Lý Đào Lang Vương (hồi thứ nhất) – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

1232

Hồi thứ nhất – Phần một

Hồi thứ nhất – Phần hai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Việc hai biên tướng ở ngoài tự xưng Thứ sử nửa tháng sau tới tai Trần Bá Tiên, nhưng khi đó họ Trần đang mải vây bắt tàn quân của Lý Nam Đế nơi động Khuất Lão, lại có tin ở kinh đô Kiến Khang, loạn Hầu Cảnh đang khiến Lương triều lung lay dữ dội. Tính trước tính sau, Trần Bá Tiên nghe theo lời quân sư Trang Sâm, dùng kế mũ ni che tai, coi như không biết chuyện hai tướng Lữ Phạm, Mông Kỳ làm giả chiếu chỉ tự tấn chức tước.

Lý Đào Lang Vương – Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai

Đoàn người ngựa của Lý Thiên Bảo hạ trại trên đất Di Lạo.

Từng nhiều năm dẫn dắt binh tướng Vạn Xuân vỗ về dân chúng, chinh chiến đánh giặc ở Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức, Trung lang tướng Lý Thiên Bảo không chỉ thông thuộc địa hình cương vực vùng đất phía tây mà còn khá am tường tập tục của các thị tộc vùng biên viễn tiếp giáp đất Di Lạo. Các tộc người Di Lạo vốn hiền lành chất phác, quen sinh kế bằng săn bắn, hái lượm và trồng trọt quanh năm, mùa nào thức nấy. Nương rẫy nơi triền đồi triền núi các loại hạt, củ, rau, quả thường thức sẵn dùng không hết cũng bỏ mặc cho muông thú tới mùa lại tự mọc, tự chín. Cũng bởi vậy, hơn năm trăm binh tướng họ Lý mới sẵn có thức vật để dùng trong những ngày tháng ở rừng. Vốn từ trước, Lý Thiên Bảo rèn quân rất nghiêm, nên binh lính không chỉ biết lấy củ quả sẵn có của các tộc dân, mà còn biết gieo trồng sau khi thu hái. Đất rừng Di Lạo, muông thú rất sẵn, đám lính hằng ngày săn bắt được vô số khiến việc ăn uống thêm ổn định. Đặc biệt, vị sư tăng vốn là tùy tướng của Thứ sử Nguyễn Hán rất thông thuộc địa hình, tập tục của các thị tộc nơi đây luôn chỉ ra việc cần làm. Ngày trước, Nguyễn Hán nổi tiếng là người có ân uy với các tộc Di Lạo và vị sư tăng đã một thời là sứ giả rất uy tín với các thị tộc. Ông thường được Nguyễn Hán giao đem đồng, sắt, gạo, muối từ Ái Châu tới thượng đạo nơi biên viễn đổi lấy sản vật quý của các thị tộc. Sau hơn một tháng, đoàn người ngựa của Lý Thiên Bảo đã tới đầu nguồn sông Dã Năng, nơi có mảnh đất vuông bằng phẳng mỗi bề rộng hơn mười dặm. Đây cũng là nơi tiếp giáp giữa Vạn Xuân và Di Lạo mà ngày trước Lý Thiên Bảo dự định vẽ địa đồ trình lên quốc chủ Vạn Xuân.

Lý Thiên Bảo mệnh lệnh cho binh tướng hạ trại, giao mọi việc cắt đặt trước sau cho mấy viên tùy tướng rồi mời vị sư tăng bây giờ đã trở nên vô cùng thân thiết với ông tới đàm đạo.

Đợi sư tăng yên vị trên chiếc ghế gỗ vừa được đẽo gọt đơn sơ, Lý Thiên Bảo thong thả nói:

– Lão phu từ tận đáy lòng xin được cảm ơn thiền sư. Từ khi gặp sư phụ nơi am đá đỉnh đèo Cổ Họng, lại được dẫn đường chỉ lối tới hôm nay, chỉ mới biết ngài là tùy tướng của Thứ sử Nguyễn Hán mà chưa biết cao danh quý tánh, tuổi tác ra sao? Mấy lần định hỏi song cứ mãi đắn đo. Nay ý ta đã quyết, một lòng dốc hết tâm trí cho công cuộc khôi phục Vạn Xuân, rất mong thiền sư hết lòng giúp đỡ. Vậy trước tiên xin được biết cao danh của thiền sư để tiện luận bàn công việc sau này.

