Lý Văn Sâm vẫn quyến rũ chuyện đường rừng

1721

Phan Phú Yên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ trước năm 1945, nếu như Lan Khai và Thế Lữ là hai cây bút “chủ soái” về thể loại truyện đường rừng ở miền Bắc, thì ở miền Nam dường như chỉ có Lý Văn Sâm mà đến nay đọc lại vẫn còn rất hấp dẫn, quyến rũ…

Nhà văn Lý Văn Sâm

Gương mặt độc đáo của văn chương Nam bộ

Nếu như miền Tây Nam bộ mênh mông sông nước phù sa là “mỏ quặng” giàu có để nhà văn Sơn Nam suốt đời khai thác thì miền Đông đất đỏ với những cánh rừng ngút ngàn bí ẩn là chất liệu cho nhà văn Lý Văn Sâm dựng nên những câu chuyện đường rừng ly kỳ, hấp dẫn. Và nếu như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với những vần thơ vừa trữ tình vừa hào khí vang vọng từ chiến khu xanh miền Đông thì nhà văn Lý Văn Sâm lại là người kể chuyện duyên dáng, lãng mạn và cũng đầy hào hùng về vùng đất huyền thoại này. Ông cũng hợp cùng những Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Dương Tử Giang, Vũ Anh Khanh, Kiên Giang, Thẩm Thệ Hà,… tạo nên thế hệ nhà văn, nhà báo giàu tài năng và yêu nước của Nam bộ.

Sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm khởi đầu bằng hai truyện ngắn Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền đăng liên tiếp trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội năm 1941. Thuở mới bắt đầu cầm bút, ông viết truyện gởi các báo trong Nam, chờ mãi không thấy đăng, bèn thử gởi ra Hà Nội cho nhà văn Vũ Bằng, chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy. Rất chu đáo, nhà văn Vũ Bằng đọc truyện thật kỹ rồi gởi thư vô Biên Hoà cho ông, gợi ý ông nên viết về con người sống, làm việc ở chốn núi rừng miền Đông Nam bộ. Chính nhờ cơ duyên và sự khuyến khích quí báu của nhà văn Vũ Bằng, ông đã say mê viết chuyện đường rừng, mở ra con đường văn chương độc đáo riêng mình.

Mặc dù được đăng trước tiên nhưng hai truyện ngắn Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền không phải là truyện đầu tay của ông, mà đó là Kòn Trô, tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Lý Văn Sâm về sau. Đó cũng là sự nghịch lý thú vị của văn chương. Theo tâm sự của nhà văn Lý Văn Sâm với chúng tôi, Kòn Trô chính là tác phẩm ông tâm đắc nhất ra đời trong hoàn cảnh: “Lúc tôi đang làm ở lò than, thì có một chiếc xe hơi vừa chạy tới đó bị chết máy. Một cô gái vô nghỉ nhờ và ăn cơn tại nhà tôi. Sau đó, tôi mới tưởng tượng viết truyện, mà nhân vật chính Kòn Trô (con Trời) là tôi, còn Thể Phụng, nhân vật thứ hai chính là cô gái đó”.

Sau khi lĩnh hội sự góp ý của nhà văn Vũ Bằng, ông đã sửa chữa lại truyện Kòn Trô và những tác phẩm khác theo hướng chuyện đường rừng. Không chỉ ở Hà Nội mà các báo ở Sài Gòn sau đó cũng liên tục đăng tải truyện của ông, rồi tập hợp in thành tập truyện Kòn Trô. Với sức sống vượt thời gian, hơn 60 năm sau, truyện Kòn Trô hợp cùng truyện Sương gió biên thuỳ của ông đã được Hãng Phim TFS của Đài Truyền hình TPHCM chuyển thể kịch bản, dựng phim và công chiếu vào đầu thế kỷ XXI, thu hút đông đảo người xem.

Nhà văn Lý Văn Sâm còn có tên Đào Lê Nhân và do hoàn cảnh lịch sử ông đã ký nhiều bút danh khác nhau: Ánh Minh, Bách Thảo Sương, Hùng Lý, Mộc Tử Lan, Huyền Sâm, Thanh Lý. Trong thời kỳ 1945-1954, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt giam, rời quê hương Biên Hoà xuống Sài Gòn hoạt động báo chí, tiếp tục sáng tác. Đây chính là giai đoạn thăng hoa nhất của ông trong sáng tạo văn học gắn liền với bút danh Lý Văn Sâm và các tập truyện được xuất bản: Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thuỳ (1948), Mười lăm năm hận sử (1949), Sau dãy Trường Sơn (1949). Cùng với Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là một trong hai cây bút xuất sắc nhất ở miền Nam giai đoạn 1945-1954.

