Mai Hương & Hội xuân con Mén đi đâu?

1009

17.01.2018-17:20

 Nhà văn Mai Hương

 

>> Những dòng thơ rỏ máu

>> “Nữ Oa” của làng

>> Nước mắt vo viên thành sạn buốt nhói

>> Cơn giông chiều

>> Giật mình… Mai Hương

 

Hội xuân con Mén đi đâu?

 

TRUYỆN NGẮN CỦA MAI HƯƠNG

 

NVTPHCM- Con Mén ném còn giỏi nhất hội xuân ở bản Pá Đén. Những quả còn bay vèo qua cái vòng tre cao tít, trai làng cứ mắt chữ ô, miệng chữ a mà nhìn theo. Con bé cười giòn, má đỏ hồng như hai trái lựu. Chợt nhìn thấy ánh mắt thằng Mua như cái xoáy nước giữa dòng lũ muốn nuốt chửng mình, con Mén lạnh người, bèn lủi nhanh vào đám đông.

 

Mặt trời xuống núi, tan hội, mọi người kéo nhau ra về.  

 

Bố con Mén ngồi nói chuyện với ông Cụa bố thằng Mua đến cạn cả bình rượu, tàn cả khúc cây to trong bếp mà vẫn chẳng thấy con Mén về. Ông Cụa loạng choạng đứng lên chào về, bố con Mén gục xuống chiếc ghế dài cạnh bếp ngủ ngon lành. Một mình mế con Mén vừa địu đứa em út vừa xay ngô, ngóng dài cổ mà chẳng thấy Mén về đỡ việc.

 

Cả bản náo loạn vì chuyện con Mén bỗng dưng mất tích. Đã ba ngày nay mế nó là Lâu Thị Xua cùng bà con đi hú gọi khắp núi khắp rừng. Mười bốn tuổi Xua đã lấy chồng, cơ thể còn non nớt, yếu đuối nên mấy lần sảy thai, phải uống thuốc gia truyền của Mế Mụi trên bản Pom Kha mới đẻ được con Mén. Rồi từ đó, Xua cứ mang thai liên tục, chẳng mấy chốc đã một bầy năm đứa trẻ bám gấu váy. Đông con, lao động vất vả nên mới ba mươi tuổi mà thân hình Xua quắt queo, làn da sắt lại, người dưới xuôi lên cứ nhầm tưởng mế già sáu mươi.  

 

Năm nay con Mén mười ba tuổi. Hàng ngày con Mén nấu cơm, bổ củi, cõng nước, trèo cái dốc thoăn thoắt lên rẫy cao không biết mệt. Nó đang tuổi ăn tuổi lớn, như cái măng cái mụt, như bông hoa trên rừng, đã có người ướm hỏi rồi. Thế mà chẳng hiểu sao nó lại mất tích.

 

Từ hôm ngồi với ông Cụa, Thao Chá Dơ chồng Xua uống nhiều rượu quá phát ốm, vẫn nằm thõng thượt trong xó nhà, không đủ sức dậy tìm con.

 

Cách đây ba tháng, anh trai Dơ là ông Thao Chá Dính chết vì ung thư dạ dày. Đám ma người Mông theo phong tục ở Pá Đén kéo dài tới bảy ngày. Ở các bản dưới chân núi người ta làm theo nếp sống mới, đám ma chỉ tổ chức không quá ba ngày. Nhưng họ Thao trên đỉnh Pá Đén thì không làm vậy, trưởng họ bảo rằng người Mông phải để người chết trong nhà lâu như vậy để họ hàng cúng viếng đầy đủ không thiếu một ai. Theo tục lệ mỗi người con hay anh em ruột phải cúng một con bò để người chết mang theo. Người chết sang thế giới bên kia có trâu bò làm nương, không phải sống cảnh đói khổ bần hàn, thì sẽ phù hộ cho người sống, nếu không, người chết sẽ về bắt người sống đi. Bởi vậy, trong đám ma ông Dính, mỗi ngày người ta giết một con bò và khá nhiều lợn gà, vừa cúng người chết vừa tiếp đãi anh em xa gần. Đàn bà trong bản thì quần quật lo nấu nướng, đàn ông thì say sưa sáng chiều. Bởi vậy, trong những ngày làm đám ma, đến nhà ai cũng thấy đàn ông say nằm vạ vật.