Vị sư tăng thấy Lý Thiên Bảo không chỉ bên ngoài khoan hậu hòa nhã mà bên trong vô cùng sâu sắc thấu đáo, lại biết họ Lý từng tu tập từ nhỏ nơi Phật môn, được các danh sư truyền dạy kinh sách, từng trải sa trường, kiến quốc lập công. Dường như ngài đã quán thông mọi hưng vong suy thịnh ở đời, bèn nghiêm trang đáp:

– Thưa tướng quân! Lão tăng vốn họ Triệu, tên cha mẹ đặt là Quốc Chính, vốn dòng dõi Triệu gia từ thời Triệu Vũ Đế khai nguyên lập quốc, năm nay bốn mươi sáu tuổi. Tổ phụ ngày trước ưa thích hải hồ sông nước, đem đám gia nhân phiêu bạt tới Cửu Chân đã được mười bốn đời. Phụ thân trước kia là chỗ bạn tâm giao với cha của Thứ sử Nguyễn Hán, nên được ngài Thứ sử mời làm môn khách giúp việc binh lương. Ngày lão tướng Phạm Tu đem binh đánh đuổi giặc Lâm Ấp, vì Nguyễn Thứ sử không quy thuận mà bị giết, lão tăng đau lòng liều chết lượm lặt thi thể cùng xác binh tướng trận vong chôn cất nơi chân đèo Cổ Họng. Từ đó tìm hang đá tu hành cầu kinh niệm Phật siêu thoát cho chúng sinh. Chẳng may duyên trời run rủi gặp được tướng quân. Biết ngài vốn là cao tăng chân truyền của thiền phái Luy Lâu, đã tưởng như hạnh ngộ lắm rồi, chỉ muốn ngày đêm đàm đạo Phật pháp cho thỏa chí. Nào ngờ, ngài trên vai trĩu nặng việc quân việc nước, lại ở thời khắc bước ngoặt, bị hãm nơi hiểm địa trùng vây, mới quyết rời am đá theo ngài. Nay quả thực chân long hiển lộ, ý chí khôi phục quốc thống Vạn Xuân cũng chính là ý trời trao cho ngài. Bần tăng dẫu có phải vào núi đao biển lửa cũng sẽ hết lòng dốc sức.

Lý Thiên Bảo nghe xong xúc động nói:

– Thì ra Triệu sư phụ vốn dòng dõi Triệu Vũ Đế, cũng chính là bậc đế vương hùng tài đại lược kế tục nền quốc thống phương Nam tiếp thời các vua Hùng xưng vương lập nước. Quả thực, nếu không vướng thù nhà nợ nước, tâm nguyện cả đời của lão phu chính là chuyên cần Phật pháp, biên soạn, tu chỉnh giáo lý của các sư phụ từng chủ trì thiền phái Luy Lâu. Sau huyết án Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hạ sát bảy mươi ba vị hương trưởng Giao Châu tại Luy Lâu khiến toàn cõi chấn động, người người căm phẫn, hiền đệ Lý Bí đã phải gạt lệ giương cao cờ nghĩa đánh đuổi lũ tham tàn phương Bắc, giành độc lập cho nước. Ta cũng từ ngày ấy tạm rời bỏ thiền trượng cầm đao kiếm, quyết không đội trời chung với Lương tặc. Nay quốc hiệu dẫu còn, song quốc chủ đã mờ mịt nơi rừng núi. Kinh thành, các trọng trấn Vạn Xuân đều rơi vào tay Lương tặc. Ngay như Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức, quốc chủ giao cho ta thống suất, vỗ về, kiêm quản cũng đã bị bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ dùng vũ lực chiếm mất, khiến lòng ta trăm mối tơ vò, lúc nào cũng như ngồi trên hố gai miệng vực. Cũng may trời chẳng phụ lòng người đem thiền sư tới giúp ta. Ta năm nay tròn năm mươi tuổi xin nhận làm huynh. Nếu sư phụ không chê, ta xin nhận ngài làm hiền đệ. Nay mai có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, nguyện dốc hết tâm can ý chí, không quản dời non lấp biển, quyết cùng các tướng sĩ chúng dân khôi phục nền quốc thống Vạn Xuân.

