Lược đồ sinh thái trong thơ nữ Việt Nam sau 1986

450

Hồ Tiểu Ngọc

Thơ nữ Việt Nam sau 1986, chúng ta thấy hiện lên những không gian tương tác mang đậm cảm quan sinh thái và nữ quyền sinh thái với những biểu hiện đa dạng, sinh động trong từng mối quan hệ cụ thể.

Mỗi nhà thơ nữ đều có quyền lực diễn ngôn theo hướng khai mở nhận thức mới – Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều công trình đã vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái, trong đó có phê bình văn học nữ quyền sinh thái để nghiên cứu những không gian văn học tương thích, nhằm chỉ ra mối quan hệ tương tác giữa con người và thiên nhiên một cách khách quan, đặc biệt là phản ánh ý thức của chủ thể sáng tạo trước môi trường xã hội đang có nhiều chuyển biến phức tạp. Soi rọi những nội dung ấy vào thơ nữ Việt Nam sau 1986, chúng ta thấy hiện lên những không gian tương tác mang đậm cảm quan sinh thái và nữ quyền sinh thái với những biểu hiện đa dạng, sinh động trong từng mối quan hệ cụ thể.

Thơ nữ Việt Nam sau 1986 đã nghiêng về chiếm lĩnh tự nhiên, cắt nghĩa, lí giải tự nhiên trong mối quan hệ với đời sống xã hội và của chính giới nữ. Trong cuộc sống đời tư – thế sự, các nhà thơ nữ rất nhạy cảm với mọi diễn biến của môi trường chung quanh. Từ những sinh hoạt đời thường với quan hệ riêng tư đến những sinh hoạt xã hội với nhiều quan hệ rộng lớn, người phụ nữ đều chứng kiến và chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp. Họ nhạy cảm và có góc nhìn riêng mang bản sắc giới. Ở đó, thiên nhiên trở thành đối tượng, được chuyển hóa thành cảm xúc, hình tượng, nhịp điệu mang sắc thái nữ tính hàm súc, thể hiện rõ qua ba giai đoạn cơ bản nhất mà phê bình sinh thái có thể nhận thấy, đó là: sinh thái học tự nhiên, sinh thái học nhân văn và sinh thái học văn hóa tinh thần.

Sinh thái học tự nhiên là giai đoạn đầu tiên của phê bình sinh thái, quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trong thơ nữ Việt Nam sau Đổi mới, các nhà thơ thấy được mối quan hệ hài hòa vốn có giữa con người và thiên nhiên, mà cụ thể ở đây chính là sự tương đồng giữa phụ nữ với thế giới tự nhiên. Thiên nhiên không chỉ đơn thuần là cảm hứng trong thi giới nữ, soi chiếu ở góc độ nữ quyền sinh thái, các yếu tố tự nhiên còn được đồng nhất với thân phận mỏng manh của người phụ nữ giữa cuộc đời đầy xao động. Xuân Quỳnh nhạy cảm với những chuyển biến chung quanh từ mọi khía cạnh, từ hình ảnh những cánh đồng mùa lũ trắng xóa cơn mưa: Thương cây lúa đang đòng/ Đã nát cùng bùn đất (Ngày mai trời còn mưa) đến những gì bé nhỏ mà làm nên quan hệ máu thịt với cánh đồng: Thương con dế nhỏ dưới hầm/ Những năm bom đạn thức cùng lời ru; cả cánh chuồn mỏng manh trong gió cũng không tuột khỏi tâm hồn dễ tổn thương, mềm yếu của nhà thơ: Không tìm đâu một chốn nương nhờ/ Mỏng manh thế làm sao chịu nổi/ Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới/ Trời bão lên rồi mày ở đâu? (Chuồn chuồn báo bão). Xuân Quỳnh luôn hữu hình hóa, âm thanh hóa những gì đồng nghĩa với sự sống để truyền thông điệp đến con người về những điều kì diệu của thiên nhiên: Mỗi sáng dậy tôi chào mặt đất/ Những đàn ong kiếm mật buổi ban mai/ Cỏ bên sông, và bãi sa bồi/ Phù sa ướt còn nồng mùi cá/ Cành đước mặn, cây ngô trong kẽ đá/ Những con đường khuất sau lá rừng xưa… (Bầu trời đã trở về).