 

Dơ là em trai ông Dính, dù nghèo khó đến mức không đủ ăn thì vợ chồng Dơ cũng phải cúng anh một con bò. Không có bò, Dơ hỏi vay ông Cụa là người lắm trâu bò nhất bản.

 

Giờ đã đến ngày hẹn với ông Cụa, bò chưa có để trả, con Mén lại bỏ đi mất tích. Xua khóc hết nước mắt. Mén là đứa gái ngoan, không thể tự ý bỏ đi mà chẳng nói gì với bố mế. Thằng Mua con trai ông Cụa thì bắn tin “Con Mén đi theo trai bản lạ rồi”, khiến Xua càng sốt ruột điên đầu.

 

***

 

Năm trước Mén học hết tiểu học thì theo chúng bạn ra trường xã học lớp sáu. Trường không có khu nội trú, học sinh ở bản xa không đi về trong ngày được phải tự dựng lán ở cạnh trường, đầu tuần đi bộ cõng gạo đến, hàng ngày sau mỗi buổi học thì tự kiếm củi nấu ăn, cuối tuần lại đi bộ về. Bữa cơm của các em thường chỉ có muối gừng và lá rau rừng. Nhà nghèo chẳng có gạo mang theo, chẳng có tiền mua sách giáo khoa, nên con Mén nghe lời bố mế, bỏ học ở nhà phụ việc.

 

Con Mén  thương các em đói,  thương bố mế vất vả đành phải nghỉ học, nhưng nó buồn lắm. Mỗi lần nhìn thấy Hơ Thị Chứ bạn nó khoác túi gạo lên vai chuẩn bị đến trường, mắt con Mén lại đỏ hoe. Nó tiễn chân con Chứ ra tận suối Khao, chờ bạn đi khuất  mới chịu quay về. Cuối tuần con Chứ về nhà,  Mén sang chơi liền, mượn bạn sách giáo khoa đọc ngấu nghiến. Xua bảo con: Gái lớn học đi nương đi rẫy, học thêu bông thêu hoa, rồi lấy chồng cho người Mông có đời này đời khác… Con Chứ đi học nhiều rồi cũng đến về nhà lấy chồng thôi, lại không biết làm cái lúa cái ngô thì lấy gì mà ăn.

 

Cô giáo Cúc không thấy Mén đi học thì lên tận nhà nó ở đỉnh Pá Đén. Mén vừa địu em vừa xay ngô, cái cối làm bằng đá tảng to tướng, nặng trình trịch, nó kéo vẹo cả người. Nhìn  thấy cô giáo, Mén buông cần xay  khóc nức nở. Cô giáo chờ tận tối mịt bố mế nó mới đi nương về. Cô xin cho Mén đi học lại, bố Mén bảo: “ Ta cũng muốn cho con Mén đi học, nhưng nhà hết gạo rồi, nó phải ở nhà để kiếm cái gạo thôi, không thì chết đói hết. Với lại nó cũng đến tuổi bắt chồng rồi cô giáo ạ”. Cô giáo bảo Mén còn bé lắm chưa lấy chồng được đâu! Nhưng Dơ nói mế con Mén cũng lấy chồng lúc mười bốn tuổi có sao đâu. Phụ nữ Mông đều vậy hết, vài năm nữa không ai lấy là ế rồi.

 

Mén ở ngoài hiên len lén nhìn vào, nghe hết câu chuyện bố mế nói với cô giáo, chỉ gạt nước mắt khóc. Cô giáo ra về, Mén tiễn chân cô ra tận suối Khao, nước mắt cứ chảy dài hai bên gò má, làm cho cô giáo cũng khóc theo.

 

***

 

Lâu Thị Xua tìm ra tận trường để hỏi xem con Mén có nhớ thầy cô, bạn bè mà trốn ra đây không. Nhưng cô giáo Cúc lắc đầu. Con Chứ là bạn thân nhất cũng không biết Mén đi đâu. Xua quay về bản sau khi cô giáo hứa sẽ nhờ cán bộ đồn biên phòng tìm giúp con Mén.

