Ma Văn Kháng – Miền xa vẫy gọi

798

24.3.2018-09:30

 Nhà văn Ma Văn Kháng

 

Miền xa vẫy gọi

 

TRUYỆN NGẮN CỦA MA VĂN KHÁNG

 

NVTPHCM- Rộ lên mấy tiếng cười chen lẫn một tiếng chép miệng. Tội nghiệp! Thầy Tường nghĩ. Đang cái lúc cùng quẫn thế mà vẫn nhớ lời sách Đạo gia với lời Phật dạy. Đã vậy sao không nhớ câu này của Khổng Tử: “Người quân tử phải biết dừng đúng lúc!”…

 

Mùa đông năm nay có lẽ là rét hơn mọi năm. Mới có giữa tháng 11, gió mùa Đông Bắc đã ù ù thổi, ních cả áo len trong áo bông mà vẫn thấy rét tê người. Sang tháng 12, nhiệt độ ở trung tâm thành phố nhà cửa bê tông sắt thép chen nhau san sát mà cũng có hôm tụt xuống 13, 12 rồi 10 độ. Tháng giêng Tây như lúc này thì khỏi nói. Đều đều ngày nào cũng như ngày nào, cả tuần, cả nửa tháng liền, qua rét đậm đến rét hại, rồi kéo vài ngày liền chỉ có 8, 9 độ. Hết rét khô, rét buốt, rồi lại rét ngọt. Hở bàn tay ra là cóng tê. Hai cái tai lúc nào cũng giá buốt lạnh như không phải của mình.

 

Hoàng, con trai cả thầy Tường, nhà báo đi công tác Lạng Sơn về nói:

 

– Năm nay vừa chớm rét mà trên núi Mẫu Sơn đã có băng giá rồi bố ạ. Mà tối qua bố có nghe đài không? Đông mới về mà bên Châu Âu, từ Matxcơva đến Varxava đã bốn trăm người vô gia cư chết rét rồi đấy.

 

Thầy Tường khe khẽ rùng mình:

 

– Châu Âu giàu có mà còn thế trách nào!

 

– Miền núi, nhất là trên vùng cao mùa đông này chắc chắn là nhiều nơi có tuyết rơi rồi bố nhỉ.

 

– Hồi còn  trẻ, cách đây cả hai chục năm bố dạy học ở làng Quán Dín Ngài, bác Bình dạy ở Quan Thần Sán người Mông trên rẻo cao tỉnh Lào Cai nên thấm thía thế nào là cái rét ở miền núi rồi.

 

– Xứ Lạng mới là vùng thấp thôi mà thăm một trại nuôi ong, con đã thấy ong không dám ra khỏi tổ. Vì có ra khỏi tổ cũng không cất cánh bay được.

 

Xo ro đôi vai gầy, thầy Tường lật bật:

 

– Rét miền núi thì hại người hại vật lắm. Trâu bò là giống chịu rét rất kém. Ngã xuống là chúng không còn đứng dậy được nữa đâu. Có năm, cả làng bố dạy học trâu chết vãn. Vào vụ mùa, đồng đất ruộng đành để trống. Còn trẻ con Mông đi học thì hồi này không hiểu thế nào, chứ hồi bố dạy ở trên đó, em nào em nấy độc bộ áo lanh, đến trường là chúi vào đống lửa đốt ở giữa lớp. Sau lấy ông bơ cho vào mấy hòn than cháy, viết được một chữ lại đưa tay lên hơ!

 

Bà Tường đi chợ về, nghe hai bố con nói chuyện, từ dưới bếp nói với lên:

 

-Ừ! Năm nay có nhẽ rét hơn mọi năm thật. Như năm ngoái kể cả ngày Đại Hàn đâu có thấy ông đi hai đôi bít tất lồng vào nhau. Cả cái túi chườm nước nóng, cái chăn điện Hàn Quốc mua ở Siêu thị Big C về ông đâu đã phải dùng đến như đận rét này! Mà sao hồi này đêm nào cũng thấy ông không khậm khoặc ho thì lại lục sục ngủ không yên là thế nào?