Triệu sư phụ vẻ mặt vô cùng xúc động tiến tới khẽ quỳ xuống thi lễ:

– Hiền huynh! Xin hiền huynh hãy nhận một lạy của đệ. Tiểu đệ từ nay quyết theo hiền huynh lên rừng xuống biển, muôn chết không từ!

Nói đoạn, Triệu sư phụ lạy Lý Thiên Bảo một lạy. Khi Trung lang tướng Lý Thiên Bảo đỡ vị sư phụ họ Triệu đứng dậy cũng là lúc hai cặp mắt họ Lý, họ Triệu đỏ hoe tự lúc nào.

*

Sau hai tháng hành binh chia nhau đánh chiếm các trọng trấn thuộc Hàm Hoan, Cửu Đức, truy quét binh tướng của Lý Phật Tử, bức hại họ Lý phải trốn vào rừng sâu, hai tướng Lữ Phạm, Mông Kỳ một mặt chia quân đóng ở các nơi hiểm yếu, một mặt cử sứ giả tới Lâm Ấp mượn danh Lương Vũ Đế yêu cầu vua Rudravaman tìm bắt những tàn binh Vạn Xuân trốn chạy sang Lâm Ấp giết đi.

Hội quân trong thành Cửu Đức, Lữ Phạm mời Mông Kỳ tới, đuổi hết tả hữu ra ngoài trướng rồi nói:

– Mông tướng quân! Ta với ngài từ ngày vâng mệnh Vũ Đế sang giúp Trần Thứ sử an định Giao Châu, bên ngoài là tướng của triều đình, thực chất bên trong chẳng khác gì tôi tớ của họ Trần. Trần Bá Tiên từ ngày thụ phong Thứ sử Giao Châu, trong bụng đã có dã tâm thoán đoạt rồi. Hắn xin Vũ Đế cử ta và ngài đem binh trợ chiến chẳng qua là kế rút ruột binh tướng Lương triều cho vơi mỏng để sau này dễ làm loạn. Nay trong nước, bọn Hầu Cảnh làm phản, dối vua giết tướng. Chúng đã cả gan giam lỏng hoàng thượng trong chùa từ lâu rồi. Cũng may ông trời không nỡ bỏ ta và tướng quân, nên họ Trần kia nhất thời hồ đồ để ta đem quân bản bộ vào dẹp họ Lý, trị nhậm Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức. Nay nhờ ân uy Lương triều, bọn giặc họ Lý đã tan tác cả. Nay ngộ nhỡ Trần Bá Tiên nghe theo quân sư Trang Sâm bắt chúng ta trở về phương Bắc chẳng phải lại như cá vào trong nồi hay sao? Tướng quân có cao kế gì, hãy cùng ta sớm bàn bạc mới được.

Mông Kỳ vốn xưa nay cẩn thận, từ lúc rời Việt Châu đã nhiều lần thấy rõ bụng dạ hung hiểm của Trần Bá Tiên nên hết sức giữ gìn. Nay thấy đại thế đã nhiều phần thay đổi bèn mạnh dạn nói:

