Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Không gian văn nghệ phương Nam trong thời kỳ tiền Cách mạng tháng Tám không thiếu vắng những ngôi sao tỏa rực ánh hồng chói sáng cả ba miền. Đất Tây Đô phì nhiêu văn hiến, ngay từ những ngày đầu tổ tiên dày công khai hoang mở cõi, được coi là thị trấn cầm thi của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại thành phố Cần Thơ “gạo trắng nước trong” đã xuất hiện những minh tinh nghệ thuật, đem trí tuệ, tài năng đóng góp hết mình cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Chỉ khu biệt trong phạm vi hơn mười cây số vuông của một vùng địa linh nhân kiệt với nhiều danh sĩ như Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường… Họ là những tên tuổi tài hoa, nhân cách cho đến hôm nay vẫn còn đậm nét son tươi trong thiên hùng sử đấu tranh của dân tộc. Với Mai Văn Bộ, ông không chỉ là một nhà chính trị nổi tiếng mà còn được coi là nhà hoạt động nghệ thuật lẫy lừng cả nước suốt cả hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Mai Văn Bộ.
Thốt Nốt là một thị trấn ven sông xinh đẹp, màu mỡ với cù lao Tân Lộc trù mật, nổi bật với vườn sinh thái xanh um cây trái nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa bốn mùa lặng sóng của vùng sông nước Tây Nam bộ. Vào thập niên 1980 của thế kỷ trước, lúc còn đi dạy ở trung học Cờ Đỏ hoặc đi thực tế trong đoàn văn nghệ sĩ, tôi đã có nhiều cơ hội lân la với bà con địa phương, để hiểu biết thêm mảnh đất sung túc về tài nguyên và con người tài hoa của quận lỵ giàu tình đất tình người này.
Mai Văn Bộ (1918-2002) là người Thốt Nốt, một quận lỵ ven sông cách xa Cần Thơ 40km về hướng Long Xuyên. Xuất thân tư một gia đình trung lưu lễ giáo nho phong có uy tín tại địa phương, cậu bé chăm học Mai Văn Bộ tiến nhanh trên con đường học tập. Đến tuổi trưởng thành, Mai Văn Bộ kết duyên với con gái của Đốc học Phan Văn Nga, tỉnh Biên Hòa – Phan Thị Kỷ vốn là hoa khôi trường Áo Tím (Gia Long), Sài Gòn. Ông có 5 người con: Mai Quỳnh Lâm (sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa), Mai Tuyết Mai, Mai Phương Mai (PGS.TS Dược – Đại học Y Dược Sài Gòn), Mai Hội Vũ (BS. Y Khoa), Mai Xuân Lộc (Kỹ sư Xây dựng). Dù các con hầu hết đều thành đạt, nhưng trước năm 1975, tình cảnh chồng vợ, cha con phải sống trong cảnh ngộ thật trớ trêu của thời chiến tranh. Con gái thứ hai và con trai thứ ba cùng tập kết ra Bắc (1954) cùng cha mẹ lớn lên học trường Học sinh Miền Nam. Anh Tư và chị Năm không đi theo cha mẹ, ở lại với ông bà ngoại để gia đình ông bà bớt cô quạnh cho tới ngày thống nhất đất nước mới được đoàn tụ đầy đủ với gia đình. Chỉ có cậu út Mai Xuân Lộc sinh ra ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và lớn lên đi học Liên Xô. Nghiệt ngã nhưng không là hiếm gặp trong tình cảnh không ít của nhiều gia đình cách mạng lúc bấy giờ, con trai thứ tư Mai Quỳnh Lâm ở lại miền Nam, được Đảng và Nhà nước làm cho bản lý lịch giả, cha đi buôn bán và đã mất. Lớn lên, Mai Quỳnh Lâm đi học rồi bị tổng động viên vào học trường sĩ quan Đà Lạt, sau đó ra làm trong ngành không quân. Từ khi vào quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mai Quỳnh Lâm vẫn được cách mạng theo dõi, liên lạc và đã giao nhiệm vụ cho Mai Quỳnh Lâm chui sâu vào trong quân đội Cộng hòa. Mai Quỳnh Lâm mang lon thiếu úy, âm thầm dẫn dắt đường bay. Trước khi có cuộc bố ráp nào, anh đều bí mật cung cấp thông tin kịp lúc ra vùng giải phóng để bảo vệ cán bộ cách mạng và bà con.
