Mã Lam và dấu ấn sáng hóa từ trường ca Tình thơ trải ngàn mây

762

Ngô Nguyên Nghiễm 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bước vội vào phong thổ tình thơ của nhà thơ, quả tình ngôn ngữ và phong thái sáng hóa thi ca đột biến một cách khác thường. Tôi có ảo giác đang trôi dạt trong một thế giới ngôn ngữ riêng biệt, khác với nhiều trường phái thơ đang hiện hữu.

Tác giả Mã Lam 

 I.

“Tôi vẫn gấp cõi lòng vào vết nhớ/ Một mùa trăng tin về cứ lững lờ/ Bước chân đi vẫn còn đau quay lại/ Để tâm hồn cháy mãi một giấc mơ”. Bước vội vào phong thổ tình thơ của nhà thơ, quả tình ngôn ngữ và phong thái sáng hóa thi ca đột biến một cách khác thường. Tôi có ảo giác đang trôi dạt trong một thế giới ngôn ngữ riêng biệt, khác với nhiều trường phái thơ đang hiện hữu. Những thể hiện trong dòng thơ với chữ thơ, như lưu diễn trong một tâm thức biểu tượng tuôn tràn không thể ngưng lưu. Cứ thế, người vẫn đưa nỗi nhớ từ tiềm thức hoán chuyển vào mạch thơ rào rạt liên hoàn.

Cung cách liên kết ngôn ngữ thành xâu chuỗi, một cách ngẫu nhiên mang nhiều tư tưởng bộc phát theo hoán tính kỳ thú. Thơ đi với con chữ mang nhiều tính phong thổ, nên tạo dựng cho tư tưởng lạ hóa thân trong thơ:

Trong góc đời đầy vơi lời thề thốt

Trong đêm buồn gương vỡ khuất bóng người

Đá kết tinh chỉ mong em giây phút

Đá mềm lòng lồng lộng dấu chân ai

Đá cản mây hoen sầu in nước mắt

Đá lặng thầm phơi mưa nắng tinh phai

Sông Ngân tắt tôi đóng băng môi nhạt

Xa nghìn trùng vất vưởng cõng niềm đau

(Chương 1: Trái tim lửa chẳng còn)

Hành trình đưa ý tưởng vào trường ca, những bất chợt bước theo từng câu thơ trôi nổi bềnh bồng như cánh mây bất định. Cảm tính theo suy tư trong thơ của người thơ, nhiều lúc đưa đẩy khách quen cũng phải chợt trầm lặng suy tư. Có lẻ những bất chợt có đó, phải chăng hướng đi của thơ đã tạo nhiều ý hướng biểu tượng, “Hình bóng em tôi nuối mãi màu sương”, hay hoang vu như một trần tình, như một họa phẩm đầy ma thuật “Gió khuất khúc thổi tốc tình lạc kiếp/ Ngày tận yêu tôi chỉ biết có em/ Ngày từng ngày uống tình nồng vẫn khát/ Gió cuốn tung hương tóc khét vẫn thèm”.

Những phi lý trong cơn khát của cuộc tình, thơ cũng vướng vất trong những phân cảnh thật kỳ diệu. Chính vậy, mọi cảnh vật chung quanh hình như cũng tự nhiên bằng lòng hóa thân theo tâm hướng, mà nhà thơ đang “sấm cuồng điên ghen tị mảnh tình em”. Sự thống thiết trong đời thường, là vết nhớ vẫn tạo nên nhiều từ trường đưa tình thi nhuộm đầy sắc màu trong cõi nhân gian.

Trời hùng vĩ cát bụi ngàn thế kỷ

Cho một ngày chúng mình hết tình yêu

Rừng cây nến bừng cháy tàn hạnh phúc

Đốt xanh xao chẳng ấm áp bao nhiêu

Còn bao lâu từng đêm đau buốt giá

Kiếp đơn côi đừng gian dối trao nhau

Sông Ngân tắt tôi đóng băng môi nhạt

Xa nghìn trùng vất vưởng cõng niềm đau.

