Lương thiện những vòng quay – Tản văn của Trang Thùy

1030

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một chiều cuối thu nhàn rỗi, tôi chậm rãi thả bộ trên con đường Lê Lợi rợp bóng cây xanh. Ngọn gió từ sông Hương nhẹ thổi vờn đưa tà áo mỏng, bỗng một giọng nói vang lên: “Cô ơi, đi xích lô không, tui chở một vòng tham quan Huế nì!”.

Tác giả Trang Thùy 

Ý chừng bác xích lô tưởng tôi là dân du lịch, tôi vội nói: “Dạ, con là người Huế, nhưng con nhờ bác chở con đi một vòng, cũng lâu quá con chưa được đi xích lô!

Đúng vậy, đã lâu lắm rồi tôi chưa được ngồi lên chiếc xe xích lô. Mặc dù theo sách Đại Nam thực lục thì loại phương tiện này có từ thời Đồng Khánh và trải qua bao thăng trầm của cuộc sống chiếc xe xích lô đã có những cải tiến tuy không nhiều nhưng với người dân Huế, với tôi xích lô đã ít nhiều tạo nên một nét văn hoá Huế, in đậm trong kí ức của bao người và là một hình ảnh đẹp trong lòng nhiều du khách khi đến Huế.

Xích lô có mặt khắp nơi. Ta có thể dễ dàng bắt gặp trên mọi ngã đường của Huế hình ảnh những chiếc xe xích lô nhẹ nhàng lăn bánh, vừa bình dân vừa sang cả, vừa thầm lặng lại vừa sinh động như những gam màu tạo cho bức tranh Huế thêm phần thi vị, lung linh.

Xích lô Huế thường chia thành hai loại chuyên chở: chuyên chở hàng hoá, khách địa phương và chuyên chở khách du lịch khám phá những địa điểm du lịch ở Huế.

Những đội xe chuyên chở hàng thường đậu xe trước các chợ như Đông Ba, Bến Ngự, chợ Đầu mối Bãi Dâu… Thường các bác làm ăn ở chợ rất vất vả, thức đêm dậy sớm để chở hàng tỏa về các chợ nhỏ nên từ hai ba giờ sáng đã bắt đầu một ngày lao động là chuyện thường. Nước da chai sạm, nét mặt khắc khổ là điều dễ dàng nhận thấy ở những người đạp xích lô ở đây. Ngoài chợ ra ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đạp xích lô ở trước cổng bệnh viện, trước cổng trường mầm non, tiểu học…

Còn những đội xe xích lô chuyên chở khách du lịch thì nhìn vào trông có vẻ “sáng sủa” hơn đội xe chuyên chở hàng ở chợ một tí. Những chiếc xe có vẻ mới hơn đôi lúc được đồng bộ một màu tím nhìn rất lịch sự và bắt mắt. Điều đáng nói ở đây là các bác tài ý thức được công việc của mình nên đã trang bị cho mình một số vốn tiếng nước ngoài nhất là tiếng Anh kha khá, đủ để giao tiếp với du khách khi cần và có lẽ du khách sẽ ngạc nhiên lắm khi tiếp xúc những bác xích lô chân chất, vui tính. Đã tiếp xúc, va chạm ngoài xã hội rất nhiều nên những chuyện nghề, chuyện đời, những câu chuyện lý thú đông tây kim cổ từ các bác tài xích lô luôn đưa du khách đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Sự am hiểu rành mạch về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, những địa chỉ ăn uống mua sắm thì không thua gì một hướng dẫn viên du lịch lâu năm kinh nghiệm hay nói một cách không quá những điều thú vị này của những người đạp xích lô cũng đã góp phần vào sự khởi sắc cho ngành du lịch Huế.

Đó là điều đáng mừng, qua đó để thấy rằng xích lô Huế nói riêng và người dân Huế nói chung luôn có một tinh thần cầu tiến, cố gắng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, của cuộc sống. Và bạn có tin không khi có thể đằng sau những hình ảnh giản dị, những gương mặt khắc khổ chai sạm kia của xích lô biết đâu lại ẩn giấu những nhân tài, những trí thức rong ruỗi lăn theo những bánh xe thầm lặng ấy mà nhân vật Phương Xích Lô là một ví dụ. Từ những vòng quay giữa nhịp sống thường ngày anh đã viết nhiều bài thơ hay về đời về nghề: “Ta xích lô hề! Người xích lô!/ Ráng cho xong hết một đời phu/ Chở bao đau thương về nghĩa địa/ Chở bao hạnh phúc đến tuổi thơ/ Ngó xuống thua chi loài giun dế/ Trông lên hơn hẵn lũ công cò/ Dù sao mình cũng còn lương thiện/ Người xích lô hề! Ta xích lô!”

Ngày nay, Huế đã trở thành một thành phố du lịch thu hút rất đông du khách đến với Cố đô. Do đó những người đạp xích lô cũng có thu nhập hơn chút đỉnh và chính quyền địa phương cũng phần nào quan tâm đến đời sống của những người hành nghề xích lô để thành lập những đội xích lô tự quản, từ đó giảm thiểu tình trạng tranh giành chèo kéo khách gây mất mỹ quan cho thành phố, góp phần làm đời sống của những người đạp xích lô dần ổn định hơn.

Giữa bao phương tiện chạy bằng nhiên liệu ảnh hưởng môi trường, thì xích lô nhẫn nại chậm rãi đưa ta qua những con phố nhỏ rợp bóng cây xanh, qua những bức tường thành cổ kính u tịch bỗng chốc chợt cảm nhận một xứ Huế thật thơ, thật lãng mạn qua các vòng xe. Tất cả mọi vội vã như không còn tồn tại trước những vòng quay cuộc đời. Nhẹ tênh, dù nỗi lo cơm áo vây bủa, vẫn lạc quan và khinh khoái trong những dòng thơ cho dù hôm nay xích lô “đi chở mây về chở gió”.

T.T