Mạch ngầm nhân văn trong ‘Từ ban công nhìn ra’ của nhà thơ Lâm Bằng

135

Vũ Tuyết Nhung

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đến với thơ, mỗi người có một cách tiếp cận và vùng đất của riêng mình. Có người say sưa trong hương hoa và nhan sắc, có người miệt mài theo đồng gió hương quê… Và có rất nhiều nhà thơ đã chắt từ nước mắt nhân gian những câu từ mặn đắng, để cất lên khắc khoải riêng mình. Nhà thơ Lâm Bằng cũng đi con đường này. Mặc dù vậy từng con chữ của anh không quằn quại, quánh đặc nỗi buồn mà đau mà tủi như một số nhà thơ khác.

Ngược lại, từng  câu chữ của anh  cứ lạnh lùng, dửng dưng, khi viết về những nỗi đau nhân thế. Nhưng đến khi đọc xong , chúng ta mới cảm nhận được ẩn sau sự bình thường ấy, là bao giọt mặn đang đọng trên mi mắt nhà thơ. Và mới thấu hết được tư tưởngnhân văn của tác giả “ Từ ban công nhìn ra”.


Nhà thơ Lâm Bằng.

Nhà thơ Lâm Bằng tên thật là Bùi Văn Bằng, sinh ra và lớn lên ở làng Xuân Áng xã Hà Bình huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hoá. Hiện nay anh đang là trưởng ban thơ , là hội viên hội nhà văn Việt Nam, làm báo và sinh sống tại thành phố Thanh Hoá. Anh đã đạt được 24 giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Tập thơ “Từ ban công nhìn ra” là tác phẩm thứ 11 đã xuất bản của anh (tính cả thơ, trường ca, truyện tranh, bút ký). Mở đầu tập thơ là một câu chuyện tưởng như tầm phào:

“Buổi Sáng ra vườn

Lá rung rinh

Hớn hở đón ánh mặt trời

Giọt sương dè dặt

Rơi

Sương chạnh lòng

Đêm qua

Khi rơi xuống

Lá rung rinh hớn hở”

nhưng khi đã đọc xong câu cuối rồi ngẫm chúng ta mới giật minh. Thì ra là tác giả mượn cảnh kể đời, nói lá sương để bàn chuyện người. Câu chữ tối giản mà sâu sắc, đa tầng nghĩa xen lẫn nhiều thể thơ  đã khiến cho “Từ ban công nhìn ra“ như một món ăn lạ trên bàn tiệc văn chương. Và  đôi mắt của nhà thơ cứ hờ hững nhìn mọi vật mọi việc dàn trải trước mắt tưởng như vô cảm. Nhưng trong sâu thẳm của hồn chữ lại là một nỗi đồng cảm đa mang tinh tế với cuộc đời.

Anh đau cho sự thay lòng, bạc bẽo của con người. Mới tối qua khi sương đem mát lành đến lá đã “rung rinh hớn hở”. Nhưng khi đã thoả mãn nhu cầu của mình rồi thì lá để “sương chạnh lòng” rơi và trút đời mình vào đất khi chứng kiến cảnh “lá rung rinh /hớn hở đón ánh mặt trời”. Điều ấy trải dài suốt hành trình của tập thơ , cụ thể nhất là những bài như “Con tắc kè trên mái nhà tôi,cây lau, buổi sáng nhìn ra ban công, thường tình”.

Anh đau cùng những kiếp người cuộc sống vất vả lận đận mãi mà vẫn đói nghèo , thể hiện trong các bài “Những người ve chai, Đồng trưa, Những người đánh giậm’’. Và cho những người đàn bà bé nhỏ lẻ bóng( Chỉ biết nàng đang khóc, Góa phụ, Bất chợt buổi sáng). Đau khi phải chứng kiến cảnh con người lạm dụng tàn phá quá mức nguồn tài nguyên khiến mẹ thiên nhiên cạn kiệt, tổn thương và nổi giận (Cái gốc cây khô, Mẹ thiên nhiên nổi giận).