– Lữ tướng quân! Chúng ta xuất thân võ tướng, quen lối hành xử thẳng băng một mạch, không như bọn quan văn chuyên dùng kế dối gạt người khác. Ta cho rằng, trước mắt Trần Bá Tiên vẫn để ta và ngài trấn nhậm Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức. Một phần do họ Trần còn đợi bọn Hầu Cảnh loạn chính rõ ràng, một phần cũng muốn giam lỏng ta và ngài ở phương Nam, tạm làm phên dậu cho ông ấy. Chỉ có điều, ta và tướng quân đều nhận lệnh từ Trần Thứ sử mà không có chỉ dụ của hoàng thượng, nên bọn huyện lệnh, hương trưởng, tù trưởng nơi đây khó lòng thuần phục. Danh không chính thì ngôn không thuận. Ngày trước, bọn Nguyễn Hán, Trần Văn Giới làm Thứ sử Ái Châu, Cửu Đức, đều có chiếu chỉ của các hoàng đế Trung Nguyên. Dẫu bề ngoài chỉ để che mắt thế gian, kỳ thực bên trong, các Thứ sử đều như vua trong một nước. Nay ta với ngài phải có kế sách để chính danh mới được.

Lữ Phạm giật mình nhìn thẳng Mông Kỳ hỏi nhỏ:

– Tướng quân định làm giả chiếu chỉ hay sao?

Mông Kỳ thản nhiên nói:

– Ta và tướng quân đã ngồi trên lưng cọp còn xá gì việc vặt ấy.

Lữ Phạm thấy họ Mông đã có dự định bèn quả quyết nói:

– Tất cả đều theo Mông tướng quân! Ta với ngài nguyện cùng tiến cùng lùi, sống chết có nhau.

Thấy Lữ Phạm lặng yên, Mông Kỳ lại nói:

– Lữ tướng quân! Dưới trướng ta có tên môn khách họ Tào vốn rất giỏi việc biên chép, vẽ vời, sửa soạn giấy bút. Ngày còn ở Việt Châu, Thứ sử Tiêu Phương có việc gì cần tấu trình lên hoàng thượng đều giao việc bút mực cho y. Nay ta sẽ lệnh cho tên họ Tào soạn ra hai đạo chiếu chỉ của hoàng thượng. Một đạo phong ta làm Thứ sử châu Cửu Đức kiêm quản Hàm Hoan, toàn quyền trị nhậm quân chúng nơi đó. Một đạo phong ngài làm Thứ sử Ái Châu, chọn ngày lành tháng tốt mời bọn huyện lệnh, hương trưởng, tù trưởng trong vùng đến tuyên đọc. Nếu bọn chúng thuận theo, ta cứ dùng phép tắc của nhà Lương sắp đặt công việc chu toàn sau trước. Còn bọn nào có ý ngờ vực, ngài cứ giết quách đi là xong.

Lữ Phạm biết không còn đường lui nữa, lại thấy tự nhiên có lợi, bèn nghiêm trang đáp:

– Tất cả đều xin vâng theo ý tướng quân!

Chưa đầy nửa tháng sau, khi quân binh của Lữ Phạm, Mông Kỳ tạm dẹp yên đám tàn binh Lý gia đã chọn nhằm ngày rằm trong tháng, triệu kiến tất thảy đám huyện lệnh, hương trưởng, tù trưởng các vùng tới ngôi đại điện trong thành tuyên đọc chiếu chỉ của Lương Vũ Đế sắc phong Lữ Phạm làm Thứ sử Ái Châu, Mông Kỳ làm Thứ sử châu Cửu Đức kiêm quản Hàm Hoan, tổng nắm các việc quân chính trong vùng. Bọn người đến nghe tuyên chiếu dẫu trong bụng nửa tin nửa ngờ, song thấy bên ngoài binh lính gươm giáo sáng quắc nên ai nấy đều quỳ lạy tung hô.

Việc hai biên tướng ở ngoài tự xưng Thứ sử nửa tháng sau tới tai Trần Bá Tiên, nhưng khi đó họ Trần đang mải vây bắt tàn quân của Lý Nam Đế nơi động Khuất Lão, lại có tin ở kinh đô Kiến Khang, loạn Hầu Cảnh đang khiến Lương triều lung lay dữ dội. Tính trước tính sau, Trần Bá Tiên nghe theo lời quân sư Trang Sâm, dùng kế mũ ni che tai, coi như không biết chuyện hai tướng Lữ Phạm, Mông Kỳ làm giả chiếu chỉ tự tấn chức tước.

(Còn tiếp)

P.V.K