Lưu lạc – Truyện ngắn Phạm Đức Long

461

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi tối, truyền thông đưa tin một phi hành gia Vũ trụ bị lưu lạc trong không gian suốt mấy năm mới trở về được đất mẹ. Khi anh ta bay lên trời, ở dưới đất đã xảy ra những biến loạn lớn lao. Thời cuộc chuyển dời dâu bể, đã khiến mọi người quên mất có một con người đang thất lạc lang thang trên trời. Kết cục là khi đặt chân được xuống đất, anh ta đã mất tổ quốc. Đất nước mênh mông tan rã loạn lạc…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

 

Cũng chính cái buổi tối ấy, tại làng Tre, Thân đã trở về, sau mấy chục năm gia đình nhận được giấy báo tử!

*

Số Thân cũng long đong. Anh có chút tài hoa, thông minh nhưng ngang ngạnh. Thi tốt nghiệp cấp ba hôm trước, hôm sau anh đã xung quân vào đội thủy lợi của tỉnh, đắp con kênh vĩ đại nhất vùng, không thèm quan tâm gì đến kết quả thi cử. Trong lúc bạn cùng trang lứa thì suốt ngày ngong ngóng, đứng ngồi không yên, hết lên xã rồi về thôn, chỉ để hỏi chuyện thư báo…

Dân công thủy lợi đủ hạng người quê, trong đó nhiều nhất là thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông và các ông bà già. Đại công trường tập hợp người của nhiều huyện nhiều xã, cũng phiên chế ABCD theo từng địa phương. Bọn con trai thích đi dân công vì được ăn nghỉ theo tập thể. Tối tối thoải mái rủ nhau đi tán gái. Hễ ban ngày thấy cô nào trẻ đẹp bắt mắt, cứ lần tìm cho bằng được địa chỉ ở A nào, B nào… Ban đêm rủ thêm mấy đứa bạn cật ruột nữa là xung trận, tập kích. Những đêm trăng thì đưa bạn tình ra bờ đê bờ ruộng, mờ ảo, mê man. Cõi tiên chắc cũng khó được như thế! Vì chuyện tán gái, các tốp con trai khác xã khác huyện thường xung khắc, tập hợp lực lượng đánh nhau, vừa có ý dằn mặt, vừa có ý thi thố tài năng và lòng dũng cảm trước mắt đám con gái. Vào dân công được hơn tháng, Thân đã dính vụ đánh nhau. Anh là đại ca của nhóm cùng xã. Lần đầu xung trận anh bị trọng thương, phải đưa đi bệnh viện tỉnh cấp cứu.

Vì trận nằm viện dài ngày, Thân hụt mất đợt khám tuyển bộ đội. Ra viện, chán nản anh đi ngược trại. Là lên miền Tây làm trang trại khai hoang cho Hợp tác xã. Đang tu chí làm ăn thì bị bố lên gọi về.

– Mày định vùi đầu suốt đời ở đây luôn hả con. Ý chí thằng đàn ông đâu rồi!

– Ở nhà thì có chí đàn ông hay sao bố? Con chán lắm rồi!

– Tao thấy bọn cùng lứa đứa đi đại học, đứa đi trung cấp hết cả rồi!

– Nhưng bố ở nhà có thấy ai báo gì cho con không?

– Mày thi thế nào mà chẳng có tin tức gì! Hay lạc đề sai hết, không được điểm nào con?

– Lạc làm sao được. Bài của con con biết. Không mười thì chín chứ. Sao lại vô lý vậy! Để con lên tỉnh hỏi.

Nói vậy là Thân đùng đùng đi ngay. Cũng may ty giáo dục đang sơ tán ở vùng bán sơn địa phía Tây, chỉ cách trang trại anh làm một khu đồi.

– Anh đỗ điểm tối đa! Chắc giấy tờ thất lạc. Theo điểm này anh được đi học nước ngoài, mà là Liên Xô! Đất nước vĩ đại nhất, hùng cường nhất trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa!

– Nhưng bây giờ thì sao anh!

– À đơn giản thôi! Tôi sẽ viết cho tờ giấy tay, đóng dấu, anh cầm nó là xong. Sao lại để nhân tài thất lạc như vậy được!

