Mái chèo khua động ước mơ – Truyện ngắn của Lê Trọng Bình

833

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con kênh Thăm Trơi như hình hài của con Cá Ngát, cái đầu to tổ bố, hả cái miệng rộng tổ bà chảng hứng dòng phù sa chảy từ sông Ông Đốc. Vào đến “cổ họng” thì gặp cái cống ngăn mặn giữ ngọt, lằn ranh là một con đê, bên ngoài là bạt ngàn dừa nước mặn, phía trong là những cánh đồng nước ngọt vàng hực một màu lúa chín. Con kênh cứ bó hẹp nhỏ dần lại kiểu cái đuôi cá, rồi bỗng ngoặt qua nối vào ngã ba kênh Tạm cấp. Đó là sự giao thoa giữa mặn và ngọt, giữa màu xanh của dừa màu vàng của lúa chín, giữa lợ và chua của xứ sở phù xa Đất Mũi.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Ngày nào cũng vậy, sau tiếng gà gáy trưa là Biền vác cặp chèo lắp vào chiếc xuồng be tám để đến trường. Thằng bạn chung ấp, cùng lớp tên Thưởng ở xéo cửa nhà đang chờ sẵn ở bến sông, xuồng cập bến hắn chỉ việc chọi đôi dép, bước lên sạp trước rồi đặt cái mông ngồi chông chênh trên mũi, mặc cho chiếc xuồng lắc lư chao đảo.

Chiếc xuồng lao vun vút trên mặt sông đầy bèo và rau muống, dưới đáy rong chòi lên hình đuôi chó, vài chú cá lòng tong bay lượng, cặp mé bờ bọt cá lia thia đẻ trắng như cơm sôi, mùi nồng nồng của nước lợ khiến bức tranh quê hương đầm đậm nét khuất. Chiếc xuồng chòng chành nghiêng ngả bởi thế ngồi vắt vẻo của Thưởng. Mồ hôi như cơn mưa rào, khiến áo Biền như vừa giặt.

– Cố lên, cố lên… Thưởng vừa nhún nhún khiến mũi xuồng nhún nhún, nhấp nhô tạo sóng vừa động viên bạn, miệng cười hô hố…

Biền to cao, khỏe mạnh và hiền hòa như dòng nước đỏ, nước da nâu nâu dục dục màu phèn. Thấy hành động hài hước của bạn Thưởng, nhoẻn miệng Biền vững tay chèo cười không ra tiếng.

*

Học hết cấp hai, trong kênh chỉ còn có bốn đứa tiếp tục nuôi ước mơ với mái trường và cái chữ. Trong khi các bạn nữ là Nhị và Lê đã có chỗ người quen ở Thị trấn Trần Văn Thời, nên họ ở lại trọ học, Thưởng và Biền ngoài đi học còn là lao động chủ lực trong gia đình, nên phải lướt mái chèo trên mặt nước lợ chua chua ngày ngày đến lớp.

Với các bạn đường đến lớp biết bao là kỷ niệm ở vùng quê hẻo lánh này. Nào là mưa nắng thất thường, đùa giỡn chông chênh, chìm xuồng tát nước, quần áo lấm lem bùn lầy, sách vở rách ướt, vào lớp như bầy gà mắc mưa… Nhìn lại những hình ảnh đó mới trân trọng sức học tập của các bạn biết bao.

Biền và Thưởng cũng vậy, đong đầy dệt nên những ước mơ, nhúng nhịp tay chèo chuyên chở những kỷ niệm. Vui nhất là những dịp cuối tuần, lại có Nhị và Lê quá giang về nhà thăm gia đình và lấy thêm “lương thực”, bốn đứa túm tụm trên chiếc xuồng be tám hình hài như chiếc lá. Tháng ngày cứ trôi trôi như dòng nước đỏ phù xa, các bạn dìu dắt nhau qua những ký ức học trò, qua đam mê cháy bỏng, từ nơi miền Đất Mũi xa xôi của Tổ quốc mến yêu.

Vùng đất biển phù xa nước mặn khó khăn lắm, khó nhất là giao thông, nơi đây với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đi lại chủ yếu là đường thủy, phương tiện chính để đi lại là xuồng, ghe, tàu…nên cũng không được cơ động. Chính vì những khó khăn đó dẫn đến những hệ lụy kéo theo khác như kinh tế, giao thông đường lộ, điện, trường học, y tế… những dịch vụ an sinh xã hội, các công trình phúc lợi khác dường như là không có.

