Lương Hữu Quang – Những câu thơ ngoái lại…

491

Triệu Phong

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sinh 1965 tại Thanh Hóa, Lương Hữu Quang có nhiều năm quân ngũ. Bởi thế cũng không là lạ, khi anh viết nhiều về đời lính – người lính. Và cũng không lạ, khi anh đoạt khá nhiều giải thưởng thơ về đề tài này, có thể kể đến: Giải khuyến khích cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức 2008-2009; Giải thưởng của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc 2010 cho tập thơ” Gọi cánh buồm xanh”; Giải ba cuộc thi thơ về Ngàn năm Thăng Long do báo Văn nghệ và Đài truyền hình thành phố Hà Nội tổ chức 2010; Tặng thưởng của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 cho tập thơ: “Những câu thơ ngoái lại”…

Cũng có nghĩa rằng, đã từ hơn 10 năm trước, Lương Hữu Quang bằng tài năng thơ ca của mình, cứ mỗi năm lại đều đều có một giải thưởng thi ca, đặc biệt  bùng nổ vào năm 2020, anh đoạt liền 4 giải thưởng lớn (Giải thưởng viết về chủ đề biển đảo của Bộ tư lệnh Hải quân trao tặng, Hội đồng giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo Hội nhà văn Việt Nam trao giải Tôn vinh cho trường ca “Nơi khôn thiêng của biển”; Giải thưởng Bộ quốc phòng về VHVN cho tập trường ca “Nơi khôn thiêng của biển”…).

…Tôi nhớ cũng cách đây đã hơn 10 năm, tôi được biết Lương Hữu Quang qua những dòng giới thiệu của nhà thơ y Inrasara – nay là Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội nhà văn VN đã viết về thơ Lương Hữu Quang: “Xuyên suốt tập thơ ‘Mơ trong bão’ của Lương Hữu Quang là thân phận của các sinh thể mang tên con người bị xô tới cư trú trên trái đất giữa mênh mông vũ trụ đầy bấp bênh này. Các sinh phận đau khổ trôi dật dờ giữa dòng đời và trong thời gian. Dòng đời và thời gian vừa hiện thực vừa siêu hình. Thực như trận lũ kia bất ngờ ập đến, trận lũ làm ‘Trôi chó, mèo, gà lợn/… cả làng trôi ra biển/ sót lại chỉ mình bà (Trắng mắt) Cả làng bị dòng lũ cuốn đi. Một dòng lũ rất thực, cuốn trôi và trôi và trôi tất cả. Không thể cứu vãn. Không đấng nào cứu chuộc. “Đức Chúa ở đâu? Bồ Tát đâu rồi?”, – những sinh phận kia kêu cứu, để không nhận lấy một lời đáp trả.

