Lý do ‘Diên Hi công lược’ bị cấm trên mạng ở Trung Quốc

572

Sau khi biến mất khỏi sóng truyền hình, “Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện” tiếp tục bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem trực tuyến.

Ngày 28/9, Sohu đưa tin khán giả Trung Quốc phát hiện hai tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng phim cung đấu Diên Hi công lượcHậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online. Hiện, khi tìm kiếm về Diên Hi công lược trên iQIYI, chỉ còn trailer cùng một số đoạn cắt ngắn sót lại. Trong khi đó, Hậu cung Như Ý truyện biến mất hoàn toàn trên Tencent.


“Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện” bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online.

Liên hệ với hai nền tảng phát sóng, phía Tencent từ chối đưa ra phản hồi. Trong khi đó, đại diện iQIYI trả lời: “Do cân nhắc nghiệp vụ”.

Việc hai bộ phim cung đấu nổi tiếng bị “xóa sổ” cùng lúc mà không có một lời giải thích hay thông báo khiến khán giả đặt ra nghi vấn. Động thái này được cho là “nước cờ” đầu tiên của Cục Điện ảnh Trung Quốc sau gần một năm ban hành lệnh cấm phim cung đấu.

Sự thành công gây tranh cãi

Chân Hoàn truyện là bộ phim tiên phong trong dòng phim cung đấu ở Đại lục và thành công vang dội. Ra mắt năm 2011, câu chuyện về Chân Hoàn giữa những cạm bẫy nơi cung đình giúp phim lập kỷ lục về rating.

Thời điểm đó, sức hút của bộ phim sánh ngang với Tây du ký 1986 hay Hoàn Châu cách cách – hai tác phẩm đình đám của điện ảnh Trung Quốc. Chân Hoàn truyện có lượt chiếu lại nhiều nhất hàng năm, chỉ sau Tây du ký 1986.

Sau Chân Hoàn truyện, những bộ phim thuộc thể loại cung đấu như Cung tỏa tâm ngọc, Bộ bộ kinh tâm, Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Mị Nguyệt truyện tiếp tục ra mắt khán giả và gặt hái được nhiều thành tích về lợi nhuận và rating.


“Diên Hi công lược” trung bình một ngày có hơn 700 triệu view.

Đến 2018, Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện thành công thống trị màn ảnh. Diên Hi công lược tạo tiếng vang lớn với loạt thành tích đáng nể. Phim bán bản quyền cho 70 nước và vùng lãnh thổ. Tổng lượt xem của tác phẩm lên tới 15 tỷ, trung bình một ngày có hơn 700 triệu view.

Hậu cung Như Ý truyện với sự tham gia của Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Trương Quân Ninh cũng không kém cạnh với tổng lượt xem hơn 14 tỷ trong suốt 87 tập phim. Yangcheng Evening News cho biết một nền tảng mua bản quyền phát sóng Hậu cung Như Ý truyện với mức giá ngất ngưởng 9 triệu NDT cho 1 tập phim, khi phim còn đang khởi quay.


“Hậu cung Như Ý truyện” ghi nhận tổng lượt xem hơn 14 tỷ trong suốt 87 tập phim.

Theo thống kê của Times Weekly, ngoài lợi nhuận bản quyền “không công khai”, tổng lợi nhuận từ quảng cáo của Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện vượt 200 triệu NDT.

Những kỷ lục về rating, lợi nhuận khiến nhiều đạo diễn đổ xô “vung tiền” chạy theo xu hướng. Tuy nhiên, thành công của dòng phim cung đấu lại trở thành cái gai trong mắt các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc.

“Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc thường không quá mạnh tay với các hoạt động mang tính giải trí. Tuy nhiên, đó là khi nó không đe dọa đến chuẩn mực xã hội về mặt đạo đức và tư tưởng. ‘Diên Hi công lược’ là một trong những ví dụ điển hình”, Chu Anh – giáo sư trường Đại học Hong Kong Baptist nhận định.

Xuyên tạc lịch sử, không có giá trị đạo đức

Trước khi bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online, Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện từng bị ngừng chiếu trên sóng truyền hình hồi đầu năm 2019. Thời điểm đó, mạng xã hội truyền tai nhau thông tin về “màn cải tổ” của Cục Điện ảnh Trung Quốc.

Giáo sư Stanley Rosen, chuyên gia người Trung Quốc tại Đại học Nam California, chia sẻ trên BBC: “‘Diên Hi công lược’ và ‘Hậu cung Như Ý truyện’ đang truyền bá những giá trị lệch lạc. Hai tác phẩm không thể hiện được tinh thần và giá trị cốt lõi mà các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc muốn thấy”.


Dòng phim cung đấu bị chỉ trích đề cao chủ nghĩa vật chất, cổ vũ lối sống xa xỉ.

Theo Beijing Daily, những cuộc chiến tranh giành sự sủng ái hay củng cố quyền lực trong phim cung đấu là “tác nhân xấu” với xã hội Trung Quốc. Dòng phim đang gián tiếp cổ xúy lối sống xa hoa, hào nhoáng của các triều đại phong kiến. Những màn phô diễn sự xa hoa, sang trọng trong văn hóa cung đình đi ngược lại với tinh thần lao động cần cù, siêng năng và tiết kiệm mà nhà nước đề cao.

Phim cung đấu thậm chí biến những nhân vật như hoàng đế và phi tần trở thành giới thần tượng, mất đi giá trị lịch sử. Mọi thủ đoạn, âm mưu, đấu đá lẫn nhau không phù hợp với các giá trị cốt lõi theo chủ trương của xã hội.

Cuối cùng, các nhà sản xuất dòng phim cung đấu bị cáo buộc coi trọng đồng tiền, quan trọng hóa lợi nhuận hơn việc định hướng tinh thần cho khán giả.

“Một số tác phẩm vì quá tập trung vào chuyện tình ái, ân oán gia tộc mà quên đi giá trị và phẩm hạnh của con người”, giáo sư Lý Đan Lâm – nữ giáo sư Đại học Truyền thông Trung Quốc nhận định.

Theo QQ, cơ quan quản lý văn hóa đã “tức nổ mắt” khi xem Hậu cung Như Ý truyện. Ở đó, vua Càn Long trở thành người đàn ông bạc tình bạc nghĩa. Phụ nữ trong cung chỉ là quân cờ của nhà vua.


Những nhân vật như hoàng đế và phi tần bị thần tượng hóa, mất đi giá trị lịch sử.

Cũng trong Hậu cung Như Ý truyện, Lệnh Phi độc ác, dùng mọi thủ đoạn để trèo lên chiếc ghế Hoàng quý phi. Quay ngược lại với Diên Hi công lược, nhân vật này được khắc họa là người người đàn bà thông minh, dịu dàng, biết ơn hiểu nghĩa.

Ngay cả Chân Hoàn Truyện, bộ phim tiên phong trong dòng phim cung đấu cũng xây dựng nhiều nội dung gây tranh cãi. Ung Chính – vị hoàng đế nghiêm khắc nhất trong lịch sử văn học nhà Thanh trở thành người đàn ông ngày đêm hưởng lạc trong hậu cung.

“Trong cuộc chiến quyền lực, sức mạnh và âm mưu phải nham hiểm hơn đối thủ, phải học cách độc ác hơn đối thủ. Có như vậy mới trở thành kẻ bất khả chiến bại. Đây chính là giá trị mà ‘Chân Hoàn Truyện’ đã truyền tải”, Beijing Daily phê phán.

Trên Toutitao, những cư dân mạng gay gắt hơn chỉ trích dòng phim cổ trang cung đấu chẳng khác nào tuyển chọn kỹ nữ lầu xanh. Khán giả ca thán khi những nhân vật lịch sử được thêu dệt thái quá.

“Mọi tác phẩm nghệ thuật đều cần tôn trọng lịch sử và mang lại giá trị tích cực trong cuộc sống. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc chỉ mát tay với những bộ phim có tính giáo dục, quảng bá các giá trị cốt lõi trong văn hóa Trung Quốc hoặc truyền tải đúng sự thật”, bà Manya Koetse – người đứng đầu của What’s on Weibo nhận định.

Gỡ trên mạng để bỏ tư tưởng chạy theo tiền

“Cục Điện ảnh Trung Quốc đang mạnh tay hành động trước khi mọi chuyện đi theo chiều hướng tệ hơn”, giáo sư Stanley Rosen cho biết.

Tháng 4/2020, Hội nghị Truyền hình Bắc Kinh lần thứ 26 công bố “Báo cáo phát triển phim truyền hình/web drama Trung Quốc năm 2020”. Báo cáo chỉ ra rằng Cục Điện ảnh Trung Quốc tập trung vào việc rà soát 4 dòng phim: phim cổ trang, phim cung đấu, phim chiến tranh chống Nhật và phim dài tập.

Đối với dòng phim cung đấu, Cục tăng cường thắt chặt rà soát hồ sơ, xét duyệt nội dung, tập trung xử lý các bộ phim xây dựng trên sự kiện lịch sử có thật.


“Chân Hoàn truyện” bị lên án gay gắt vì truyền tải nội dung lệch lạc.

Một nhà phê bình phim có tiếng cho biết việc gỡ bỏ Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện trên Internet nằm trong tính toán của Cục Điện ảnh Trung Quốc. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đạo diễn sản xuất phim cung đấu. Dòng phim này cần thay đổi, không được phép xuyên tạc thông tin quá đà”, người này nói.

Theo phân tích của Ifeng, mạng xã hội có sức lan tỏa lớn. Gỡ bỏ các dòng phim cung đấu trên nền tảng xem online là cú đánh mạnh vào tâm lý “chạy theo đồng tiền” của nhiều nhà sản xuất phim. Hiện, Chân Hoàn truyện có khả năng là cái tên tiếp theo bị xóa sổ.

Trước ý kiến Cục Điện ảnh Trung Quốc đang quá khắt khe, một nữ đạo diễn họ Trương cho rằng mục đích của việc chấn chỉnh không cướp đi cơ hội phát triển của bất kỳ một nhà sản xuất, diễn viên thực lực nào. “Những bộ phim cổ trang đậm chất lịch sử vẫn được khuyến khích. Nhưng bóp méo sự thật lịch sự không phải điều hay ho”, cô nói.

Bàn về lệnh cấm của Cục Điện ảnh Trung Quốc đối với dòng phim cung đấu, Tống Cảnh – giáo sư thuộc trường Đại học Trung văn Hương Cảng đánh giá: “Nhiều bộ phim cung đấu sở hữu sức lan tỏa mang tính toàn cầu. Việc hạ lệnh cấm có thể tác động tiêu cực đến vị thế của nền điện ảnh Trung Quốc. Tuy mạo hiểm, nhưng đây là nước đi cần thiết”.

Theo Zing