Lý Tiến Dũng – một ngòi bút dấn thân, cương trực

817

23.6.2017-21:00

 Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

– nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM

phát biểu tại  sự kiện “Nhớ Lý Tiến Dũng”. Ảnh: T.Dũng

 

Lý Tiến Dũng: Sự nhất quán

của một ngòi bút dấn thân, cương trực

 

NGUYỄN THẾ THANH

 

NVTPHCM- Nhân ngày báo chí Việt Nam 21.6 năm nay, gia đình và bè bạn của nhà báo Lý Tiến Dũng (04.6.1959 – 04.12.2016) quyết định cùng nhau tổ chức sự kiện “Nhớ Lý Tiến Dũng” để tưởng nhớ anh và cũng để chuẩn bị chào đón cuốn sách của nhiều tác giả có tựa đề “Lý Tiến Dũng – hành trình một cuộc đời” sắp ra mắt trong tháng 6 năm nay. Xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Thanh nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM thời kỳ Lý Tiến Dũng rời quân đội về đây làm việc...

 

Ở Việt Nam, không nhiều nếu không nói là rất hiếm những nhà báo có một cuộc đời sôi động, phong phú và đặc biệt như Lý Tiến Dũng. Trước khi khẳng định đậm nét tên tuổi trong lĩnh vực báo chí, anh có hơn 12 năm tham gia và phục vụ quân đội. Nhập ngũ năm 19 tuổi, Lý Tiến Dũng cũng lại là số ít đã trải nghiệm rất nhiều cung bậc trong sự nghiệp quân nhân.

 

Rời học đường, chàng học sinh tú tài trường trung học Pétrus Ký Sài Gòn ấy gần như đi thẳng đến mặt trận 479 (D739, E25). Ở đó, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau như sợi chỉ, làn hơi, người lính trẻ Lý Tiến Dũng – lần đầu ra trận đã cùng đồng đội kiên cường giữ chốt trong làn mưa đạn, đã liều chết cõng một đồng đội bị thương rất nặng ra khỏi trận địa dày đặc đạn pháo và đã rơi những giọt nước mắt thanh xuân đau đớn khi nghe những giọt máu cuối cùng của bạn thấm ướt lưng mình. Ở mặt trận 479, cái chết cũng đã suýt kéo Dũng đi. Nhờ sự cứu chữa hết lòng của quân y tiền phương và nhờ cả sự phù hộ diệu kỳ từ trời đất, Lý Tiến Dũng đã chết đi rồi sống lại sau một trận sốt rét ác tính – “nỗi ám ảnh sinh tử” của tất cả những người lính từng đóng quân trong rừng sâu…

 

Rồi Lý Tiến Dũng đã trở lại học đường sau những năm tháng chiến trường đầy thử thách giữa cái chết và sự sống. Chỉ khác, lần này là mái trường của quân đội. Và, chính ở môi trường đào tạo đặc biệt này, Lý Tiến Dũng cũng nổi bật lên như một ngôi sao trong học tập, nghiên cứu cũng như trong sinh hoạt ngoại khóa. Những ai đã từng sống cùng Dũng những năm tháng ở Trường Sĩ quan Công binh và Học viện Chính trị Quân sự đều biết rõ sự sáng tạo, chủ động của Dũng trong học tập, nghiên cứu và cả sự cương trực, thẳng thắn, dũng cảm của Dũng trong trao đổi học thuật.

 

Trong phần thi vấn đáp ở kỳ thi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Triết học Học viện Chính trị Quân sự, Dũng đã từng thẳng thắn bác bỏ những điểm phi lý trong phần bài giảng của giáo viên và nhất quyết không chấp nhận thay đổi ý kiến, cho dù điều đó đã khiến anh suýt nữa không được cấp bằng tốt nghiệp nếu không có sự xem xét của cấp cao hơn trong học viện. Không chỉ trong học tập, nghiên cứu học thuật mà cả trong hoạt động văn nghệ Lý Tiến Dũng cũng là con người rất say sưa, rất trung thực và thẳng thắn. Là thủ lĩnh của đội văn nghệ Khoa Sư phạm Triết học, Dũng giỏi nhạc lý, biết sáng tác ca khúc, chơi ghi-ta hay. Thay vì cổ vũ sự máy móc, dễ dãi và thô thiển trong những sáng tác về chủ đề chiến tranh, Lý Tiến Dũng đã thẳng thắn phê phán đồng thời nhiệt thành ủng hộ những bài hát đi theo hướng trữ tình và lạc quan, có chiều sâu về tư tưởng và tình cảm.

