Lưỡng lự – Truyện ngắn Phạm Văn Hoanh

577

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều xuống. Những tia nắng mùa hạ như thiêu như đốt đang tắt dần trên sân bãi của xóm Bình An. Bao đứa trẻ đang đá bóng, đánh bóng chuyền, chơi rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… cứ thúc giục Thương hãy ra đó mà hòa cùng cuộc vui. Nhưng sực nhớ đang mùa đại dịch covid-19 nên nó đành tiu nghỉu như mặt mèo.

Nhà văn Phạm Văn Hoanh

Ngồi bậc tam cấp nhìn ra mà lòng Thương buồn rười rượi. Miệng lẩm bẩm:

– Lại covid-19 nữa. Con covid-19 kia, sao mày không chết tiệt đi. Nghỉ hè tưởng được đi chơi, ai dè mày lại xuất hiện làm sai kế hoạch của tao. Mẹ tao bảo đạt học sinh xuất sắc bả dẫn tao đi Đà Nẵng tham quan. Ai ngờ vừa chuẩn bị đi thì phải đình tức ngang. Cũng tự mày nghe con covid-19 kia. Nhưng tao không sợ mày đâu. Tao có khẩu trang, nước sát khuẩn rồi. Tao ngồi ở nhà mày làm gì được tao. Nhất định mày sẽ bị tiêu diệt.

Nói xong, Thương đứng dậy vào nhà, lôi mấy bao vải vụn ra. Thường ngày mỗi khi không có bạn chơi cùng, Thương vẫn làm thế. Lôi ra cắt phá, xả tứ tung. Nhưng lần này Thương lại không cắt phá, không xả ra mà lại lựa ra từng mảnh vải. Những mảnh lớn hơn bàn tay người lớn, Thương sắp ngay ngắn, những mảnh nhỏ Thương bỏ vào bao.

Chị Tình vừa may vừa liếc mắt nhìn con. Chị thấy hơi lạ, mọi khi thì Thương xếp hình con chim, con chuột, hoặc vo tròn hoặc cắt nhỏ ra xả tứ tung khiến chị bực mình, phải la mắng, vậy mà hôm nay tự nhiên lại thay đổi. Ngừng may, chị nhìn con âu yếm, hỏi:

– Thương, con chơi trò gì vậy?

– Dạ, con sắp mấy mảnh vải này để làm khẩu trang chống covid-19. Mẹ chỉ cho con cắt may với! Chỉ đi mẹ!

– Nhà mình khẩu trang quá trời mà may chi nữa con.

– Dạ, ý con là may để tặng cho các bạn trong mùa covid-19 này. Con thấy các bạn con đang chơi ngoài sân bãi kia đứa nào cũng không có khẩu trang cả. Mẹ chỉ cho con may thật nhiều để tặng cho các bạn.

– Mấy đứa đó nó lì lợm đấy con, chứ không phải không có khẩu trang đâu.

– Không phải lì lợm đâu mẹ. Hôm trước con hỏi, mấy đứa bảo thiếu khẩu trang. Cha mẹ của chúng cũng thiếu khẩu trang luôn. Mẹ làm ơn chỉ cho con cắt may đi! Chỉ đi mẹ!

Chị Tình nhìn con mỉm cười:

– Con mẹ ngoan quá! Thôi để đó mẹ sẽ may thật nhiều cho con. Mẹ sẽ may vải mới trong cây vừa đem về kia. Còn vải đó để mẹ bán cho mấy người may gối, may nệm.

– Vải này cũng mới mà mẹ. Mình tận dụng, đỡ phí chứ mẹ.

– Ừ con nói cũng phải. Nhưng mình đã cho thì phải cho cái ngon, cái tốt, chứ đừng cho người ta cái thừa thải, cái tận dụng, cái bỏ đi nghe con. Làm như thế là mang tội đấy con.

Ngừng một lát chị hỏi con:

– Con có bao nhiêu bạn?

– Dạ nhiều lắm. Nhưng con chỉ tặng cho các bạn ở xóm mình thôi. Chứ con không tặng các bạn ở xa. Đi xa sợ covid-19 mẹ ạ. Mẹ may khoảng bốn, năm chục cái là được. Mẹ may đi con đi nấu cơm tối.

– Được để mẹ cắt may trong đêm nay, mai con tặng cho các bạn. Nhớ dặn các bạn là ra đường phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên hai mét, càng xa càng tốt nghe con!

– Dạ con biết rồi.

Thương đứng dậy lấy bao bỏ hết số mảnh vải vừa xếp vào, lấy chổi quét dọn sạch sẽ nhà cửa, rồi xuống bếp nấu cơm tối mà lòng mừng không thể tả.

Chị Tình bước đến cây vải mới mua về. Mở ra lại cuộn vào, cuộn vào lại mở ra không biết bao nhiêu lần. Chị lưỡng lự, cảm thấy tiếc. May ít thì không sao chứ may nhiều thì tốn vài mét vải chưa kể đến công cán. Công cán thì có thể bỏ được, nhưng vải mình đâu có làm ra được. Thế là mất cả chì lẫn chài. Nhà mình cũng đang khó khăn mà. Mẹ chồng đang bị bệnh nằm một chỗ. Chồng đi bộ đội biên phòng đang ở xa, con còn nhỏ. Trăm việc đều nhờ vào bàn máy may này. Chị gãi đầu suy nghĩ.

Tiếng loa truyền thanh trên ngọn cây bạch đàn vang lên: “Toàn dân chung tay đẩy lùi covid-19…” như nhắc chị Tình về trách nhiệm của một công dân trước đại dịch này. Chị lại nghĩ đến Thương, con trai của chị. Thương năm nay mới học hết lớp 6, mà đã có những suy nghĩ đẹp, hành động đẹp đáng phát huy. Chị mong sao mọi đứa trẻ trên đất nước Việt Nam cũng có tinh thần tương thân tương ái như nó. Chị lại tự trách mình sao lại ích kỷ quá vậy. Chị sực nhớ câu ca dao, tục ngữ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, tự nhiên nước mắt chị ứa ra. Chị lại nghĩ thương những người dân nghèo không có tiền mua khẩu trang trong mùa dịch covid-19, thương các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ngày đêm phải túc trực, quên ăn, quên ngủ, chăm sóc bệnh nhân nhiễm covid-19, thương các anh bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện đang ngày đêm canh chốt kiểm soát dịch bệnh covid-19. Chị lại nhớ đến chồng. Chị cầu mong cho chồng cũng như mọi người được bình an trong mùa covid-19 này. Thế là chị Tình không còn tiếc gì cây vải mới mua và công cán của mình nữa. Giờ thì chị không còn lưỡng lự, mở cây vải ra cắt lia lịa để kịp may khẩu trang cho con tặng các bạn. Cắt đủ số khẩu trang mà con yêu cầu chị để qua một bên. Chị tiếp tục cắt khẩu trang cho người lớn.

Thương đút cơm cho bà nội ăn xong, rồi bưng mâm cơm lên đặt ngay giữa nhà, mời mẹ cùng ăn. Thương ngạc nhiên khi thấy mẹ cắt hơn trăm mảnh vải to hơn bàn tay người lớn.

– Mẹ cắt dư rồi. Mẹ cắt to quá. Năm mươi cái là được mẹ ạ.

Chị Tình xoa đầu con:

– Mẹ may không chỉ cho con mà còn may để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, để họ chống lại con covid-19 đấy con.

Nghe mẹ nói Thương nhảy lên vỗ tay hoan hô:

– Mẹ Thương thật tuyệt vời!

                                                                                                            P.V.H