Lượm bạc rơi – Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

835

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chờ ông Hai ăn xong bà mới ăn. Bà ăn không nổi, thấy miệng đắng ngắt như ngậm bồ hòn. Bà cứ nghĩ ai đó trưa nay khóc hết nước mắt. Bà lại ân hận sao mình không đứng đợi thử có ai đi kiếm để trả lại cho họ. Chẳng lẽ đồng tiền lớn quá làm mất nhân tính sao?

Nhà văn Phạm Văn Hoanh 

Bà Hai vừa tắm cho mấy con heo, vừa lẩm bẩm:

– Mới đó mà thằng Trọng đã năm tư, con Quý năm hai rồi. Thời gian sao mà nhanh thế. Đúng là thời giờ ngựa chạy tên bay. Không biết mai mốt hai đứa nó ra trường có xin được việc không? Khổ thật!

Rồi bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính các khoản tiền vay ngân hàng đã đến kỳ trả gốc lẫn lãi. Bỗng bà trố mắt:

– Trời ơi! Sao mà nhiều thế! 200 triệu. Lãi mẹ đẻ lãi con miết thế này. Lần này cố gắng mượn đỡ trả cho rồi.

Bà lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán, nơi khóe mắt, rồi nhìn ra vườn. Mảnh vườn hơn một sào giờ chỉ là mảnh đất trắng. Bà nhìn ra cánh đồng, cánh đồng cũng trơ gốc rạ. Trận lụt vừa rồi đã cuốn phăng hoa màu ra biển, lúa má hư hết. Bà chép miệng:

– Nếu mượn không được thì lãi sẽ tiếp tục tăng. Mà lãi tăng thì không nói, ngặt là vay tiếp cho con Quý ăn học không được. Phải chi ông Hai khỏe mạnh thì đâu đến nỗi.

*

Cuộc sống gia đình bà Hai mấy năm về trước không phải tệ. Không giàu lắm nhưng cũng có của ăn của để. Ông Hai ngày ngày chạy xe ôm. Còn bà lo ruộng vườn, nuôi heo, nuôi bò. Ai cũng tấm tắc khen vợ chồng bà giỏi giang, làm ăn có kế hoạch. Thế mà từ ngày ông Hai bị tai nạn giao thông nằm một chỗ, cuộc sống gia đình bà trở nên nghèo khó, mặc dù đã được chính quyền địa phương, anh em, bạn bè, bà con hàng xóm hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần. Khi hai đứa con lần lượt vào đại học, gia đình bà lại càng khó khăn hơn. Cái thì tiền thuốc, tiền sữa cho ông Hai, cái thì tiền học phí cho con, tiền mua phân, mua thuốc bón cho lúa và hoa màu… bà phải chạy vay, chạy mượn. Ở nông thôn, con cái đậu đại học là cha mẹ phải vào Sài Gòn bán vé số, bán hủ tiếu, bán báo… để lấy tiền nuôi con ăn học. Họ sợ vay ngân hàng trả không nổi. Còn bà, con vào đại học phải vay ngân hàng. Mấy chú, mấy cô bảo bà đi Sài Gòn bán vé số, để ông Hai ở nhà mấy chú, mấy cô chăm sóc. Bà Hai không chịu. Bà sợ họ chăm sóc không bằng bà. Thôi thì ráng nai lưng ra làm. Cực thêm một tý không sao. Mà xưa nay bà có biết sướng bao giờ mà sợ cực.

Bà Hai cực từ hồi nhỏ. Bà mồ côi cha từ lúc mới lọt lòng. Lên ba tuổi mẹ bà cũng bỏ bà theo cha xuống suối vàng. Bà phải sống với ông bà ngoại. Ông bà ngoại cũng nghèo, nên mới bảy, tám tuổi bà phải một buổi đi học một buổi đi làm. Học hết lớp mười hai bà nghỉ học. Ông bà ngoại động viên thế nào bà cũng không đi thi đại học. Bà ở nhà phụ giúp ông bà ngoại cho đến khi lấy chồng.

