Màu nắng – Truyện ngắn của Tạ Ngọc Điệp

837

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nắng đuổi bóng tận vào sân trong, hắt vào tận chỗ laptop tôi đang viết. Tôi thấy nắng khẽ đung đưa dịu nhẹ. Nắng ở đây cũng hiền hòa dễ chịu. nhưng tôi không biết, nắng có màu gì mà công ty của bạn tôi có tên là Màu Nắng. Một màu lên như Nắng.

Ảnh minh họa – Tác giả: Ngô Thành Công

Tháng mười hai, trời đườm đượm ướp nắng.

Nắng biến quê hương tôi thành đặc sản với tên gọi mĩ miều là chảo lửa. Nắng hun cho con người đen nhẻm hằn lên những vẻ nặng nhọc mệt mỏi. Người ta biến rừng, sông, hồ thành du lịch chứ chưa thấy ai biến nắng thành sản phẩm không khói nên quê tôi vẫn thế. Nắng làm cây khô khốc, đất bạc phơ màu. Cũng là một vùng đất, một miền tên mà quê tôi nó nắng đến cay nghiệt.

Người ta hay nói màu nắng, tôi không biết nắng có màu gì nữa. Phải chăng là màu của cực khổ, tủi hờn phủ lên bao lớp người oằn mình phải sống dưới nắng. Cho đến ngày tôi thấy tivi báo ở Thủ đô, nơi giàu có, thịnh vượng, đông đúc, nhiệt độ còn cao hơn cả vùng tôi, tôi mới nhủ thầm, vùng mình đã phải nắng nhất đâu. Màu của nắng quê tôi vẫn bỏng một cách rát dịu.

Hết mười hai, H’Yang với tôi rủ nhau đi học. Tôi đã thấy chị H’Diên đi học về đẹp lắm. Môi chị đỏ. Tóc chị bớt hoe vàng màu nắng. Da chị trắng vì có vẻ chị béo ra nên đầy đặn. Chị H’ Diên đi có mười tháng mà giọng nói người Kinh nó chuẩn ra nhiều, pha cái tạp lơ lớ đi đâu mất. Chị nói nhẹ nhàng. Cười cũng duyên. Chị không còn chơi với đám trai làng đang lởn vởn bên ngoài nhà sàn. Nghỉ hè ba tuần rồi chị đi. Sau khi cột thêm bao gạo đầy thì chị đón xe Mỹ Hạnh lên thành phố. Xe đón tận làng, lên đến thành phố là tám chục, ba tiếng đến nơi. Chị đã dặn tôi với Yang rất kỹ. Tốt nghiệp xong phải đi học, đừng lấy chồng.

Tôi được đi học theo suất cử tuyển của ba tôi. Ba tôi làm bí thư xã đã hai lần rồi. Nhờ ba mà tôi được học trường nội trú huyện, rồi học nội trú tỉnh. Tôi không thích việc học cho lắm nhưng ba tôi nói, phải học thì mới làm được cán bộ, mới khỏi làm cỏ mì, bẻ măng, chăn bò. Thì tôi học. Tôi học như bao đứa trẻ ở lớp tôi. Học kiếm cái chữ. Mong cái chữ kiếm được ra gạo ra muối để khỏi dầm dề mưa gió mà vẫn yên tâm về cái ăn. Ba tôi đã gần ba mươi năm tuổi Đảng. Ông khôn lắm. Họ nói ông, lão Bluk không khôn mà làm bí thư xã cả chục năm à. Không khôn ai cho làm bí thư. Không khôn thì nói ai nghe. Vậy là tôi tin học sẽ bớt khổ. Mà tôi cũng không biết khổ nhiều đâu. Vì so với H’Yang. Tôi sướng lắm.

Chị H’ Diên đi rồi. Tối H’Yang qua nhà tôi. Chơi. Rồi ngủ lại. Tôi đuổi nó cũng không về. Nó nói ngủ với Hoa một đêm để mai mốt Hoa được đi học thì Hoa còn nhớ H’Yang. Rồi hai hôm nữa, nó vẫn ngủ cùng nhà với tôi, không chịu về. Đêm thứ ba nó khóc. Nó nói. Mẹ tao ép tao lấy chồng mày ơi. Tao không muốn lấy chồng. Tao muốn được đi học như mày. Tao không muốn có chồng.