 

Thầy Tường chặc lưỡi:

 

– Rét nên cứ lục sục trằn trọc rồi nghĩ gần nghĩ xa! Còn bà, chắc cũng rét không ngủ được nên mới thấy tôi ho và lục sục chứ!

 

Bà Tường thở một hơi dài, tiếp:

 

 – Thì hai bàn tay tôi nứt nẻ, chảy cả máu rồi đây này. Lục đôi kim đan trong tủ định đan lại cái áo cho ông mà lóng ngóng quá. Khổ! Rét thế mà có con bé đi thu nhặt phế liệu kiếm sống hàng ngày vẫn qua đây có độc cái áo gió mỏng tang, đêm về chúi vào góc cái lều chợ, vun bã mía đốt lửa sưởi có chết  không?

 

– Khổ! Thế giờ con bé đó nó ở đâu? Ở  khu chợ phường mình à?

 

Hai bố con thầy Tường cùng thốt kêu.

 

Cơm nước xong, bà Tường rửa bát, rồi lên tầng hai thì thấy buồng anh con trai vắng tanh. Ông Tường cũng không thấy đâu. Nghĩ, chắc ông Tường sang nhà ông Bình bạn đồng nghiệp cùng thời thầy giáo cắm bản nay đã hưu trí trò chuyện theo thói quen, còn anh con trai thì chắc là đến nhà người yêu, bà liền ôm cái chăn chiên đi.

 

– Kìa! Ai như ông Tường.

 

Thấy loáng thoáng một bóng người mảnh khảnh ở đầu một quán chợ, bà Tường cất tiếng gọi. Nhưng loáng một cái không còn thấy cái bóng nọ nữa thì vừa lúc bà nhận ra anh con trai từ đâu ló mặt ra. Đưa mắt nhìn thấy cái chăn chiên trên tay mẹ, Hoàng lập bập: “Con ra đây tìm cô bé, định cho nó mấy chục ngàn để nó mua cái chăn ấm – Rồi nhìn quanh, tiếp – Mà hình như bố đã ra đây từ lúc nãy rồi”.

 

Bà Tường ôm cái chăn chiên đứng ngẩn. Hèn nào cơm xong là không còn thấy đâu. Và nhìn Hoàng có ý hỏi: Mà rét mướt thế này không hiểu ông lão còn mò mẫm đi đâu, rồi viêm họng viêm phế quản tái phát phải đi nằm viện cả tháng trời như năm ngoái thì khổ! Hoàng nghĩ: Có lẽ bố đến nhà bác Bình. Nhưng không nói, chỉ hắt lại một câu “con đi đây” rồi quay đầu chìm vào bóng đêm.

 

*

 

Hoàng đoán đúng. Thầy Tường cơm nước xong đã đi tìm cô bé thu mua phế liệu định cho nó mấy chục ngàn mua cái áo len. Chẳng thấy nó đâu, thầy nghĩ, con bé đã gặp cảnh “thương người như thể thương thân” chẳng phải độc quyền của ai rồi, nên nhẹ nhõm cất bước đi đến nhà thầy Bình ở con ngõ phố sau. Thầy Bình và thầy là chỗ bạn cố tri đã mấy chục năm trời. Thầy Tường điềm đạm hiền lành. Thầy Bình náo hoạt có nick-name là người ham vui. Khác tính khác nết, nhưng như trong toán học khác dấu lại hút nhau.

 

Từ lúc về hưu, chẳng mấy ngày hai người không sang chơi với nhau. Đi đâu cũng chỉ thích có nhau. Nghe tiếng bạn gọi, thầy Bình mở cửa bước ra là vội vàng quài tay kéo cánh cửa sau lưng khép lại. Thoang thoảng từ trong buồng bay ra mùi nước hoa phụ nữ. Mũ cát két da lệch một bên đầu có mái tóc xoăn. Bên ngoài áo pađờxuy dạ đen. Bên trong áo vét carô. Kính gọng vàng. Đúng điệu lãng tử.

 

– Thầy Bình nói – Bên Nhật họ mới định nghĩa già là phải từ 75 trở lên cơ. Còn từ 60 đến 74 chỉ là tiền lão niên thôi. Mà cánh  ta mới chớm thất thập cả. – Xùy xùy thổi hơi ấm vào hai bàn tay, thầy Bình tiếp – Tôi ghét cái mùa đông tháng giá này quá. Thế mà cái lão Bùi chín mươi, ông anh vợ tôi lại rất thích mùa đông ông ạ. Ông ý bảo mùa đông cho ông cái cảm giác sạch sẽ.

