Mai già trổ muộn – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

767

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không khí lạnh mang cái rét đến từ mấy hôm nay, bà đi tìm chiếc áo len mặc thêm vào người. Thi thoảng trời vẫn bừng lên chút nắng, rồi trở lại âm u ngay. Thất thường của ngày mùa đông cũng giống cái thất thường của bà. Vui đó, buồn đó, đăm chiêu nhiều mà hồ hởi cũng không ít. Ai hỏi mấy đứa nhỏ dạo này ra sao, bà hồ hởi lắm, thằng lớn có công ăn việc làm ổn định, vợ đẹp con ngoan ở bên Sin, con thứ hai có chồng làm ở ngành ngoại giao nay nước này mai nước khác. Thằng út du học bên Úc cũng sắp xong. Nhận những lời chúc mừng của thiên hạ bà giấu kín vào trong đôi mắt, để đêm về trằn trọc mà tận hưởng nhằm quên đi nỗi buồn cô độc.

Chồng bà trước đây cũng là ông này ông nọ, quan hệ rộng rãi, bạn bè thân hữu tầng tầng lớp lớp. Tiếp khách, đi nhà hàng, nghe điện thoại, trả lời tin nhắn suốt ngày thành nghiện. Nghỉ hưu rồi chẳng ai thăm hỏi, được cái tin nhắn rác, tin quảng cáo cũng vui, nghe gọi nhầm số cũng nhiệt tình trả lời. Mong được ai đó mời đi đám cưới, đám giỗ. Lục tìm lại bạn bè ngày xưa chung trường chung lớp, để thăm hỏi trò chuyện. Thấy mà thương! Thằng út làm hồ sơ du học gặp chút khó khăn gọi người thân cũ, họ không thèm nghe máy. Ông cũng có của ăn của để, con cái cũng thành đạt giàu có chớ đâu đến nỗi nào. Thế mà…, thói đời đen bạc thật! Giận người hay giận mình ông sinh bệnh, đưa đến bệnh viện khám, phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Một thời gian ngắn sau đó, ông đi, giải thoát cho mình nhưng để lại cho bà ngồn ngộn nỗi lòng.

Thằng con lớn mướn hẳn một người về sống với bà, vừa lo cơm nước, vừa có người bầu bạn. Nhà chỗ nào cũng gắn camera, từng bước chân đi của bà đều được con cái, dâu rể các cháu nội ngoại theo dõi để mắt. Bà và cả chị giúp việc được trang bị điện thoại xịn, xa nhau mà nói chuyện như đang ở cùng một nhà, hình ảnh sắc nét, thấy cả cái nốt ruồi trên mặt. Danh sách bác sĩ giỏi đứa con nào cũng có, qua camera thấy bà ho là có bác sĩ đến ngay. Các con bà yên tâm vui sống ở nơi xa với cách bài binh bố trận của mình. Hàng xóm nức nở khen bà có phước có phần, con cái lo đến tận chân tơ kẽ tóc.

Tết năm rồi không đứa nào về ăn tết với bà. Chị giúp việc cũng phải về quê. Bà chẳng ăn uống bao nhiêu nhưng vẫn lo sắm sửa, nghĩ đến con cháu về có cái mà vui. Từ hăm ba tháng chạp đứa con gái gọi báo phải theo chồng đi công tác nước ngoài không về kịp tết, rồi đến thằng lớn báo sau tết mới sắp xếp về được, thằng út phải đi thực tế trải nghiệm vì bên ấy đang mùa hè…

Bà mang thức ăn bánh trái đã chuẩn bị từ giữa tháng chạp đến cho trẻ ở trại mồ côi, đến nhà dưỡng lão làm quà cho các bác. Bà vui, không chỉ đã giải quyết cả núi thức ăn tồn đọng mà vì bà đã gặp được người quen cũ.

Bà nhớ rất rõ, trong nhà dưỡng lão khi ấy chẳng còn có mấy người. Hỏi ra con cái hoặc người thân, thậm chí là bạn bè đã đón họ về ăn tết với gia đình. Chỉ còn khoảng trên dưới mười người ở lại, chắc họ không còn ai thân thích. Một người đàn ông đeo đôi kính trắng, trông còn khỏe, đâu đến nỗi lọm cọm như bà luôn nghĩ về những người già, ông đang đọc sách hình như không biết có người đến thăm. Khi nghe bà nói chuyện thăm hỏi mọi người, ông ngước nhìn rồi vồn vã.