Trường cấp ba cây phượng vĩ nở bông đỏ lóa mắt dưới trời nắng. Nắng chang chang. Tôi đi xe đạp mà còn ướt hết lưng vì mồ hôi túa ra. Vậy mà H’Yang đi bộ. Ngày nào cũng vậy. Ký túc xá của trường Chu Văn An cách trường ba cây số. Mỗi năm đóng bảy trăm ngàn ở mười tháng. Lớp của H’Yang có khoảng mười bạn người Jrai. Họ đến từ các xã lân cận thị trấn. Học cấp một, cấp hai thì đông lắm, theo báo cáo của ngành giáo thì học sinh lên lớp cả, tốt nghiệp cả rồi. Mười xã như một. Vậy mà đến lớp H’Yang, rồi những lớp bên cạnh của trường cấp ba nơi phố huyện nhuốm màu nắng. cộng hết tất thảy chỉ còn non bốn mươi bạn là người dân tộc thiểu số. Với một huyện chủ yếu là người Jrai mà chỉ có từng ấy bạn được tốt nghiệp cấp ba thì có quý không. H’Yang như thế là giỏi. Vì nhà H’yang nghèo. Giỏi cũng có nhiều loại giỏi, nhiều tầng giỏi. Bạn bè ở thành phố giỏi vì mắt cận, biết đến olympic, số hóa, giải thưởng thì ở chỗ H’Yang. Nơi ba mẹ đã vắt kiệt sức cho cái ăn và màu của nắng thì tốt nghiệp được cấp ba là giỏi. Giỏi là đọc thông viết thạo, biết đến mạng xã hội, biết lõm bõm vài câu tiếng Anh. Biết chăn bò, làm cỏ mì, lấy củi, gùi nước dệt vải cũng là giỏi. Thậm chí có người đến tuổi H’Yang đã lấy chồng, đẻ con trai, con gái rồi cũng được khen là giỏi. Ngày biết mình đậu tốt nghiệp thì cũng là ngày H’Yang buồn rười rượi. Vậy là từ nay H’Yang hết được đi học rồi, hết được gặp bạn bè. Hết được gặp thầy cô, những người đứng nói mà không cần giấy, cái gì họ cũng biết, cũng nhớ, cũng giỏi. Thầy cô người Kinh ai cũng đẹp. H’Yang thích làm cô giáo lắm, thích làm cô giáo dạy múa hát ở trường mẫu giáo gần nhà, dạy cho con em của người trong làng. Các em được học múa, học hát, được học tiếng Kinh từ nhỏ bên cạnh tiếng mẹ đẻ. H’Yang sẽ dạy cho các em những làn điệu dân ca của dân tộc mình mà H’yang biết. Rồi H’Yang sẽ lấy chồng là bộ đội hay công an mà không là cán bộ xã cũng được. Vợ chồng H’Yang sẽ sinh con rồi cho chúng đi học. Để chúng không khổ như H’Yang. H’Yang nghĩ thầm trong bụng nhưng không nói ra. Nói ra các bạn nghe lại cười chê rằng H’Yang không biết mình là ai, ở đâu, đến mơ mà cũng hão huyền quá thì thật là không biết mơ. H’Yang trộm nghĩ, phải biết mơ mới có cơ hội chạm tới giấc mơ chứ. H’Yang cứ mơ đấy, mơ trong đầu không nói cho ai biết cả, kể cả H’Kiên, chị H’Diên hay cả tôi, người bạn cùng làng thân nhất của H’Yang.

H’Yang khóc. H’Yang nói mai Hoa đi rồi, không ai còn có thể hiểu H’Yang. Đứa em út đang học mẫu giáo của H’Yang qua nhà tôi gọi H’yang về. H’Yang thương đứa em út nhất nhưng H’Yang đuổi nó về. Tôi dừng tay gấp quần áo hỏi:

H’Yang, mày có chuyện gì giấu tao. Mày đã ngủ đây ba đêm rồi. Mẹ mày đuổi ra khỏi nhà à.

Không. Tao không muốn về

Hôm qua mẹ mày cột con dê gần nhà tao, nói tao nhắn mày chiều dắt nó về nhưng mày cũng không dắt về.

Tao đi học mày cũng buồn nhưng không phải vì vậy đúng không. Mày không nói tao qua gặp mẹ mày

Mày cho tao ở hết hôm này đi, mai tao về.