 

Nói đến đây, bỗng có  tiếng điện thoại kêu rẹt rẹt trong túi  áo.

 

– Ông nghe đi, ông Bình – Thầy Tường giục.

 

– Bố ơi! Căn bệnh thấp khớp kinh niên bố mắc từ hồi dạy học ở Lào Cai rét này có tái phát không? Nghe nói năm nay biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa đông rét lắm đấy bố ạ. Mẹ bảo con gọi điện ra cho bố, mong bố vào ngay trong này với mẹ và con. Bố có biết không? Lúc này ở Đà Nẵng  mọi người vẫn mặc áo sơ mi cộc tay. Mà mùa này ở đây ăn uống rất dễ chịu.  Cá biển mỗi sáng ngư dân đánh bắt đêm qua đem về, tươi roi rói chưa đầy năm chục ngàn một ký. Mực tươi ê hề chưa đầy trăm bạc một ki lô, bố ạ.

 

Thầy Bình cất điện thoại vào túi. Thầy Tường lầm  bầm:

 

– Thế ông định đi đâu bây giờ mà sức nước hoa thơm  phức thế?

 

Thấy thầy Bình ậm ừ, thầy Tường tiếp:

 

– Ông Bình à. Không hiểu sao hồi này đêm hay ngủ mê thế. Mà toàn mê thấy đang ở cái thời dạy học ở Quán Dín Ngài. Mùa đông, mặt ruộng băng đóng phẳng như gương. Lớp học phên nứa hốc hoác. Gió thông thốc, bạt cả tiếng nói. Bọn trẻ con phong phanh một tấm áo chàm lanh. Tôi phải ra tận bệnh viện huyện xin mấy chục cái vỏ hộp sữa ông Thọ về phát cho mỗi em một cái làm lò than. Khổ! Viết một chữ lại hơ tay lên sưởi. Hết buổi học lại dúi dụi vào bếp nấu ăn chỉ có ngô xay và muối ớt. Nhớ và thương quá! Ông anh vợ ông nói mùa đông cho ông ý cái cảm giác sạch sẽ. Còn mình  thấy mùa đông khiến con người ta hay nhớ hay nghĩ ngợi sâu xa. Tôi sang định rủ ông…gió quá ông có nghe rõ tôi nói không…

 

*

 

Chiếc đại xa mang biển số Công an thành phố đi lên Tây Bắc khởi hành từ Hà Nội lúc năm giờ sáng. Ra khỏi đầu cầu Long Biên, trời còn mờ hơi sương thì thấy bóng hai người đàn ông bên đường giơ tay xin đi nhờ. “Xe chúng con chở quần áo rét, chăn bông, lương thực cứu trợ cho bà con ở tận Lai Châu kia. Hai bố định đi đâu?”. “Chúng tớ chỉ xin quá giang đến ngã ba Phố Lu – Bảo Nhai rồi bắt xe ôm đi lên mấy xã bà con dân tộc thôi”. “Dáng chừng lâu rồi hai cụ chưa đi đường này. Chỗ ngã ba ấy nay gọi là Cấu Sập ạ. Nào mời hai cụ!”.

 

Ngồi sau thùng xe lổng chổng bao tải, thùng các tông là bốn anh lính công an và hai thầy giáo già. Thầy Tường lẳng khẳng mũ dạ, áo bông dài, khăn quàng len to sù sụ. Cùng tuổi bảy hai nhưng thầy Bình to con đỏm dáng, áo da, kính trắng gọng vàng. Bốn anh công an thì độc cái bu dông, chả biết rét là gì, lại cười nói thả phanh toàn chuyện gái gú. Thì ra họ ở trong đội chống tệ nạn. Đêm qua họ là hai nhóm đi bắt hai ổ mại dâm. Mỗi ổ là một đại gia và một gái gọi. Chả có gì đáng nói, vì gái gọi này là á hậu đã bị bắt vài lần. Còn đại gia thì cũng chuyện ăn bánh trả tiền chuyện xưa rồi. Đáng để ý là chuyện đôi nam nữ mua bán dâm là một ông già và một cô  sinh viên kia!