 

Nhìn lại thời kỳ sôi động này, nhà văn Lý Văn Sâm rất tâm đắc với tác phẩm Nắng bên kia làng viết năm 1948, gắn liền với một kỷ niệm sâu sắc cuộc đời cách mạng của mình. Ông cho hay: “Bối cảnh ra đời truyện này là khi tôi bị bắt, bị quản thúc ở Biên Hoà thì được thầy giáo cũ là Phú Văn Nên bảo lãnh ra. Suýt chút nữa là tôi bị cắt cổ. Lúc bị bắt bọn Tây muốn xách cổ ai ra cắt thì nó xách. Lúc nó cắt cổ đến người anh của Hoàng Văn Bổn, thì tôi nghĩ đã sắp tới mình. May mà có ông thầy thương tôi khi còn đi học cứu cho”.

Từ phải sang: Nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Lưu Hữu Phước ở chiến khu Đ  

Một nhân vật nghĩa khí của núi rừng miền Đông

Lý Văn Sâm sinh ngày 17-2-1921 tại vùng rừng Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Quê hương và tuổi thơ đã ảnh hưởng đến tính cách và con đường văn chương của ông. Nhà văn cho biết: “Đến năm 7 tuổi, tôi mới có dịp ra thị trấn Tân Uyên, nên từ nhỏ tôi đã có tâm hồn ẩn dật. Tôi cứ ngồi bó gối ở trong nhà bà ngoại, thấy xe hơi chạy, ao ước có lúc mình được ngồi trên chiếc xe đó. Ông già tôi làm kiểm lâm và lãnh tiền xâu trả cho công nhân đốn cây. Từ nhỏ, tôi ở với bà ngoại, không có điều kiện trò chuyện với ai. Tôi trở thành cậu bé hết sức cô đơn. Một lần nhà bị cháy, gia đình ngoại tôi chạy từ rừng về, tưởng tôi bị chết cháy trong đó rồi. May có cô câm giúp việc tên là Quơn la ú ớ rồi nhảy vô cứu tôi. Nếu không có cô ấy thì bây giờ tôi chẳng còn. Lúc 7 tuổi, tôi đã biết tiếng Tây do cha tôi dạy. Hoàn cảnh sống ở chốn rừng núi âm u làm tôi hay bất mãn, chống sự bất công xã hội và thích ẩn dật”.

Sinh ra trong gia đình tương đối khá giả, Lý Văn Sâm đã được lo chu toàn ăn học. Hết bậc tiểu học ở Biên Hoà, ông lên Sài Gòn học trung học ở trường Petrus Ký, rồi ngược ra tận xứ Huế học trường Quốc học. Ở đất cố đô, ông được làm học trò nhà giáo, nhà văn Thanh Tịnh, người có ảnh hưởng trong bước đầu đưa ông đến con đường văn chương. Nhà văn Lý Văn Sâm nhớ lại: “Thanh Tịnh rất giản dị và ông từng ăn cơm tháng chung với tôi. Trong quyển tập của tôi, ông có viết chơi hai câu thơ bất chợt: Đã bao năm dưới liễu ta gò cương/ Ta chỉ thấy sông xa tràn bọt trắng. Hai câu thơ ấy ông chỉ viết chơi, nhưng tôi thấy mình cần phải học tập ở ông này”.

Rời trường Quốc học Huế, Lý Văn Sâm trở về quê làm chủ lò than do gia đình tạo dựng và bắt đầu làm thơ, viết văn. Ông gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, làm cán bộ tuyên truyền. Khi quân Pháp tái xâm lược, ông hiến lò than cho cách mạng, đốt nhà tiêu thổ kháng chiến và thoát ly vào chiến khu. Cuối năm 1946 đầu năm 1947, ông bị địch bắt giam rồi quản thúc tại Biên Hoà, bí mật trốn xuống Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong ngành công an và làm báo, sáng tác văn học.