Cảm ơn người cán bộ ty Giáo dục mẫn cán, Thân tức tốc về phòng Giáo dục rồi Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục ra Hà Nội nhập học. Lần ấy lớp Liên Xô đã đi mất, chỉ còn lớp Mông Cổ, cũng học bằng Tiếng Nga. Thân đi du học Mông Cổ.

*

Học ở Mông Cổ hơn năm thì Thân bị phát bệnh, u hạch cổ (có lẽ là di chứng chiến tích thời làm dân công thủy lợi). Các bác sỹ chẩn đoán ung thư hạch. Theo lịch trình điều trị, anh được chỉ định sang Liên Xô tiếp tục chữa bệnh. Chẳng hiểu vì sao, Đại sứ quán can thiệp đưa anh về nước. Trong cái rủi có cái may, ở Việt Nam, người ta cứ thế xạ trị, không ngờ bệnh thuyên giảm rồi dứt hẳn. Khỏi bệnh, nhưng anh lại được cho là không hợp khí hậu Mông Cổ, nên phải bố trí học tại Việt Nam. Mông Cổ là đất nước của chăn nuôi đại gia súc đồng cỏ, lại học ở đó đã hơn năm, theo logic ấy, anh được bố trí về trường Nông nghiệp.

Sinh viên Nông Nghiệp phần lớn là hiền lành chân chất. Với tố chất ngông ngược, lại từng du học về, Thân cứ nổi trội trước đám đông. Từng có quá khứ học tập xuất sắc, nhà trường cử anh làm lớp phó học tập. Ngoài chuyện chỉ bảo động viên mọi người học cho tốt, Thân chẳng mấy quan tâm đến phong trào này nọ. Anh nghĩ, cứ học giỏi đã là một sinh viên tốt rồi. Mùa ôn thi mọi người chỉ biết suốt ngày gục mặt vào sách, cờ đỏ đi kiểm tra điểm mặt, Thân thì lỉnh ra quán bà bóp uống trà Thái hút thuốc lá cuộn Lạng Sơn. Ban đêm anh chỉ cần liếc qua trang sách, sáng sau đã lên bàn thi vấn đáp vanh vách.

Đời sống sinh viên những năm ấy vô cùng thiếu thốn. Buổi sáng, hai người được chia chung một cái bánh mì nhỏ. Phải căn thật chính xác khi bẻ đôi mới tránh được lỗi phạm vào khẩu phần của người khác. Sáng nào cũng vậy, chỉ có nửa cái bánh mì nhỏ ấy mà không chán. Ôi, cái bánh mì thần kỳ do nhà trường tự sản xuất, dù nhỏ nhưng thơm nức. Đó là thứ bánh mì được ủ bằng một loại men sinh học. Bánh xốp xộp, lại thoang thoảng mùi men như kích thích sự thèm muốn vô tận…

Thỉnh thoảng bọn sinh viên được phân phối nửa ký sữa khử bơ, loại nhà trường nhập về để nuôi lợn công nghiệp. Sữa ấy đông cục, nhạt nhẽo, nhưng với sinh viên cũng như cao lương mĩ vị. Đợt nào được cấp sữa, lập tức nhà trường khủng hoảng về xuyên tâm liên và các thuốc chữa kiết lị. Là ăn cho sướng mồm mà hại cái thân! Đã từng sống trên đất nước Mông Cổ, là xứ sở của thịt gia súc, Thân không thể nào tưởng tượng được đời sống sinh viên Việt Nam lại cùng cực như vậy. Thêm vào đó còn đủ thứ phong trào, hết phong trào này đến phong trào khác. Những là ngày lao động Xã hội Chủ nghĩa, hiệu quả kinh tế chẳng đáng bao nhiêu. Rồi thì phong trào thể dục buổi sáng, chẳng phù hợp thực tế đời sống… Cứ tầm năm giờ sáng trời rét căm căm cắt da cắt thịt, tổ cờ đỏ lại thổi còi inh ỏi xua các lớp ra xếp hàng trên cái sân lộng gió trước từng dãy ký túc xá để tập thể dục buổi sáng. Đó là kiểu lập thành tích hơn là rèn luyện sức khỏe. Sinh viên thiếu ăn, gặp rét không đủ năng lượng bù đắp. Những hành động điên rồ, phi khoa học mà ai cũng phải theo, ai cũng phải làm! Một hôm, Thân nghĩ kế, đến giờ thể dục buổi sáng mọi người cứ nằm trong chăn đồng thanh hô lớn: Một hai ba bốn, mốt hai ba bốn… Bọn cờ đỏ nhà trường sáng nào cũng thấy hô đều thì an tâm. Tuy nhiên sự việc cuối cùng cũng bị bại lộ. Có lẽ có nội gián, nên việc truy ra kẻ đầu trò không khó.