Từ ngày bà gặp ông Hai xe ôm rồi trở thành vợ chồng. Hai vợ chồng chăm làm nên cuộc sống cũng khá giả. Đùng một cái ông Hai bị tai nạn giao thông, gia đình bà rơi vào cảnh túng thiếu. Tính đến nay hơn mười năm ông Hai nằm một chỗ. Bao vất vả đổ lên đầu bà. Đã vậy rồi mà đầu óc của bà cũng không yên. Ngày đến tối bà phải chịu bao nhiêu trận chửi của chồng vì ghen tuông. Nỗi khổ đó đè nặng trên lưng bà khiến bà già đi. Mới năm mươi tuổi mà nhìn bà như bà lão. Tóc bà bạc quá nửa. Hai mắt sâu hóm. Đôi má hồng hào ngày nào giờ đã rạn vết chân chim. Đôi bàn tay búp măng giờ nứt nẻ thô ráp…

*

Đang tắm cho heo, nghe ông hai gọi, bà hai lật đật chạy vào hỏi:

– Anh gọi gì vậy?

– Sáng nay bà hẹn hò với thằng nào phải không?

– Anh cứ giỡn hoài. Mặt mũi em giờ ai mà thèm nhìn nữa.

– Tôi biết bà thèm khát lắm. Nhưng tôi thì không thể…

Bà Hai chỉ biết ôm mặt khóc, mà nghe những lời chửi của chồng. Bà nghĩ mình bị oan. Bà muốn bỏ ổng cho khuất mắt. Nhiều lần bà định li dị, nhưng nghĩ đến hai đứa con bà phải cắn răng chịu đựng. Chịu đựng riết thành quen. Bà lấy lại bình tĩnh đứng dậy lau nước mắt nói:

– Anh có đi thể dục không? Mười mấy năm nay ai lo cho anh được chừng này mà chửi bới. Tập nhanh rồi ăn cơm cho em đi mượn tiền để trưa.

Ngừng một lát bà nói:

– Bữa nay cố gắng không cần vịn vào em nữa mà chống cây gậy tập đi cho quen.

Ông Hai tự đứng dậy cầm cây gậy chống đi được một đoạn. Rồi ông nhìn bà nói:

– Cảm ơn em. Nếu không có em thì anh chết rồi.

Ông Hai đi lần đến chỗ bà Hai. Gần đến, ông thả cây gậy tự bước đi. Bà hai sợ ông ngã, nên dang tay đỡ. Ông Hai ôm choàng bà khóc như con nít. Bà hai cũng khóc theo.

Công việc đâu vào đó, bà Hai dắt cây xe hon da đăm cà tàng ra lau chùi bugi và dặn:

– Anh nằm nghỉ, không được đi, em chạy đến mấy người bạn hỏi mượn đỡ ít chục triệu về góp trả cho ngân hàng, rồi bữa sau vay lại trả cho họ. Trưa nay mình ăn hơi trễ tý nghe anh!

Ông Hai làm thinh không nói không rằng.

Tính ông Hai là vậy. Mỗi lần bà Hai đi đâu chừng buổi là ông nghĩ chuyện bậy bạ. Ổng cứ nghĩ bả đi nhà nghỉ với người đàn ông nào đó. Ông nghĩ cũng có lý. Vì ngày còn mạnh khỏe chạy xe ôm ông đã từng chứng kiến cảnh mấy chị em phụ nữ có bồ giả bộ đi chợ rồi rủ nhau vào nhà nghỉ đến trưa mới về. Có một lần ông chứng kiến cái cảnh đau lòng mà nó cứ ám ảnh ông mãi. Một hôm ông đang đợi khách ở trước nhà nghỉ nọ, thấy một người phụ nữ khoảng chừng năm mươi tuổi mặc chiếc váy màu tím hoa cà rất đẹp đi song song với một người đàn ông lực lưỡng, đẹp trai. Hai người vào nhà nghỉ dựng xe trong trại rồi bước vào phòng lễ tân. Gần trưa hai người ra trại dắt xe về, bỗng người phụ nữ ngồi khóc hu hu. Người đàn ông nói: “Thôi trưa nay cho nó ăn mắm bữa!”. Người phụ nữ đến anh bảo vệ hỏi. Anh bảo vệ bảo: “Có con chó của ai không rõ nó na túi cá, thịt của chị. Tôi đuổi theo mà nó không thả, nó làm rớt mấy con cá tôi lượm được treo đây, chị đem về nấu cho heo”. Chị lại khóc: “Bây giờ chợ tan rồi làm sao mua. Vả lại tiền cũng hết rồi”. Chị nhìn người đàn ông nói: “Anh ơi đưa lại em ít trăm, em ra chợ mua lại thức ăn, để chồng em khỏi nghi ngờ!”. Người đàn ông đi cùng chị nói: “Thôi bấy nhiêu về kho cho nó ăn được rồi”. Nói xong, người đàn ông rồ máy chạy. Chị lau nước mắt cầm túi cá bốc mùi treo vào móc xe rồi ra về. Ông nghĩ chẳng lẽ mấy con cá ươn chó thả ra mà nó kho cho thằng chồng ăn sao? Nghĩ đến đây ông bực mình, gắt lên:

– Có đi nhà nghỉ thì gởi cá thịt cẩn thận đừng để chó ăn rồi mới đem về!

Bà Hai giả vờ không nghe, hay lo cặm cụi đạp xe mà không trả lời.

*

Bà Hai đến mấy chỗ mà vẫn không mượn được đồng nào. Buồn quá! Bà quay về. Bà nghĩ số tiền lớn quá mượn không ai cho. Vả lại họ sợ bà không trả nổi. Hay là số tiền lớn quá họ không có để nhà… Đang suy nghĩ lung tung, bỗng bánh xe trước đạp gói ni lông màu đen làm cổ xe chao. Bà xuống xe dựng sát mé đường, bước đến gói ni lông lấy chân hất qua hất lại dò xem thử. Nhiều lần bà cũng lượm được gói màu đen như thế này, bà đã đem đến bỏ vào thùng rác, xem như mình làm được một việc tốt là bảo vệ môi trường. Nghĩ vậy bà cúi xuống cầm lên mở ra xem. Mắt bà bỗng sáng lên, tim đập thình thịch. Bà không tin vào mắt mình. Bà cứ nghĩ đang mơ. Gói bạc toàn tờ 500 ngàn. Bà ước chừng gói bạc cũng dưới tỷ. Bà bỏ gói bạc vào xách, suy nghĩ. Gói bạc này trả ngân hàng, nộp tiền học phí cho hai đứa con, mua cây xe tay ga đi cho sướng, còn lại gởi ngân hàng lấy lãi… Bà vui mừng lên xe chạy thẳng lên ngân hàng. Nghĩ sao, bà đứng lại rút cái điện thoại cùi bắp ra xem. Hơn 11 giờ rồi. Bây giờ đến ngân hàng thì không kịp. Thôi về lo cơm nước cho ông Hai, từ từ chiều lên ngân hàng trả cũng không muộn.

Cơm canh đã chín bà Hai bưng lên cho ông Hai. Chờ ông Hai ăn xong bà mới ăn. Bà ăn không nổi, thấy miệng đắng ngắt như ngậm bồ hòn. Bà cứ nghĩ ai đó trưa nay khóc hết nước mắt. Bà lại ân hận sao mình không đứng đợi thử có ai đi kiếm để trả lại cho họ. Chẳng lẽ đồng tiền lớn quá làm mất nhân tính sao? Không. Nghèo cho sạch rách cho thơm. Mình không thể sung sướng trên đau khổ của người khác được. Mình phải để lại cái đức cho con. Bà ráng nuốt vội miếng cơm rồi bưng mâm cơm cất. Bà đến bên ông Hai kể cho ông nghe chuyện lượm được gói bạc lúc sáng.

Ông Hai bảo:

– Anh nằm một chỗ, gói bạc đó cũng cần lắm. Nó có thể đổi đời cho gia đình mình. Nhưng gói bạc đó của người ta làm rớt. Mình không thể tham được. Tham thì thâm. Thôi đem trả lại cho họ.

– Em cũng nghĩ vậy. Nhưng làm sao trả. Không khéo người mất không nhận được tiền mà kẻ gian lại nhận tiền.

Ông Hai suy nghĩ một lát rồi nói:

– Em đem số tiền này đến đồn công an trình báo, để công an thông báo lên đài. Ai mất thì đến nhận.

– Vậy thì anh ngủ trưa đi! Em đi ngay bây giờ.

Bà Hai dắt cây xe hon da đăm ra đạp cả mấy chục cái mới nổ.

                                                                                               P.V.H