Mang con mắt liếc đưa tình nhốt em

885
(Vanchuongphuongnam.vn) – Vân Ngà sinh năm 1976, hiện sống tại thành phố Thanh Hóa. Năm 2020 Vân Ngà xuất bản liền 2 tập thơ: Về miền yêu thương (65 bài) do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (tháng 3 năm 2020); Trăng rơi (85 bài) do nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành (tháng 6 năm 2020).
Vân Ngà 
Một năm sau đó, Vân Ngà tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập thơ: “Bản hòa tấu vào hạ”.  Ngoài mấy bài ca ngợi quê hương với những kỷ niệm về đất nước, con người Xứ Thanh, còn lại “Bản hòa tấu vào hạ”, 90%  là những bài thơ tình, những lời thủ thỉ da diết, những khát khao nồng thắm của người phụ nữ đa đoan. Mạch văn chương ứa tràn trên trang giấy. Hạnh phúc của người phụ nữ đa đoan chưa trọn vẹn luôn được hiện hữu trong thơ : “yêu rồi nên phải đa mang/ Chắp cho đôi cánh khẽ khàng, lãng du…”.
Vân Ngà viết nhiều thể loại (Lục bát, Đường luật, tứ tuyệt, tự do…). Với bản lĩnh của mình, thơ chị lặng lẽ chảy trong dòng mạch mới. Có chiêm nghiệm thế sự, nhưng vẫn nồng ấm trong tình yêu đắm đuối. Song vẫn đủ tỉnh táo, thận trọng. “Em ngại chén nâng qua bữa/ Người ta toan tính giọt cùng/ Em- người đàn bà lỡ nửa/ Tìm đâu ra mẫu số chung!” (Một lần).
Chiêm nghiệm cuộc tình để khắc khoải trước những “toan tính” của người mình yêu. Bởi con người, dù chủ đích, cũng có thể nắm chặt tay suốt cả ngày đâu. Nó ngẫu nhiên như xoe bàn tay ngay ấy mà. Quy luật sinh hóa muôn đời của thiên nhiên, dòng thơ đau đáu tin yêu bỗng cháy soi một mảnh khuất của nhân tình thế thái. Biết nói cùng ai, sao khó quá! Thôi đành thủ thỉ với chính mình: “Ngọt ngào là thế mới hôm đấy thôi/ Rồi anh để em trong khao khát, đợi chờ dang dở/ Bao giờ con sông anh hết bên bồi, bên lở/ Chảy về em đúng nghĩa trái tim yêu”( Dở dang). Danh từ “ bao giờ” và Động từ “ Chảy về” vừa thực vừa hư, kỳ ảo điệu nghệ làm xao động người đọc. Nhưng đâu chỉ là thơ. Đó còn là lời hờn dỗi, là tiếng nấc nghẹn nhói đau, là nước mắt nhòa trong từng con chữ đắng chát. Dĩ nhiên là thế, nhưng cảm xúc về hạnh phúc tình yêu cũng không thể đoán định, cứ trôi nổi, trồi sụt, bay bổng, thăng hoa hay đắm chìm suy tưởng theo cung bậc chợt đến: “Một lần anh khóc thét gào/ Lệ tuôn tan chảy đẫm vào tóc em/ Trái tim như đập mạnh thêm/ Thành hai dòng thấm gối mềm đôi ta”. Câu thơ “Lệ tuôn tan chảy đẫm vào tóc em”, mới thấy thơ tình của Vân Ngà nồng thắm đầy nữ tính. Không cháy hết mình sẽ không viết được những câu thơ như thế!
Phải chăng “Tình yêu đến tình yêu đi ai biết/ Trong gặp gỡ đã mang mầm ly biệt”. Tình yêu bất chợt và si mê. Con người chứ có phải gỗ đá đâu mà không cảm xúc, dửng dưng trước những thanh âm cuộc sống.Vô tình hay hữu ý chỉ hai người biết. Bài thơ nói trúng tâm trạng người đang yêu: “Bên tai, dự định thật thà/ Từ từ rót nhẹ để mà sánh đôi/ Lời thì thầm nhẹ làn môi/ Em thoi thóp nhận để rồi chờ trông”. Mới hay, tình yêu cho đến muôn đời vẫn là điều bí ẩn.  Thơ Vân Ngà đạt đến một chất giọng riêng không vay mượn, tuy đôi chỗ có bị thúc ép trong từng câu chữ. “Bản hòa tấu vào hạ”, Vân Ngà như người vũ công tài ba dày công đếm từng chiếc lá rơi, nghe thánh thót tiếng chim nhỏ gọi bầy đằm sâu trong buổi trưa hè… tất cả âm thanh và giai điệu ấy được tác giả lắng lọc, chắp cánh để tạo nên một bản hòa tấu mùa hạ – mọi thứ từ những liên tưởng với hạnh phúc riêng tư chưa trọn vẹn: “Đêm nay chờ đợi trăng rằm/ Em như cau héo cứ nằm đợi mưa./ Dàn trầu không, bỗng dư thừa./ Chỉ riêng em với đêm khuya… giật mình” (Lẻ loi). Người ta nói, thơ Vân Ngà ngổn ngang những hoài niệm. Hình ảnh “cau héo” đến “Dàn trầu không, bỗng dư thừa”; mà đã là trầu- cau thì phải quấn quýt lấy nhau, nút thắt cứ tự nhiên dần ép nhau lên đỉnh điểm, vì ai mà: “Em như cau héo cứ nằm đợi mưa”, nên: “ Dàn trầu không, bỗng dư thừa/ Chỉ riêng em với đêm khuya… giật mình”? Câu thơ cởi mở, thực ảo tạo hiệu ứng và đánh thức nhiều miền liên tưởng trong ta.
Khám phá thơ Vân Ngà, người đọc sẽ có nhiều “đất” để trải nghiệm, với nhiều hứng thú bởi tâm hồn thi nhân luôn chất chứa những tình cảm mộc mạc mà chân thành: “Bao ngày em kéo sợi dây/ Cứ dài ra mãi lòng đầy trở trăn/ Biết mình sức mỏng thân tằm/ Buông ra chẳng được mà căng mỏi người” (Sợi dây đời). Những câu thơ trên tưởng chừng như tưng tửng, nhưng không  nó chứa đựng một triết lý sâu xa, tất cả gói trong hai câu kết: “Biết mình sức mỏng thân tằm/ Buông ra chẳng được mà căng… mỏi người” !
 Cái hấp dẫn trong thơ Vân Ngà không phải từ  “vấn đề” chị nói, mà từ cách nói. Có những câu thơ đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn cuốn hút: “Ngủ cho đá toát mồ hôi/ Cho ru thuyền sóng, cho trôi núi rừng” (Không đề), thì thật là độc lạ. Chữ “Ngủ cho đá toát mồ hôi” của Vân Ngà đã làm nên điều ấy. Hoặc: “Có tình yêu làm nỗi đau dai dẳng/ Có tình yêu chưa chạm đã tôn thờ”, để rồi: “Bao nhiêu sợi nhớ sợi thương/ Buộc bằng nước mắt canh trường mười năm” (Tình khúc). Vân Ngà thường tìm đến thơ như vậy. Bài thơ có lợi thế về nội tâm, một khám phá nội tâm lãng đảng thực mơ giàu nữ tính: “Gối đầu lên cỏ nghe giai điệu tình ca/Như thổ dân trở về hồng hoang một thuở/Tay ai lùa tóc em – với bao nhiêu nỗi nhớ?/Rồi lãng quên không toan tính sau này (Trăng rơi).
Dường như đó là điều không thể khác được và chẳng bao giờ mất đi, dù ai cũng biết biên giới của tình yêu , một khi đã yêu thì đắm đuối, khôn dại thật mong manh. Để rồi lạc vào huyền ảo, tương tư : “ước gì mang nghĩa ra nêm/ Đem tình khóa chặt phần mềm hai ta”.(Tương tư).  Nguyên liệu ấy thường được Vân Ngà vận dụng. Nhà thơ nhìn nay mà gợi nhớ xưa chứ không để mình chìm vào cõi xưa, quá khứ tạo chữ tình cho hiện tại.  Nhưng điều đọng lại trong hồn ta, lạ thay lại là cái đã xa vời, đã không còn: “Mong manh như sợi tơ trời/ Mà sao dệt mãi một đời chưa xong/ Cuộc tình sao cứ long đong/ Để ai tìm một bến lòng riêng ta” (Hạnh Phúc).
Mặt khác,thơ tình của Vân Ngà thường man mác nỗi u hoài xa vắng. Chị nắm bắt khá tinh tế những cung bậc cảm xúc ấy. Lắng nghe trong lòng mình tiếng vọng của trái tim. Vì thế, có lẽ cái thước đi về chiều sâu trong văn chương là sự thể hiện đến mức nào.Vì tình yêu gái trai luôn là niềm khát khao đắm say phồn thực tràn đầy: “Có cái gì như ngây ngất say men/ Cồn cào nhớ đợi chờ lời dan díu/ Như được sống trong tự tình êm dịu/ Dự cảm rằng ta chẳng thiếu được nhau”(Dự cảm).
Ở cái tuổi “người đàn bà quá nửa”,  thơ tình Vân Ngà vẫn ngời lên những tứ thơ độc đáo, trẻ trung như nụ cười của tuổi hai mươi: “Sáng nay mắt chạm vào nhau/ Cái nhìn như thể từ lâu hững hờ/ Em cầm cuống lá xác xơ/ Hẹn nhau chín đợi mười chờ đã lâu” (Trong nhau).
“Bản hòa tấu vào hạ” hay nói cách khác, thơ tình Vân Ngà chất chứa số phận một đời người, một đời thơ. Tấm lòng đó, phẩm giá đó là hộ chiếu đưa thơ chị đến với công chúng: “Em lại trở về câu hát ngày xưa/ Được nói lại những điều chưa kịp nói/…Xin yêu thương cho em tiếng vô ngần/ Xào xạc lá và quay tròn nhịp sống/ Tiếng thổn thức của trái tim xao động/ Biết yêu mình và em được yêu anh”.
Và cuối cùng: Cái tha thiết chân quê trong thơ  Vân Ngà, người đọc tưởng chừng như nông cạn, nhưng, ngược lại nó luôn ẩn tàng chiều sâu của bản nhạc không lời. Du dương và dịu ngọt, cũng có lúc ồn ào như thác lũ. Cái tình khúc mà tác giả đem đến cho người đọc được nhấm nháp bằng tứ thơ thật hay: “Đêm dài gom chuyện ngày xưa/Rót vào khuya vắng tiếng mưa chạnh lòng/Tưởng là sáo sậu sang sông/Ngờ đâu chỉ sợi tơ hồng còn vương (Tình khúc).
Bản hòa tấu vào hạ của Vân Ngà chúng ta thấy một cái tôi luôn quẫy cựa, nhà thơ như nhặt nhạnh chính mình với một chuỗi phản biện xuyên suốt trong hành trình thơ, hành trình tìm thấy mình, đôi khi cũng đứt quảng. Có lẽ vì thế nó đã góp phần làm cho thơ của chị thăng hoa, một góc ủy mị, mềm yếu, tạo nên sự khác biệt, một Vân Ngà mà chúng ta đang khảo sát. Với tất cả tâm thức đó, nhà thơ cứ rút ruột tằm kết tấm lụa thơ vàng óng tươi non:  “Chỉ còn đốm lửa tàn hơi/Ta hun nóng lại những lời trong nhau” (Trong nhau)./.
                                                                                                        Quốc Thịnh