Lục bát Xuân Hòa

1164

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc thơ Xuân Hoà đã lâu, bắt đầu từ khi anh là phóng viên báo Quân khu 7 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Tôi thích sự mềm mại, uyển chuyển trong thơ Xuân Hòa. Ông chuyển tải sự khắc khoải, nỗi niềm của mình bằng nhiều thể loại văn chương, nhưng có lẽ chủ yếu bằng thơ lục bát.

Thơ lục bát được coi là thể thơ mang nét đặc trưng của thi ca Việt. Trước hết, bởi nó giàu tính dân gian, gần gũi với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt hay nói chính xác nó ra đời từ lao động và các cuộc chiến tranh để bảo vệ nòi giống, lãnh thổ của người Việt. Lịch sử đã minh chứng, người Việt cổ đều xuất thân từ nông nghiệp. Nay, đã bước vào thời công nghiệp 4.0, nhưng không ai từ chối mình gốc gác từ nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Vì lẽ đó, có phải không, thơ Xuân Hòa cũng như nhiều nhà thơ khác xuất thân từ làng quê đầy ắp sự trăn trở trước nhân tình thế thái và đặc biệt tình yêu giống nòi, cha mẹ, người thân và quê hương xứ sở. Hơi lan man như thế để nói về tập thơ mới của nhà thơ Xuân Hòa – tập Chốn quê (*). Tập thơ có 80 bài mà Xuân Hòa đã sáng tác trong vài năm trở lại đây. Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập thơ là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình vợ con và những người thân yêu, ruột thịt. Tôi không có ý định chia sẻ hết ý tứ, thông điệp của tác giả mà chỉ mạn đàm về các bài thơ theo thể lục bát của Xuân Hòa.

Gần nửa thế kỷ làm thơ, Xuân Hòa viết nhiều thể thơ nhưng hình như thành công nhất vẫn là những bài thơ theo thể lục bát.

Thơ lục bát tưởng như dễ mà cực kỳ khó viết. Ranh giới giữa thơ và về chỉ cách nhau gang tấc. Có một người không tự nhận mình là nhà thơ nhưng vẫn nổi tiếng, bởi thể thơ lục bát; dẫu đó là lục bát kiểu bút tre. Nhưng không phải ai “học theo” cũng thành người nổi tiếng!

Sinh ra từ vùng quê thấm đậm làn điệu dân ca quan họ, lại được thực tiễn kháng chiến trui rèn, trời phú cho Xuân Hòa sự mẫn cảm và độ nhạy cần thiết để rung lên tứ và giai điệu thơ. Thực tiễn với bộn bề sự kiện là mảnh đất màu mỡ để Xuân Hòa thai nghén, nuôi dưỡng thơ. Chất dân gian trong thơ Xuân Hòa như là dòng sông Cầu cuộn chảy để chuyển tải tư tưởng, thông điệp của tác giả. Tôi chú ý đến cách lập tứ, dụng ngôn của nhà thơ. Những câu thơ lục bát vốn đậm đặc chất dân gian, cổ điển bỗng tươi mới như nhụy hoa mới ló, như chiếc bánh mới ra lò:

Tôi về về với xa xăm

Con đê, bờ bãi, ánh trăng quê nhà

Hội làng chảy giữa tháng ba

Bâng khuâng câu hát, người xa tôi về

(Tôi về)

Lại nữa:

Trăng nhòm cửa sổ lá rơi

Nửa nghiêng xa, nửa mỉm cười long lành.

(Em mùa thu)

Trăng nhòm cửa, lá rơi nghiêng… nhiều thi sỹ cổ kim đã dùng. Nhưng ở đây, Xuân Hòa không đi theo lối cũ. Cái cách “nửa mỉm cười” của nhà thơ cho ta cảm xúc mới, suy ngẫm mới. Chốn quê là tập thơ tả thực, cũng có bài “vén mây ngoạn trăng”. Nhưng dường như Xuân Hòa không có dụng ý ấy mà tiếng thơ thoát ra từ lồng ngực căng tràn ký ức, nơi có trái tim không bao giờ già cả:

Hạ vàng, thu thắm, đông sang

Dịu dàng em vẫn nét làng đất quê

Hương thơm tỏa lối đi về

Em là cỏ nội, hương quê nồng nàn

(Cỏ nội hương đồng)

Không biết cô thôn nữ nào “nghiêng nước, nghiêng thành” đã làm trái tim nhà thơ rung lên nhịp bất thường ấy. Năm nay Xuân Hòa đã bước qua tuổi thất tuần mà qua thơ ông trái tim không tuổi vẫn chưa nguôi ngoai thời Xuân sắc.

Xuân Hòa rất dụng công và có ý thức sử dụng ngôn từ. Đôi khi cực đoan nhưng người đọc hiểu được, chia sẻ được. Xuân Hòa nặng tình với quê hương và đồng đội, nên các tác phẩm thơ lục bát của ông cũng thấm đậm nhân tình thế thái:

Đảo ngồi, đảo đứng giăng giăng

Kết thành lũy thép chặn ngăn quân thù …

Biển long lanh, nước long lanh

Trăng treo đầu súng, kết thành lũy hoa

(Chiều trên đảo Nam Du)

Xã hội không “đao to búa lớn” trong thi ca. Nhưng ý chí, định hướng tư tưởng của ông thì không ai có thể phủ nhận hoặc thêu dệt được:

Ngàn năm tuổi mãi còn son

Màu áo xanh mãi vẫn còn thanh Xuân…

Chân đồi, khe suối bạn tôi

Ngàn bông hoa trắng, ngàn đời tỏa hương

(Mãi mãi mùa Xuân).

Đối với Xuân Hòa, tình yêu quê hương đất nước như dòng sông cuộn chảy. Và, đến lượt nó dòng sông cuộn chảy với thể lục bát mượt mà, uyển chuyển lay động lòng người đã nâng Xuân Hòa thành nhà thơ lục bát của đồng đội và những người yêu chiến sỹ :

Ta về đắp đập, ngăn sông

Như phù sa đọng cho đồng lúa xanh

Ta về tìm lại dấu chân

Tuổi thơ mùa hạ trong ngần tiếng ve

(Gửi mùa hạ)

T.T.T