Lương Hữu Quang gọi đó là một “mẻ lưới định mệnh”. Mẻ lưới thôi đã vậy, mặt đất này còn chịu đựng bao nhiêu mẻ lưới khác, khốc liệt ngàn lần hơn. Điều trớ trêu là, mẻ lưới đã cuốn trôi tất cả, chỉ bỏ lại… một sinh thể. Một sinh linh vừa già nua vừa yếu đuối, sinh linh đã nhận đủ bao nỗi đời, một sinh linh như thế có lẽ “cần” được cuốn trôi sớm hơn cả (hay nói theo ngôn ngữ đời thường, là đáng “về nhà” trước); nhưng chính sinh linh đó đã bị bỏ lại: “sót lại một mình bà”. Sót lại, như là cách trêu ngươi khác của định mệnh dành cho con người! Các thân phận như thế có mặt suốt tập thơ, dù lộ hay ẩn, nhưng luôn có mặt. Định mệnh nặn ra thân phận có khi đến từ ngoại cảnh. Gom tất cả hình thái định mệnh kia lại, nhà thơ gọi đó là những “cơn lốc số phận”. Hay thi vị hơn: “con thuyền định mệnh chất đầy nỗi đau” (Hắn đã say). Nó tuyệt đối không chừa trừ một sinh phận nào cả! Từ anh nhà quê vô danh tiểu tốt cho đến văn nhân lừng danh, từ kẻ tử tù đáng thương sắp lãnh án cho đến đấng quân vương đang nắm mọi quyền sinh sát trong tay, “cơn lốc định mệnh” ùa tới và tràn lên sẵn sàng đè bẹp sinh phận nhỏ nhoi ấy, đột ngột và bất ngờ đến không lường trước được. Cảm trạng yếu đuối, nhỏ bé của phận người trước bao la của vũ trụ, các nhà thơ và triết gia xưa nay đã nói nhiều rồi. Bằng cảm quan của một thi sĩ, Lương Hữu Quang không phải không cảm nhận được điều đó: “vũ trụ bao la nho nhỏ kiếp người” (Hạt bụi lang thang). Thế nhưng, tiếp sau cảm trạng đó, là cái gì, đó mới là điều thiết yếu. Triết học phi lý của Albert Camus được diễn tả như là “sự nhạy cảm phổ biến của thời đại chúng ta”. Hình ảnh biểu trưng cho sự phi lí ấy được thể hiện qua hành động của anh hùng Sisyphus, một nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp. Nhân vật này bị các thần linh kết án phải làm công việc thậm vô ích, là lăn một tảng đá lên ngọn núi để nhìn nó rơi trở lại. Cứ thế… kéo dài cả đời. Người anh hùng ấy đã “nhận phận và yêu mệnh”. Camus cả quyết rằng, ông ta “hạnh phúc”. Với Lương Hữu Quang, sau bao “cơn lốc số phận” kia, điều gì còn lại? Chắc chắn đó là sự thông hiểu: “cuộc đời là hạt bụi lang thang” (Hạt bụi lang thang). Thông hiểu và yêu thương và hạnh phúc, tại sao không? Đoạn thơ cuối ở bài thơ cuối cùng: ”Mây trôi trắng/lục bình trôi xanh/ý nghĩ trôi trong thời gian lấp lán/ từng người trôi trong bàng bạc chiều (Chỗ ngồi vắng). Đó là thi ảnh đẹp. Cái đẹp của người thi sĩ nhận chân được hạnh phúc cả khi “trôi trong bàng bạc chiều”!

Tôi cùng chung cảm nhận thơ Lương Hữu Quang như Inra sara, nhưng yêu thơ anh nhiều hơn bởi những bài thơ anh viết về người lính. Những giải thưởng xứng đáng dành cho trường ca “Nơi khôn thiêng của biển” rất lao tâm, rất mới mẻ anh viết về biển và người lính biển đã nói rất nhiều về ý nghĩa và giá tri thơ Lương Hữu Quang. Và không chỉ có hàng tram câu thơ lung lính ấy, mà còn rất nhiều ở những bài thơ khác:

Người lính còn lại sau cuộc chiến

trở về bên mái rạ

chiến tranh tàng hình

len vào giấc ngủ 

nghiền nát cơn mơ

và rồi:

“Người lính ấy cõng trên lưng giọt máu dị dạng đi về phía bên kia chân trời…”

Và đây nữa:

Lịch sử gối đầu trên xương máu

những ngôi sao không bao giờ tắt

sóng bạc nghẹn

ru hình hài lặng lẽ

Thơ Lương Hữu Quang rõ ràng có trí tuệ, có cách tân, không thật nhiều cảm xúc nhưng khúc triết, có chiều sâu của tư duy và cảm nhận. Điều may mắn và tưởng thưởn nhất ở thơ anh, là anh không đẫm vào bước chân những nhà thơ đi trước, mà khai phá riêng một con đường thơ  của mình, một lối thơ của mình, một phong cách riêng của mình. Những nhà thơ trẻ không dễ gì làm được điều này. Nhiều nhà thơ thế hệ anh cũng chưa làm được điều này…

Con đường tôi đang đi

ở nơi tôi đang đứng

những ánh mắt phản sắc

mang hình hài mũi tên

bay qua công viên… là dòng sông hóa tuyết.

Trong giấc mơ không thấy lụi tàn

trong những dòng chữ thiêng sán lạn

có con đường đợi bóng dáng người đi

Anh đã có ba tập thơ và một tập trường ca, cùng nhiều giải thưởng văn chương đáng quý. Và mọi hy vọng về thơ anh vẫn hướng về phía trước, khi rõ ràng lúc này, hơn bao giờ anh đang vào độ chín, độ sung sức nhất…

T.P