 

Mế con Mén về rồi, cô giáo Cúc ngồi dưới hiên nhà nhìn ra con suối Khiết, một nhánh của suối Khao từ Pá Đén đổ xuống. Lòng cô buồn váng vất, vì chẳng biết làm thế nào để giúp được người phụ nữ này tìm con. Mặt trời đang dần lịm tắt trên ngọn đồi, sương lam kéo xuống phủ mờ rừng núi. Khí lạnh lan nhanh. Cô giáo vào nhà khoác thêm tấm áo cho đỡ lạnh. Chợt ngoài cửa có cái bóng nhỏ bé thập thò, giọng khe khẽ gọi: “Cô giáo ơi!” Cô giật mình quay lại: “Trời ơi Mén, sao con lại ở đây? Mế đang đi tìm con kìa!” Con Mén run lẩy bẩy vì lạnh và đói, òa khóc: “Con không muốn về nhà đâu!”

 

Cô giáo Cúc khuyên con Mén thế nào nó cũng nhất quyết không về. Cô giáo rất khó xử. Không ngờ con bé trông yếu đuối, nhút nhát mà tính tình lại ương ngạnh đến vậy. Nó bảo nếu cô bắt về thì nó trốn lên rừng ở hoặc đi biệt tích.

 

Cô giáo Cúc gọi điện lên đồn biên phòng là đơn vị kết nghĩa với nhà trường, trao đổi về chuyện con Mén và nhờ các anh giúp đỡ. Thượng tá Hoàng Tiến đồn trưởng bảo cô tạm thời cho nó ở lại, anh sẽ trao đổi với lãnh đạo địa phương chọn giải pháp phù hợp để vận động. Tối hôm ấy, Mén ở lại cùng cô giáo.

 

Sáng hôm sau, cô bảo lên lớp học với các bạn, Mén không chịu, nói chỉ muốn tìm việc làm thuê kiếm tiền để trả nợ cho ông Cụa. Cô Cúc bảo việc trả nợ đã có bố mế lo rồi, Mén về nhà đi, trốn thế này bố mế lo lắng mất ăn mất ngủ. Mén vẫn cương quyết không. Nó bảo bố say rượu suốt ngày chẳng làm được gì, một mình mế nuôi bầy em làm sao đủ sức trả nợ, thương mế nên Mén phải làm đỡ thôi.

 

Cô giáo thuyết phục mãi, Mén vẫn không chịu về. Cô bảo nếu che giấu cho Mén thì cô thành kẻ xấu vì  phải nói dối, nên nó nhất định phải về. Đến lúc này Mén mới bật khóc, khai rõ căn nguyên nó trốn nhà. Hôm ở hội xuân về, nó nghe trộm được câu chuyện giữa bố và ông Cụa trong gian bếp, ông Cụa bảo nếu bố mế không có bò trả lại thì trả bằng người, ông ấy sẽ cho thằng con trai sang bắt Mén về làm vợ. Nếu bố mế bắt  về lấy chồng, thì nó sẽ lên rừng ăn lá ngón để thành con ma, không ai nhìn thấy nữa.

 

Khi nói câu ấy, mắt con Mén đỏ ngầu như hai cục than, cô giáo Cúc cũng sợ nó làm thật. Ở đỉnh Pá Đén quanh năm sương phủ ấy đã có rất nhiều người Mông ăn lá ngón tự tử. Người ta còn lan truyền cả câu chuyện “ma ngón” bắt người nữa, chỉ cần đem lá ngón về gối đầu giường là “ma ngón” dắt hồn người đi. Nhiều người Mông trên đỉnh núi ấy chọn cái chết bằng lá ngón chỉ vì những lý do không đâu, như vợ chồng giận nhau, nghèo không có tiền trả nợ, hay vì gia đình ép lấy người mình không yêu…

 

Cô giáo Cúc xót xa nhìn thân hình tiều tụy vì lo lắng của con bé, nó mới mười ba tuổi! Ở dưới xuôi, con gái cô Cúc cũng bằng tuổi này, chỉ biết ăn học thôi chứ chưa biết làm nhiều việc như Mén.

 

Cô Cúc hỏi thăm mấy người thân quen để tìm việc cho Mén. May có một chủ cửa hàng ở thị trấn có con học với cô đã nhận Mén vào phụ việc, cũng là ngầm giúp cô giáo từng bước vận động Mén trở về. Mén rất nhanh ý nên chẳng mấy chốc đã làm quen và thành thạo công việc. Buổi tối xong việc cửa hàng, Mén xin phép nhà chủ lên học thêm với cô giáo Cúc.

 

Cô Cúc nói chuyện con Mén bị ép lấy chồng với Thượng tá Hoàng Tiến đồn trưởng đồn biên phòng và Đại úy Lâu Văn Pao là đội trưởng đội vận động quần chúng. Anh Pao cũng là người Mông sinh ra ở bản Pá Đén, anh biết rõ hoàn cảnh từng gia đình ở bản. Các anh hứa bằng mọi cách sẽ giúp cô giáo “gỡ rối” vụ con Mén trốn nhà.

 

Nhưng còn một chuyện, vì sợ hãi và xấu hổ mà con Mén chưa nói hết với cô giáo Cúc, nên cô chưa nắm bắt được để trao đổi với cán bộ biên phòng.

 

Mén sợ và căm ghét  thằng Lâu Văn Mua con trai ông Cụa. Nhà Mua tuy nhiều trâu béo bò đẹp nhưng xấu cái bụng. Mua đã từng cưới vợ, nhưng người vợ bỏ đi vì bị đánh đòn nhiều. Thấy Mén xinh xắn, Mua đòi bố sang hỏi cưới, Mén không chịu, bố mế cũng không ép. Đến khi nhà có đám tang, bố mế hỏi vay con bò, rồi bí quá đành hứa gả con trả nợ. Nhà thằng Mua có của ăn của để, bố mế hi vọng Mén về đấy cũng đỡ khổ hơn.

 

Nhưng bố mế đâu biết hết cái ác của thằng Mua. Có lần trên rẫy vắng người, Mua tìm cách bắt nạt Mén, nhưng Mén có con dao rựa trong tay thủ thế nên nó chưa làm gì được. Nó còn bắt nạt cả con Chứ  nữa. Thằng Mua đè nghiến con Chứ trên chòi rẫy, nghe tiếng la hét của bạn, Mén kịp chạy đến, bẻ cành cây đập thằng Mua tới tấp. Thằng Mua đau quá phải buông con Chứ ra, nhưng dọa nếu hai đứa nói với ai chuyện này sẽ giết cả nhà. Từ đó, Mén và Chứ lên rẫy hay đi rừng hái măng kiếm củi đều rủ nhau đi cùng và luôn mang theo dao phòng thân. Hai đứa không dám nói với người lớn vì sợ thằng Mua biết sẽ trả thù. Mén đã từng nhìn thấy thằng Mua chém lả con bò bản lạ khi sang ăn lúa ở rẫy nhà nó. Con bò lặc cái chân què đến đầu ngọn thác ở suối Khao thì kiệt sức, lăn xuống suối chết.

 

Con Mén biết bố mế không thể trả nợ đúng hẹn được, nên việc gả nó cho thằng Mua sẽ chắc như đinh đóng cột. Người Mông không được nói dối, nếu ai nói hai lời thì Giàng sẽ phạt chết. Ông Cụa bảo đến hết tháng giêng sẽ sang lấy người về làm dâu. Mén rụng rời tay chân khi nghĩ tới việc mình phải sống chung với thằng Mua ác như thú rừng. Mén tưởng tượng cái cảnh nó bắt nạt mình và con Chứ trên rẫy, cảnh nó vung con dao sáng loáng chém con bò lìa chân… Thế là Mén trốn đi luôn. Mà Mén cũng chẳng biết nơi nào để trốn, ngoài việc tìm đến nhờ cậy cô giáo Cúc.