*

Vì vụ tổ chức cả lớp chống chủ trương tập thể dục buổi sáng, Thân bị kỷ luật, cách li khỏi tập thể sinh viên ấy bằng hình thức cho lưu ban xuống lớp dưới.

Về lớp dưới, Thân cũng không vì thế mà buồn. Đã lưu từ Nga sang Mông Cổ, Mông Cổ về Việt Nam, lưu thêm chút nữa cũng chẳng sao. Anh còn vui hơn vì lớp ấy hóa hay. Khá nhiều em xinh đẹp. Trong số các em, có Hà là giọng hát vàng của nhà trường, lại là đồng hương cùng xã. Có tiếng bợm trợn, ngang ngược nhưng khi nghe giọng hát ấy, ở trong lớp ấy, Thân như bị khớp. Anh hiền hẳn, đầm xuống. Tay đàn ghi ta lãng du học được từ thời sống trên xứ thảo nguyên Mông Cổ bỗng chốc hóa món đắc địa. Những buổi tập văn nghệ, rồi hội diễn văn nghệ toàn trường, Thân với Hà như một cặp đôi hoàn hảo. Anh đàn chị hát, mê mệt lòng người. Từ dân ca đến những làn điệu nhạc đồng quê, nhạc tình cảm, lấy hết tâm trí người xem người nghe. Giọng Hà cất lên xao xuyến rưng rưng. Những câu ca Quan họ nao lòng. Quan họ cải biên đời mới mà nghe cứ đắm đuối lòng người: “Em đi hội Lim/ qua cầu rơi nón/ vì nón nhớ ai/ hay nhớ anh Hai/ đang đứng đợi trên cầu/ một vầng trăng soi”… Tình ca Biển bạc đồng xanh, thì Thân vừa đàn vừa hát làm nên một cặp song ca đằm thắm ngất ngây. “Chứ đôi ta còn yêu nhau cho lúa xanh đồng/ cho thuyền vượt biển muôn trùng băng qua…”. Họ như xoắn vào nhau, như kết làm một… Người nghe cứ như đứng trước một cặp trai tài gái sắc huyền ảo. Ở đó chỉ còn tình yêu đôi lứa mặn nồng.

Khi rời khỏi sân khấu bước vào đời thực, họ bỗng dưng trở thành một cặp tình nhân lãng mạn! Thân yêu hết mình, yêu bất cần. Lúc ấy nhà trường có chủ trương cấm sinh viên yêu nhau trong lúc đang học tập. Những người yêu nhau, nếu bị tố giác sẽ phải chịu một hình thức kỷ luật là đình chỉ học cả đôi, đi lao động tại trại trường một năm. Thân bị tố giác. Dù chối cãi thật lực, cuối cùng anh được biết một nhân chứng cùng lớp là Hoạt. Để cứu cánh cho Hà, nhân lúc có đợt tuyển bộ đội trong trường Đại học, Thân đã làm đơn xung phong như một hành động nêu gương trước tuổi trẻ. Thế là trắng án!

Vào bộ đội được một thời gian, Thân nghe tin, Hoạt và Hà yêu nhau. Họ có chứng cớ vi phạm. Cả hai phải nghỉ học đi lao động ở trại trường một năm theo qui chế chung. Ngược với tâm trạng của Hà, tay Hoạt vui mừng ra mặt. Hắn thấy tạm thời nghỉ học đi lao động mà vui!

Bất ngờ một hôm, Hà bị tai nạn lao động, càng xe cái tiến lật quật vào đầu. Cô phải vào cấp cứu ở bệnh viện thành phố mới qua khỏi cái chết, nhưng người thì hóa ngẩn ngơ! Giọng hát vàng bây giờ cất lên cứ khê khê ngọng líu. Chữa đỡ bệnh. Hà không còn đủ khả năng để theo học tiếp, cô phải về quê nhờ vào cha mẹ. Từ lúc Hà gặp tai nạn, Hoạt hầu như biến mất khỏi cuộc đời cô.

*

Trong một chiến dịch truy quét quân Pôn Pốt, tiểu đội của Thân được lệnh hành quân trong đêm. Trước đó Tiểu đội trưởng Hoàng đã có một kế hoạch chuẩn bị đi phép về quê. Anh đã mua đầy đủ quà cáp, đóng gói cẩn thận. Quá cám cảnh cho Tiểu đội trưởng, Tiểu đội phó Thân giành lấy trách nhiệm chỉ huy cuộc hành quân. Không ngờ đó cũng là trận đánh cuối cùng gây ra bao phiền phức cho anh. Trận ấy, anh bị thương nặng bất ngờ rơi xuống một lòng hẻm núi sâu. Bọn Pôn Pốt tin anh chẳng có cách gì để sống sót, chúng vẫn nã xuống hẻm núi một tràng tiểu liên trước lúc bỏ đi. Những ngày sau, đơn vị đã cất công rất nhiều lần mạo hiểm kiếm tìm vẫn không thấy tung tích. Đơn vị nhờ cả mấy người lính Cam Pu Chia thông thạo địa bàn, cố mãi vẫn không tìm được. Lính Cam Pu Chia thấy vậy thì rất ngạc nhiên và cảm kích. Nhưng qua mấy ngày họ đành tháo lui. Đã có chuyện một người lính Cam Pu Chia bị thương, đồng đội thấy máu me bê bết thì kinh hồn bỏ chạy. Đúng là một anh lính nhát cáy, sợ bị phục kích. Khi trở về báo được cho đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tới cứu thì người kia đã chết vì mất quá nhiều máu. Hỏi sao mày không băng bó cho nó? Trả lời sợ máu quá, vả lại việc cứu thương không thuộc trách nhiệm của mình!

Tìm năm lần bảy lượt như vạch từng ngọn lá rừng, vẫn không thấy Thân, bộ đội đi vào vùng biên giới giáp nước Thái Lan, bất ngờ bắt gặp một người đàn ông Thái đi câu cá bên con suối. Ba người bất ngờ đè sấn xuống đất trói lại dẫn về đơn vị để khai thác.

– Mày có thấy bộ đội Việt Nam đi qua bên đó không? – Người phiên dịch hỏi.

– Dạ có! – Người Thái trả lời.

– Mấy người?

– Tôi chỉ thấy một người thôi!

– Chức vụ gì?

– Tiểu đội phó!

Thế là đúng Thân đã đào ngũ, chạy về hàng ngũ quân địch rồi.

Nghĩ đã khai thác xong người đàn ông Thái, đơn vị bộ đội cho anh ta ăn uống, cử ba chiến sỹ hộ tống trả anh ta về.

– Anh được trả tự do. Chúng tôi xin lỗi đã làm phiền anh.

– Không sao! Tôi thấy người Việt Nam rất dễ thương, lại tử tế.

– Cảm ơn anh đã cộng tác, nhưng đến biên giới, cứ thản nhiên mà về nhà. Đừng bỏ chạy nhỡ bị bắn nhầm!

– Vâng tôi nhớ!…

Sau cuộc khai thác người Thái, một số người tin Thân đã theo địch.

Một ngày có bức thư từ Cam Pu Chia gửi về cho Ủy ban Nhân dân xã. Nội dung là anh Đáo xã bên gặp Thân sau khi vào giải phóng một thị xã do quân Pon Pốt chiếm đóng. Trận ấy chính mắt anh ta trông thấy Thân bị bắt ngay trong hàng ngũ địch. Sau đó chẳng biết bộ đội tình nguyện đưa tất cả tù binh đi đâu.

Cái thư ất ơ ấy như một nhát dao đâm vào gia đình Thân. Nó như một cơn gió độc thổi qua làng Tre, thổi qua gia đình ông Bản, làm cho tơ tướp đớn đau. Đó là nỗi nhục trước dân làng, trước bà con lối xóm. Cái đau còn lớn hơn nỗi mất con!

Đó có thể là một cách khoe thông tin nóng hót, sau khi Đáo thu lượm được một số nghi vấn về Thân. Cũng có thể là một cách trả thù gia đình ông Bản, vì trước đây ông đã bắt gặp, tố cáo Đáo từ xã bên nhiều lần tằng tịu với cô Luyến y tá trạm xá xã, trong lúc chồng cô ta đang ở chiến trường.

