Mai đây hòa bình? – Góc nhìn của nhà văn Trần Vương Thuấn

900

Trần Vương Thuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ nhân loại, sau trận dịch bệnh này, sẽ hiểu rằng, ý tưởng về chiến tranh sinh học là ý tưởng xuẩn ngốc nhất trong việc cạnh tranh với nhau, không kẻ nào là kẻ an toàn nếu cuộc chiến ấy xảy ra, kể cả kẻ truyền tấn công. 

Ảnh: Phan Hồng Đức

Dù thế nào đi nữa, thế giới mà chúng ta đã biết hồi trước Tết cũng đã không còn, sau trận dịch này. Lâu lắm rồi, chắc phải từ Thế chiến hai tới nay, một cuộc khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu như vậy mới xảy ra. Tức là cuộc chiến khiến đồng lúc ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phải giới nghiêm, đóng cửa, phong tỏa, tuyên bố khẩn cấp… Sự đình trệ diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Cuộc chiến này, khác hoàn toàn với các chiến tranh nhỏ lẻ, quốc gia hay khu vực, khi mà bom rơi nơi này thì nơi kia vẫn sáng đèn màu mê hoặc, những tiếng súng vang ở khu vực này là cơ hội cho công nghệ và kinh tế khu vực khác cất cánh… Cuộc chiến này đẩy tất cả quốc gia vào trạng thái chiến đấu. mỗi cá nhân đều cảm nhận rõ hơi lạnh của thời cuộc khó khăn, của đe dọa kiệt quệ sức khỏe phả ra gần tóc mai, ngay sau lớp lông tơ ở gáy. Không ai là kẻ đứng ngoài cuộc, đứng trên, phè phỡn nổi với cuộc chiến này.

Như mọi cuộc chiến, rồi cũng sẽ tàn, cuộc chiến này đang được dự báo sẽ tàn nhanh khi sự đương cự của nhân loại bằng khoa học, y học diễn ra mạnh mẽ. Nhưng cũng như mọi cuộc chiến mang tính toàn cầu, sau khi ngã ngũ, thế giới trước cuộc chiến ấy sẽ không còn. Những phân chia lại quyền lực, các phe phái, ấm lạnh quan hệ các quốc gia, sự nhìn nhận sức mạnh các quốc gia, sức mạnh mềm, biện pháp cứng… gì gì đó sẽ khiến thế giới khác đi sau mỗi cuộc chiến. Có lẽ đó là điều mỗi người sẽ tự vẽ lên lúc này, và từ đó định hướng các hành động của mình khi “chiến cuộc virus tàn”. Nói như Võ Phiến là “hòa bình nghĩ gì làm gì?”. Có thể tích cực hơn, xông xáo hơn tìm kiếm các thị trường mới, công nghệ mới, lao mình vào cuộc chảy mới đang được vẽ ra sau chặng chảy chậm lại bởi chiến tranh virus. Có thể tĩnh lặng hơn, bớt nhu cầu, bớt tiện nghi, sống chậm và sâu hơn, dành thời gian cho những việc cụ thể của bản thân, những đẹp đẽ mà trước cuộc chiến này ta không thấy. Lựa chọn nào cũng được, vì rằng, dù gì, thế giới đã không còn như cũ nữa, mỗi lựa chọn sẽ là dành cho thế giới mới.

Nhưng những ngày này, đã có những người bơ vơ trong lựa chọn, những công nhân không còn việc từ sau Tết, những người giúp việc nhà không còn người thuê, những chị lượm ve chai thở dài “Sao không còn ai bỏ cái gì bán được”. Và những nông dân nhìn lúa chết khô, những trẻ em không dám xối cho đầy gáo nước khi tắm, trong cằn cỗi hạn mặn miền Tây, rồi miền Trung, và còn nhiều vùng khác đang dần bị đe dọa. Dù có muốn làm gì trong thế giới mới khi thắng được virus này, xin cũng để chút nghĩ về họ, thậm chí ngay trong lúc này khi còn đang chiến đấu. Những người nghèo khổ nhất là những nạn nhân trước nhất của mỗi cuộc chiến, kể cả cuộc chiến chống lại bệnh tật. Những người nghèo sẽ là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến này, thiệt hại của họ, từ đó sẽ gây ảnh hưởng lên toàn bộ an sinh, an toàn xã hội. Tìm kiếm những giải pháp đảm bảo an sinh trong thời điểm này cho những người dễ tổn thương cũng cấp bách như lập các tiền đồn trấn giữ và đẩy lùi bệnh tật.

Một điều nữa, có lẽ nhân loại, sau trận dịch bệnh này, sẽ hiểu rằng, ý tưởng về chiến tranh sinh học là ý tưởng xuẩn ngốc nhất trong việc cạnh tranh với nhau, không kẻ nào là kẻ an toàn nếu cuộc chiến ấy xảy ra, kể cả kẻ truyền tấn công.

T.V.T