 

***

 

Lần này lên bản Pá Đén, cô giáo lưỡng lự lắm, không biết có nên nói tất cả sự thật rồi thuyết phục bố mế con Mén một lần nữa hay không? Chợt nhìn thấy Đại úy Lâu Văn Pao cũng đang đi xe sang bản, cô gọi  anh Pao hỏi ý kiến. Anh Pao nghe xong, hai người cùng lên nhà Mén dò xem tâm lý bố mế con bé ra sao, rồi mới nghĩ cách giải quyết thỏa đáng nhất.

 

Vừa đến đầu hồi, nghe tiếng mế con Mén đang khóc, trách chồng không đi tìm con mà suốt ngày say sưa. Bố con Mén bực mình quăng cái nồi đánh xoảng: “Biết nó ở đâu mà tìm. Nó mà về là tao giết, tao giết! Còn nợ một con bò đó, sang năm nhà lão Cụa đòi lên thành hai con đấy, lấy gì mà trả nếu nó không về lấy chồng trừ nợ!” Mế con Mén càng khóc bù lu bù loa, mấy đứa trẻ nghe bố mế cãi nhau ầm ĩ cũng khóc theo như một dàn đồng ca. Mế con Mén la lối: “Hay nó đi vào rừng ăn lá ngón  tự tử rồi…” Lúc này, bố con Mén im lặng, có lẽ anh ta cũng sợ hãi trong lòng khi nghĩ nếu không may đúng như vợ nói…

 

Anh Pao cùng cô giáo Cúc bước vào, cặp vợ chồng Xua và Dơ im bặt. Dơ tìm cái ghế để cô giáo và anh Pao ngồi cạnh bếp lửa cho đỡ rét, rồi lấy bình rượu ra. Đại úy Pao giữ lấy cái bình nói: “Người Mông ta quý nhau thì mời uống rượu, nhưng chỉ uống một ly thôi, uống say không làm được việc gì, uống nhiều nữa là ung thư cái dạ dày , giống như bác Dính đó. Người Mông ta muốn giữ nòi giống phải tránh cái ma men ra”.

 

Thao Văn Dơ thủng thẳng: “Người Mông ai chả  uống rượu, ung thư dạ dày là do cái con ma bệnh nó làm thôi chứ không phải do rượu đâu. Còn  muốn giữ nòi giống thì phải lấy vợ lấy chồng, đẻ con. Cho nên phải tìm bằng được con Mén về cho đi lấy chồng”.

 

Anh Pao nói, cô giáo nói, chả hiểu bố con Mén có thấu được không mà cứ ngồi im như tượng. Cuối cùng, bố con Mén chốt một câu: “Cái miệng ta không nói dối nhà ông Cụa được. Phải tìm bằng được con Mén về lấy chồng thôi. Vì ta chưa trả được con bò đâu!”

 

Người ta bảo cái lý của người Mông là khó bẻ nhất. Cô giáo thấy bí quá. Cô hỏi: “Nếu bây giờ trả đủ tiền cho ông Cụa thì có bắt con Mén đi lấy chồng nữa không?” Dơ ngồi thừ ra, rồi bảo: “Dù có  trả được bò cho ông Cụa thì con Mén cũng đi mất tích rồi. Biết tìm nó ở đâu bây giờ?”

 

Xua ngồi bên bậu cửa, nghe chồng nói đến đây, khóc nức: “Cái cán bộ với cô giáo ơi, có phải con Mén sợ lấy chồng nên vào rừng ăn lá ngón rồi không?”

 