– Cô giáo Mai phải không?

Bà giật mình, ai lại biết cả tên cả nghề nghiệp của mình!

– Tôi là Thưởng đây, em không nhận ra tôi hả? Cũng phải thôi, gần bốn mươi năm rồi còn gì!

– Ôi, anh Thưởng! Sao anh lại ở đây?

Ông Thưởng là giáo viên dạy cùng trường với bà từ thời bao cấp. Không chỉ cùng trường mà còn cùng tổ bộ môn văn nữa, khi ấy ông là tổ trưởng. Ký ức một thời chợt ùa về, chuyện lên lớp soạn giảng, chuyện vui buồn cùng học trò và các thầy cô giáo, có thể kể đến cả chục ngàn trang sách chưa hết chuyện. Bà vui quá! Bà vui như vừa nhặt lại được thứ quý giá nhất đã bị mất đi, chỉ có vậy. Bà được quay lại với tuổi thanh xuân của mình, trẻ ra, không vui sao được!

– Sao anh lại ở đây?

Bà nhắc lại câu hỏi của mình, ông Thưởng vẫn tính bông đùa như ngày xưa.

– Không ở đây thì ở đâu! Đau ốm có bác sĩ lo, đói có chị nuôi lo, buồn có các bác đây trò chuyện, sướng như tiên vậy!

Nói xong ông cười, tiếng cười rơi nửa chừng đâu đó, nụ cười cũng không đầy hương đủ cánh như thời trước, bà nghĩ vậy, một chút chạnh lòng. Ông không đùa nữa, một thoáng buồn.

– Vợ tôi mất khi đứa nhỏ còn đang học tiểu học. Tôi có hai đứa con, đứa lớn theo vợ định cư ở Mỹ, đứa nhỏ chết trẻ vì bệnh. Vợ chồng nó bảo lãnh tôi đi, nhưng qua đó cũng ở nhà dưỡng lão, thì ở đây cũng vậy thôi!

Ông lại cười, rồi hỏi chuyện gia đình bà. Không hiểu sao bà lại không hồ hởi kể lể dài dòng như mọi lần.

– Cũng chẳng hơn gì hoàn cảnh của anh đâu!

Ông lại bông đùa.

– Thế thì vào đây ở với bọn tôi cho vui!

Thấy mình đùa quá sai ông vội xin lỗi. Bà không giận mà lấy làm thích thú với lời mời của ông, bà nói lấp lửng.

– Biết đâu được! Trước mắt, mỗi tháng tôi đến thăm anh và các bác, hôm nay có chút quà tết mong anh và các bác nhận cho.

Lúc ấy nhà dưỡng lão trồng nhiều cây xanh và hoa, hoa rực rỡ một khoảng sân, ngay trước tiền sảnh hai cây mai già cũng đang rực vàng, trời lất phất mưa xuân.

… Mới đó mà đã gần một năm rồi. Còn bây giờ cái rét mùa đông thật khó chịu. Chị giúp việc thấy bà mặc thêm chiếc áo len màu tím cứ tấm tắc khen.

– Chị còn đẹp lắm! Chị định đi đâu?

– Hai chị em mình đi chợ, chuẩn bị cho tết là vừa rồi.

– Năm nay dịch bệnh tùm lum, chắc không ai về được đâu, chị mua sắm ít thôi.

– Vui hay buồn cũng là tết, có ai hay không có ai cũng là tết, mình đi thôi.

Chợ tháng chạp đông vui dù mưa lạnh. Hai chị em mua dừa mua gừng về làm mứt, mua nếp, đậu xanh, thịt heo… về nấu bánh chưng bánh tét.

– Em nhờ người chuyển hàng về trước, chị ghé nhà dưỡng lão thăm mấy người bạn rồi về sau.

– Dạ, em sẽ gọi thêm người làm giúp, chị em mình làm không xuể đâu.

– Đương nhiên rồi, còn phải mua thêm nữa, chị sẽ chuyển cho nhà dưỡng lão trước tết.

– Chị chu đáo quá, thấy chị vui là em mừng rồi.