– Con ơi là con. Con bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ rồi! Con người ta chết mà được trọng vọng, con mình sống mà bị khinh bỉ. Có khổ thân tôi không hở trời! – Bà Thanh khóc ngất. Đó cũng là lần duy nhất bà rơi nước mắt vì con trước bàn dân thiên hạ.

Hai năm sau, gia đình ông Bản bỗng dưng nhận được giấy báo tử của anh Thân. Như vậy là anh đã chết mà mọi người lại thấy nhẹ nhõm. Lúc ấy bà Bản mới thực sự khóc thương cho con. Bà như bị đè nặng bởi cái tin ấy, lại như có thêm sức lực vì được minh oan!

*

Lần bị thương gục ngã xuống hẻm núi đá sâu hoắm, Thân như được thần rừng nâng đỡ. Anh vướng vào một lùm cây ở lưng chừng hẻm. Con chim tà vặt thấy mùi máu thì bay quần đảo và kêu inh ởi một vùng rừng. Một người thợ săn Cam Pu Chia thấy chuyện lạ thì cứ lần đu theo hẻm đá, chuồi dần xuống lòng thung. Đu đến giữa chừng thì anh ta gặp được Thân. Biết là bộ đội Việt Nam bị quân Pôn Pốt bắn trọng thương, anh nhanh chóng về làng gọi thêm người, mang theo công cụ cần thiết, giả dạng đi săn để cứu người.

Thân trở thành người con của làng Khơ Me từ đó. Anh bị mất trí nhớ trong mấy năm. Với vốn từ ngữ Khơ Me ít ỏi, Thân cứ nói năng lẫn lộn giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Cam Pu Chia, chẳng ai hiểu ra thể thống gì. Dân làng rất thương bộ đội Việt Nam nhưng không biết được quê quán, không biết được đơn vị, anh lại yếu đuối ngẩn ngơ nên chỉ tặc lưỡi để vậy. Lâu dần Thân trở thành người Khơ Me, đen đúa, gầy guộc. Người ta đặt cho anh cái tên mới là Hà. Có lẽ họ nghĩ anh là người Hà Nội. Khi anh đã khỏe dần, làng Khơ Me muốn gả vợ cho anh nhưng Thân một mực từ chối. Trong tâm trí của anh đang hiện dần một bóng thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp và hát hay. Có những điệu dân ca bỗng dưng ngân lên trong anh. Thân mỉm cười lặng lẽ! Người ấy đang chờ anh.

*

Đã bốn mươi năm sau cuộc chiến, Thân mới trở về được quê nhà. Nhìn bàn thờ có tấm ảnh thời sinh viên của mình, anh òa lên bật khóc. Tất cả ký ức ào ạt trở về.

Hà từ một cô sinh viên duyên dáng, có giọng hát ngọt ngào sâu lắng, nay đã chớm tuổi già.

– Không hiểu sao, bao nhiêu năm nay em cứ tin anh còn sống – Hà rân rấn cầm đôi tay gầy guộc của Thân.

– Nhiều năm, anh đã quên hết mọi thứ. Chẳng hiểu sao, cái tên Hà cứ gợi lên những giọng hát dân ca. Nó như ru, lại như thức tỉnh tâm thức của anh, lần lần nhớ lại được mọi thứ!

– Sống qua cuộc chiến đã lãi lắm rồi. Với Thân, lần trở về này coi như lãi gấp đôi gấp ba! – Người bạn nối khố tên Thanh cũng là cựu binh, thương binh cụt chân, sờ sẫm từng ngón tay, cẳng chân Thân rồi ôm chầm lấy bạn mà rơi nước mắt.

*

Hôm nay là một ngày đặc biệt!

Với thế giới trong ngày này có một sự kiện kỳ lạ, một người đàn ông thất lạc lang thang trong vũ trụ suốt bao nhiêu năm trời cuối cùng cũng trở về được trái đất.

Với làng Tre, đứa con của làng thất lạc mấy mươi năm, đã từng bị nghi ngờ theo giặc, rồi lại được nhà nước đã ghi nhận là liệt sỹ bỗng dưng trở về. Và hơn thế, trải ngần ấy năm nổi chìm lưu lạc Thân và Hà vẫn gặp lại nhau nguyên vẹn, họ được trời xe duyên nên vợ thành chồng.

Hạnh phúc tràn trề nước mắt.

Nước mắt của mấy mươi năm lưu lạc!

P.Đ.L

  Ngày 19/02/2020