 

– Hai  bố nói chuyện gì đi chứ!

 

Chuyện bắt ổ mại dâm thứ hai này vừa bắt đầu thì một chú công an quay lại với hai thầy. Thầy Bình từ lúc nghe chuyện bắt ổ mại dâm thì ngồi thụt vào đống bao tải ở góc xe im thít. Nghe nhắc, thầy liền huých nhẹ khuỷu tay vào sườn thầy Tường.

 

– Chuyện gì nhỉ? – Thầy Tường xoa mặt tươi tỉnh – À phải rồi. Chuyện mùa đông này ở Châu Âu. Bán đảo Krưm sáp nhập vào Liên bang Nga. Miền Đông Ucraina, Donest, Lugansk nổi dậy tự xưng Cộng hòa  độc lập. Châu Âu phản ứng điên cuồng. Theo Mỹ, hò nhau trừng phạt Nga. Sắp tới đây sẽ tiếp tục gia tăng trừng phạt ra sao? Tất cả còn phụ thuộc vào thời tiết mùa đông nay: Gió nhiều hay gió ít. Lạnh vừa hay quá lạnh. Vì hiện thời Nga cung cấp 22% nhu cầu khí đốt cho Châu Âu.

 

– Hay đấy bố nhỉ.

 

Anh công an gợi chuyện khen theo phép lịch sự. Vì anh cũng đang  lắng tai nghe đồng nghiệp kể chuyện bắt ổ mại dâm ông già và cô sinh viên.

 

– Khiếp quá. Hai người một ông già một cô gái trẻ cùng không một manh vải chê thân, dạt vào một góc buồng, khúm núm, run rẩy và cùng mếu máo. Mếu máo nước mắt ngắn dài và van nài thật chứ còn gì!

 

Thầy Bình nghe mà thấy gáy lành lạnh. May cho thầy đấy! Tiếng là ham -vui nhưng cũng chỉ là ham thư, điểu, thụ, ngư, nghĩa là vui với sách, với chim, với cây, với cá cảnh, và nếu có đàn đúm nhậu nhẹt cốc bia chén rượu, sa đà tình tang tí ti thì chủ yếu chỉ là tơ tưởng, còn căn bản vẫn một cốt cách nhà giáo. Đàn ông phong tình thì mắt có đuôi. Chứ mắt thầy có vằn đỏ như loài dâm đãng đâu. Riêng cái trò ma tịt này, nói thật cũng có lúc định mon men thử “nếm” chút. Như tối qua, nếu thầy Tường không đến cũng định đi cho  biết thế nào là cái chỗ còn tù mù ở cuộc sống này. “Thời hạn đi tìm của anh hết rồi mà bờ bến tít mù xa. Nhưng dừng lại, anh đâu còn anh nữa”. Hà! Cái ông nhà thơ Chế Lan Viên này thế mà hóm thật. Nhưng bây giờ thì hú vía!  Hú vía!

 

– Thầy Bình có nhớ chỗ này không? Ơ mà chỗ này xưa là con suối chẽ đôi cơ mà.

 

 Thầy Tường nói vừa khi chiếc đại xa gầm ghì một lát như hết hơi rồi đậu lại. Hai anh công an nhảy xuống xách theo hai cái can nhựa. Họ lấy nước để chốc nữa rửa rau thịt nấu ăn.

 

– Ừ, tôi nhớ, chỗ này chúng mình ngồi nghỉ rồi vào rừng chặt lấy một ống nứa, đoạn nhóm lửa đun nước uống. Mà cảnh trí giờ khác quá nhỉ.

 

Nghe thầy Bình nói, một anh công an ghé lại.

 

– Hai cụ hồi trước có qua đây ạ. Con suối chẽ đôi nó ở phía trong kia cơ. Đường này là đường mới, cách đường cũ độ một cây số ạ.