Cách tiếp cận khoa học không có gì ngoài nghe cái radio sài pin con ó và xem cái ti vi trắng đen sử dụng bằng bình accu Đồng Nai. Đó cũng là những tài sản quý giá mà chỉ giới “thượng lưu” ở quê mới có. Những nhà nghèo khác thì phải lo chạy gạo từng bữa, nghèo đến nỗi cái vách nhà còn dừng chưa kín, còn mơ gì có radio?

Khó khăn là như vậy, nhưng ý trí của các bậc cha mẹ không lạc hậu, họ cho con đi học bằng mọi giá như ở trọ, ở nhờ, đi bộ… Ý thức học tập  của các bạn vì thế mà không thể không nhắc đến, họ dầm mưa, đội nắng, quần săn tới gối, bì bõm vượt qua những đoạn đường đứt ngập nước, quyết tâm đến trường.

*

Thứ Hai cũng là ngày tất bật, xuồng của Biền rời bến sớm hơn mọi ngày một chút, vì nó “khẳm” nên vận tốc sẽ chậm lại, bào mòn thể lực của tài công.

Tiếng sóng vỗ vào mạn xuồng to hơn mọi ngày, các bạn ngồi im nín thở để lấy sự cân bằng. Khác với sự lém lỉnh mọi ngày, Thưởng tay cầm cái bẹ chuối ngồi cạng Biền tát nước xuồng, tải trọng nặng hơn ngày thường nên nước rò rỉ theo các khe nứt chảy vào khoang, Thưởng phải đều tay tát nước. Trên xuồng lủ khủ nhu yếu phẩm, nào chuối, bí, rau, gạo…. đủ để Nhị và Lê trọ học một tuần.

Hết mùa hạn rồi đến mùa nước, chiếc xuồng cứ đều đều rẽ sóng nuôi dưỡng và ấp ủ những giấc mơ. Nhưng chưa bao giờ thấy Thưởng chèo xuồng thay cho Biền.

– Đua đi, về cho lẹ! Tiếng Thưởng vang lên gọi chiếc xuồng của Sơn.

– Dám hông? Nhưng xuồng tao khẳm hơn. Sơn đáp.

– Thì qua đây bớt một đứa, là nổi liền chứ gì.

– Rồi qua liền! Sơn đáp.

Một bạn từ xuồng của Sơn qua xuồng của Biền, để tải trọng cân bằng và cuộc chèo đua bắt đầu. Tiếng vỗ tay, cổ vũ vang vang cả đoạn sông, cái miệng của Thưởng nổi đình nổi đám… cố lên… cố lên… nó nhún nhảy, tay cầm bẹ chuối vừa tát nước vừa la ó. Hai tay chèo Biền và Sơn ưỡn ngực tung các cúc, áo trắng bay bay mồi hôi ướt là tả.

– Bực… cốp…  á á..á. Ha ha haa… bốn làn âm thanh cùng phát ra khiến xuồng của Biền chệch hướng đâm vào bờ chuối. Hai đội cười vang.

– Trời ơi… tét cái đầu tao rồi biền ơi! Thưởng la oai oái.

– Ai kêu mày thích đua? Biền hỏi và cười không thành tiếng.

– Tao nói đua chứ đâu có nói đưa cho đứt quai chèo.

Thưởng ngậm ngùi chịu đau vì bị nguyên một cây chèo táng vào đầu, sự cố đứt quai chèo là nằm ngoai mong muốn. Biền tủm tỉm cười rồi cho xuồng cặp vào mé lá tước cọng dây chuối khô bện thành cái quai mới. Thưởng nhăn nhăn nhìn xuồng của Sơn luốc dòng về đích mà tê tái cõi lòng.

*

– Ê! Ê… Thưởng… chìm xuồng kìa. Nhị la lớn.

– Kệ…. nó! Thưởng giựt cục.

– Ướt hết đồ đạc sao?

– Nay cuối tuần. Lo gì! Miệng nhai nghiến ngấu trả lời.

Thế rồi chiếc xuồng cứ từ từ chìm xuống đáy sông, tay Thưởng cầm củ khoai mì luộc, tay kia cũng chỉ kịp ôm chồng sách lên cho không bị ướt. Xuồng chìm hẳn nhưng Thưởng vẫn đứng im và vô tư nhai ngon lành. Khi nước đến háng thì Thưởng mới phát hiện quần mình đã ướt sũng, cũng là lúc Biền ra chợ mua đồ vừa tới.

– Mày ham ăn quá vậy Thưởng? Vừa cười vừa nhìn bạn Biền hỏi.

– Đói mà! Thưởng trả lời tỉnh bơ.

