Màn ảnh Hoa ngữ còn lại gì sau khi dòng phim cung đấu bị cấm?

520

Việc mất đi một dòng phim ăn khách khiến nhà sản xuất loay hoay tìm hướng đi mới.

Ngày 28/9, Sohu đưa tin khán giả Trung Quốc xôn xao khi phát hiện hai tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng phim cung đấu Diên Hi công lượcHậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online.

Từ đầu năm 2019, những quy định siết chặt về việc phát sóng phim cổ trang, trong đó đặc biệt lưu tâm đến dòng phim cung đấu được Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ban hành. Từng có thời điểm, quyết định cấm sóng trong 3 tháng được đưa khiến nhiều nhà sản xuất lao đao.


“Diên Hi công lược” là tác phẩm cung đấu từng gây sốt khắp châu Á.

Tuy nhiên, việc hai tác phẩm nổi bật của dòng phim cung đấu bị xóa sổ trên trên mạng xã hội được xem là động thái mạnh mẽ nhằm loại bỏ phim có “nội dung kém sạch, xuyên tạc và hư cấu” của Tổng cục.

Việc mất đi một dòng phim ăn khách khiến nhà sản xuất loay hoay tìm hướng đi mới.

Phim truyền hình bị bóp chặt

Giữa tháng 11/2019, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đưa ra thông báo chính thức về những dòng phim sẽ bị hạn chế sản xuất và cấm chiếu trong thời gian tới.

Trong danh sách được Tổng cục đăng tải có 13 hạng mục phim bị cấm chiếu và 3 hạng mục bị hạn chế. Trong đó, những đề tài phim ăn khách, nổi tiếng của màn ảnh Hoa ngữ như: tình yêu học đường, tình yêu giữa con người và robot, tình yêu đồng giới, xuyên không, cung đấu, xã hội đen và phim chứa yếu tố lịch sử nhạy cảm… sẽ bị cấm hoàn toàn.


Trung Quốc đang kiểm soát nghiêm ngặt nội dung nhằm hạn chế phim cổ trang, cung đấu.

Thực tế, nhiều năm qua tại Trung Quốc dòng phim cổ trang được xem là “miếng bánh ngon ai cũng muốn tranh phần”, mỗi năm có hàng trăm dự án được đăng ký xét duyệt và chờ ghi hình, theo Sina.

Chính vì vậy, quyết định trên làm ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh khi nhiều đơn vị chế tác buộc phải thay đổi chiến lược sản xuất và lên sóng.

Theo South China Morning Post, lý do phim cổ trang, đặc biệt là phim cung đấu bị rút khỏi sóng truyền hình là vì “gây mất cân bằng và làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội khi cổ xúy lối sống xa hoa, có nhiều âm mưu thủ đoạn tàn độc”.

Hơn nữa, các nhà sản xuất phim này bị cáo buộc “coi trọng đồng tiền, quan trọng hóa lợi nhuận hơn việc định hướng tinh thần cho khán giả. Một số tác phẩm vì quá tập trung vào chuyện tình ái, ân oán gia tộc mà quên đi giá trị và phẩm hạnh của con người”.

Theo thống kê của Tân Hoa Xã, do chính sách siết chặt của tổng cục trong 3 quý đầu năm 2020, số lượng phim cổ trang được đăng ký sản xuất giảm sâu, chỉ chiếm 20% tổng sản lượng. Trong đó, không có bất kỳ tác phẩm cung đấu nào được ghi hình.

Ngược lại tỷ lệ phim truyền hình hiện đại có nội dung tươi sáng, tích cực được đẩy mạnh sản xuất, chiếm 80% thị phần. Theo Sohu, các đơn vị chế tác hiện tại chú trọng 4 phân khúc đề tài gồm dòng phim đô thị hiện đại, nông thôn hiện đại, quân nhân yêu nước và phá án.

Làm phim theo “tác phong công nghiệp, đậm chất xã hội”

Theo Sina, giới làm phim Trung Quốc hiện tập trung đánh vào dòng phim tâm lý – xã hội. Đặc biệt, nội dung kịch bản phải bám sát và phản ánh chân thực cuộc sống thực tế, không màu mè.

Kết phim để lại nhiều bài học mang tính thức tỉnh, giải quyết được nút thắt cho nhân vật. Đồng thời, tác phẩm phải hướng người xem đến những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Theo số liệu thống kê của Nhật báo Bắc Kinh, trong 10 năm qua, tỷ lệ nhóm tuổi trưởng thành gặp áp lực xã hội, bế tắc trong cuộc sống chiếm hơn 75%. Tại Trung Quốc, người trẻ hiện có ý thức mạnh mẽ trong việc tìm chỗ đứng xã hội, tích luỹ tài sản. Xu hướng này đã trở thành gánh nặng đè lên vai không ít người.


“30 chưa phải là hết” là tác phẩm có đề tài tâm lý – xã hội gây bão màn ảnh nhỏ Hoa ngữ mùa hè vừa qua.

Nắm bắt được điều này, sau lệnh hạn chế dòng phim cổ trang – cung đấu của tổng cục, nhiều nhà sản xuất đã rẽ hướng sang dạng kịch bản thể hiện sự gần gũi, đối mặt với các vấn đề đời thực chứ không chỉ đắm chìm trong mơ mộng, lãng mạn viển vông.

Tháng 8 vừa qua, 30 chưa phải là hết trở thành bộ phim được quan tâm nhất tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo và các nền tảng video lớn nhỏ, hàng triệu khán giả bày tỏ cảm xúc, bình luận về các tình tiết của phim.

Phim vốn là dự án nhỏ, diễn viên đều là sao hạng B và không được dư luận để mắt đến ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhờ kịch bản tốt, lột tả rõ nét các biến cố phải đối mặt trong sự nghiệp, hôn nhân và tình yêu mà bất kỳ “cô gái nào cũng cảm thấy như có mình trong đó”, đã giúp tác phẩm đạt được thành công ngoài mong đợi.

Nhìn từ cuộc hôn nhân của Cố Giai (Đồng Dao đóng), khán giả sẽ có thêm kinh nghiệm, nhân sinh quan mới về các vấn đề trong cuộc sống ví dụ lựa chọn làm bà nội trợ đứng sau lưng chồng hay cùng chồng gánh vác công việc, cách giải quyết hôn nhân gặp trục trặc khi xuất hiện “người thứ 3”.

Để tránh việc màn ảnh nhỏ bị “khô khan và một màu”, dòng phim thanh xuân tiếp tục được nhiều đạo diễn khai thác. Đây vốn là thể loại luôn thu hút công chúng vì tái hiện được không khí học đường và gợi lại những kỷ niệm đẹp trong khán giả về một thời cắp sách đến trường.

Tuy nhiên, thay vì đi theo mô-típ vốn đã lỗi thời trước đây, hầu như chỉ khai thác duy nhất một chủ đề tình yêu khắc khoải, các đạo diễn đã giảm yếu tố tình cảm, thêm vào đó là nội dung cổ vũ người trẻ phấn đấu cho tương lai, định hướng nghề nghiệp.


Dòng phim thanh xuân sau thời gian thoái trào có màn tái xuất ngoạn mục nhờ sự thay đổi thức thời từ phía nhà sản xuất.

Loạt phim thanh xuân lên sóng từ đầu năm 2020 như Lê hấp đường phèn, Em là người tốt nhất thế gian, Gửi thời thanh xuân mỹ mãn của chúng ta, Lấy danh nghĩa người nhà… đều đi theo đúng xu hướng.

Ở dòng phim tình yêu lứa đôi, các nhà sản xuất cũng không còn tập trung khai thác chuyện yêu đương lãng mạn, mà sẽ lồng ghép thêm yếu tố “yêu vì tương lai, cùng nhau nỗ lực để đạt được thành công trong cuộc sống” như Tôi thân yêu của Lưu Thi Thi, An Gia của Tôn Lệ, Dư sinh xin chỉ giáo nhiều hơn của Dương Tử và Tiêu Chiến.

Một số thể loại phim khác như trinh thám, phá án tiếp tục được khai thác, nhưng với nội dung tiết chế, không lạm dụng cảnh bạo lực và máu me.

Theo Tân Hoa Xã, sức hút và sự sống của ngành công nghiệp phim ảnh không thể chỉ dựa vào một dòng phim cổ trang – cung đấu. Các nhà làm phim cần cải thiện, nâng cao kỹ năng cũng như tính sáng tạo để đa dạng thể loại khơi dậy những cảm xúc của khán giả mới có thể “sinh tồn” trong vòng xoáy xu hướng vốn thay đổi theo từng giây.

Theo báo này, việc siết chặt thể loại cổ trang – cung đấu không hẳn là mở ra cửa tử đối với phim truyền hình Trung Quốc, ngược lại còn thị trường đa dạng về thể loại, khán giả có nhiều hơn những sự lựa chọn để giải trí.

Theo Zing