Cô giáo và anh Pao nhìn nhau, rồi tiếp tục thuyết phục nhà Dơ. Con Mén chưa đến tuổi thành niên. Nhà nước cấm tảo hôn rồi, người Mông bắt con cái lấy chồng lấy vợ sớm khi cơ thể chưa phá triển đầy đủ là sẽ thui chột nòi giống, không những thế còn vi phạm pháp luật. Anh Pao dẫn chứng những cặp vợ chồng tảo hôn, đẻ con ra toàn ốm đau dặt dẹo. Vợ chồng Dơ ngẫm thấy đúng, lúc mới lấy nhau cơ thể Xua còn non nớt nên sảy thai mất lần mới đẻ được con Mén, lũ em nó ra đời đứa nào cũng còi cọc, bụng ỏng đít beo. Anh Pao tiếp tục phân tích: nếu  anh chị em họ hàng cận huyết thống mà lấy nhau  thì con cái sinh ra sẽ bị dị tật. Nhà ông  Cụa còn là họ hàng gần bên mẹ đẻ của Dơ chưa quá ba đời, nếu tính ra thì Dơ còn phải gọi ông Cụa là cậu họ, vì vậy không thể cho con Mén lấy thằng Mua được. Dơ cãi: Thằng Mua là trai họ Lâu, còn con Mén là gái họ Thao, đã khác họ rồi không sợ nữa. Anh Pao phải lấy thêm dẫn chứng ngay tại Pha Đén, những cặp vợ chồng lấy nhau, đẻ ra con bị bạch tạng hoặc tàn tật, đó là những căn bệnh biến đổi gien do hôn nhân cận huyết gây ra. Thao Văn Dơ chẳng hiểu lắm những lý lẽ  pháp luật và khoa học mà anh Pao phân tích, nhưng nghe những chuyện anh dẫn chứng đều thấy đúng cả, nên im lặng.

 

Anh Pao hứa sẽ đi tìm bằng được con Mén, còn cô giáo nói sẽ tìm cách giúp nhà Dơ trả nợ, chỉ cần cho con Mén đi học lại và không ép nó lấy chồng nữa, vợ chồng Dơ nhất trí. Thực ra nhà Dơ không sợ nợ nần bằng việc chẳng tìm được đứa con dứt ruột đẻ ra, và lo nhất là không may nó nghĩ dại mà lên rừng ăn lá ngón tự tử thành con ma, thân xác nằm đâu không tìm thấy thì đau xót lắm.

               

***

 

Cô giáo Cúc sắp chuyển về xuôi với gia đình. Cô đã gắn bó với vùng cao suốt hai mươi năm qua. Cũng may, năm nay có một cô giáo trẻ mới ra trường về thay thế, nên cô Cúc cũng yên tâm. Những năm đầu lên vùng cao, cô Cúc phải đưa con nhỏ lên trường ở cùng, khi các cháu lớn hơn một chút, đến tuổi đi học thì gửi về xuôi nhờ ông bà trông nom. Nay con lớn đã học đại học rồi thì ông bà lại già yếu bệnh tật, nên cô phải xin về quê để tiện chăm sóc. Nhiều năm qua dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cô không về xuôi được chỉ vì chưa có giáo viên thay thế. Các đồng chí lãnh đạo địa phương thuyết phục cô ở lại thêm vài năm, cô nể tình cứ chần chừ mãi…

 

Đầu tuần, đồng chí trưởng phòng giáo dục đã điện về cho thầy Hiệu trưởng, rằng hôm nay nhà trường sẽ tiếp nhận giáo viên mới và có quyết định chính thức cho cô giáo Cúc chuyển trường. Các đồng nghiệp đang sửa soạn bữa tiệc chia tay người cũ, chào đón người mới. Cô Cúc cũng chưa biết ai sẽ về thay thế mình. Gắn bó với vùng đất biên cương này như quê hương thứ hai, bà con các dân tộc nơi đây như họ hàng thân thiết, giờ phải rời xa, cô giáo Cúc không khỏi xúc động. Cô xếp gấp đồ vào va li, mắt ngấn nước vì buồn vui lẫn lộn trong lòng.

 

Chợt một cô gái trẻ khoác áo choàng đỏ ào vào như cơn gió, ôm chầm lấy cô Cúc: “Cô giáo ơi, cô giáo ơi!” Cô Cúc ngạc nhiên: “Em là, em là…” “Cô không nhận ra con sao? Cô nhìn kỹ lại đi nào?” Cô gái trẻ đứng nghiêm trước mặt cô giáo Cúc, mắt cười, miệng cười. “Ôi con Mén! Con lớn thế này rồi ư?” “Vâng cô, hôm nay con về trường nhận việc ạ!” Trời, hóa ra cô giáo mới của trường đây sao! Tự dưng nước mắt cô giáo Cúc trào ra không kìm lại được. Hai cô trò ôm nhau nghẹn ngào không nói nên lời.

 

Cô giáo Cúc hồi tưởng lại câu chuyện mấy năm trước. Sau khi từ nhà Mén về, cô  suy nghĩ lung lắm, làm cách nào để giúp nhà Mén trả nợ. Cô chợt nhớ tới người bạn đang hoạt động trong một tổ chức thiện nguyện xã hội, bèn gọi điện xem sao. Thật không ngờ, chỉ một tháng sau, đoàn thiện nguyện do người bạn cô dẫn đầu đã về tận bản Pá Đén, mang mấy chục con bò tặng cho các gia đình nghèo. Nhà con Mén cũng được tặng một đôi bò giống. Ít lâu sau, con bò cái đẻ một chú bê con, thế là bố mế Mén có bò trả nợ cho ông Cụa.

 

Thằng Mua con trai ông Cụa vốn bản tính hư hỏng, theo người lạ đi buôn ma túy kiếm tiền ăn chơi, bị bộ đội biên phòng bắt quả tang, phải đi tù mấy năm. Đến lúc ấy, con Mén mới thoát nỗi sợ hãi, nghe lời cô Cúc trở về nhà. Bố mế mừng lắm, cảm ơn Giàng luôn miệng vì may là con Mén không ăn lá ngón chết thành ma như mọi người lo sợ, cũng không phải đứa gái hư đi theo trai bản lạ như thằng Mua nói. Theo đúng lời hứa với cô giáo, bố mế cho Mén đi học trở lại. Số tiền làm thuê dành dụm bấy lâu, Mén không phải trả nợ nữa mà dùng để đi học. Con Mén học đến hết trung học phổ thông, theo lời cô giáo Cúc khuyên, thi vào đại học sư phạm để mang cái chữ về dạy cho  người Mông.

 

Bốn năm đại học, Mén vẫn thư từ, điện thoại đều cho cô, kể nhiều chuyện vui và cho biết còn được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mời đi dạy tiếng Mông cho các cán bộ vận động quần chúng. Nhưng cô trò không có dịp gặp nhau, vì cứ hè hoặc tết thì cô về xuôi thăm gia đình, còn Mén thì tranh thủ đi dạy tiếng Mông cho bộ đội, hoặc làm gia sư kiếm tiền ăn học. Chuyện gì Mén cũng kể với cô Cúc, duy chỉ có chuyện Mén đã thi đậu công chức ngành giáo dục, về công tác đúng ngôi trường mình đã học thì Mén chưa kể, vì muốn dành sự bất ngờ cho cô. Mén  nghĩ sẽ được cùng cô giáo Cúc giảng dạy dưới một mái trường, nhưng giờ cô lại chuyển về xuôi, nên rất tiếc.

 

Bữa tiệc chia tay vô cùng cảm động diễn ra trong buổi tối mùa xuân giữa sân trường. Bên ngọn lửa rực hồng, những ly rượu sóng sánh nghĩa tình xua đi cái lạnh giá của vùng cao.

 

***

 

Ở Pá Đén, Thao Thị Mén và Hơ Thị Chứ là hai cô gái Mông đầu tiên đi học đại học, Mén trở về làm cô giáo, còn Chứ thì được tuyển vào đài truyền hình tỉnh làm biên tập viên chương trình tiếng dân tộc.

 

Căn phòng tập thể của cô Cúc năm xưa, giờ Mén lại vào ở. Lớp học cô Cúc đang dạy dở, Mén thay thế đúng bộ môn của cô.

 

Vì yêu quý cô giáo Mén, nên người Mông ở Pá Đén rất lo cô … ế chồng. Họ bảo: Giờ cô nhiều chữ hơn tất thảy bọn trai bản, chắc không ai dám lấy cô vì chồng kém vợ, bị vợ dạy dỗ thì xấu hổ lắm. Còn người Kinh thì không lấy  người Mông đâu, cũng như con trâu không ở cùng con bò bao giờ! Ông Bí thư đảng ủy xã Hơ Văn Pó hồi còn đi học ở thành phố từng yêu một cô gái người Kinh, nhưng các cụ trong họ cấm không cho lấy, vì quan niệm người Mông không được pha trộn dòng giống. Các cụ bảo  nếu không nghe thì đuổi ra khỏi họ, ông Pó không dám cãi lời, đành phải dứt bỏ mối tình mơ ước, về quê lấy vợ theo ý các cụ.

