Mãi mãi bay cao – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

520

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tin thầy Thảo gốc giáo viên tiểu học đậu Cử nhân vừa loan ra, gây nên hai luồng dư luận khác nhau. Người hiểu hoàn cảnh Thảo, tỏ ra chân thành khâm phục, coi anh như tấm gương sáng điển hình cho một ý chí tự học, tự cầu tiến hiếm thấy. Người không biết hoặc có thành kiến thì chưa tin hoặc hoài nghi đến độ mỉa mai về ý chí vươn lên trong học tập với thành quả rực rỡ của anh.

Ảnh minh họa

Xuất thân từ một gia đình nông dân mà gần hết họ hàng trong bao thế hệ coi trọng việc “vác giạ đong lúa” hơn là đong chữ, Thảo đã phấn đấu hết sức cam go trong học hành từ lúc còn bập bẹ, từng chữ A, B,… từ lớp sơ đằng trường làng tới khi anh bước chân qua ngưỡng cửa đại học.

Biết cha Thảo dự định cho Thảo khởi sự vào học lớp Năm, cô Ba của Thảo bảo với cha anh:

– Thằng Năm nó ốm yếu, lại hay bị lên suyễn, cậu nên để nó ở nhà sau này trông coi vườn tược là hơn.

Cha mẹ Thảo không nói gì. Những ngày đi học trời mưa lạnh lẽo, đường đất trơn trợt, cha muốn Thảo ở nhà vì sợ bị bệnh. Thảo không đồng ý, nằn nì nhất quyết xin đến trường. Nếu không được thỏa mãn, Thảo chui trốn dưới gầm bàn chẳng chịu ăn cơm. Cha Thảo thương con, đành cho đi học mà không quên bỏ vào túi áo bà ba một chai thuốc suyễn và căn dặn con nhớ uống thuốc khi bị lên cơn bệnh. Thảo cũng đem theo phòng hờ một gói tiêu hột để trợ lực cơ thể vì bệnh suyễn rất sợ lạnh. Dù mang căn bệnh ngặt nghèo ngay từ nhỏ sau khi bị chó cắn, Thảo đã phấn đấu một cách say mê trong học tập. Cuối năm lớp Ba, sang tỉnh Cần Thơ thi, Thảo đậu được “Văn bằng sơ đẳng tiểu học” với lời khen “Giỏi tiếng Pháp”. Rời trường học ở làng quê lên tỉnh, Thảo vào học lớp Nhì. Ham học, tính nết lại ngoan hiền, luôn được thầy thương bạn mến, từ các lớp tiểu học đến các năm ở trung học, Thảo thường đứng nhất lớp hầu hết các môn thi và luôn được xếp ưu hạng với hạnh kiểm thật tốt vào cuối năm học do hội đồng giáo viên. Tên Thảo luôn được ghi lên “Bảng danh dự” treo ở một nơi trang trọng của nhà trường.

Tình hình kinh tế của đất nước và địa phương lúc bấy giờ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của hoàn cảnh chính trị. Cha mẹ Thảo vất vả công việc ruộng vườn, thắt lưng buộc bụng lo cho anh em Thảo ăn học, mà gia đình lần lần lâm vào cảnh túng thiếu.

Những cây xoài cằn cỗi ít trái bị đốn, đem bán làm củi. Mấy công ruộng xa nhà, cha Thảo cũng sang lần cho người khác. Nhiều đêm nghĩ đến gia đình ở quê nhà, Thảo cảm thấy xót xa, yêu thương cha mẹ vô cùng. Để bù đắp phần nào vào công ơn to lớn của các bậc sinh thành, Thảo càng tập trung vào học tập, luôn giữ vững được thành tích đã đạt.

Biết cha mình thích nghề dạy học nên sau khi đậu Trung học Đệ nhất cấp, sức học còn đang vươn lên như chồi non, nghĩ đến gia đình, thương cha mẹ, Thảo xin thi vào trường Quốc gia Sư phạm ở Sài Gòn. Chăm chỉ học hành, anh đã tốt nghiệp sau ba năm với ngạch giáo học bổ túc. Thảo chọn dạy tại một trường tiểu học huyện để được gần gũi các em còn đang đi học. Cuối tuần anh đi xe đò về thành phố gặp các em. Sáng chủ nhật, Thảo chạy xe đạp về quê thăm cha mẹ, anh chị, hỏi han thêm công việc ruộng vườn.

Ổn định xong nhiệm sở chính của mình, Thảo xin dạy thêm ở Trung tâm văn hóa cho một người bạn học cũ tổ chức. Anh dành dụm phần tiền thu nhập thêm để mua sách tự luyện thi tú tài. Mỗi đêm, vừa soạn bài dạy cho học trò, anh vừa phải dành riêng thời gian cho mình để chuẩn bị vào thi Tú Tài.