(Chương 1: Trái tim lửa chẳng còn)

Tình trường cứ tưởng như một cuộc thể hiện đương nhiên, với kết quả tương xứng trong hạnh phúc hay trong khổ đau. Chính vậy, khi nhìn quanh mình dấu chân cơn mê in trên vệt cỏ, để nghe từng đêm hiu quạnh với men say. Hình ảnh gió hoang vu thổi buốt đêm thâu, với cơn mê tình nứt vỡ òa, thơ thể hiện như những tia chớp đột nhiên vả khoảnh khắc theo cơn mê hiu quạnh quanh mình, để thảng thốt trong bất biến:

Nỗi thống khổ về trong đêm gió lạnh

Sao cuối trời nhìn mây phủ xác xơ

Đã mấy lần nước mắt tràn mấy phiến

Bàn tay em nắm chặt dấu bơ phờ

 

Tóc mây tôi mang màu trời u tối

Thôi chào em nghe mấy giọt long lanh

Cứ hờn ghen để ngàn sao rơi rụng

Cứ bùi ngùi cho thành quách mong manh

(Chương 1: Trái tim lửa chẳng còn)

Những giây khắc bàng hoàng nỗi nhớ bên lời thề dưới tán lá xanh, những tư thức vụt trôi về trong “Tình u mê tôi lả gối cơn đau/ Đời lạnh câm mai mốt kia về sáng/ Nhìn sau lưng ánh mắt buốt lên màu”… Người thơ nhiều lúc đưa thơ ngập ngụa trong một ý thức mê hoang, tỉnh mê trong bóng tối mênh mông, với cách vắt máu tim mà xót xa bên những “Lời trối trăng bước chân mòn thành vết”, mà cô độc một mình với “Tôi lắng nghe trái tim lửa chẳng còn“…

Như tạm kết thúc một chặng đường tình, suốt cuộc lưu hành tìm dưới trăng nghe tình đau màu lá, rõ ràng là như trái địa đàng chín nẫu… Thơ thể hiện như một chặng đường kết trái, khi người loanh quanh trên bước chân đời nhóm lửa trái tim xưa:

Tìm dưới trăng nghe tình đau màu lá

Trái địa đàng chín nẫu bàn tay thon

Hận cuộc đời hàng cây xanh gầy guộc

Tôi lắng nghe trái tim lửa chẳng còn.

(Chương 1: Trái tim lửa chẳng còn)

II.

“Tôi mở cửa đếm hoa nào vừa nở/ Như thuở tôi lẽo đẽo xin chút mây/ Bao nhiêu năm lang thang hương thơ dại/ Cõi đời đau tình vơi cạn rồi đầy”… Bước thêm một đoạn đường hoàn lưu, mà con đường về qua ngõ thời gian, dĩ vãng trôi nhanh đành mất dấu lưu sinh. Mây rơi về vườn xưa, khách phải níu ngàn trùng nhìn lại những giấc mơ chìm khuất… Những câu hò quê xưa, có con đò lưu sinh trong ánh mắt, có bóng dừa day dứt, có vệt bóng oai hùng in trên mặt đường. Những ý tưởng mênh mang như sóng, lạ lẫm với màu môi “Hát trên cành sương ướt lạnh vai tôi/ Xưa có em cõi đời đâu cô quạnh “…

Mở đầu cho chương 2, đầu tiên thơ hình như phô diễn nhiều khung cảnh tạo dựng nên bi khúc mới cho tình thơ? Sự bất chợt bước qua một đoạn đường hoang phế, thơ bỗng chuyển sang một tư khúc đầy cảnh trí vô thường, mây rơi về vườn xưa, mà tay trắng đầu rỗng vô mưu tôi níu lấy ngàn trùng:

Bao con kênh thao thức những giấc mơ

Héo ánh đèn dòng người thồ mưa trắng

Nát con đường tôi lả bước bơ vơ

Gót chân tôi dấu chim mãi khuất ngàn

Rồi muộn phiền sẽ nhạt nhòa theo sóng

Từ ngàn năm khoảnh khắc sụp phai tàn”

(Chương 2: Tình thơ xót xa mưa)