 

Thái độ đó của Lý Tiến Dũng cũng từng mang lại những phiền phức cho anh nhưng Dũng không vì thế mà nhượng bộ. Thông qua cách sống, cách ứng xử của Dũng, bạn bè và đồng đội hiểu thêm thế nào là sự hài hòa, nhất quán trong nhận thức và tình cảm của một con người tử tế. Thái độ sống trung thực, thẳng thắn và rất khó nhượng bộ của Lý Tiến Dũng bộc phát cao điểm ở một lần anh thẳng thừng phản ứng về những phát biểu không đúng của vị Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng khi vị này nhắc tới người cha đáng kính của anh. Đó cũng là lý do để anh quyết định chuyển ngành ra khỏi quân đội…

 

Từ giữa năm 1991, hành trình cuộc đời của người lính Lý Tiến Dũng đã bước sang một ngã rẽ mới không được chuẩn bị trước: làm báo. Ở ngã rẽ này, Lý Tiến Dũng một lần nữa đã tỏ rõ một nhân cách nhất quán từ nhận thức đến hành động, từng được hình thành và trui rèn trong quân ngũ. Tạm cất vào ngăn kéo ký ức quân hàm đại úy và chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn của Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vinhem Pic, Lý Tiến Dũng chấp nhận làm người lính mới trong trận địa mới ở “chốt” đầu tiên: Báo Phụ Nữ TP.HCM.

 

Tại đây, trong suốt năm năm đầu tiên của nghề báo, Lý Tiến Dũng đã nhanh chóng khẳng định bút pháp sắc bén, cẩn trọng và mượt mà trong các thể loại điều tra và ký sự nhân vật. Tại đây, ngòi bút điều tra của Lý Tiến Dũng trên báo Phụ Nữ đã đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ tiêu cực trong ngành hàng hải, hàng không, ngành in, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, việc cho – nhận con nuôi (Bóng tối trên biển sáng; Tiêu cực của ngành hàng không; Licksin – Những lâu đài trên cát, Ốc bưu vàng xào với chuối Pan Việt…). Cũng từ đó tên tuổi Lý Tiến Dũng dưới các bút danh Huyền Trang, Lê Phong, Thanh Lan, Thanh Vân  đã được truyền đi trong đồng nghiệp báo chí với nhiều thán phục và quý trọng. Bằng năng lực nghề nghiệp, chỉ trong 5 năm, Dũng đã từ phóng viên trở thành Trưởng ban Chính trị Xã hội của Báo Phụ Nữ.

 

Nhưng rồi, như để thử thách người lính cầm bút này một lần nữa, giữa lúc sự nghiệp đang bắt đầu rộ mùa thì Lý Tiến Dũng lại chuyển công tác sang Báo Đại Đoàn Kết với chức danh mà anh đã bắt đầu từ 5 năm trước đó ở Báo Phụ Nữ: phóng viên.

 

Nhưng, nếu như ngòi bút Lý Tiến Dũng trên mặt báo Phụ Nữ 5 năm trước là hừng hực sức trẻ chống tiêu cực xã hội, thì các bài viết của Dũng từ năm 1998 đến 10 năm sau đó trên Báo Đại Đoàn Kết và một vài báo khác là biểu hiện độ chín muồi của một cây bút có sức nặng chính trị và nghiệp vụ.

 

Không dừng lại ở mức độ phanh phui tham nhũng, tiêu cực trong từng vụ việc, ngòi bút Lý Tiến Dũng đã chỉ ra điều gì và những ai đã đứng sau, đã tiếp tay từ xa tới gần cho những “con sâu” đục khoét tài sản quốc gia và uy tín chế độ (Hai tuyến nhân vật quanh bàn cờ tham nhũng; Phạm Huy Phước không thể tham ô một mình; “Kênh thông tin” của băng nhóm xã hội đen; Phần chìm của tảng băng; Giết ông Hà ai được lợi?; Nghề “phóng viên điều tra”: chính diện và phản diện; Điển hình của lỗ hổng tài chính;…).

 

Một đặc điểm nữa của nhà báo Lý Tiến Dũng không thể không nhắc đến khi nhớ về sự nghiệp báo chí tuy ngắn ngủi nhưng rất vẻ vang của anh, đó là không cho phép mình khoanh vùng tính chiến đấu của ngòi bút. Những tưởng Dũng chỉ hăng say chiến đấu với các ổ sâu bọ tham nhũng bên trong và bên ngoài hệ thống công quyền và doanh nghiệp nhà nước, chiến đấu với tư duy thiển cận, hẹp hòi và u tối về con đường phát triển đất nước.

 

Không, hoàn toàn không phải vậy. Ngòi bút của Lý Tiến Dũng – ngay cả khi đã trở thành Tổng biên tập của một tờ báo thuộc trung ương vẫn đều đặn gióng lên những cảnh báo xã hội khẩn thiết (Monsanto và Dow Chemical: nỗi ám ảnh trên đồng ruộng; Người nghèo trước sự tăng trưởng kinh tế; Giáo dục đào tạo – cơ may nào cho con nhà nghèo; Tư duy lại tương lai; Một cuộc hành hương về nguồn cội;). Ngoài các bài báo cũng phải kể đến cái công văn phản hồi gay gắt mà anh nhân danh Tổng biên tập ký gửi một Phó ban Tuyên giáo TW để cảnh báo về một cách quản lý báo chí thiếu thuyết phục.