“Đi không chẳng lẽ lại về không?/ Cái nợ cầm thư phải trả xong”. Anh thường lẩm nhẩm trong óc hai câu thơ đầu trong bài “Đi thi tự vịnh” của Nguyễn Công Trứ như thế. Sau khi đậu bằng Tú tài phần nhất, Thảo được chuyển lên dạy trường Trung học huyện.

Một lần, mẹ Thảo từ quê ra thành phố thăm anh em Thảo với một giỏ xoài chín và xâu khô cá lóc:

– Con lớn rồi, mẹ với cha mày đã già yếu mà chưa có cháu nội. Làm gì con cũng phải có gia đình. Mẹ Thảo, vừa nhai trầu, vừa nói chậm rãi với vẻ mặt thoáng buồn khi nhìn thấy anh cầm kim bé tí kết lại từng cái nút áo bị sứt, hay khâu lại cái lai quần cũ sứt đường chỉ. Anh thương mẹ một đời tần tảo nắng mưa suốt năm bán từng bó rau, trái mướp, chắt chiu dành dụm từng đồng từng cắc lo cho các con ăn học. Nhìn mái tóc mẹ hơn nửa phần ngả màu khói trắng, Thảo nghe lòng đau đáu một nỗi xót xa, khiến anh càng nghĩ ngợi sâu xa hơn những lời mẹ hiền vừa nói.

Sau ba năm dạy học, anh gặp Thủy – một cô giáo nghèo, sớm mồ côi cha đang dạy ở trường tiểu học cùng huyện. Qua sinh hoạt chung ở trường học và những lần Thủy đến nhà anh chơi, Thảo dễ nhận ra cô có quan tâm đến mình dù anh biết Thủy từng có vấn đề tình cảm với một giáo viên cùng tỉnh trước khi cô đổi về đây. Cha Thảo trong một lần gặp Thủy cũng nói:

– Tao coi bộ con Thủy nó thương mày.

Cưới Thủy được một năm thì Thảo và vợ được đổi về dạy ở tỉnh nhà của anh. Thảo sắp xếp lần việc gia đình để lo học thêm. Thủy thông cảm với chồng, quán xuyến hầu hết công việc nhà cửa để anh yên tâm lo đèn sách. Hơn một năm sau, Thủy sinh đứa con gái đầu lòng thì anh đậu liên tiếp trong năm Tú tài toàn phần. Vươn lên từ cuộc sống đạm bạc của gia đình để có được kết quả đó, Thảo thỏa mãn đón nhận niềm hạnh phúc tất yếu cho anh, cho Thủy và cả cha mẹ. Trong khi bạn bè Thảo có được chỗ đứng trong xã hội, đứa thì lo làm giàu, đứa lại sa đà vào cảnh hưởng thụ ăn chơi, tất cả nhìn Thảo như một thằng mê chữ, ngờ nghệch không thực tế.

Mặc họ, mỗi người có một nhân sinh quan riêng, Thảo sống theo phương châm và lý tưởng của riêng mình. Ngoài những buổi dạy ở trường công, Thảo xin dạy thêm một số giờ ở các trường tư. Anh bố trí khít khao giờ giấc vàng bạc mỗi ngày trong tuần hợp lý, hết sức tiết kiệm thời gian để tập trung làm việc với phương châm: “Làm việc hết mình và không ngừng cầu tiến”. Thảo luôn nói với lòng mình như câu kinh nhật tụng như thế.

Ngoài những buổi đến trường lớp hay gặp mặt thù tạc cho có lệ với bạn bè, anh đều ở nhà, rút vô một góc phòng yên tĩnh để “tu luyện”. Thảo cương quyết giảm bớt sự tiếp xúc không cần thiết với mọi người.

Hiểu biết và yêu thương thương chồng, đêm đêm sau khi soạn bài và dỗ xong giấc ngủ cho con, Thủy ngồi bên cạnh võng quạt muỗi cho anh yên tâm học bài, hay pha cà phê cho Thảo uống để anh trấn áp cơn buồn ngủ. Những lúc ấy, Thảo thấy càng thương vợ mình nhiều hơn, đôi khi lóe sáng lên trong đầu anh ý nghĩ: “Một mai anh chiếm bảng vàng. Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”… Sực tỉnh, anh tự cười thầm.

