Mang gì về cho mẹ?

905

Mang tiền về cho mẹ câu cửa miệng nghêu ngao theo một bài rap mới đang thịnh hành. Vào thời khắc năm cùng tháng tận mọi đứa con đều ngóng về nhà.

Nói đến tiền và mẹ, có người mẹ làng chài Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tôi gặp từ chục năm trước. Bi kịch tận cùng khi gia đình ngư dân 6 người ấy đột ngột mất một nửa gồm người cha và hai đứa con nhỏ vì dính độc tố cá nóc biển sau một bữa cơm. Đến lượt cậu con trai duy nhất còn lại – một ngư dân 19 tuổi phát hiện suy thận giai đoạn cuối. Hàng chục năm trời mẹ bồng bế cứu con khắp nơi. Những khi cùng quẫn tuyệt vọng không còn nơi bấu víu, bà lại gọi tôi xin tiền. Tôi thì làm gì có tiền, chỉ biết dồn mót ít nhiều giúp người mẹ khổ.

Rồi mới mấy tuần trước, đứa con nguy kịch đưa ra Đà Nẵng người mẹ ấy lại cầu cứu. Tôi viết lên trang cá nhân xin được giúp đỡ. Thật không ngờ rằng chỉ sau 4 ngày, số tiền mọi người giúp đỡ lên đến 201 triệu đồng! Khi tôi báo tin về số tiền cứ tăng lên từng ngày, người mẹ khóc nghẹn rất lâu trên điện thoại. Rồi cứ lập bập như nói mớ, rằng vậy là sẽ trả được số tiền đang nợ rất lớn và sửa lại mái nhà dột nát cho bàn thờ mấy cha con đỡ ướt. Rồi kể rằng thằng cu cũng khóc nhiều lắm, bảo giờ con nhắm mắt được rồi mẹ ơi, vì thấy mẹ đã trả được hết tiền nợ vì con bao năm qua mà con nghĩ không bao giờ mẹ trả nổi…

Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ. Ừ, là đồng tiền lao động chân chính chắt chiu mồ hôi nước mắt đấy. Người mẹ ấy, đứa con ấy với đồng tiền mang về ấy cũng có thể đã từng san sẻ cho những người mẹ khổ khác. Vòng luân chuyển của yêu thương.

Nhưng ai biết tiền và ưu phiền lắm khi lại chỉ là một. Nhiều tiền lắm khi lại gây ra nỗi muộn phiền đáng sợ nhất. Với những người coi tiền là tất cả, là trên hết.

Mẹ quê hương của chúng ta đấy. Đã làm gì, mang gì về cho mẹ? Bao nỗi nghẹn ngào cứ dâng mỗi khi có vụ bắt bớ, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý, không có vùng cấm,… Còn mẹ cứ nghèo xác xơ.

Mưa lụt nhiều nơi miền Trung đêm qua đã vắt qua giao thừa. Vắt qua thời khắc chuyển giao thời gian hai năm là cảnh những người mẹ từ nơi sơ tán sạt lở dõi mắt ngóng về ngôi nhà thân thuộc của mình lờ mờ trước mặt. Ở những nơi đồi núi vẫn tuôn chảy xung quanh. Có những người mẹ như ở Quảng Nam đạp xe mấy cây số đến ủy ban xã, ngồi chờ 3 tiếng đồng hồ để rồi được nhận số tiền hỗ trợ bão lũ là…2.000 đồng! Mẹ dở khóc dở cười đem buộc chặt tờ bạc ấy vào túi ni lông mang về cất làm kỷ niệm. Mẹ đấy, tiền đấy!

Thế giới đã khác, tiền có khác đi không? Cảm giác khá nhiều người trong đó có tôi hồi hộp lẫn thảng thốt chờ đợi thời khắc cuối cùng của năm 2021 trôi qua. Điều ít thấy vào thời điểm này những năm trước đó, khi mọi thứ đều có vẻ như bình thường đến nhàm chán. Như chỉ việc thò tay vào túi là lấy ra được món đồ có sẵn tên là “ngày mai”.

Giờ đây thời gian chính là kẻ bất định nhất, nắm chặt trong tay nó là mẩu giấy nhỏ gấp kín ghi câu trả lời mà cả nhân loại chưa thể đoán định. Thời gian, tình đồng loại chứ không hẳn là tiền lúc này mới là biệt dược của niềm hy vọng. Rằng ngày mai sẽ là ngày khác như là câu kinh điển trong Cuốn theo chiều gió.

Thế giới này, có tiền, mẹ có thật là hết ưu phiền không? Mang gì về cho mẹ?

Mẹ tôi “trả nhớ về không” đã nhiều năm rồi, mang gì về cho mẹ?

Theo Trần Tuấn/Tiền Phong