Thế giới thiên nhiên gần gũi và thân thương trong thơ nữ thời hiện đại cần cho con người hơn là cần cho chính nó. Tôn Nữ Thu Thủy đã không bỏ qua trạng thái ngưng lặng của thiên nhiên chan hòa buổi sáng: Sớm mai, hoa súng trắng ngẩng nhìn bầu trời trắng hơn chút nữa/ Cánh chim với bầu trời bay lên/ Nguồn nắng rót niềm ấm áp vô tận/ Có phải bầu trời cũng tự nhủ sẽ xanh hơn (Ngoài cửa). Tình cảm hoa trái quanh đời được nhà thơ cảm nhận trong quan hệ gắn bó thường ngày nhằm tránh sự lãng quên, thờ ơ của những tâm hồn nguội lạnh. Nhưng cái nhìn sâu hơn là khi tác giả nhận ra, mỗi phận người đều “tái sinh” từ đất để nhận về bao ân nghĩa với cuộc đời: Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà/ Những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất và nụ hôn đầu đời/ trắng trong, ngây ngất/ Đẫm hương đồng đã tái sinh tôi (Tôi sinh ra từ bùn). Còn Tuyết Nga thì thổn thức hơn khi nhìn rặng tầm xuân lặng lẽ tự bao giờ, nó xanh đơn giản và cũ càng đến thơ dại, nhưng nhà thơ bất chợt nhìn hoa trong một chiều xanh ngắt để nhận ra hoa cũng già trước tuổi như mình giữa cuộc đời đầy âu lo: Hãy nói với ta hương bưởi thơm ra sao ngày Mẹ 18 tuổi/ Nụ tầm xuân xanh biếc/ xin hãy kể cho ta về những tháng năm dài/ bếp lửa Mẹ nhen hồng sau cánh cửa/ nơi cha về sau những chuyến đi xa/ nơi cơn bão tháng 3 ngọn gió Lào tháng 7/ cuốn tơi bời lòng Mẹ những hoàng hôn (Hoa tầm xuân). Dù vậy, chị cũng đã kịp nhận ra cuộc đời nhân hậu đủ để yêu thương và nâng niu, gìn giữ: Dù con sinh bà đã không còn nữa/ nhưng bà đã yêu con từ xửa từ xưa/ bà gửi cho con hoa trái mùa thu/ đàn ong tháng 3/ ông trăng tháng 6 /…/ mai con lớn rồi vẫn đủ yêu thương (Nói với con về bà ngoại). Lê Thị Mây lại nhìn thấy mối quan hệ sinh thái tự nhiên có khả năng tạo ra tình yêu đôi lứa: Mỗi ban mai nảy lá/ Sinh nở hai con người/ Và trái đất lại trẻ/ Trong tình yêu muôn đời (Tình yêu). Đây phải chăng là cái nhìn sinh thái tự nhiên mang cảm quan đạo đức, thẩm mĩ mới của người phụ nữ thời hiện đại?

Các nhà thơ nữ đủ lí trí để phân biệt những tích cực và tiêu cực mà thiên nhiên và con người mang lại cho nhau trong từng kinh nghiệm sống. Ở đó, thiên nhiên không còn tách biệt mà gắn bó mật thiết hơn với sinh mệnh, chi phối đến đời sống con người và góp phần định hình nên các không gian văn hóa xã hội. Các nhà thơ nữ sau 1986 dịch chuyển quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với con người. Nghĩa là về mặt thức nhận, vấn đề sinh thái đã chuyển từ sinh thái học tự nhiên sang sinh thái học nhân văn. Các nhà lí luận xem đây như là giai đoạn thứ hai của cảm quan sinh thái trong sáng tác và phê bình văn học. Cả hai cùng đồng hành trong cảm thức của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận.

Khi hệ sinh thái thời hiện đại bị khủng hoảng, con người trở thành nạn nhân do chính những hành động can dự của mình đến tự nhiên. Ý thức được điều đó, thơ nữ hiện ra như một lời sám hối, trăn trở để nỗ lực bảo vệ tự nhiên, tái thiết trái đất nhằm chuộc lại tội lỗi của mình trong khát vọng đoàn viên, hành hương về với tự nhiên. Từ cảm quan sinh thái ấy, thơ nữ ý thức về con người “tội đồ” trong mối quan hệ với tự nhiên; ý thức về con người nạn nhân trong mối quan hệ với tự nhiên; ý thức về con người tha hóa; ý thức về nỗi bất an sinh thái do thiên nhiên mang lại được phản ánh trong thơ một cách đa dạng, làm hiện lên nỗi bất ổn sinh thái trong quan hệ hai chiều, cả ý thức lẫn vô thức. Nhà thơ Phan Huyền Thư đã nhìn thấy vấn đề có tính bản thể: Con người là nỗi đau (Không thanh thản). Nỗi đau của sinh mệnh gắn bó chặt chẽ với môi trường sinh thái. Thơ của Đinh Thị Như Thúy thể hiện mối tương tác này rõ hơn cả. Nó không còn là quan hệ hời hợt bên ngoài mà đã thành tâm cảm sâu sắc: thị trấn ướt át đang chìm dưới bầu trời màu chì nặng trĩu, khó tìm đâu ra một nơi nhiều rác rến hơn nơi này (Krông Pắc, tháng mười một ngày mười ba). Và nhà thơ đã nhận ra: Đã bắt đầu những chuyển động hỗn loạn chói gắt. Mặt trời không lên thẳng mà đi đường dích dắc/…/ trong lòng ngực khối u đã được kích hoạt (Cái gì đang xảy ra giữa chúng ta). Đó phải chăng là lời tiên tri của thi ca trước những biến chuyển đầy khắc nghiệt của tự nhiên? Cơn kịch phát nào sẽ đến, nếu ngày kia tự nhiên nổi giận?