Nhưng rồi anh nồng nhiệt khẳng định một cách tin tưởng: “Muốn tiến trong đời, ai mà không ngó cao. Phải ngước nhìn lên trời xanh mới thấy được sao Bắc đẩu chứ”. Thảo coi tư tưởng đó là một kim chỉ nam, soi đường hành động cho anh. Đôi lúc quên đi những mệt mỏi về tinh thần và nỗi lo toan nặng trĩu về vật chất cho vợ con, Thảo cũng cảm nhận được nhiều sự an ủi của những người gần gũi anh hàng ngày. Những lúc bận dạy, vào trường đại học trễ thì đã có các bạn sinh viên sẵn lòng giữ chỗ ngồi trước cho anh, lãnh hộ bài học hoặc truyền lại thông tin cần thiết giúp anh. Cả những bạn têu tếu vòi anh lo lót, trả công bằng chai bia hay ly đá đậu, Thảo cũng vui vẻ chấp nhận.

Dạy học, đến giảng đường ghi “cours” rồi về đến nhà thì lắm khi trời đã tối mịt, Thảo mệt nhoài thể xác, đầu óc chuếnh choáng men bia nhưng cũng cố giúp vợ làm các công việc lặt vặt ở nhà trong buổi tối cho xong mới ngồi vào bàn học. Trong những lúc ấy, anh cảm thấy ấm áp hơn khi nhìn Thủy tiếp tục mang cho anh tách cà phê đen hay un cho anh một mẻ vỏ bưởi, vỏ quít khô để trừ muỗi đặt dưới gầm bàn viết nơi anh thường ngồi làm việc. Mùi nồng hăng hắc quyện với hơi khói cay cay bốc lên từ chiếc thau mẻ un muỗi, làm ấm áp chân làm cay cay mắt Thảo, bay lan khắp phòng gây cho anh một cảm giác thân quen dễ chịu…

Sáng ngày nhận được thư mời dự lễ Tốt nghiệp Cử nhân, nhìn chiếc phong bì dài, trắng tinh xinh xinh như màu áo nữ sinh, Thảo nghe tim mình đập mạnh. Như có một luồng hơi nóng râm ran chạy khắp người, anh cảm giác mình được trẻ lại với lớp áo thư sinh của quãng đời còn hồn nhiên và ngây thơ chỉ biết cắp sách đến trường. Đôi mắt Thảo nghe ươn ướt nóng dần. Trang giấy trắng tinh khôi, xếp ba nằm trong đôi tay anh trở nên nằng nặng như có linh hồn, ăm ắp bao nghĩ suy và kỷ niệm ân tình. Thảo viết ngay thư tay, xuống bến Ninh Kiều nhờ người chủ tàu quen, gởi về quê mời ba mẹ ra tỉnh dự lễ Đăng khoa của anh.

Buổi lễ được tổ chức long trọng trên một khuôn viên rộng của trường đại học. Khán đài lớn trang nghiêm với mái che vươn lên trời cao, giữa những hàng cờ phướn rực rỡ đủ màu. Các vị tân khoa, vẻ mặt tươi thắm, đi đứng chậm rãi, xúng xính trong bộ lễ phục màu đen mới mặc lần đầu. Thảo nắm tay ba mẹ, hướng dẫn đến những chiếc ghế trên khán đài sau khi chụp nhanh nhẹn mấy “pô” hình trước sân trường Đại học. Thảo cảm thấy hơi ấm quen thuộc từ bàn tay cha già chai cứng quyện với mùi long não phảng phất từ bộ áo tân khoa lạ lẫm, khiến anh vừa ngất ngây, vừa sung sướng khôn cùng. Thảo xúc động, trong một thoáng, trí nhớ quay lại chuỗi ngày sách đèn luyện tập đầy gian nan cực nhọc đã qua. Nhưng chính nhờ một nghị lực bất biến kèm theo sự đam mê được thăng hoa trong biển chữ, Thảo mới sở hữu được một chỗ đứng ý nghĩa trong xã hội. Hôm nay, anh thực sự là cử nhân. Có bạn thân hiểu hoàn cảnh Thảo gọi vui anh là Cử nhân… bò! Thầy giáo vườn Trần Văn Thảo không tự ái, cũng chẳng hờn bạn mà cảm thấy vui vui chấp nhận câu nói ấy tự trong sâu thẳm trái tim mình như một chân lý.

Dù vậy, Thảo nghĩ lại mình còn khắc ghi mãi nghĩa ân sâu nặng của những người làm cỏ, quét rác, dọn đường sạch sẽ hay cỗ vũ cho anh bò tới đích nhắm gần nhất hôm nay của mình. Đó là những người bạn hiểu anh, cha mẹ anh, thầy cô đã tận tụy dìu dắt anh và những người tốt từng giúp đỡ, động viên anh. Nghĩ tới những người ấy, Thảo càng cảm thấy yêu đời, tin tưởng hơn và cũng tự hứa với lòng mình sẽ còn tiếp tục bò… nữa. Đó là “Cái giá phải trả” nếu mình có ước vọng  mãi bay cao trên đường đời.

N.T