Bà Mai vui thực sự, mỗi tháng bà đều mang quà đến thăm hỏi các bác, bao nhiêu là hoàn cảnh đáng thương, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh. Ông Thưởng cũng vui khi thấy bà đến thăm. Ông hoạt bát bông đùa nhiều hơn, kể huyên thuyên chuyện ngày xưa, nào là sửa cho bà từng trang giáo án, nào là mớm cho bà nhiều câu hỏi hay trước giờ lên lớp. Ông kể cho các bác cùng phòng nghe chuyện đi mua hàng tem phiếu về phân chia lại cho mỗi người, khổ mà vui, đầy ắp kỷ niệm. Bà nghe mà rơm rớm nước mắt, xúc động vì cái nghĩa cái tình thời cơ cực. Nhiều lúc bà muốn ngỏ lời mời ông về nhà thăm chơi nhưng rồi ngại mấy cái camera đành thôi. Vì sao lại ngại bà cũng không hiểu! Từ nhà dưỡng lão về bà yêu đời hơn, trẻ thêm ra, khỏe thêm ra. Chẳng lẽ niềm vui hạnh phúc không đến từ nơi bà đang ở vốn đầy đủ tiện nghi, dư ăn, dư mặc. Chẳng lẽ niềm vui hạnh phúc lại đến từ nơi thiếu thốn mọi thứ, ở đó chỉ có ho hen bệnh hoạn, lụ khụ và lẩm cẩm. Đã đôi lần bà nghĩ sẽ đến đó sống thử một thời gian xem sao, nhưng rồi bà không đủ dũng cảm làm cuộc trải nghiệm điên khùng đó. Tiền sảnh nhà dưỡng lão mấy cây mai già đã bắt đầu cho nụ, có hơi trễ nhưng rồi cũng sẽ rực vàng mừng xuân đón tết, hy vọng là thế. Những cây mai già ở đó có gì khiến bà quan tâm, say sưa ngắm nghía đến vậy?

Trời ấm dần lên khi những tờ lịch tháng chạp vơi dần. Bánh mứt, thức ăn, nước uống, rau quả cũng đâu vào đấy. Một trăm phần trăm không đứa nào về với bà được, chẳng có chuyến bay quốc tế nào, các nước vẫn còn lây lan dịch bệnh. Bà sẽ chuyển tất cả cho trại trẻ mồ côi và cho nhà dưỡng lão như năm qua. Rồi bà sẽ ở lại ăn cái tết cùng họ vài ngày, chỉ vài ngày thôi.

Chị giúp việc gọi xe chuyển quà đến nhà dưỡng lão. Bà mặc chiếc áo màu trắng, màu của chiếc áo bà thường mặc lên lớp thuở trước. Bà buộc tóc bằng sợi dây thun cũ. Một chút phấn nhẹ lên má, một phớt son lên môi. Trông bà tươi trẻ như cô giáo ngày xưa vậy.

Ban quản lý nhà dưỡng lão đón bà và nhận quà không được vui vẻ phấn khởi như những lần trước. Mình có sơ suất gì chăng? Không tự trả lời được buộc bà phải hỏi:

– Có gì khiến các anh các chị không được vui?

– Đúng vậy, nhà chúng tôi có sự cố, bác Thưởng bị đột quỵ phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện trên thành phố.

Bà sửng người:

– Có chuyện gì với anh ấy vậy?

– Con trai gọi điện về nói sau tết sẽ đưa bác qua Mỹ, bác không chịu, hình như nó nặng lời làm bác không chịu được nên bị ngất.

– Có ai thân thích để lo cho anh ấy không?

– Chúng tôi đã liên hệ được với em trai của bác ấy, nhưng từ miền nam về cũng lâu, nghe đâu nếu về được còn phải cách ly phòng bệnh nửa tháng nữa.

– Tôi hiểu rồi, các anh chị yên tâm, tôi sẽ chăm sóc cho anh ấy.

Không kịp nghe tiếng cảm ơn của nhà dưỡng lão, không kịp vào từng phòng thăm hỏi các bác, bà vội vã đón xe lên thành phố.

Ra đến tiền sảnh, cây mai già nụ vẫn chưa bung vỏ lụa, muộn rồi chăng? Mà, hình như nở muộn sẽ lâu tàn thì phải.

Tháng chạp Canh Tý
N.B.H