Hết chống Pháp đến chống Mỹ, khi công khai khi bí mật, lúc ở thành Sài Gòn lúc ở chiến khu, Lý Văn Sâm đã gắn bó với những bước thăng trầm của sự nghiệp cứu nước, giữ nhiều trọng trách về công tác quản lý văn nghệ và báo chí. Ông từng là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Nhớ về thời kỳ gian khổ mà hào hùng này, ông nói: “Hồi ấy, tôi công tác trong lực lượng võ trang miền Nam, cũng làm công tác văn nghệ và báo chí thôi. Tôi được anh Nguyễn Hữu Xuyến, chỉ huy trưởng phân công “bao sân”, nghĩa là bộ đội cần gì làm nấy. Báo chí có tờ Chiến thắng viết và vẽ khá đẹp. Ban biên tập gồm có tôi, anh Trường Thắng, Huỳnh Anh Tuyên (hai anh hy sinh trước 1975). Vài ba tháng, báo mới ra được một số, anh em chuyền tay nhau cuồng nhiệt. Một buổi sáng, anh Xuyến gọi tôi lên, pha trà đãi một chầu (anh mới đi họp “trên” về). Anh cho tôi biết là tôi sẽ về nhận một công tác hợp sở trường và sức khỏe vì… “anh ốm yếu mà ở đây ăn củ chụp mãi không chịu nổi đâu”. Cũng như ở bộ đội, Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi tôi về buổi đầu mới thành lập cái gì cũng từ hai bàn tay trắng làm nên. Tình hình văn nghệ sau Đồng Khởi rộn rịp chưa từng có. Thời đó cực tận mạng mà vui cũng tận mạng”!

Giống như nhà văn Kim Lân ở ngoài Bắc, sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm đã dừng lại khi ông dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho dù sau này ông có viết thêm một số truyện nhưng không ấn tượng. Đây quả là điều đáng tiếc. Tuy vậy, những gì mà nhà cách mạng, nhà văn Lý Văn Sâm đã sáng tạo, cống hiến bằng nhiều chức phận khác nhau cũng rất đáng trân trọng. Đặc biệt, những áng văn đường rừng độc đáo cũng đủ đưa tên tuổi Lý Văn Sâm trở thành một gương mặt sáng giá của văn học sử Nam bộ và Việt Nam thế kỷ XX. Sáu năm sau khi ông qua đời, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật truy tặng cho ông vào năm 2006 là hoàn toàn xứng đáng!

P.P.Y

 

Tiểu sử Lý Văn Sâm

(17.02.1921 – 14.09.2000)

Quê làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), còn có tên là Đào Lê Nhân, tên thân mật Hai Lý. Từ nhỏ ông rất ham học và được gia đình cho học nhiều trường từ Pétrus Ký đến Quốc học Huế. Thế nhưng, chuyện học hành của ông bị dở dang với nhiều nguyên do.

Năm 1941, Lý Văn Sâm xuất hiện trên văn đàn với truyện ngắn Cây nhị sông Phố đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy, những truyện đường rừng đầu tiên của một nhà văn miền Nam. Sau đó nhiều sáng tác của nhà văn được các báo trong Nam ngoài Bắc đăng tải.

Năm 1945, ông gia nhập Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền ở địa phương, là cán bộ Ty Tuyên truyền Biên Hoà. Năm 1946, ông bị địch bắt trong một trận càn, bị giam một thời gian. Sau đó, ông được thả và lên Sài Gòn sống bằng nghề làm báo, viết văn. Ông tham gia tích cực trong hoạt động của phong trào “Báo chí thống nhất”, viết cho các báo Việt Bút, Tiếng chuông, Lẽ sống, Bình minh, vừa làm việc cho công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1949, nhà văn Lý Văn Sâm bị bắt trong khi đang làm quản lý cho tờ Cộng đồng. Năm 1950, ra khỏi nhà giam, ông vào chiến khu, công tác ở Ban sưu tập Phân liên khu miền Đông. Sau hiệp định Genève (tháng 7 năm 1954), ông được phân công về thành hoạt động hợp pháp trên mặt trận văn nghệ, báo chí.

Tháng 11 năm 1955, ông bị địch bắt giam tại Trung tâm cải huấn Biên Hòa. Tại đây, ông tham gia cuộc vượt ngục, phá khám Tân Hiệp vào ngày 02 tháng 12 năm 1956.

Từ 1956 đến năm 1958, nhà văn Lý Văn Sâm làm chánh văn phòng Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Trưởng đoàn Văn công miền Nam, chủ bút báo Chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam. Năm 1959, ông công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Đoàn Văn công giải phóng, thư ký toà soạn báo Văn nghệ giải phóng, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông được bầu làm Phó tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá VI, uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai.

Tác phẩmKòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thuỳ (1948), Mười lăm năm hận sử (1949), Sau dãy Trường Sơn (1949), Bức chân dung (1983), Bến xuân (1985), Ngàn sau sông Dịch (1988)…

Tác phẩm Kòn Trô và Sương gió biên thùy là những “truyện đường rừng” độc đáo, lãng mạn, trữ tình, đẫm chất anh hùng ca lấy bối cảnh, nhân vật thuộc về vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ. Hai tác phẩm này được Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh chuyển thể kịch bản, dựng phim và công chiếu.

Giải thưởng:

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2006.