Lục tỉnh cầm ca – Khi người trẻ giữ hồn văn hóa dân tộc

900

Trúc Thiên

Bài viết giới thiệu bộ sách Lục tỉnh cầm ca

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuối tuần qua, Chương trình Lục tỉnh cầm ca đã diễn ra tại Đường Sách TP HCM nhằm giới thiệu ý tưởng, quá trình thực hiện và xuất bản bộ sách cùng tên này. Chương trình cũng diễn ra cuộc giao lưu giữa độc giả với nhóm tác giả và các nghệ sĩ tham gia thực hiện. 

Nhóm tác giả đang giao lưu cùng độc giả

Việc nhóm người trẻ đam mê – khao khát tìm hiểu và hiện thực hóa việc đưa những bộ môn nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn đến công chúng. Đó là sự nhiệt tâm và quá trình không ngừng học hỏi để dần dần hoàn thiện bộ sách Lục tỉnh cầm ca. Bộ sách này gồm 4 quyển: Đường vào Hát Bội, Đường vào Diễn Xướng Dân Gian Nam Bộ, Đường vào Đờn Ca Tài Tử, Đường vào Cải Lương; hướng dẫn các bạn trẻ những kiến thức phổ thông cơ bản, được tập hợp qua nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn Xướng Nam Bộ, để bước đầu học cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam.

Ngoài những chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhóm biên soạn cũng đã kịp ra mắt bạn đọc các tác phẩm thiết thực để những thế hệ người già – trẻ – lớn – nhỏ đều cảm thụ và yêu quý nghệ thuật truyền thống. Thông qua chất liệu nghệ thuật cơ bản và QR code thực tế, bạn đọc sẽ thu hút và dễ dàng chiêm nghiệm hơn nội dung sách mang lại.

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca 

Có thể nói bộ sách Lục tỉnh cầm ca đã mang đến một luồng gió mới cho dòng sách văn hóa nghệ thuật dân gian. Từ cách tiếp cận bắt mắt bạn đọc, cho đến nội dung súc tích nhưng phổ quát, và hình ảnh minh họa thiết thực, bám sát nội dung. Giới trẻ như tìm lại được mạch nguồn của một dòng chảy văn hóa Nam Bộ rất riêng biệt và nổi trội bao đời nay.

Với người dân Nam Bộ, từ thuở còn nằm nôi đã quen dần điệu lý câu hò, quen luôn câu vọng cổ rót mật vào tai. Những ngày xưa, hầu như các đài truyền hình Nam Bộ đều chiếu Cải lương hằng ngày, hay mấy chương trình Đờn ca tài tử luôn thu hút không chỉ người lớn tuổi mà còn trẻ em cũng mê mẩn theo bổng trầm ngũ cung nhạc Việt. Hỏi mấy ai dân Nam Bộ mà không mê Đời Cô Lựu, không biết đến Tiếng trống Mê Linh. Hay ai mà chưa từng nghe Tình anh bán chiếu? Cứ nhắc đến cải lương, hay đờn ca tài tử thì khắp miệt Nam Bộ hầu như tỉnh nào cũng có vài Câu lạc bộ sinh hoạt giao lưu, hoặc chí ít phải có một nhà hát cải lương của tỉnh.

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca 

Chục năm lại đây, với sự phát triển của thời cuộc, và cách mạng công nghệ số hóa bùng nổ, khiến cái thú tao nhã đờn hát dường như biến mất khỏi văn hóa giải trí của người Nam Bộ. Vậy nên, bộ sách Lục tỉnh cầm ca ra đời từ những người trẻ, như một phát pháo khởi đầu cho xu hướng quay về với cội nguồn văn hóa dân gian. Những người trẻ, những công dân của thế hệ 4.0 vẫn nuối tiếc và quyết tâm giữ gìn cũng như phát huy một giá trị lịch sử của văn hóa dân tộc. Với họ điều khó khăn nhất khi hoàn thành bộ sách là sự mong mỏi bạn đọc chịu cầm trên tay cuốn sách, tìm hiểu về một nền văn hóa từng vượt sóng biển Đông lan ra thế giới.

Người trẻ ngày hôm nay, mấy ai chịu rời xa các nền tảng tiện ích trên chiếc smartphone mà lần giở từng trang sách nhỏ, đặc biệt là thể loại văn hóa dân tộc vốn dĩ xa lạ này. Chính vì thế, phải nói đây là một nỗ lực đáng quý trọng của nhóm tác giả. Đặc biệt, với ý nghĩa lan tỏa một nền tảng kiến thức sơ khai nhất với thế hệ mới của đất nước, bộ sách đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua Quỹ Phim, Âm nhạc và Lưu trữ – Quỹ FAMLAB. Quỹ này, hướng tới việc hỗ trợ các dự án làm việc với di sản âm nhạc và phim của Việt Nam thông qua các thực hành đương đại.

Với Lục tỉnh cầm ca, nghệ thuật văn hóa dân tộc một lần nữa lại được làm mới hơn nhưng vẫn giữ bản sắc vốn dĩ làm nên giá trị của một nền ca diễn độc đáo của đất nước.

T.T