Maksim Gorky không bị “đầu độc”

656

08.4.2018-14:00

Văn hào Nga Maksim Gorky

 

Maksim Gorky trong hồi ức của người cháu gái

 

TRẦN HẬU dịch

 

NVTPHCM- Gorky mất sau con trai chỉ hai năm. Các nhà báo thích gây ấn tượng mạnh ám chỉ rằng Gorky bị đầu độc. Rằng, Stalin ghen tị với tiếng tăm lừng lẫy của nhà văn…

 

Di vật cuối cùng

 

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông (28.3.186828.3.2018), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu câu chuyện của Daria Maksimovna Peshkova, cháu gái của nhà văn. Daria Maksimovna Peshkova là nữ diễn viên đã 62 năm liên tục làm việc tại Nhà hát mang tên Vakhtangov. Hiện bà sống cùng gia đình con trai tại một biệt thự ở ngoại ô Moskva. Trong nhà hiện chỉ còn lại chiếc ấm samovar lớn – di vật duy nhất của ông nội, văn hào Maksim Gorky. Tất cả những đồ vật khác đã được bà nội Ekaterina Peshkova chuyển cho bảo tàng, sau khi Gorky qua đời.

 

Đối với Daria Maksimovna, Gorky trước hết là ông nội, sau đó mới là nhà văn nổi tiếng thế giới, tác giả “Bài ca chim báo bão”, “Người mẹ”, “Dưới đáy”, “Cuộc đời Klim Samgin” và bộ ba tiểu thuyết tự truyện “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”…

 

– Cho đến tận bây giờ trước mặt tôi vẫn hiện lên hình ảnh ông nội đang đứng và bỏ vào ấm samovar những quả sam mộc – Daria Maksimovna kể – Ông rất thích nghe tiếng nổ lách tách của chúng và nhìn ngọn lửa.

 

Dù sống bất cứ đâu, trong nhà luôn luôn có bếp lửa. Ở Krym, nơi gia đình chuyển đến sau khi từ Ý trở về để thích nghi với khí hậu, tối nào ông cũng nhóm lửa. Ông dậy rất sớm, ăn sáng xong và bắt đầu ngồi vào bàn. Buổi sáng, khi ông làm việc, không ai được quấy rầy ông. Còn buổi chiều, ông thích đi dạo cùng với các cháu – nhặt quả sam mộc và củi khô. Ông ăn mặc không cầu kỳ, thích complê màu xám và sơ mi màu xanh da trời.

 

Hai lần bị mắng

 

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Gorky mấy năm liền sống và làm việc ở Ý, nơi hai cháu gái ra đời.

 

– Tôi sinh ở Neapol. Trước năm 1932, cả gia đình sống ở Ý: ông nội, bố, mẹ, tôi và chị gái Marfa – Daria kể –  Trong đời, Gorky là một người ông hết sức bình thường: điềm đạm và hiền lành, không bao giờ mắng cháu, chỉ hai lần ông tỏ ra nghiêm khắc.

 

Ở Sorrento, trong ngôi nhà lớn do chúng tôi thuê có một phòng ăn cho trẻ con, nơi tôi và Marfa thường ngồi ăn. Hằng ngày, chúng tôi được ăn sáng bằng pho mát tươi hoặc cháo trân châu. Tôi rất ghét hai món ăn này và bắt đầu ném chúng vào bếp lò. Nhưng một hôm mọi người phát hiện ra chuột trong bếp, và ông nội biết tỏng chuyện gì đã xảy ra.

 

Sáng hôm sau, ông lặng lẽ mở hé cửa phòng ăn quan sát và phát hiện ra bữa sáng “biến” đi đâu. Ông túm lấy cổ tôi và gào to lên bằng cái thổ âm vùng Volga: “Cháu không biết xấu hổ à? Ở nước Nga trẻ em đang đói ăn, còn cháu thì đổ cháo đi!”.

 

Lần thứ hai ông nội bộc lộ sự nghiêm khắc ở Moskva. Lúc bấy giờ gia đình chúng tôi sống ở làng Gorki. Gần một tháng nhà văn Pháp Romain Rolland cùng với bà vợ người Nga đến chơi. Trong ngôi nhà hai tầng, khách được bố trí ở tầng hai vốn là phòng của trẻ con.