Níu ngàn trùng với quê xưa, con đò và vết hằn trên dặm trường, nhưng tất cả cũng lạ lẫm rơi vào màu mắt, không thoát khỏi niệm tướng bâng khuâng của một thời. Một thời, màu môi còn vương vấn hát lạnh trên sương lạnh, vì vậy thơ phát khởi một cách đầy sóng âm nuối tiếc vọng về quá khứ của một thời để nhớ “Xưa có em cõi đời đâu cô quạnh”. Bên cạnh tư hướng giấc mơ thiền, lại khuấy động trước lời tuyên ngôn dựng ngày, trên da người vàng vọt, bên bóng cờ khuấy gió ở con đường chung nhân sinh: gã thư sinh trầm ngâm bên chiến tranh (chiến tranh đồng loại, hay chiến tranh bản ngã?). Từ đó, mới có những nghi vấn trên drama tình trường “Tôi nhớ người quằn quại đếm hoen mi” hầu như chỉ để bàng hoàng bên giấc mộng du tình:

“Đụn mây xám thênh thang ngựa tung vó

Bay trên đầu cuốn tóc rối mộng mơ

Nghe nỗi đau im lặng chân trời đó

Vách đá xưa khí phách giấc ngủ mờ

Ôi chiến tranh xin ngủ yên dĩ vãng

Ngồi trong đời em khóc chút hồn nhiên…”

(Chương 2: Tình thơ xót xa mưa)

Có gì khác biệt những lập luận hoang vu giữa cơn say, mà những liên tưởng trải rộng trên tiềm thức và nỗi nhớ? Từ vật vã trong lòng sông nước cũ, mà đưa nỗi buồn xé rách mái chèo xa? Quả thật, thơ đang trải bước trên một dặm trường mênh mang. Sự liên tưởng như tiếng hú dài trên vách đá, người làm thơ dằn dặt băng qua nhiều ngõ ngách trong sự liên tưởng, dẫn dắt từng câu thơ bộc phát không kiềm hãm được. Cứ như thế, tư liệu từ trái tim cứ hối thúc vang động, bằng bặt lan truyền về ngõ tới, mà người thơ cũng biết rằng: “Chiều bâng khuâng nghĩ trán bóng xót xa/ Cơn đau lên mây luồn qua nỗi nhớ”… Và ở cuối bóng nắng, tay tôi bới kỷ niệm lên nhàu nát, khóc cho tình hương hoa chết góc thềm….!

Trường ca của kẻ si mê thì trường lưu, mà người đưa thơ vẫn mênh mang trong nỗi ray rứt.

Cứ tưởng tượng hồn người bạc mệnh, như chim lẻ đàn hoàng hôn chết rừng sâu, mà ôm vội nhân gian, tha thiết:

“Nắng vội vàng vườn xanh em nấp kín

Vượt ra ngoài niềm vui tôi mong manh

Sau dãy đồi hoàng hôn về bên đó

Tôi tìm em như bướm lạc vào tranh

 

Tình tôi thiếu đôi mắt em nồng lửa

Tình tôi thừa cay đắng cùng xót xa

Tôi cố ghì kỷ niệm thơm dai dẳng

Đăng đắng môi tình tàn tửa trong hoa

(Chương 2: Tình thơ xót xa mưa)

Hình ảnh thống thiết như thế được nhấn mạnh lập đi lập lại. Phải chăng như tạo dựng điệp khúc, chan hòa trong nét điêu tàn của tro tàn… Quang quả cuộc tình cùng tiếng thét không lời hòa quyện, tan vỡ âm thầm trong không gian. Sự đối lưu có phải gầy dựng, chủ ý như một hương khói về lời thở than khúc chiết. Trầm thống như khối thạch anh, bỗng nhiên tan rã trong cơn bão lửa chợt đến:

Nét điêu tàn như ngôi nhà vừa cháy

              Tôi tan theo gió cuốn khói lên trời

              Để lại đời tro tàn cười vũng nắng

              Để lại tôi tiếng thét vỡ không lời

            

              Chân giang hồ từng bám bụi đỏ bay

              Không còn ai đợi chờ tôi nơi cuối

             

              Bên bờ kia tôi uống cạn cơn mê

              Ngồi những ngày vời xa nhìn mây trắng

              Từ vườn kia tôi đếm dấu đi về…”

(Chương 2: Tình thơ xót xa mưa)

 

Hành trang mang theo chuyến lãng du, có tình thơ đã thả theo ngàn mây, có tôi tìm tôi trong xương, trong máu lạnh. Ngỡ ngàng một chút hương. Mong cuối mắt có lời riêng của nắng. Mong đêm mưa vắng giữa con đò. Thời gian vụt thoát, mươi năm từ giả một giấc mưa như một định mệnh.