– Cái thằng tối ngày lóc cha lóc chóc à… Nhị vừa nói vừa nghiến răng.

– Thôi tát nước xuồng đi về cho lẹ, mưa tới sát bên kìa. Lê thúc dục.

Câu chuyện về bốn bạn nhà ở cùng kênh, học chung một lớp, cùng Trường THPT Trần Văn Thời cứ thế cho đến hết cấp ba. Cũng chẳng ai bảo ai, chẳng có ngày chia tay, đường ai nấy đi. Ngày gặp lại chưa một lần hẹn ước.

*

Thưởng ra trường sớm nhất, về làm ở Điện lực huyện nhà, cũng trở về ngay chốn xưa cắp sách đến trường. Đó như là sự báo đáp cho xứ sở, mảnh đất đã không ngừng sinh sôi nuôi dưỡng những giấc mơ tuyệt vời. Nhưng giờ thì Thưởng tiến bộ và ‘sang chảnh’ hơn lúc đi học, anh đi làm bằng chiếc xe đạp, mặc dù từ nhà đến nơi làm việc chỉ toàn đường đất.

– Cha có biết Biền đi học gì không cha? Ngồi cùng mân cơm Thưởng hỏi ông Sáu Tặng.

– Cha nghe ông chú Năm ổng nói thằng Biền nó đi học Cao đẳng Đông y ở Vĩnh Long. Rồi sắp tới về xin việc ở trường cao đẳng Y tế Cà Mau.

– Vậy cũng mừng cho nó, lên Vĩnh Long học có xuồng cho nó chèo không nữa? Hi … hi… hi. Thưởng vẫn đùa cợt như ngày nào.

– Mày lo gì con, lên trển nó đi xe. Ông Sáu Tặng cũng hài hước với con trai mình.

– Ù hén! Mà Cha biết Nhị và Lê tụi nó đi học gì không cha? Thưởng hỏi tiếp về hai bạn cùng xuồng ngày xưa.

– Nghe nói con Thanh Lê học Sư phạm Văn ở Sài Gòn, Hồng Nhị thì học sư phạm Văn ở Cà Mau. Lê chắc nó lập nghiệp ở trển luôn, còn Nhị chắc về thị trấn phục vụ quê mình.

– Ôi giời ơi! Các bạn mình sắp trở thành những cô giáo trong tương lai. Một nghề thật cao quý, tụi bạn con nối gót thầy chủ nhiệm cũ rồi, thầy Quân mà biết chắc thầy vui lắm vì Lê và Nhị học văn khá nhất trường.

Ông Sáu Tặng bỗng trầm ngâm im lặng.

– Thưởng nè! Nhanh quá hen con, mới ngày nào tụi con còn móc sình tắm sông, réo nhau í ới đi học. Nhà nào cũng nghèo, may thay tụi con tu chí học hành, giờ đứa nào cũng phương trưởng, thành đạt, mừng đó con? Thương nhất là thằng Biền, nó bự con hơn hết thảy, ngày nào tụi bay cũng dừa cho nó chèo xuồng đi học, chèo tới cây chèo cong vòng, phèn đóng sắp lớp mà nó vẫn vui vẻ.

– Cha nhắc làm con nhớ tụi nó hơn, biết bao giờ mới gặp lại trời?

– Cha cảm thấy các con đạt được thật nhiều ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống hôm nay. Chiếc xuồng be tám ngày nào chở đầy tuổi thơ và những mơ ước của tụi con, mái chèo không vội vàng, cứ chầm chậm cùng năm tháng, cho đến ngày tụi con lớn lên và trưởng thành. Mái chèo đó đã dệt nên một bức tranh đẹp cho bốn mảnh đời của bốn đứa ở kênh Thăm Trơi này. Các con đều có công ăn việc làm, rồi trở lại phục vụ chính nơi các con đã ấp ủ, nung nấu những mơ ước của mình. Các con đã tự lao động, tự nuôi thân bằng chính bàn tay và bộ óc tiến bộ của mình. Nghĩ mà xứng đáng với những thành quả mà các con đã dày công phấn đấu ngày nào, Cha tự hào về các con như vậy đó.

– Con hiểu rồi cha, để ăn xong con chạy qua thăm ông cậu Năm, Cha Biền cái nhé!

Vừa dứt lời Thưởng đi một mạch xuống nhà sau lấy khăn rửa mặt. Hình như lúc ông Sáu Tặng nói chuyện, Thưởng đã ăn nhầm vào miếng ớt. Mặc dù cả nhà không bao giờ ăn ớt. Lạ thật.

L.B.T