 

 Xe lại nổ máy. Hai bên đường là những bụi cây lúp xúp. Tiếp là rừng gu đay. Rừng tô hạp. Rừng bồ đề. Dấu vết hồi cách đây hơn bốn chục năm rõ nhất là những vệt rừng nứa, ở đây nứa kết thành khóm đọng từng khối xanh đặc, chặt như đũa trong giỏ. Thi thoảng lại nghe thấy đâu đó tiếng con sóng vật ùm ùm. Đó là những lúc con đường chạy sát bờ con sông Hồng. Sông Hồng ở đoạn thượng du. Những thôn bản bà con người Dao, những xóm làng  đồng bào Kinh  bên sông. Báo Đáp, Mậu A, Bảo Hà, Lang Khay, Lang Thíp, Phố Ràng, Phố Lu…

 

– Khổ cho ông già quá – Xe  đang chuyển sang đường cao tốc, động cơ  nghe nhẹ tênh. Anh công an đi bắt ổ mại dâm cô sinh viên và ông già dở câu chuyện từ nãy, giờ lại tiếp – Chậc! Một bàn tay ông khum lại như cái gáo dừa để che phần hạ bộ, còn bàn tay kia thì xòe ra để che mặt vì sợ bọn mình chụp ảnh trong khi miệng thì liến thoắng liên hồi. “Lạy các anh! Đạo gia gọi cái đó là U cốc, là Huyền môn, là gốc rễ của trời đất. Dạ, Đức Phật cũng  từng bảo khát dục khát ái là cái căn nặng nhất ạ. Nên bảy mươi rồi mà tôi vẫn còn ham vui. Còn khao khát ạ!”.

 

Rộ lên mấy tiếng cười chen lẫn một tiếng chép miệng. Tội nghiệp! Thầy Tường nghĩ. Đang cái lúc cùng quẫn thế mà vẫn nhớ lời sách Đạo gia với lời Phật dạy. Đã vậy sao không nhớ câu này của Khổng Tử: “Người quân tử phải biết dừng đúng lúc!”.

 

– Này các cậu khi nào qua Thái Văn thì cho bọn mình biết mới nhé!- Nghển lên, đột ngột như để lái sự chú ý của mọi người sang hướng khác, thầy Bình  đánh tiếng thật to. Và chẳng để anh công an ngồi cạnh hỏi, thầy đã thao thao. Rằng thì là cách đây hơn bốn chục năm, cũng vào một mùa đông tháng giá như thế này, sau bốn ngày cuốc bộ ròng rã, chiều ấy thầy và thầy Tường đã đến đó. Đúng lúc trời đã sẩm sẩm liền chui vào một cái lán anh em đang khôi phục đường sắt ăn ngủ nhờ. Nửa đêm đang thiu thiu thì nghe thấy tiếng hô hoán nên vùng thức dậy. Hổ nó về một đàn ba con, đang sùng sục bắt cá ở dưới sông.

 

– Té ra các cụ đi bộ từ Yên Bái lên ạ?

 

– Thì lúc ấy làm gì có ôtô, tàu hỏa. Hòa bình mới lập lại được hai năm mà.

 

– Bây giờ thì bói cũng chẳng ra một con hổ rồi hai cụ nhỉ?

 

– Các cậu có nghe câu Hổ Bảo Hà, Ma Trái Hút bao giờ chưa?

 

– Hồi ấy tất cả chúng con đây còn ở trong bụng mẹ hai thầy ạ.

 

– Hà  hà…  

 

 Bảo Hà, Thái Văn, Lang Khay, Lang  Thíp… bỏ dần lại phía sau. Gần nửa giờ sau, chiếc đại xa đã đến ngã ba Phố Lu – Bảo Nhai. Không quên cảm ơn mấy chiến sĩ công an, thầy Tường và thầy Bình xuống xe. Cách đây hơn bốn thập kỷ, cũng một ngày mùa đông rét buốt thế này, hai anh giáo Trường Sư phạm vai ba lô, sườn túi xách cuốc bộ tới đây, ăn ngủ nhờ lán công trường làm đường một đêm, hôm sau chân dép lốp leo dốc hai ngày nữa, lên đến cao nguyên Bắc Hà.