Đau khi chứng kiến sự thờ ơ lạnh lùng của những kẻ vô tâm, bất tài, thiếu trách  nhiệm đối với những giá trị nhân văn , những nền tảng đạo đức văn hóa của cha ông để lại (Những linh hồn nô lệ, Khúc luân vũ của những giá trị, Thường tình 2, Tiệc ảo giác…)  nên ngôn từ đã trở nên sắc lẹm và có phần chua chát:

“Những tư duy hoá thạch

Cũn cỡn chạy xô đồng xu lẻ

Những tưởng đã tới ngõ thiên đàng

Bội thực ảo giác”

(Tiệc ảo giác)

rồi đưa ra những triết luận đa chiều vào trong thế giới nhân sinh quan của mình (Tương đối luận, Không phải ai cũng nhận ra, Vũ trụ, Đức tin…). Tôi thích những diễn ngôn nhẹ nhàng mà sâu sắc như thế này:

“Nước trôi

Thuyền trôi

Với bờ thuyền đi

Với nước thuyền đứng

Mây lòng sông không đứng không đi”

(Tương đối luận)

”Cây gậy vịn ông già đi cà nhắc

Không có ông già , gậy ngã lăn ra đất

Cái mũ phớt diễu cợt cái đầu

Tao làm cho mày đẹp

Đầu bảo: ”Không có tao, mày rơi xuống đất”

Tôi có cảm giác tư tưởng nhân văn trong tập thơ ”Từ ban công nhìn ra” của nhà thơ Lâm Bằng như một ngọn núi lửa đang hình thành. Bề ngoài tưởng bình yên tĩnh lặng nhưng bên trong nham thạch phun trào. Ẩn sâu trong sự lạnh lùng, đôi khi hơi dài dòng về ngôn từ ấy, là một trái tim ấm áp đang hòa nhịp đập cùng những trái tim khác quanh mình. Đôi mắt nhà thơ đâu chỉ thấy mỗi nỗi đau hiện hữu, đâu chỉ thấy mỗi nỗi khổ trải dài, bởi ánh nhìn trong ”Từ ban công nhìn ra” là cái nhìn đa chiều, đa sắc. Bên cạnh những hiện thực rối bời khổ buồn ấy , nhà thơ còn nhìn thấy những hiện hữu của hạnh phúc quanh mình . Đó là niềm vui trông cháu nội của người hàng xóm nhà cạnh bên(Thằng cu Mậm nhà bên), là vẻ mặt thỏa mãn sau một ngày làm việc của những người đánh giậm (Những người dánh giậm), là ”dàn đồng ca ve hồn nhiên trước thất thường của đêm (Đầu tiên là tiếng ve)… Mặt khác, ”Từ ban công nhìn ra’’ còn là cái nhìn tri ân với những bậc tiền nhân và những anh hùng đã hi sinh để kiến tạo hòa bình dân tộc , là ánh mắt xót xa đồng cảm với nỗi đau hậu chiến (Đá núi Vân Hoàn tạc một khối xanh, Chín cánh hải âu về lòng đất mẹ, Những người ve chai và tiếng nổ Quan Độ, Văn Phú)

Theo tôi thì điều thú vị mà tập thơ ”Từ ban công nhìn ra’’ mang lại cho người đọc (cũng có thể nói là sự bất ngờ  của tập thơ) là sau khi đưa người đọc trải qua những cảm giác của hiện thực tàn nhẫn và lòng người chua chát, của sự ngậm ngùi nuối tiếc về một thời xanh , của sự hoài cảm tri ân tiền nhân, lưu luyến vấn vương với những cảm tình quá vãng, thì chúng ta lại bắt gặp cảm xúc an vui trên những cánh hoa của sự lạc quan tỏa nắng ấm không gian ngày mai, dưới bầu trời tương lai:

”Nắng nung

Cây khát

Hạt trở mình mơ gốc cổ thụ trăm năm’’

(Cây)

để rồi nhận ra:

“Phía chân trời

Hình như đang sinh nở một hành tinh…

(Không phải ai cũng nhận ra)

V.T.N