 

Ngòi bút Lý Tiến Dũng cũng nặng trĩu tình thương và trách nhiệm khi viết về những bất công, oan khuất cần được sáng tỏ, cần được bảo vệ và cả những nét đẹp âm thầm đang góp phần bồi bổ, tạo dựng các giá trị xã hội (Tướng Giáp, những chuyện nhỏ của không gian và thời gian; Khóc đồng đội giữa phiên chợ đời; Không có tên anh trong danh sách anh hùng; Phó giám đốc hay nhân viên bảo vệ; Đôi nạng gỗ và khúc tình ca trên bục giảng…).

 

Và cuối cùng, nếu không nhắc đến một hoạt động quan trọng nữa của Lý Tiến Dũng thì sẽ thiếu hẳn một chỗ dựa cho nhận định ở đầu bài viết này “hiếm có nhà báo nào ở Việt Nam có một cuộc đời sôi động, phong phú và đặc biệt như anh”. Đó là ba bộ phim tài liệu đã phát sóng trên truyền hình quốc gia, cả ba phim đều lớn cả về độ dài và về tầm vóc giá trị mà Lý Tiến Dũng là tác giả kịch bản và lời bình, do chị Nông Thanh Vân vợ anh là đạo diễn : “Nơi huyền thoại bắt đầu” (về con đường Trường Sơn huyền thoại), “Khát vọng bất diệt” (về những trang sử thi của Côn Đảo) và “Bọt biển và Sóng ngầm” (về lịch sử văn hóa và chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa).

 

Rất ít người biết, Lý Tiến Dũng đã viết kịch bản và lời bình cho các bộ phim nói trên khi đang là Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập của Báo Đại Đoàn Kết. Lấy đâu ra thời gian và sức lực để làm những công việc trí não vô cùng khó nhọc ấy khi trên vai anh cùng lúc là trách nhiệm điều hành, đổi mới và phát triển tờ báo, chưa nói đến nhiệm vụ viết bài cho chuyên mục định kỳ mà anh đảm nhận trước ban biên tập?

 

Câu trả lời chính xác cho trường hợp này chỉ có thể là ở trong con người nhà báo – chiến sĩ Lý Tiến Dũng luôn dâng tràn mãnh liệt tình yêu đất nước mình, yêu dân tộc mình và yêu thương nhân dân mình; rằng phía trước ngòi bút – thứ vũ khí mặc định của người làm báo là cái ác độc, xấu xa phải bị diệt trừ; cái đẹp và cái thiện phải được phát hiện, nâng niu và bồi đắp…

 

______________________________

Bìa cuốn sách “Lý Tiến Dũng: Hành trình một cuộc đời”

 

Trong chương trình “Nhớ Lý Tiến Dũng”, gia đình, đồng nghiệp, bạn hữu của nhà báo Lý Tiến Dũng cũng giới cuốn sách “Lý Tiến Dũng: Hành trình một cuộc đời” sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian tới, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gần 100 trang sách được tổ chức thành bốn phần. Bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách những kỷ niệm riêng tư của Lý Tiến Dũng với bà nội, với ba má, với anh chị em trong nhà, với vợ và các con, với đồng đội sinh tử ở chiến trường… bên cạnh những tác phẩm đã chọn lọc của anh trong 18 năm cầm bút chuyên nghiệp. Tất cả những câu chuyện của không gian và thời gian tưởng như rời rạc ấy đều có liên quan chặt chẽ với nhau và đã khắc họa sống động chân dung Lý Tiến Dũng – một con người đã dành trọn những năm tháng tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng quân đội nhân dân; một nhà báo luôn sẵn sàng dấn thân vì lẽ công bằng và tiến bộ, đã dũng cảm và kiên trì thực thi một chân lý còn ở phía trước “Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của nhân dân khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân”.

 

Dịp này, bà Nông Thanh Vân – vợ của nhà báo Lý Tiến Dũng cũng cho biết, gia đình đã quyết định tặng 500 cuốn sách cho Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa để bán gây quỹ hỗ trợ, chăm lo cho những người lính và thân nhân các liệt sĩ đã chiến đấu và ngã xuống trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở trận Gạc Ma và Hoàng Sa.Ngay tại chương trình sáng 20.6.2017, một mạnh thường quân xin giấu tên đã mua 300 cuốn sách với tổng số tiền 84.000.000 đồng. Gia đình nhà báo Lý Tiến Dũng đã trao tượng trưng số tiền đó cho Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, thành viên Nhịp cầu Hoàng Sa.

 

Theo NGƯỜI ĐÔ THỊ

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…