Vấn đề định giá chuẩn tắc đạo đức sinh thái thông qua mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên được các nhà thơ nữ thể hiện khá rõ rệt trên cơ sở chỉ ra được các kiểu con người mới mẻ: Con người xâm phạm tự nhiên, xâm phạm cả sự sống của con người. Tư tưởng nhân loại trung tâm và sự sai lạc trong nhận thức, hành vi là nguyên nhân khiến con người xâm phạm tự nhiên, nuôi dưỡng tham vọng chế ngự hay thống trị tự nhiên. Đinh Thị Như Thúy đã nhìn thấy thiên nhiên nhiễm độc, thiên nhiên bị hủy diệt dưới bàn tay tàn bạo của con người: thế giới đang bị nhiễm độc những độc tố đang dần đi vào mỗi vật thể theo những con đường khác nhau những con cá nhiễm độc những trái táo đỏ nhiễm độc nhiễm độc dòng sông nhiễm độc bầu trời nhiễm độc sữa… (Ngày nhiễm độc).

Cuộc sống chung bề bộn, âu lo và cuộc đời riêng luôn thăng trầm bất ổn cùng những diễn biến phức tạp của sinh thái, nên thơ nữ nổi lên giọng điệu hoài nghi, tự vấn về mối quan hệ sinh thái hai chiều là một thực tế. Sinh thái diễn ra trong sự vô tâm, độc ác của con người, tạo nên những chấn thương sinh thái đạo đức và sinh thái xã hội, tác động đến sự sống con người. Vi Thùy Linh đã chứng kiến cảnh tượng: Thảo nguyên chết cóng dưới băng tuyết/…/ Dầu loang trên biển, hồ, phơi xác tỉ tỉ cá (Những đồng cỏ nằm dưới tuyết). Hạn hán, lũ lụt, đói rét, nhiễm độc đang hiện diện, giữa khi nhân gian trống rỗng, vô cảm là điều Vi Thùy Linh đã lên tiếng từ khi cô hai mươi tuổi. Cái chết của tự nhiên và cái chết trong lòng người là một hiểm họa nhãn tiền nếu chúng ta không thực sự nhìn nhận một cách máu thịt về tương quan sinh thái nhân văn trong chiến lược kiến tạo hệ giá trị sinh tồn.

Cảm quan sinh thái trong thơ nữ về sau có nhu cầu cộng hưởng hai nội dung sinh thái trên bằng việc tăng cường phản ánh sinh thái học văn hóa tinh thần. Đây được xem là giai đoạn thứ ba với ngày càng nhiều diễn ngôn sinh thái hướng đến chiều sâu văn hóa và tinh thần đạo đức hiện đại.