“Tôi muốn đập con đò chỡ ký ức

              Tôi muốn đào ngọn lửa trong gió trưa

              Tôi muốn lùa mặt trời yêu đang cháy

              Vào con tim trống rỗng nhạt nhẽo thừa

 

              Ừ thôi em cứ vui vầy cùng gió

              Ừ thôi em cứ ngày tháng say sưa

              Ừ thôi em cứ xa xôi vời vợi

              Ừ thôi em tình thơ xót xa mưa”

(Chương 2: Tình thơ xót xa mưa)

 

    III.

“Thôi mặc tôi hoàn toàn say không lạc/ Tôi biết tình rừng nhuộm thắm ngàn cây/ Để men say tim non run lành lạnh/ Để sắc hồng tình nhuộm chín chân mây”. Bỗng dưng, hào nhoáng trong phương trình bày tỏ cuộc tình hồng, khách phơi trần lòng mình sau những biến động tâm thức. Nét ngây dại trong tình trường, mà trước đây ánh mắt đời còn lê bước chân hoang, đeo thơ trên vai rộng với lời sầu băng giá. Nhìn lại giấc mơ phai trải dài bên phía cuộc tình, có bao giờ ngồi trầm lặng chiêu niệm khối tình thâm? Khối tình thơ tiêu điều còn dấu kín lời yêu, mong manh như sương như khói, nhưng ràng buộc oan khiên như ngàn đớn đau rời rã ngập lối đi-về. Âm vang của chiều mưa bầm tím, cuộc mưa tình cô quạnh cay xé nỗi buồn hoang vắng của thơ:

Tôi tìm đến lời sầu thơ đau đớn

              Giá băng hồn đường lèn đá vỡ tan

              Nỗi u sầu tuổi buồn ngân dâng tiếng

              Nhặt niềm thương mơ hồ buốt muôn vàn

           

              Lởi kinh khuya vang vọng vào thanh vắng

              Tay lãng quên tình hận cuối chân mây

              Ôi trắng tay tình mặn nồng đâu thấy

              Bao tháng năm tuổi đốt trụi đời nầy”

              (Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn)

 

Phong cách thơ đã xoáy tròn ngôn ngữ, tạo một vòng xoắn ốc hình tượng của một bức họa tình trường màu xám. Con chữ nhảy múa như nhặt ánh sáng tím, gieo buồn vào bước chân hoài cảm chất ngất cay đắng như núi đồi, chơ vơ và lặng lẽ… Sự lặng câm trơ vơ trong nhớ thương, ưu sầu chợt mòn trên phiến đá thời gian. Tôi vẫn tắt lòng bước đi vào hoàng hôn, mà ngọn mộc đăng cứ lùa ánh sáng nhá nhem trôi lạc tình thơ. Phải chăng, đây là thời khắc, thơ trống rỗng trước chân mây, khóc òa như ánh sáng đèn khuya giữa con tim mục ruỗng.

Rồi từ đây tình yêu ơi đã hết

              Bao đắng cay chất cao như núi đồi

              Trong bước chân bao cuồng si đã chết

              Tôi nát tan tim mục ruỗng mất rồi”

              (Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn)       

Quy cách sử dụng con chữ là đặc thù riêng lẻ trong trường ca tình thơ, hình như tạo được nhịp điệu ảnh tượng phong phú song hành bên bóng thơ. Giọt nắng rơi chiều vàng vọt tiễn đưa. Một không gian giọt nắng và một thời gian chiều vàng đầm đìa bên nhau, xoáy cuộn vào bản thể khiến thơ nhớ chín cả hồn, mà tiếng ve cuộn tròn trong lời gió, khiến nắng chiều phai vắt qua nỗi bồn chồn… Khúc tình thi rộng suốt cả 4 chiều không gian, mà khách tự tay hái bài thơ chiều tiễn biệt, lục lọi kỷ niệm xưa  đỏ một màu trời sấm sét:

              “Giọt nắng rơi chiều vàng vọt tiễn đưa

              Bước lang thang tôi ngẩn ngơ bức bách

              Ngọn gió giòn bẻ gẫy lá chuyển mưa

 

              Phố nẫu buồn chôn kín bao ân hận

              Em nơi đâu tôi nhớ chín cả hồn

              Tiếng ve mòn cuộn tròn trong lời gió

              Nắng chiều phai vắt qua nỗi bồn chồn

 

              Tay tôi hái bài thơ chiều biền biệt

              Ánh mắt em lục lọi kỷ niệm xưa

           

              Đỏ màu trời sấm sét sầm sập đưa”

              (Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn)

Bước hành trình nhập thể vào đời, mang theo cõi hồn hoang sơ thống khổ cuộc tình trường. Chất cô đơn đóng đinh treo tình trên thập giá, như một cuộc hành lễ thiêng, khiến thơ đưa lời ru buồn cho trăng ướt rối linh hồn. Danh phận, tuổi đá, màu rêu… tạo một khung cảnh tương tác như thời gian sẽ trôi qua, mọi định luật tuần hoàn cứ trôi dài trên thành-tụ-hoại- diệt. Giọt thơ chính là dấu ấn, cho tháng ngày được nhận biết có mặt bên thời khắc hạnh phúc và khổ đau. Mọi chuyển biến từ tư thức riêng lẻ đến đáp số chung, đều từ tâm tình mà ra, khiến người thơ phải hoang mang bước trầm tư bên từng ngõ hẹp của thi ca:

“Gom từng sợi mưa rơi trời trống vắng

              Danh phận người tuổi đá đếm màu rêu

              Mông lung trời khói mây về tóc rối

              Khẳng khiu hồn vô vọng cảnh trớ trêu

            

 

              Vần thơ khuya mực mài đen bầm máu

              Trời vỡ tan mưa trút xói nỗi đau

              Gió giăng xé ném tung từng nắm nhớ

              Nửa vời tôi đời lá rách trôi mau

              (Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn)

Sử dụng con chữ như những hình ảnh xiếc, thật mã nh liệt…khác gì tạo tác ngôn từ đặc thù riêng biệt. Chính vậy, trường ca đã có một ngõ riêng, trong hình thức lẫn thi phong Gió nghiêng, rách tình, bóng tôi vấp vào tối, tình nặng nề trái đất, căn nguyên vỡ, gió nghiêng ngọn thổi thốc vào vô vọng, rơi xuống chiều mòn mỏi đám hoàng hôn…v…v Như thế, đủ cho khách lữ hành bước vào thơ, như bước trên một không gian sáng tạo ngôn từ và hình ảnh khác thường cõi thơ riêng biệt. Cứ nghe:

“Gửi gió người đi về nơi xa ngái

              Qua mùa xuân bao ngũ sắc gấm hoa

               Đêm cài then ngẫm rằng căn nguyên vỡ

              Hạt cát đau khô khốc chốn giao hòa

 

              Rách rưới tình tâm can nhiều khoảng lặng

              Nửa chua cay nửa đau đớn tâm hồn

              Gió nghiêng ngọn thổi thốc vào vô vọng

              Sớm hoa tàn rong rêu mất sinh tồn

 

              Tơ duyên xưa em dệt vào thương nhớ

              Rớt xuống chiều mòn mõi đám hoàng hôn

              Mờ như tranh chuông chùa than như khóc

              Nốt yêu thương tình trùm lá tâm hồn.

(Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn)

IV.

“Bao yêu thương tơ trời giăng chưa kín/ Che mưa buồn lại nhớ ướt bên nhau/ Nhầy nhựa bùn đường sầu trơn lấp lối/ Tình trên tay sơ sẩy vỗ cánh mau”… Đâu còn tìm thấy hay đã bỏ quên lời thệ nguyện, người qua cầu ngoảnh lại ngõ rẽ sau lưng. Đường đời mưa chợt rụng, đôi bờ che lối phong vũ vẫn âm thầm giang cánh rủ bên lòng. Dĩ vãng còn vướng sâu trong tiềm thức, nên bao giờ nhân gian lại không xa xót bụi cô đơn, lẻ bóng. Tư thức cảm thông với thời gian trôi biền biệt khắp dấu chân đi, mỏi mòn bên ngày tháng. Thơ vẫn thành dòng khơi đọng trong nắng sớm mưa chiều, sự tĩnh lặng bước bên thời gian vời vợi, như xé tan lời hò hẹn ban sơ. Vết roi đau và những lời ly biệt, phải chăng trong giây phút tuyệt cùng đã xé toang kỷ niệm hẹn ước ngày xưa? “Đêm buồn lẻ tình già nua năm tháng/ Áo trăng phơi đan tình nghĩa sợi thơ…” và mốc meo mọc tên ngọn đắng, đã “Xé toang lời những hò hẹn trước đây“.

Nghẹn ngào trên câu thơ, rót sương khói vào ngõ đam mê, trách gì khách phải bước qua ngưỡng cửa sương thủy tinh vây kín, mà phải uống cạn tình sầu:

Nằm khuya khóc động chiêm bao sương khói

              Gió không bay đưa đón mấy đam mê

              Giữa nhân gian bể dâu câm vó ngựa

              Uống cạn trăng lưu đày vũng mộng mơ”

              (Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền)

Lưu đày giữa mộng mơ (?), phải chăng là một nỗi ẩn ức không hiện thực? Người đưa thơ cố đày ải nỗi tan hoang cuộc tình, bằng nỗi nhớ trong gió, trong sương, và cho đến trong tận cùng ở giấc chiêm bao! Gió sát sanh, mùi hương chín ửng, mùi nắng đông dẫm trên cành lá…

tất cả héo úa đến tận ngàn sau. Tất cả nổi buồn hiu hiu như trăng ngừng thở, như mùi gió bằng bặt trong tôi cô độc đêm không lời… Hầu như tất cả mặt sầu bi, hồn phách lạnh ngắt trong thơ? Vạn kiếp sau vang lên từ vực sâu, đồi phôi pha gọi tên mình bên thời gian nhật nguyệt chao nghiêng:

Nghe tên mình phôi pha vào năm tháng

              Ngón tay gầy khúc khích miệng cười đau

              Đồi chao nghiêng nơi em về lá hái

              Từ vực sâu vang xa vạn kiếp sau

 

              Nghe chiều qua ghé tai thềm thu đến

              Nghiêng bàn tay đón lá rụng vàng thêm

              Mây lê thê quét trời theo gió lộng

              Tuổi đá buồn tôi ôm trọn vai đêm 

 

              Nghe tiếng đá ngô nghê về chân bước

              Ngày vừa đi em xa mãi đời tôi

              Cho tôi nhớ vườn năm xưa tiếng nói

              Thu úa tàn quên lời hứa đầu môi “

              (Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền)

Nhức nhối thiền, thì ra lặng lẽ bước vào chiều, lặng lẽ về bên bến giang đầu, lặng lẽ vò màu thời gian trên mái tóc bạc màu vôi… Chính vậy, sự hư không hóa mọi cảnh trí mà thơ phải bước tới. Quang cảnh vi diệu thật quang quả duy nhất trong thơ, trách sao những yếu tố lục căn, vẫn được tạo lập trong sân khấu thơ đầy drama kịch tính. Phải chăng là như vậy, khi không gian thiền thật riêng rẻ, cho dòng suối nào rửa trôi bao kỷ niệm, bầu trời nào đầy mùi hoa sữa, thao thức nào cây lá đón tin vui, và phản biện trong câu thơ bao nhiêu mùa thu về trong xao xác… Quá trình thơ là một chuỗi dài phản biện như thế. Quá trình ngôn ngữ của trường ca với những từ tưởng chừng nên soi ngược, trộn ngược với thời khắc quạnh quẽ của con tim.

Mùa mây bay đưa tôi lên cao mãi

              Trộn thu vào bầu trời trắng mênh mang

              Trộn nắng vào sưởi tim tôi băng giá

              Trộn em vào tình tôi đã rữa tan”

              (Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền)

Thật khinh khoái, êm đềm, diệu kỷ, khác lạ, với sự soi ngược trên ngôn từ như một phát kiến mới trong thơ:

Thu vừa sang vườn hồng khoe một đóa

              Trời còn cao em gảy nắng xanh xao

              Ngón dài khêu ngọn lửa đàn thêm cháy

              Dáng kiêu sa môi mượt thốt thanh tao

 

              Thu còn gì cay đắng đau tình phụ

              Quỳ gối ru từ bi đấng cao xa

              Tôi nghe tình đổi hướng như làn gió

              Thần tiên ơi xin người giấc mơ hoa

 

              Thu mưa xuống nghiêng sầu ngoài kia lá

              Như hôm nào tình em hái nõn xanh

              Hồn muôn trùng trên hai tay màu đắng

              Mù lối vào thu chết héo ngoài mành …”

              (Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền)

Mục 48, chương 4: Tình xưa quê hương trở về trong những khúc thơ mộng mị ngày nào trong tâm thức, vì:”Trên đời tôi lênh đênh còn thân xác/ Tình lưu vong tình đã kém phai nồng”.  Khách thơ cũng trở về ngõ vắng hoàng hôn quê hương với mái tranh làng, mà nghe tàn phai lời cây cỏ:

Bờ cỏ non nơi bình minh rọi suốt

              Cánh đồng hoang bỏ trơ chẳng cấy cày

              Bờ tre xanh thành lũy làng xơ xác

              Mái nhà tranh vắng tiếng vọng cối chày

 

              Bờ sông quê đời cha ông bám đất

              Giặc bão giông sống chết cuốn lời thề

              Giặc đan bom không bao giờ giết được

              Quê hương ơi một cõi tôi đi về

 

              Bờ bạc đầu xin nắng mai độ lượng

              Chưa từng nghe tình tôi trải vô biên

              Xin yêu thương con tim lời hội ngộ

              Đau nhân gian tâm can nhức nhối thiền”

(Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền)

V.

Tôi là ai trên dòng đời đông nghịt/ Đến đất nầy duyên phận nói điều chi/ Tôi là ai mà đường đời lận đận/ Quê hương nầy chẳng ở lại ra đi”. Cơn buồn mải mê suốt kiếp người với vòng quay trăm năm trói buột. Trước khi đứng thầm lặng trở trăn bên dòng đời đầy khuôn sáo của mê cung, những dấu hỏi tự lòng đã ngơ ngác thốt ra cho dấu than về bản thể. Có thể bắt nguồn từ tình thơ hư vô tan chảy đậm đặc suốt đời bên tiềm thức. Cũng có thể, bật phát trước một chiều say tôi đi thăm đồng lạ. Những cơn mưa suốt tháng năm thấm gội trần gian, mưa suối khe, mưa nhân gian, mưa từng cơn, mưa qua đồi có gió heo may khiến từng phiến ngà buốt giá trốn vào đêm… Chính vậy thơ buâng khuâng, khi biết rằng “Nhẹ nhàng qua lời nhớ giọt chiều mưa/ Nào có hay em gọi tên tôi mãi/ Cho mây dài bao tình ái tiễn đưa”. Ngoảnh lại, đường dài hun hút, vẫn xa vắng trước thời gian đêm lún mênh mông, mà tim rỉ giọt máu hồng. Cứ vậy:

Tôi yêu thương thoi thóp về dĩ vãng

              Gió cuốn đi để gió mãi cuốn đi

              Bỏ mặc tôi tình tôi đau biền biệt

              Ngàn dâu xanh vùi lấp tuổi xuân thì

 

              Tôi hai vai nặng nề mang mưa nắng

              Nắng rát ngoài mưa thấu ướt bên trong

              Mang nụ cười nhưng tâm can đang chết

              Giữa kiếp người lận đận với long đong”

              (Chương 5: Tình thiếu đói kiếp người)

Với tình yêu định vị trên màu thời gian đã căng sâu vết máu hồng, con tim say mê, lời yêu năm tháng, cả buổi chiều riêng ôm ký vãng ngày thơ trên những bước đi-về lặng lẽ:

Xót xa nghe mùa thu tàn hương khói

              Cha bỏ tôi phương trời lặng chết xanh

              Mẹ xa tôi tóc mây ngời đội trắng

              Vết loét đau hằn vệt nhói không lành

 

              Tôi giờ đây bàn tay chai cuộc sống

              Khép cửa tim lòng tôi thấy lạc loài

              Niềm yêu thương bỏ tôi bên bờ đứng

              Trả nợ đời khổ đau khổ… chất hoài “

              (Chương 5: Tình thiếu đói kiếp người)