 

Lúc bấy giờ tôi và Marfa được chuyển xuống ở căn phòng dưới tầng một. Ông nội và hai vị khách thường đưa chúng tôi đi dạo chơi. Một lần, từ hiệu may, người ta gửi cho chúng tôi với tư cách các cháu gái của Gorky hai chiếc áo dài lụa màu xanh da trời có thêu những con chim én màu xanh rất đẹp.

 

Thời bấy giờ, đó là một món quà xa xỉ ngay cả đối với gia đình  nhà văn nổi tiếng. Phần lớn công dân Xôviết đều mặc áo vải bông, còn áo dài vải hoa được coi là áo buổi tối. Chúng tôi được mặc áo mới và hớn hở chạy vào phòng ăn gặp ông nội đang ngồi với Romain Rolland. Ông nội nhìn trang phục của chúng tôi và hỏi: “Ai cho các cháu?”. Khi nghe chúng tôi giải thích xong, ông tuyên bố thẳng: “Ngay lập tức cởi ra và mang tới nhà trẻ!”.

 

Ông lớn lên trong nghèo khổ và lang bạt, chính vì vậy, ngay cả khi ngự trên đỉnh cao danh vọng vẫn cảm thấy bỡ ngỡ trước sự xa hoa. Lúc sinh thời, ông kịch liệt phản đối việc lấy tên mình đặt cho thành phố Hạ Novgorod và phố Tver ở Moskva. Khi Gorky từ Ý trở về, Stalin cấp cho ông một biệt thự sang trọng trên phố Malaya Nikitskaya. Nhưng ở đấy nhà văn cảm thấy bất tiện. “Ông gặp gỡ với Stalin, đón tiếp các nhà văn, nhưng không bao giờ sống ở đấy” – Daria Maksimovna nói.

 

Ba mối tình

 

Daria Maksimovna kể tiếp:      

 

– Gorky gặp người vợ tương lai của mình Ekaterina Pavlovna tại toà soạn báo Samara. Ông viết báo, còn bà sửa morát. Thời bấy giờ, cả hai đều say mê cách mạng và văn học. Lần đầu tiên bà nhìn thấy người chồng tương lai của mình nhảy múa tại trụ sở tòa soạn. Nhưng khi Ekaterina đến làm việc thì những cuộc vui như vậy chấm dứt. Gorky viết tiểu phẩm bắt đầu về nhà muộn hơn để đọc các bản in thử. Sau 7 năm chung sống, Gorky bỏ vợ để đuổi theo Maria Andreeva, nữ diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Moskva.

 

Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Maria Andreeva trong thời gian cùng sang Mỹ với Gorky đã bị báo chí bôi nhọ và thậm chí cả hai bị đuổi ra khỏi khách sạn vì sống chung “bất hợp pháp”. Bà đã bỏ con cái, sau đó là sân khấu, để hơn 10 năm trời chung sống với Gorky.

 

Bà can đảm chịu đựng tình cảnh “bất hợp pháp”, chấp nhận Ekaterina Pavlovna và sau đó, ở tuổi 52, chấp nhận mối tình thứ ba của Gorky, Maria Budberg. Tuy nhiên, cuối cùng, Maria Andreeva đã tự nguyện chia tay với Gorky. Gorky gọi bà là “người phụ nữ kiều diễm – người bạn cao thượng”. Nhưng đồng thời, ông cũng thừa nhận rằng: “Tôi chỉ mong muốn một điều – sự yên tĩnh để làm việc và sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được điều đó”.

 

 Maria Budberg, người phụ nữ thứ ba của Gorky được mệnh danh là “Người đàn bà sắt”. Gorky đã đề tặng bà cuốn tiểu thuyết cuối cùng viết dở của mình “Cuộc đời Klim Samgin”. Với trí tuệ sắc sảo, cá tính mạnh, nam tước phu nhân Maria Budberg đã thu hút sự chú ý và giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Bà không phải là một mỹ nhân, nhưng gương mặt thông minh và nghiêm nghị của bà trông thật quyến rũ. Ở tuổi 50, Gorky yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên và chẳng bao lâu Maria Budberg trở thành thư ký, phiên dịch (bà biết 5 thứ tiếng), nhân viên văn thư của nhà văn.