Sau khi đỗ Tú Tài (1940), Mai Văn Bộ ra Hà Nội tiếp tục bậc Đại học và kết thân với Lưu Hữu Phước là bạn đồng hương cùng lý tưởng chính trị và yêu thích văn chương nghệ thuật. Trong bộ tam sên văn nghệ Hoàng – Mai – Lưu, Mai Văn Bộ – có khi là Huỳnh Văn Tiểng – là ngòi bút chủ lực, đảm trách phần viết lời. Trong thời gian học ở trường Đại học Y khoa Hà Nội, Mai Văn Bộ viết các bài: Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng… rồi đưa cho Lưu Hữu Phước phổ nhạc. Những bài hát về sau đã trở thành những khúc ca hùng tráng ca ngợi truyền thống đánh giặc của tổ tiên, được hầu hết thanh niên, sinh viên thủ đô và cả nước ưa thích hát vang trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Năm 1941, Mai Văn Bộ viết tiếp lời bằng tiếng Pháp “La marche des étudiants” (Sinh viên hành khúc) dựa trên nền nhạc Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước và được Tổng Hội Sinh viên Đông Dương chọn làm bài hát nghi lễ. Năm 1942, Mai Văn Bộ được bầu vào Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh viên Đông Dương với chức vụ Trưởng ban Biên tập tờ báo Manôme-cơ quan ngôn luận của Tổng hội.
Bộ ba Hoàng – Mai – Lưu.
Tình hình đất nước mỗi ngày thêm căng thẳng trong những năm gần kề Cách mạng tháng Tám. Năm 1944, với lòng căm thù thực dân Pháp tàn sát đồng bào ở quê hương Nam bộ, Mai Văn Bộ nôn nóng tham gia “Đoàn quân” xếp bút nghiên về Nam tham gia kháng chiến. Tại Sài Gòn, Mai Văn Bộ phụ trách biên tập Tuần báo Thanh Niên – chuyên san Văn hóa – cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam – Kỳ bộ Nam bộ do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát phụ trách. Tuần báo Thanh Niên phát hành ngay giữa lòng Sài Gòn thành phố Sài Gòn, với nội dung kêu gọi giới trẻ và quần chúng lao đông yêu nước chuẩn bị lực lượng để tham gia vào các cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khi tuần báo Thanh niên bị đình bản (9/1944), đầu năm 1945, ông tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong và được giao trực tiếp tơ báo Tiến – cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Tiền phong.
Khi cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Mai Văn Bộ tích cực tham gia vào lực lượng giành chính quyền, sau đó được chính phủ cách mạng phân công làm Giám đốc Báo chí Nam bộ. Cuộc kháng chiến chính thức nổ ra (9/1945), ông ra chiến khu miền Đông phụ trách tờ báo Quyết Chiến, đồng thời tham gia vào lực lượng vũ trang và sau đó trở thành cán bộ chính trị đại đội. Khi trở về nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn (1947) hoạt động bí mật, Mai Văn Bộ xây dựng cơ sở với chức vụ Ủy viên Tuyên truyền, phụ trách biên tập tờ báo bí mật Liên Việt. Vốn là con người sinh ra từ quê hương cải lương Nam bộ, yêu nghệ thuật sân khấu ca nhạc dân tộc, năm 1948, Mai Văn Bộ đã tranh thủ với thủ với gian hoạt động chính trị hạn chế và căng thẳng để cùng các nghệ sĩ nhân dân: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Ba Vân cùng nhiều nghệ sĩ yêu nước khác thành lập đoàn hát Năm Châu, cơ sở hoạt động nghệ thuật sân khấu của Việt Minh đầu tiên trong giới nghệ sĩ thành phố. Gánh hát Năm Châu lúc bấy giờ được coi là địa chỉ đỏ an toàn để tập hợp, liên lạc cho anh chị em trí thức nghệ sĩ kháng chiến tại khu vực nội ngoại thành Sài Gòn. Một năm sau, Xứ ủy Nam bộ điều Mai Văn Bộ ra chiến khu phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Nam bộ cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Năm 1954, Mai Văn Bộ là thành viên của phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Sài Gòn. Sau đó không bao lâu, ông được cử sang Pháp với vai trò là Tổng Đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi cho đến năm 1973, Mai Văn Bộ tham gia trong phái đoàn ký hiệp định Paris về hòa bình tại Việt Nam giữa bốn bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ( 27/1/1973). Sau ngày thống nhất đất nước, Mai Văn Bộ được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam lần lượt tại Ý, Pháp. Bỉ, Hà Lan và Luxembourg (1980-1984). Là một trí thức, học giả Nam bộ, ông cũng đã chủ biên và viết nhiều tác phẩm giá trị *.
Với những cống hiến đáng kể và tấm lòng trung trinh đi theo con đường cách mạng trong một quốc phá gia vong, Mai Văn Bộ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Tóm lại, trong bộ tam sên nghệ thuật Hoàng Mai Lưu vang bóng của một thời chiến tranh, Mai Văn Bộ là biểu tượng xứng đáng cho tuổi trẻ trí thức Nam bộ, cho cuộc đời một nhà cách mạng yêu nước, cũng đồng thời là một chính khách tài hoa, giàu nhân cách mà hồn cốt mãi còn vương víu với món nợ văn chương.
N.T
* Ngoài hoạt động chính trị, ngoại giao và viết lời cho nhiều bản hùng ca nổi tiếng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phổ nhạc, Mai Văn Bộ cũng là một tác giả viết nhiều sách: Con đường văn dặm của Hồ Chí Minh (2004), Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ (1999), Lưu Hữu Phước – sự nghiệp âm nhạc (1998), Hà Nội – Paris: Hồi ký ngoại giao (1993)…