Nói tao nghe, nếu mày còn coi tao là bạn

Mẹ tao bắt tao lấy chồng. Thằng Như bên làng B, tao không thích nó, không thích lấy chồng.

Không thích thì đừng lấy, khóc làm gì, mày có trốn được miết không

Nhưng ông bà tao, ba mẹ tao đều ép.

Mày bình tĩnh đi. Tý tao nói ông già tao qua gặp ba mẹ mày. Ông già tao cũng là bí thư xã, chắc ba mẹ mày nghe.

Nhưng tao ngại lắm. Tao muốn đi học.

Thì ba tao đang hỏi chỗ ngân hàng chính sách xã hội cho mày, họ nói ngân hàng sẽ giải ngân vào ngày hai sáu. Trường mày thích học nhập học vô ngày hai lăm, có tiền rồi chuẩn bị thì cũng mất ba ngày. Học trễ một tuần chắc không sao đâu. Tao sẽ qua trường hỏi cho mày.

Nhưng nếu không vay được tiền thì sao

Mày thích cái chữ thế chắc cái chữ sẽ thích lại mày thôi.

Nhưng mà

Không nhưng nhiếc gì hết. Mai tao đi. Có gì tao điện thoại cho ba tao. Mày cứ gặp ba tao là biết tin.

Tôi kể về thành phố cho H’Yang nghe. Thành phố nhiều xe. Thành phố lạnh lắm mà đẹp nữa. Thành phố đã được chín mươi năm thành lập. Họ tổ chức những chương trình lớn. Những cây xanh ngoài đường được treo điện nhấp nháy các màu, các chữ. Những tờ giấy được căng đầy phố đủ sắc màu. Người thành phố ai cũng đẹp cũng trắng. Họ giàu có. Những nhà cao tầng màu trắng to to nằm sát nhau. Đường cũng rộng, rộng hơn đường làng nhiều lắm nhưng cũng chật vì đông người và đông xe. Thành phố có nơi họ không ngủ bao giờ. Đêm có việc của xe thồ, bến xe, người bán ăn đêm, chợ đêm. Ngày thì tấp nập khói bụi, còi xe. Thành phố ồn ào. Màu nắng của thành phố nhợt nhạt nhưng cũng nóng. Thành phố làm người ta phải nhanh lên mới sống kịp, đi kịp người ta.

Tôi đã được ba cho đi thành phố mấy lần rồi. Bác của ba tôi làm quan to. Mỗi dịp cuối năm người ta mang những lẵng hoa, giỏ quà nhiều màu đến tặng bác. Có những chiếc bánh, loại quả tôi chưa được ăn bao giờ và không biết ăn ra sao. Nhưng vợ hai của bác là người Kinh. Bà bác khó tính mà lại keo kiệt nên chúng tôi chỉ được cho ít kẹo mang về. Nhưng vậy cũng là hạnh phúc. Tôi chia với H’yang. H’Yang thích lắm. H’Yang chưa thấy chiếc kẹo nào đẹp như thế. H’Yang để dành mấy tuần, đến khi chảy nước ra mới dám bóc vỏ mút mút. Lần này đi học ba tôi nói lên chào bác rồi đi vô ký túc xá. Bác gái nói tôi, đến khi Hoa ra trường thì bác trai về hưu rồi, chắc không xin được việc cho Hoa đâu. Nhà bác hơi chật nhưng nếu dọn thì cũng mệt lắm. Ba tôi nói không sao, Hoa dọn được. Ba tôi không cần bác trai xin việc vì ba tôi có quen ở xã, ở huyện. Ông không xin được việc cho con thì còn ai xin được. Ngồi thêm một xíu thì ba con tôi đi vô trường. Bác gái hồi mới lấy bác trai tôi cũng dịu dàng lắm. Bác nói giọng nhẹ nhàng, dễ thương. Nhờ bác trai tôi nên bác gái cũng có một chức nho nhỏ ở cơ quan, rồi có tiền bác cũng khó chịu ra mặt với những người bà con ở làng lên. Bà con ở làng quý bác trai tôi lắm. Người ở làng là vậy, thấy được người quen là quý bất kể sang hèn giàu nghèo giai cấp địa vị. Đi đám ma hay thăm đau ốm là đi cả làng, mười mấy xe máy. Có con gà, quả bầu, nải chuối ngon cũng đem cho bác trai vì bác ở thành phố không nuôi không trồng được, rồi bác bận việc, ít về. Rồi mọi người cứ xa dần. Mỗi lần bác về thưa dần, rồi bác đi Hà Nội làm quan trên tivi, tivi thì nhà nào cũng có, người nào cũng thấy bác nhưng bác không thấy họ. Có cái gì đó là khoảng cách. Có cái gì đó vô hình ngăn lớp áo thổ cẩm ghi lê với chiếc áo sơ mi được bà vợ ủi là phẳng phiu trên chiếc áo của bác tôi. Rồi tôi chẳng hề lui tới trong những ngày học ở đây. Hôm bác đến thăm trường tôi, bác có gọi tôi đến nói với thầy hiệu trưởng rằng tôi là cháu gọi bác bằng bác, nhờ thầy để mắt đến. Thầy hiệu trưởng tôi cứ xuýt xoa, nói rằng lâu nay không nghe cháu nói. Tôi thấy chẳng có gì đáng vui cho đến khi ông dúi cho tôi hai triệu. Tôi cười gượng thêm cái nữa rồi chào bác. Tôi không thích ông nữa. Ông cao và xa. Tôi thích cái gì gần mà tôi chạm tới được. Tôi cầm tiền và nghĩ ngay đến bạn. Tôi nhắn ba tôi gọi H’Yang đi học. Hai triệu tôi tính trả lại cho bác vì số tiền quá lớn nhưng nghĩ đến H’Yang tôi cất ngay vào túi.