 

Truyện ngắn “Ngọn đèn IIich” do con trai của Gorky viết

 

Cuộc hôn nhân với Ekaterina Pavlovna chỉ để lại một đứa con trai duy nhất – Maksim (trùng tên với bố). Daria Maksimovna nói rằng bố bà là một con người đa tài: ông vẽ rất đẹp, thông thạo tiếng Ý và Pháp. Tham gia tất cả các công việc của Gorky.

 

– Một lần, bố tôi đến thăm ngôi làng heo hút ở Sibir vừa mới có điện. Niềm vui của dân làng không bút nào tả xiết. Dưới ấn tượng đó, bố viết truyện ngắn “Ngọn đèn Ilich” rồi gửi cho một tờ báo ở Moskva và ký tên Maksim Peshkov (Peshkov là tên thật của Gorky). Ở toà soạn, người ta cho rằng đó là tác phẩm của Maksim Gorky, và gửi nhuận bút cho nhà văn – Daria nói.

 

Gorky rất yêu quý con trai. Maksim mất lúc còn trẻ – năm 36 tuổi.

 

Vào một ngày mùa thu, Maksim say bí tỉ, người ta chở anh về và đặt nằm trên chiếc ghế trước nhà. Anh ngủ thiếp đi và bị lạnh cóng. Kết quả là anh bị viêm cả hai bên phổi. Lúc bấy giờ chưa có thuốc kháng sinh. Cái chết của đứa con trai cường tráng, khoẻ mạnh, hơn nữa lại luyện tập thể thao, khiến cả nhà bị sốc. Sau này, khi ở Krym, Gorky thường khoác áo bành tô của con trai và ngồi rất lâu trên chiếc ghế cạnh nhà hay đi lại trong vườn.

 

Không có chuyện bị “đầu độc”

 

Gorky mất sau con trai chỉ hai năm. Các nhà báo thích gây ấn tượng mạnh ám chỉ rằng Gorky bị đầu độc. Rằng, Stalin ghen tị với tiếng tăm lừng lẫy của nhà văn. Trước lúc mất, Maksim Gorky được lãnh tụ đến thăm, trong buổi gặp gỡ đó, hình như người bệnh được mời ăn những chiếc kẹo tẩm thuốc độc.

 

– Điều đó hoàn toàn phi lý! – Daria Maksimovna quả quyết – Ông nội bị ốm nặng và qua đời, giống như bố tôi, vì bệnh viêm phổi. Phổi là điểm yếu của ông (hậu quả của lần tự tử bất thành. Bị trượt Đại học Kazan, cái chết của bà nội, sự nghèo khổ, thất tình – tất cả điều đó đã khiến chàng trai Peshkov 19 tuổi mua một khẩu súng lục ngoài chợ, đến ngồi một mình bên bờ suối và bắn vào tim. Nhưng viên đạn lại xuyên qua phổi, và một tháng sau anh lại đi làm trong hiệu bánh mì).

 

Cảm thấy cái chết sắp đến, ông đề nghị đưa tôi và Marfa thường xuyên đến với ông. Chúng tôi ngồi bên cạnh, lắng nghe ông kể chuyện. Stalin điều một nữ y tá đến chăm sóc. Còn khi Gorky sắp mất, cả Stalin, Molotov và Voroshilov đều đến thăm ông. Trước mặt những người này, nữ y tá đã tiêm cho ông một mũi long não, và ông cảm thấy dễ chịu đến mức tưởng như hoàn toàn khoẻ mạnh. Họ nói về văn học, về những chuyện khác, nhưng không lâu.

 

Dần dần sức khoẻ của Gorky trở nên suy sụp. Ông ra đi một cách lặng lẽ. Đó là ngày 18 tháng 6 năm 1936.

 

VNCA

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC