‘Mật mã’ Lê Nhi: Mang chợ vào thơ

611

Khét

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi bắt gặp Lê Nhi từ những bài thơ đăng trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ không có gì đáng nhớ hay đáng nhắc đến nếu những bài thơ đó không có gì đặc sắc thì hẳn sẽ “quên ngay sau khi đọc”, thơ Lê Nhi đã cho tôi một khía cạnh mới là: Chợ.

Có người từng nói rằng: Thơ Việt ta nhìn đâu cũng thấy ruộng đồng, quê hương. Điều này đã làm tôi băn khoăn, vì quả thật như thế. Đôi lúc tôi cũng chán chê những vần thơ quanh quẩn ruộng lúa sau nhà, chái bếp, vì thật ra cuộc sống ta đâu chỉ có một màu như thế, nhưng để mang chợ vào thơ là điều không dễ dàng, đơn giản vì nó thô, ít thơ. Với Lê Nhi thì khác, có lẽ cô là một mảnh ghép của thơ mà ta đang thiếu, như cô từng định nghĩa mình theo cách rất thật thà nhưng cũng rất chợ:

tôi biết lừa lọc

tôi biết hờn dỗi

tôi biết nói điêu

buộc vào tôi

kẻ chợ!

(linh hồn)

Và hiển nhiên, tập thơ Mật mã này cũng đầy màu sắc, màu sắc phơi bày theo con chữ, những quần, những áo bày la liệt trên các gian hàng đợi người ghé qua cân, đo, đong, đếm. Ai bảo đồ vật vô tri vô giác khi những mưa nắng ngột ngạt trên mái tôn, rì rầm nơi góc phố? “nóc chợ đang nói chuyện với tôi/ về khuôn đời mang hình hài diêm dúa// một đôi giày lỗi mốt// tôi thấy tôi mọc dưới vệt đường// cõng những phom hiện đại đính cườm xanh đỏ” (chạm chân người)


Bìa tập thơ “Mật mã” của Lê Nhi.

Thơ Lê Nhi gá mình cho phố. Những tưởng nơi ồn ào đấy sẽ che lấp được sự lẻ loi, nhưng không, cảm thức cô đơn lại càng xâm chiếm, nó ăn mòn dần tâm hồn cô, càng nhộp nhịp đông vui lại càng hoang lạnh. Lật từng trang Mật mã, tôi lại càng nghĩ đến một con người cô độc lọt thỏm giữa chợ. Ở đấy, tất cả đều có thể ngã giá, đổi chát, nhưng ta lấy gì để đổi một linh hồn? – Hẳn nhiên không ai bán, cũng chẳng ai cần mua, và hơn nữa, ít ai muốn khơi gợi đến nó. Tất cả đều thúc giục sự le lói trong tâm thức cô bật thành tiếng kêu, tiếng kêu ấy thảng thốt giữa chợ mà không một ai nghe:

khi không nổi loạn đươc

đêm giãy giụa dưới đáy ly không thốt lên lời

sao chiếc son môi còn hân hoan dưới  kệ

sao chiếc váy hai dây mỏng manh cấu cào

 

tôi với tay xé nát mình trong chiếc gương trần tục

cái bóng cười khanh khách vào mặt tôi

(đi vào chiếc gương)

Tự thấu mình là thế, như làm sao để thoát ra, khi chúng ta, ai cũng ít nhất một lần bị “cầm tù” mà không hay biết! – Giải thoát là điều cần kíp, cũng như những người làm thơ, đôi lần chối bỏ mình, phân tách mình ra, ngồi đối diện với nó, chất vấn nó, phân trần nó, van nài nó,… để được sống! Cô ấy cũng không ngoại lệ: “thành phố không em nữa/ mùa vỡ oà/ ngác ngơ/ ôm bao nhiêu tan vỡ gom lên chữ/ tôi thừa” – (thừa).

Cô thấy mình về với quê cha đất tổ, với mạ non sông bãi, bỏ lại xác xơ lều chợ và bỏ cả những lương duyên lỡ lầm con gái như lúa chưa nõn xuân thì lại nhọc nhằn chát mặn đời nhau: “như đôi bồ câu cuộn nhau trên gối/ như màu váy tôi liệm cuộc tình hấp hối// làm vợ/ làm dâu/ lãi tiếng thở dài”.

Mật mã là tập thơ tận tụy hướng nội. Những bài thơ cứ tuôn trào theo cảm xúc, mà chính tác giả cũng không kìm nén được, những câu dài ngắn không theo quy luật, như nước mắt bung vỡ, đan xen vào nhau không cách nào rứt ra, các bài, câu thơ là một dòng chảy, tự nhiên găm vào lòng tôi khi đọc… Tôi cũng tự hỏi mình ta sẽ bấu víu vào đâu khi xung quanh là mênh mông, bề bộn? – Về, may thay ta còn một nơi để trú ngụ trong cơn khủng hoảng lòng mình, như Lê Nhi bộc bạch: mấy mươi năm làm thằng hùng hổ// cõng tôi tạ tội trước làng”. Có lẽ, điều đó cũng làm cô vươn dậy sau những u buồn dằng dặc, vô chừng. Và tên tập thơ là Mật mã, điều này nói lên một khát khao mãnh liệt cần được sẻ chia, thấu hiểu.

Tuy nhiên, khi ta đã đặt mạch nguồn 35 bài thơ của tập này vào bước đi trong lòng tác giả, chúng ta đều hiểu rằng: Ở một khoảng nào đó quá lâu, người ta sẽ quên bẵng đi ngoài kia những tia nắng sớm còn đang ấm. Và hướng đi của thơ cũng ít có ngoại lệ. Khi Lê Nhi ươm hồn mình, đắp lên những ý niệm trong tâm thức và mải mê khai hoang nó, tôi sợ, cô có thể bỏ lỡ thứ gì đó tươi đẹp ngoài sân. Như nỗi sợ của người viết là giẫm lại bước chân mình, và sáng tạo luôn là những cuộc đào thoát xưa nay!

Đến đây thì thật lòng tôi muốn cô bay, như chúng ta thơ bé, ai cũng từng có một cánh diều đứt dây. Nên hãy cứ như loài bồ công anh trước gió, cảm xúc thì không cần phải xếp hàng, hãy bay, hãy viết bất cứ gì cô muốn, để cho những hạt bồ công anh hồn nhiên nảy mầm!

Sài Gòn, tháng 6/2022

K.