 

Rồi tiếp đó đi bộ thêm một ngày đường nữa, một người đến làng Quán Dín Ngài, một người đến làng Quan Thần Sán nhận nhiệm vụ ông thầy. Còn lúc này, đưa mắt ngước lên bao quát cả một vùng đất trời cao nguyên vời vợi xa xôi, thầy Tường kéo vai bạn chặc lưỡi: “Bây giờ thì không hiểu có còn sức không, chứ hồi ấy đúng là có một chân trời xa vẫy gọi và chúng mình quả thật là những chàng trai có ngọn lửa cháy đỏ trong con tim, thầy Bình nhỉ?”.

 

*

 

Một ngày qua. Không thấy thầy Tường về nhà. Cứ nghĩ như mọi ngày thầy vẫn thường sang chơi qua đêm ở nhà ông Bình bạn thân, nên bà Tường và anh con trai tên Hoàng không lăn tăn gì. Ngày thứ hai vẫn vậy nên đã có chút băn khoăn. Ngày thứ ba gọi điện không thấy trả lời. Sang gõ cửa nhà thầy Bình mới biết không có thầy Tường ở đây. Lại nghe hàng xóm bảo: “Thầy Bình có nhẽ đi Đà Nẵng với vợ con rồi”. Giờ mới thật sự vô cùng lo lắng và khó hiểu.

 

Thử đoán xem, rét mướt thế này, ông ấy còn có thể đi đâu.

 

Bà Tường hỏi Hoàng. Hoàng nhăn nhăn trán: “Con biết tính bố con rồi. Thầy Bình thì ham vui. Còn bố con thì ham – khám phá. Không để cái đầu nghỉ ngơi, không nghĩ ra việc này lại tìm ra việc khác, bao giờ đâu!”. “Thế là thế nào?” – Bà Tường hỏi lại Hoàng. Hoàng kể: “Tháng trước, một hôm mở cuốn Ca dao – Tục ngữ, bỗng bắt gặp câu ca dao xưa: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà!”, bố liền gọi con lại: “Này, con có thấy thắc mắc khi đọc mấy câu ca dao này không? Sen làm gì có cành. Mà thân sen họ thảo mảnh mai gầy gùa thẳng đuột thế sao lại có thể là nơi chàng trai si tình nọ để quên cái áo?

 

Hiển nhiên ở đây, người sáng tác sử dụng phép phóng đại tu từ rồi. Bố nghĩ vậy nhưng vẫn thấy chưa ổn. Vì cũng lại thấy cái cây sen ấy ở trong bài dân ca: “Lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn, đi cấy dưới trăng”. Con còn đang chưa biết nói thế nào thì bố đã a lố a lồ nhà văn Dương Duy Ngữ, con người nổi tiếng thông tỏ ngọn ngành cây cỏ chim muông, phong tục tập quán làng quê.

 

Một giờ đồng hồ sau, bố bắt con đèo xe cùng nhà văn Dương Duy Ngữ đi liền ba giờ đồng hồ đến chùa Bối Khê thuộc xã Tam Hưng, quận Hà Đông. Ở đây bố con được nhà văn Dương Duy Ngữ chỉ cho xem cây sen đất. Đó là một cây thân mộc, cao tới sáu, bảy mét. Lá đơn hình bầu dục. Mặt trên xanh bóng, mặt dưới màu vàng nhạt. Dáng cây giống họ nhà chè, lại phảng phất bóng hình loài cổ thụ. Nó chính là cây sen trong câu ca dao mà bố thắc mắc”.

 

“Vậy thì để mẹ gọi điện hỏi nhà văn Dương Duy Ngữ xem”. Tiếc thay, mối lo của bà Tường vẫn còn nguyên vẹn. Nhà văn họ Dương trả lời, lâu rồi không được hân hạnh hầu chuyện cụ. Một ngày nữa trôi qua. Giật mình nghĩ tời điều hung hiểm, hai mẹ con bà Tường vội đi đến các đồn công an. Và sau đó họ lần mò đến khoa cấp cứu của các bệnh viện trong thành phố. Vẫn không một tin tức về thầy  Tường!

