Lưu Hữu Phước – Một giai điệu hào hùng

722

Tương Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước, một nghệ sĩ lớn mà cuộc đời và nhân cách cho đến nay vẫn là một bài học giàu ý nghĩa nhân văn cao đẹp với mọi người dân không riêng gì của Nam bộ, là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Cách đây hơn sáu thập niên, trong bộ ba “Hoàng Mai Lưu” –  Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước – được công chúng nghệ thuật nhìn như một ngôi sao ba cánh trên không gian văn nghệ phương Nam, Lưu Hữu Phước rực sáng một phong cách riêng về tài năng và đức hạnh ngay từ những buổi đầu tham gia phong trào yêu nước.

Nhạc sĩ Viện sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình lễ giáo nho phong ở Ô Môn, một quận lỵ trù phú của đất Tây Đô văn vật, vùng địa linh nhân kiệt với những danh nhân nghệ sĩ: Châu Văn Liêm, Trần Kiết Tường, Triều Dâng, Trần Thanh Giao… Ngay từ thời thơ ấu, Lưu Hữu Phước đã được nuôi dưỡng bằng “gạo trắng nước trong” và bằng những lời ru ngọt ngào ấm nồng làn điệu dân ca của mẹ hiền và quê hương. Học hết bậc tiểu học ở trường quê, Lưu Hữu Phước tiếp nối việc bút nghiên ở trường Trung học Cần Thơ (Collège Cần Thơ, nay là trường  Châu Văn Liêm) vốn là chiếc nôi văn hóa của nhiều tri thức, văn nghệ sĩ yêu nước: Châu Văn Liêm, Mai Văn Bộ, Viễn Phương, Sơn Nam, Ung Ngọc Ky… Khi lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký, Lưu Hữu Phước có cơ hội kết bạn thâm giao với GS. TS Trần Văn Khê và nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng. Từ đó, bộ ba “Hoàng Mai Lưu” trở thành nơi hội tụ tốt của những thanh niên và sinh viên học sinh tiến bộ cả nước.

Từ đầu những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi, Lưu Hữu Phước đã chủ trì, cùng một nhóm sinh viên cuộc hành hương về nguồn, ra Bắc viếng đền Hùng, đền thờ Trần Hưng Đạo… và nhiều di tích lịch sử thiêng liêng khác. Từ đó, ông gợi lên cho mọi người những xúc cảm dạt dào về đất nước, con người Việt Nam đáng tự hào để ông sáng tác ra những tác phẩm sáng giá mang đậm nét dấu ấn về lịch sử dân tộc cùng những chặng đường đấu tranh anh dũng của tiền nhân.

Nhìn tổng quan, nội dung tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có thể xem là những mảng thiên quốc sử bằng giai điệu hùng tráng, là bản trường ca núi sông gấm hoa tráng lệ của dân tộc. Nhạc phẩm Lưu Hữu Phước là tiếng gọi quốc hồn, là thông điệp bằng ca từ chuyển gởi đến mọi người lòng yêu nước, ý chí đoàn kết, quyết tâm lên đường giết giặc, mang tự do độc lập về cho quê nhà: Lên đàng, Tiếng gọi sinh viên (sau đổi thành Tiếng gọi thanh niên rồi Quốc dân hành khúc )… Giải phóng Miền Nam (ký tên Huỳnh Minh Siêng), Tiến về Sài Gòn…

Tấm lòng thủy chung gắn bó với tổ quốc, đồng bào, nhạc sĩ không mệt mỏi “đốt nén tâm hương”, sáng tác những bài ca mật niệm về những anh hùng liệt sĩ… những người con yêu của quê hương đã anh dũng hy sinh vì nghiệp lớn, cùng những bài hát trang nghiêm ca ngợi lãnh tụ. Nhạc sĩ cũng có những bài ca hướng nội dung về lãnh tụ và cội nguồn liệt oanh của dân tộc: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Hồn sĩ tử, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Thiếu nữ Việt Nam…

Tác phẩm Lưu Hữu Phước là những khúc hát quân hành, là tiếng còi xung trận giục giã chiến sĩ, đồng bào vùng lên chiến đấu “một mất một còn” với kẻ thù chung của dân tộc: Giải phóng Miền Nam, Châu Văn Liêm hành khúc…

Song hành với sự đóng góp bằng tất cả tâm huyết trên lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao như Thất Sơn ngất trời hùng vĩ, ngát xanh như đại ngàn U Minh, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được xem là hình tượng người chiến sĩ lớn trên mặt trận văn hóa, xứng đáng với tấm lòng ưu ái, kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu – sự hiện hữu của chất thép, tính chiến đấu trong văn học nghệ thuật – đối với người cầm bút, cầm cọ hay ôm đàn… trong hai thời kỳ nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuộc đời nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã phản ánh trung thực chân dung một con người Việt Nam chân chính, trọn đời xả thân vì đại nghĩa, với một lòng trung hiếu, đinh ninh trong sáng với Đảng, với Bác Hồ và với tổ quốc quê hương. Hình ảnh nhạc sĩ là hình ảnh của người “nghệ sĩ của nhân dân” luôn ngự trong tâm tưởng mọi người dân Việt Nam yêu nước. Tá phẩm của Lưu Hữu Phước là những nốt nhạc hùng mà âm vang còn mãi trong lòng người dân ba miền đất nước. Minh họa cho tài năng và tầm vóc sự nghiệp của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là rất nhiều danh vị cao quý đặc biệt được nhà nước ta và thế giới phong tặng.

Ánh sáng rực rỡ từ ngôi sao sáng nghệ thuật Lưu Hữu Phước – trong “Ngôi sao ba cánh: Hoàng Mai Lưu” chắc chắn sẽ lấp lánh vĩnh hằng qua không gian và thời gian, trên khung trời nghệ thuật văn chương nghệ thuật phương Nam.

T.N