H’Yang mang theo bao gạo, đùm túm mớ quần áo trong giỏ xách cũ. Đi cùng với H’Yang là ba bạn ấy. Tôi hỏi ông

Chú cũng đưa H’Yang đi học à?

Ừ, sẵn lên thành phố có việc gì làm, chú kiếm thêm làm để trả nợ

Chú nợ ai, khi nào

Vừa rồi chú đau đó, vay của người ta mười hai triệu mà giờ lãi cao quá, tiền lãi gần bằng gốc rồi, cuối năm mới có mùa mì mà đến khi đó cả rẫy mì cũng không trả đủ quá, nên sẵn đưa H’Yang đi cho biết rồi tìm việc làm luôn, ở nhà không kiếm được tiền.

H’Yang đưa túi mình xách cho. Sao đi học mà mày buồn dữ vậy

Ừ, vui nhưng buồn, tao không biết nữa, tao thương ba mẹ tao quá, tao đã không nghe họ, không lấy chồng, giờ lại đi học, tốn kém quá mày ơi, mới đi xe thôi mà đã thấy.

Mày yên tâm đi, ba tao nói ngân hàng họ cho mày vay rồi, rồi nhà nước sẽ có tiền trợ cấp cho con em người dân tộc là hộ nghèo đó…

Những ngày cuối năm lúc mưa ngừng là nắng bề bề. Nắng vàng ươm, trải đều khắp phố. Những sợi nắng vươn mình qua cây thông già vi vu. Nắng đổ xuống làm dịu đi cái lạnh cuối năm. H’Yang dậy sớm chuẩn bị cho con trai lớn đi học, đứa nhỏ vẫn còn bú tí mẹ. H’Yang cho con bú xong thì trao cho người giúp việc rồi đến công ty. Tôi đã đợi sẵn ở văn phòng của công ty du lịch Màu Nắng để phỏng vấn về những kết quả mà H’Yang đã làm được trong thời gian vừa qua, cô trở thành một trong những công dân tiêu biểu được thành phố vinh danh nhân dịp đô thị tôi kỷ niệm tròn một thế kỉ được thành lập. H’Yang đã dùng tiền trợ cấp để ăn hàng tháng, gom góp tiền làm thêm để mua xe máy rồi tự học tiếng Anh, tự kết nối với khách du lịch bụi để hướng dẫn, rồi thành lập công ty. Một người làm việc không ngừng nghỉ.

Mày có mệt không H’yang, tao thấy khối lượng công việc mày nhiều quá.

Cũng có chứ, nhất là khi công việc không như ý muốn hoặc là khi bị đổ vỡ gì đó

Đổ vỡ

Ừ. Có thể đổ vỡ về niềm tin, tình cảm. Như cái bận mới lên học được thầy giáo trong trường yêu, rồi thầy bỏ tao lấy vợ vì thấy nói không hợp. Không hợp vì giàu nghèo, tri thức, gia đình, dân tộc… tao hỏi gì thầy cũng không nói, rồi thầy đi, để cho tao vết thương cứa sâu.

