm sang đêm
Hoang sơ
một lối cỏ mềm
Cháy lên em…
thắp sáng miền nhân gian”
(Cháy lên em)

Ôi… Có những giây phút mà người phụ nữ như muốn bỏ cuộc trước những cám dỗ, thử thách khi đối diện với trách nhiệm, với chồng với con, với xã hội. Người phụ nữ còn phải kiếm tiền, phải nuôi con, rồi phải duyên dáng, chỉn chu khi ra đường. Có nên chăng? Người phụ nữ ấy chẳng buồn chải tóc, làm sao đây để họ có nguồn cảm hứng, lẫn năng lượng từ nội tân để thản thốt kêu lên… “Cháy lên em”, như những tiếng vỗ tay, lời động viên rất ư là ngọt ngào, thấu cảm.

Tôi lật tiếp tục những trang tiếp theo của Nhà thơ Huệ Triệu, người tôi chỉ biết qua tiểu sử tác giả trong tập thơ, là một nhà giáo – nhà thơ. Những câu thơ của chị gieo hạt giống yêu thương cuộc sống, con người vào trái tim tôi.

“Giơ tay chạm khắc giao thừa
Khẽ khàng đêm hái lộc mơ cho ngày
Xanh vào tháng – thuở đắm say
Biếc vào năm – tuổi trọn đầy tin yêu”
(Giao Thừa – Huệ Triệu)

Ấn tượng quá! Thiết tha quá! Mộng như thơ. Cuộc sống thật sự tuyệt vời. Bạn đang mệt mỏi, đọc câu thơ bạn sẽ rung cảm, như thấy, nếu để thời gian trôi qua một cách vô vị, vô bổ, vì những trúc trắc không đâu, thì thực sự rất ư là nuối tiếc cho thanh xuân đắm say vô tình mai một…

“Ngàn ngày trĩu nặng nhớ mong
Hẫng hơ một chốc bỗng không một ngày
Vụng trồng, bông héo trên tay
Khéo vun thì được mùa đầy cải hoa”
(Lục bát vu vơ – Huệ Triệu)

Thấm vào từng câu thơ, chúng ta sẽ nhận ra được một phát kiến hữu dụng cho giáo dục, một triết lý nhân sinh cho gia đình. Bất cứ một hạnh phúc nào, thành quả nào cũng cần có sự đầu tư chăm chút cho nó. Nhìn việc trồng hoa, trồng cây mà hướng tới việc cảm hóa lay động lòng người – rất hay- tôi thích thơ nói được nhu cầu điều này. Đọc thơ phải nhận ra chân lý, thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm. Vì tôi biết, làm thơ không dễ dàng, có khi sau ba năm, một bài thơ mới được nhà thơ tâm đắc và cho xuất bản – in ấn. Một bài thơ hay như một bản nhạc giao hưởng, giúp con người thư giãn và hài lòng, vươn lên trong cuộc sống.

Phải chăng, vì Huệ Triệu là một nhà giáo, nên thơ của chị man man dòng tư tưởng hướng con người ngày một hoàn thiện hơn, trong một nền giáo dục sẵn có của xã hội hôm nay.

“Bao giở nước mắt hết xuôi .
Cho con chín bỏ làm mười, me ơi”
(Gói ru lời mẹ – Huệ Triệu)

Với nhà thơ Trần Mai Hường. Có một Lục bát đêm. Sáu, tám đêm trường khó ngủ hay vô cùng những đêm thức trắng… Những câu thơ đau đáu làm xao động lòng người đọc, nghe ra đâu đó, giữa đêm trường những lời thề non hẹn biển, thoáng hiển hiện nở hoa tỏa hương thơm, ngất ngây mắt biếc môi hường:

“Trắng đêm
Thức với cà phê
Nghe râm ran những hẹn thề trổ hương
Ai mang dạm ngõ đơn phương
Để xin cưới mắt môi hường- biết đâu…
Trắng đêm
Sóng sánh gọi nhau
Cùng về trẩy hội trên cầu tương tư…”
(Luc bát đêm – Trần Mai Hường)

Vâng! Trần Mai Hường, có một chiếc cầu tương tư, để làm điểm hẹn khi đêm về thao thức…
Hay những câu thơ rất đàn bà, rất phụ nữ:

“Nhớ mà không thể gọi tên
Là em đấy – muốn đốt đền sớm nay
Đêm qua nhớ hạ gót giày
Xéo lên chi chít những say mê cuồng”
(Lục bát em – Trần Mai Hường)

Tình yêu – khát khao xây dựng cuộc đời của phụ nữ thật mãnh liệt – rất đắm say. Hình như ba tâm hồn của ba nữ sĩ, đang hội tụ vào nhau trên những dòng thơ thâm thúy mà rung động, nhẹ nhàng man man mà chuyên chở vô cùng những khắc khoải ưu tư trong bể dâu của cuộc nhân sinh này.

Xin cảm ơn chị cả Đặng Nguyệt Anh, chị Huệ Triệu, chị Trần Mai Hường đã chắt chiu câu chữ gửi vào tập thơ Lục bát, cho người đọc yêu thơ nói chung và tôi nói riêng. Được thiết đãi, từ việc dự một bữa ăn tinh thần vô cùng phong phú, cao lương mỹ vị là những dòng thơ luc bát trữ tình, thấm đậm yêu thương, đi đến bến bờ khát khao hạnh phúc con người.