Ý thức phục hưng tinh thần sinh thái từ quyền lực văn hóa đã giúp các nhà thơ nữ kiến tạo nên quyền lực diễn ngôn nhằm khai mở nhận thức mới cho con người phù hợp với nền văn minh công nghiệp – hậu công nghiệp. Vì vậy, diễn ngôn sinh thái hiện đại vừa là hoài niệm lãng mạn, vừa là tưởng tượng mộng mơ về môi trường sinh thái mới, tạo nên đặc trưng diễn ngôn sinh thái hậu hiện đại trong ý thức sáng tạo của tác giả nữ. Thơ trở thành một diễn ngôn sinh thái dựa trên quyền lực liên văn bản, liên (xuyên) văn hóa, liên chủ thể, tạo thành những liên kết sống linh nghiệm trong vũ trụ. Nhà thơ đã thấy được sự biện chứng giữa văn chương và thực tế tâm linh của con người trong tương quan với thiên nhiên. Vi Thùy Linh lên tiếng về sự bất ổn của quan hệ sinh thái thời hiện đại có nguy cơ làm tổn thương đến văn hoá tinh thần và nhân vị, từ cá nhân đến cộng đồng: Những ngôi nhà/ và những ngôi mộ/ nuốt chửng cánh đồng/ Nơi ở của những người chết tấn công người sống/ Thành phố chết dựng lên đám mạ/ Người đang sống giành nhau đất sống/ Người đang sống xây sẵn mộ, ganh đua nhau xây mộ, những ngôi mộ hình nhà, to bằng giường cưới/ Người đang sống đóng sẵn quan tài cho người chưa chết (Những ngôi nhà). Chúng ta nhận ra sự xen cài của tự nhiên, văn hóa trong những biến đổi của đời sống. Và như thế, thật rõ ràng, sinh thái văn hóa tinh thần đang bị nhiễm độc, đang bị phá hủy như chính tự nhiên, từ hành vi, nhận thức của con người.

Những chấn thương sinh thái có khả năng dẫn đến những chấn thương tinh thần, điều này thể hiện rõ trong chủ đề chiến tranh mà các nhà thơ nữ đã thể hiện bằng một cái nhìn nhân văn mang bản sắc giới. Khi đứng trước bức tường đen khắc tên 58.000 lính Mĩ đã tử trận trong cuộc chiến ở Việt Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ có bài thơ viết về người lính Mĩ và những người mẹ Mĩ thật xúc động. Bức tường đen ấy trở thành chứng tích tội ác, thành vết thương không bao giờ lành, ám ảnh, buốt nhói. Nhà thơ đã tận mắt chứng kiến những người mẹ Mĩ run rẩy bên bức tường đen tìm tên con trong nhạt nhòa nước mắt: Bức tường đen – Những linh hồn chết/ Bức tường đen – Những con người/ Những cuộc đời/ đã biến thành khói/ đã biến thành bụi/ đã biến thành gió/ đã biến thành sương/ đã biến thành vết thương/ Trong ngực bà – người mẹ Mĩ (Bức tường đen). Tác giả đã nhập vai vào hình ảnh lặng lẽ của người mẹ Mĩ để đồng cảm, sẻ chia. Nỗi đồng cảm hai lần đau buốt, một cho những người mẹ Mĩ, một cho những người mẹ Việt Nam: Tôi đã đến đây bằng trái tim người Mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mĩ mất con. Tiếng khóc ấy có cứu vãn được nhân tính, đánh thức lương tri, giải thoát con người khỏi vô minh, đày đọa, đau khổ? Bên bức tường đen, giọt nước mắt như giọt lửa/ bỏng rát. Giọt lệ có hình trái tim: Một trái tim/ Nặng hơn quả đất. Chứng tích chiến tranh ấy không hề vô nghĩa trước những thảm họa, xung đột mà nhân loại luôn có nguy cơ phải đối mặt: Ở đây chỉ có một màu đêm/ Những bình minh đã chết/ Tuổi trẻ đầu xanh đã chết/ Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết/ Những tâm hồn tắt lặng…/ Nhưng/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mĩ/ Nhức nhối/ Không bao giờ thành sẹo (Bức tường đen). Tư tưởng và cảm xúc của bài thơ một lần nữa đánh thức lương tri con người, chất vấn và khơi dậy ý thức trách nhiệm, nhận thức đúng đắn về đời sống xã hội và tự nhiên, kiến tạo môi trường nhân văn, sinh thái tinh thần lành mạnh, an toàn… có lẽ là điều mà tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động một cách thiết thực.

Sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta nhận ra dòng chảy của văn chương sinh thái trên bình diện thế giới. Diễn ngôn văn chương nghệ thuật, lúc này, đồng thời là một diễn ngôn sinh thái, một dữ kiện cho những phân tích, đánh giá về hiện trạng sống của con người và sự tồn tại của tự nhiên. Từ phối cảnh ấy, có thể thấy thơ nữ Việt Nam sau 1986 đã thể hiện sâu sắc những cảm nhận, suy tư của người phụ nữ về những vấn đề cấp bách của thời đại. Với cảm thức tự do thông qua sự tự ý thức mạnh mẽ từ/ về phái tính của mình, các cây bút nữ đã làm nên cảm quan sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn và sinh thái văn hóa tinh thần như là một sự lên tiếng, một phản biện, một chất vấn đối với tình thế của con người và môi trường hiện nay.

H.T.N

Theo Văn Nghệ Quân Đội