Khiếp, ngôn tình vậy

Ừ. Rồi mỗi khi nghe tiếng xe công nông chạy ngoài đường là tao khiếp, tao nhớ cảnh buổi tối sâu hun hút, trời lạnh căm căm, ba tao đã bỏ nhà đi trăm cây số hái cà phê cho người ta để nuôi tao học, để kiếm tiền trả nợ, vậy mà trời cũng không thương nhà tao, chiếc xe công nông màu đen sì không đèn chở một xe cà phê đã tông ba tao xuống đường. Ông nằm đó, chết vì đau, vì đói, vì lạnh. Tao không bao giờ quên cảnh khi người ta tìm thấy ba tao bên đường, miệng ông đầy lá với bàn chân bị cứa lìa, máu chảy khô đông cứng thành dòng dài. Tao ám ảnh. Cứ nghe tiếng xe công nông nổ phì phì khi lên dốc là tao đau đầu, đau buốt óc.

Vậy mà mình cũng có ngày hôm nay, đâu là bí quyết.

Bí quyết gì mày, lao động, lao động và làm việc.

Lao động như thế nào

Tay, chân, trí óc, làm bằng ba người. Nếu vùng này chỉ trồng cà phê hay hồ tiêu thì mấy năm nữa vẫn vậy mày à. Giá trị nông sản không phụ thuộc vào số phụ thuộc vào chất mà người dân mình thì vẫn ham số lượng, chạy theo lợi nhuận. Nếp nghĩ của họ không thay đổi thì họ tự giết mình mày ơi.

Vậy thì có gì liên quan đến du lịch mày đang làm.

Có chứ, tao sẽ kết nối các chuỗi tham quan cho khách đến các vườn cà phê cổ thụ, thăm, chụp ảnh, rồi liên kết với nhau tạo tour. Tao định gom các anh em làm du lịch lâu năm lại để làm con đường vô những tháp Chăm Pa đổ nát dưới quê mình. Những thứ đổ nát ấy là vàng của du lịch. Người dân vốn thích đồ cổ và tò mò mà. Tụi tao sẽ làm trong năm tới. Nhưng việc của mày là nói trên đài cho hay để người dân đi học đã Hoa à. Học thì mới hiểu được vấn đề.

Ừ,  thì đang nói đây, nhưng mày phải nói thêm, người dân làng mình yêu mày lắm, nói mày giỏi, động viên con em học theo mày.

Đời tao đủ khổ rồi, học theo tao làm gì?

Đầy người mơ được khổ như mày.

Tôi chỉ ước sáng đi, trưa về, chân đút hộc bàn, áo quần thơm tho, môi son má phấn như ai đó.

Dễ òm

Đó, mày thấy chưa, tao ước thành mày mà cũng đâu có được. Nên phận ai người đó sống cho tốt đi mày ơi.

Ha ha ha…

Cuộc nói chuyện của hai chúng tôi kết thúc khi ánh nắng ban trưa chiếu những bóng nắng đung đưa dưới vòm lá của cây ngọc lan trước nhà đưa hương thoang thoảng. Tây Nguyên mùa này thật thú vị. Rõ nét khí tiết Tây Nguyên khi có bốn mùa trong một ngày. Đêm đến sáng thì Đông giá rét. Hửng nắng là bừng Tiết Xuân rạng ngời ấm áp. Khi về đỉnh mặt trời thì cái nắng dịu găn gắt của Hè về. Rồi Thu khẽ ghé qua trong một chiều nhạt nắng chuyển mùa Đông. Những đồi hoa dã quỳ được chăm sóc vàng lên rạo rực, miên man, khao khát. Những trảng cỏ hồng tím ướp sương mai lóng lánh như pha lê. Tiết trời dễ chịu nên con người phần nào cũng đáng yêu, đáng sống.

Nắng đuổi bóng tận vào sân trong, hắt vào tận chỗ laptop tôi đang viết. Tôi thấy nắng khẽ đung đưa dịu nhẹ. Nắng ở đây cũng hiền hòa dễ chịu. nhưng tôi không biết, nắng có màu gì mà công ty của bạn tôi có tên là Màu Nắng. Một màu lên như Nắng.

T.N.D