Tôi lang thang như hành tinh bé nhỏ/ Rất cô đơn rất cô độc rất buồn/ Tiếng gà trưa gieo lòng tôi thổn thức/ Tiếng sấm chiều đụng nỗi nhớ em luôn”. Nỗi cô đơn lang thang đơn điệu, như tia lân tinh trải dài trong vũ trụ. Tiếng sấm chiều, ánh nắng rơi trên đường, muốn buông để gió bay muôn nẻo, muốn thắp sao hôm rạng rỡ, vượt núi đồi, vượt biển sâu, quê tôi nghèo, chiến tranh mặt trời cháy, nhân loại hao mòn, biển chết ngàn xả độc …Những liên tưởng kéo dài và sâu rộng bên trong một tư hướng cô đơn, đưa đẩy cuộc lãng du bi thống trong đấu trường tri thức cho kịch bản tình thơ trải ngàn mây. Mênh mông hình ảnh và ngôn ngữ sáng tạo riêng tư, đưa lên sân khấu một màu sắc chói lòa của cuộc sáng hóa, một sáng hóa đầy màu sắc mới của ý tưởng và ngôn từ của chữ tình, mà người làm thơ phiêu bạt trong tận cùng nỗi cô độc.

Mục 53, chương 5: Điều tôi muốn với mặt trời, điều tôi muốn buông với gió, điểu tôi muốn nắm khúc ca, điều tôi muốn thắp vì sao. Để cuối cùng, tôi im lặng nghe lời của suối. Tất cả sự kiện đó, hình như có vũ điệu chan hòa một nét linh thiêng ở người và thơ:

Tôi muốn với mặt trời nở hoa nắng

              Dấu vào tim nụ hôn ấm vàng tươi

              Dấu tình tôi vòng tay ôm thế giới

              Sưởi bờ vai gầy nhỏ lệch bên người

 

              Tôi muốn buông để gió bay muôn nẻo

              Cuốn tóc thề xõa tung cánh mảnh mai

              Bàng hoàng nghe suối mềm cười róc rách

              Lời ca dao cháy suốt cuộc đời dài

 

              Tôi muốn nắm khúc ca dâng nước mắt

              Vết địa đàng trùng trùng dấu chân đi

              Đã bao lần nửa đêm dạ lan khóc

              Đến bây giờ khúc hát vẫn nhức mi

 

              Tôi muốn thắp vì sao hôm rạng rỡ

              Sáng đêm hồng đuổi u tối sau khe

              Mới hôm nào vũng buồn đau mưng mủ

              Chiều nay về chan chứa mảng mây che

 

              Tôi yên lặng lắng nghe lời của suối

              Lời của đêm sâu đáy hố âm thầm

              Lời của đời tỉ tê mầu cơ cực

              Lời của tình tàn tạ tận vực câm.

              (Chương 5: Tình thiếu đói kiếp người)

Để gió cuốn trôi đi, tình thơ trải ngàn mây mà người thơ vừa mở rộng túi hành trang cho thơ bay theo gió. Để gió cuốn đi, mà nhân gian còn ngàn cô độc suốt vạn nẻo đường. Để gió cuốn đi, cho quê nhà không còn cơn lũ nỗi đau thăm thẳm… Thơ trang trải nỗi đau riêng, thành tình khúc trải ngàn mây, bày tỏ:

              Tôi lạc loài tình thiếu đói kiếp người.

              (Chương 5: Tình thiếu đói kiếp người)

              

  Viết tại Thư trang Quang Hạnh

  Tháng 12, năm 2019

N.N.N  

Mạn chú: Thi phẩm Trường ca Tình thơ trải ngàn mây của nhà thơ Mã Lam, gồm 3 thi tập (I – II – III). Mỗi thi tập gồm 5 chương, tổng cộng 300 trang.

Trường ca I, gồm 5 chương, tổng cộng 300 thi khúc, mỗi thi khúc 4 câu thơ, được chia như sau:

Chương 1: Trái tim lửa chẳng còn (gồm 60 thi khúc, 4 câu)

Chương 2: Tình thơ xót xa mưa (gồm 60 thi khúc, 4 câu)

Chương 3: Tình trùm lá tâm hồn (gồm 60 thi khúc, 4 câu)

Chương 4: Tâm can nhức nhối thiền (gồm 60 thi khúc, 4 câu)

Chương 5: Tình thiếu đói kiếp người (gồm 60 thi khúc, 4 câu)