 

Bố mế Mén lo lắm, giục Mén tìm chồng nhưng cô chỉ cười và chăm chỉ dạy học. Còn bố mế Chứ thì thậm chí còn bắt con gái bỏ đài truyền hình về xã làm việc, vì “trai thành phố không lấy gái Mông đâu, phải về quê mới lấy chồng được”. Rồi cuối cùng thì Chứ cũng kết hôn với  một chàng trai dân tộc Mông công tác tại Ban dân tộc tỉnh. Bố mế Chứ  hết lo, nhưng bố mế Mén càng thêm sốt ruột vì mỗi mùa xuân qua, vẫn chưa thấy con gái “bắt chồng”.

 

Ba năm sau, một buổi tối mùa xuân. Cô giáo Cúc mở ti vi xem chương trình Tiếng dân tộc mà cô yêu thích, đúng lúc hai cô học trò quý cùng xuất hiện, Mén là nhân vật chính của phóng sự, Chứ là người dẫn chương trình. Cô giáo Cúc ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết.

 

 Được Sở Giáo dục đào tạo giới thiệu, Biên tập viên Hơ Thị Chứ và anh em đồng nghiệp ở Đài truyền hình về huyện nhà làm phóng sự về gương một cô giáo trẻ dân tộc thiểu số dạy giỏi. Chứ về đến nơi, hóa ra lại chính là bạn mình, cô giáo Thao Thị Mén. Vì vậy, hôm nay cô giáo Cúc mới được thấy hai “hạt giống” do chính tay mình gieo trồng đã thực sự trở thành những bông hoa đẹp của núi rừng.

 

Xem xong chương trình, cô giáo Cúc chợt nghe tiếng gõ cửa, liền ra mở. Hai cô gái trong trang phục Mông tươi cười xuất hiện cùng giò phong lan lớn trên tay, hóa ra là Mén và Chứ. Lần này về thăm cô giáo cũ, Mén còn mang theo cả thiệp hồng mời cô về bản Pá Đén dự đám cưới mình.

 

Lâu lắm rồi cô giáo Cúc mới có dịp trở lại đỉnh cao Pá Đén. Ánh mặt trời đang xua dần lớp sương mù bao phủ. Những nhành hoa đào, hoa mận khoe sắc dưới nắng xuân. Pá Đén rộn ràng tiếng khèn tiếng sáo. Hôm nay dân bản tiễn cô giáo Mén về nhà chồng. Lễ cưới cô giáo Thao Thị Mén và Trung úy Trần Dũng bộ đội biên phòng cắm bản diễn ra náo nhiệt nhất từ trước tới nay, đông vui hơn cả hội xuân. Lần đầu tiên có một cô gái dân tộc Mông kết hôn với một chàng trai dân tộc Kinh ở miền xuôi, đây là chuyện xưa nay chưa từng có đối với người Mông ở vùng rẻo cao này. Cô giáo Cúc thấy mình như đang sống trong giấc mơ kỳ diệu: Con Mén mười ba tuổi hôm nào còn dọa ăn lá ngón vì bị ép lấy chồng, hôm nay đã trở thành một cô dâu xinh xắn, rạng ngời trong niềm hạnh phúc lứa đôi!.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Đường mưa – Tống Ngọc Hân

>> Người quê – Y Mùi

>> Hạt phấn cuối cùng – Lê Quang Trạng

>> Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Dưới chân đèo cả – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Tạp hoá – Phát Dương

>> Tết sớm ở làng chài – Nguyễn Quốc Trung

>> Thuyền lá – Sương Nguyệt Minh

>> Ấm áp mùa Noel – Phan Trang Hy

>> Gió heo may – Nguyễn Quang Thân

>> Câu chuyện giữa rừng – Lê Hải Chinh

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…