 

*

 

Mùa đông đã đến những ngày Đại Hàn. Nhiệt độ tụt xuống gần không độ, mà các đợt sóng lạnh vẫn tiếp tục dồn về. Khối khí lạnh khổng lồ từ Xibia lúc này đã tràn qua lục địa Trung Hoa, để lại một vùng băng tuyết mênh mông. Số người chết vì rét tăng lên cả chục trong bản tin hàng ngày. Phố xá suốt ngày trắng xóa sương mây. Người ta khuyên người có tuổi không nên ra đường. Cửa hàng điện máy xuất chiếc lò sưởi điện nào bán hết ngay chiếc đó. Các trường học kể cả cấp trung học đều cho học sinh nghỉ học. Cây cối xác xơ vì lá rụng. Hoa trong các công viên lụi tàn từng mảng như rỉ sét. Lúa cấy chưa bén rễ đã héo quắt. Các trang trại trồng rau trống hơ trống hoải. Xác cá chết nổi trắng mặt ao đầm. Mùa đông đang phát tỏa những năng lượng hủy diệt bạo tàn. Mùa đông là bức tranh tường trắng xóa chết chóc tang thương.

 

Nhưng đâu chỉ có thế nhỉ? Mùa Đông cho ông Bùi chín mươi tuổi, anh vợ thầy Bình ham vui cái cảm giác sạch sẽ. Một đêm đông lạnh, bà Tường và anh con trai đi tìm cô bé đi dong thu gom phế liệu. Mùa đông năm nay bà Tường tìm đôi kim đan và cuộn len mua từ dạo mùa Thu đi siêu thị. “Gió bấc heo may/ Xào xạc rung cây lá lá bay/ Một mùa đông bao người đan áo”. Năm mươi năm trước, người thiếu nữ này đã đan áo để gửi lên Quán Dín  Ngài cho người yêu là anh giáo Tường.

 

Giá rét nẩy sinh gần gụi nhau. Rét mướt nẩy nở nhu cầu sưởi ấm cho nhau. Mùa đông đánh thức cả một miền ký ức xa xôi. “Làm sao về lại mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về lại mùa đông/ Để nghe chuông chùa xa vắng…”. Mùa đông, mùa của những phút giây dừng lại, của những trầm lắng suy tưởng, của những tình cảm sâu xa. Mùa đông, mùa của sẻ chia. Mùa của thương nhớ. Mùa để con người đến với con người. Để con người khám phá ra chính con người mình!

 

*

 

Vào những ngày tận cùng của mùa đông thương nhớ rưng rưng ấy thì thầy Tường cùng thầy Bỉnh ham vui từ cao nguyên Bắc Hà đột ngột trở về. Vứt tạch đôi kim đan và manh áo len đan dở, bà Tường đâm bổ ra cửa đón thầy.

 

– Ông có biết là ông đã bao nhiêu tuổi rồi không? Vừa rồi, ông đi những đâu? Ông có biết người ở nhà sốt ruột sốt gan thế nào không? Mà mũ mãng của ông đâu? Áo len của ông đâu? Bít tất chân găng tay của ông đâu? Cho hay tặng những ai rồi? Mà sao ông ăn mặc phong phanh thế hả?

 

 Mặc bà vợ dồn dập và đay đả, thầy Tường cứ đưa hai bàn tay xương xẩu ôm hai má bà vợ rồi cúi xuống âu yếm hôn chút chút lên hai bên má bà như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cử chỉ thật hiếm hoi. Rồi sau đó thầy lăn ra giường đánh một giấc dài xuyên ngày qua đêm. Trở dậy, thầy ngáp dài một hơi và cất tiếng vang vang:

 

– Bà có biết bây giờ trẻ con ở Quán Dín Ngài chúng được sống và học hành khác cái hồi cách đây mấy chục năm tôi dạy học ở đó thế nào không…?

 

Nói chưa hết câu, thầy đã ôm ngực ho sù sụ. Chuyến đi ngược thời gian về nơi hơn bốn mươi năm trước dạy học thầy đã bị cảm lạnh.

 

Xuân 2018

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Còn nghe tiếng gà gáy – Cao Duy Sơn

>> Làn khói xám – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Mười bảy năm và mười bảy ngày – Ái Duy

>> Bẫy tình – Hoàng My

>> Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

>> Thằng Đúa – Lê Mỹ Ý

>> Cách một trời mưa – Hồ Anh Thái

>> Người tử tế – Y Mùi

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…