Số lượng phim điện ảnh Việt vượt mốc doanh thu 100 tỉ đồng đang tăng nhanh nhưng công thức chuẩn cho một tác phẩm thành công thì khó xác định. Đó chỉ là những “mẫu số chung” được tìm thấy sau khi xâu chuỗi điểm chung của các phim đã thành công.
Việt Nam hiện có 13 phim vượt mốc doanh thu 100 tỉ đồng. Sự phát triển này là nhờ thị trường ngày càng có nhiều phim đủ sức chinh phục, chạm được trái tim khán giả, tạo niềm tin để họ ra rạp thưởng thức.
Có thể mơ doanh thu 400-500 tỉ đồng?
Phim “Bố già” do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn đã xác lập kỷ lục doanh thu mới cho thị trường điện ảnh Việt. Tính đến chiều 29-3, sau hơn 23 ngày công chiếu, phim đã vượt 5 triệu lượt mua vé, doanh thu gần 350 tỉ đồng và vẫn còn đang trụ rạp.
“Bố già” vươn lên dẫn đầu danh sách các phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. 12 phim vượt mốc 100 tỉ đồng còn lại gồm: “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”, “Tiệc trăng máu”, “Em chưa 18”, “Hai Phượng”, “Gái già lắm chiêu 3”, “Lật mặt: Nhà có khách”, “Siêu sao siêu ngố”, “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”, “Em là bà nội của anh”, “Để Mai tính 2” và “Trạng Quỳnh”.
Trong năm 2019, thị trường có đến 5 phim Việt vượt mốc 100 tỉ đồng. Năm 2020, điện ảnh chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 với nhiều đợt tạm đóng cửa rạp nhưng thị trường cũng kịp có 3 phim Việt vượt mốc 100 tỉ đồng, tạo sự ngạc nhiên cho người trong giới.
Năm 2021, “Bố già” có sự mở đầu thành công khó tin, mang đến sự sôi động phòng vé mà những tưởng phải mất một thời gian để phục hồi sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhìn vào số lượng phim vượt mốc doanh thu 100 tỉ đồng ngày càng tăng, càng cho thấy thị trường phim Việt đang có sự phát triển nhanh và ẩn chứa tiềm năng lớn. Nhà làm phim Việt đã có thể mơ về những con số doanh thu 400 – 500 tỉ đồng, chứ không còn bó hẹp trong 100 tỉ đồng như vài năm trước.
Dẫu vậy, một tác phẩm điện ảnh Việt để vươn đến cột mốc 100 tỉ đồng và tiến xa hơn trong danh sách doanh thu cao nhất không phải là chuyện dễ. Nó đòi hỏi tác phẩm phải có sự đầu tư chỉn chu từ chất lượng kịch bản đến dàn diễn viên diễn xuất tốt, đúng thị hiếu khán giả và kết hợp vào đó là yếu tố may mắn, đúng thời điểm.
Có hay không công thức cho một tác phẩm điện ảnh Việt thành công? “Bí quyết” nào cần phải có để phim mang lại doanh thu ấn tượng? Hầu hết người trong giới đều cho rằng không thể có một công thức chung bởi thị hiếu khán giả thay đổi nhanh, khó đoán.
Đạo diễn Charlie Nguyễn nghiệm ra rằng các phim thành công trong thời gian qua đều có “chất châu Á” ở bên trong. Đề tài trong phim xoay quanh tình cảm gia đình, máu mủ ruột thịt, tình cha con, mẹ con, anh em. Phim xoáy sâu vào đó sẽ thành công và “Cua lại vợ bầu”, “Bố già”, “Em là bà nội của anh”… là minh chứng.
Một “mẫu số chung” nữa là phim không nên quá rườm rà, đao to búa lớn dẫn đến khó hiểu mà cần giản dị, hợp tình, hợp lý để dễ chinh phục khán giả. “Khi làm “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”, tôi và bạn biên kịch cùng ngồi chỉnh sửa kịch bản, cắt những cái rườm rà, tập trung khai thác đậm, phô diễn cái tình, cái nghĩa của anh em trong giới giang hồ” – đạo diễn Võ Thanh Hòa kể.
Tạo ra xu hướng
Đồng quan điểm với đạo diễn Võ Thanh Hòa, đạo diễn Nhất Trung cho biết khi làm phim “Cua lại vợ bầu”, anh cùng Trấn Thành và ê-kíp cũng bỏ bớt những tình tiết rườm rà, rồi đơn giản câu chuyện, tạo điểm nhấn.
Hầu hết 13 phim có doanh thu vượt mốc 100 tỉ đồng khi ra rạp đều ít nhiều tạo ý kiến khen, chê khác nhau. Các phim này cũng có những điểm trừ và điểm cộng riêng, không có tác phẩm nào thuyết phục tuyệt đối người xem. Điểm chung mà các phim này làm được là mang đến cảm xúc, chạm được trái tim khán giả vào thời điểm ra rạp.
Thêm “mẫu số chung” được đề cập chính là câu chuyện phim hay, gần gũi, khiến người xem thấy được bản thân mình trong đó và dễ đồng cảm. Phim “Bố già” là minh chứng cho thành công này. Nhờ vào câu chuyện cảm xúc, lời thoại rất đời mà phim khiến khán giả quên đi những điểm trừ khác. “Phim quan trọng nhất là mang đến cảm xúc cho khán giả. Phim thắng doanh thu đều mang đến cho người xem nhiều cảm xúc” – đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng sự thăng hoa của diễn viên trong phim cũng là một bí quyết thành công. Trong 13 phim vượt mốc 100 tỉ đồng, phim nào cũng có một hoặc 2 diễn viên thăng hoa. Trong “Bố già” thì đó là Tuấn Trần và Trấn Thành, trong “Em là bà nội của anh” là diễn viên Miu Lê, trong “Em chưa 18” là Kaity Nguyễn, trong “Cua lại vợ bầu” là Trấn Thành, trong “Hai Phượng” là Ngô Thanh Vân…
Trong một góc nhìn khác, theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, thì nhà làm phim cần phải tạo ra xu hướng. Thực tế đã chứng minh các phim thắng doanh thu đa phần đều tạo ra xu hướng. “Em chưa 18” sau khi thành công tạo xu hướng làm phim thanh xuân, học đường hiện đại. Phim “Em là bà nội của anh” thành công thì tạo xu hướng làm phim Việt hóa. Phim “Bố già” thành công nhiều khả năng sẽ tạo xu hướng cho một loạt phim xoay quanh vấn đề về gia đình.
Nhiều người trong giới cho rằng thị hiếu khán giả thay đổi từng ngày, nay họ thích đề tài này nhưng rất có thể sau đó đã thấy hứng thú với thể loại khác. Vì thế, nhà làm phim nếu chạy theo xu hướng thì sẽ không thể kịp thời phục vụ đúng thị hiếu của khán giả, bởi một phim cần hơn một năm, thậm chí vài năm từ lúc ấp ủ kịch bản đến khi chính thức ra rạp.
“Điểm rơi” phù hợp
Các phim thành công, lập kỷ lục doanh thu đều có được “điểm rơi” phù hợp. Chẳng hạn, “Tiệc trăng máu”, “Bố già”… ra rạp vào thời điểm rạp mới hoạt động lại sau thời gian tạm đóng cửa và nhu cầu giải trí của khán giả tăng.
Nhiều người cho rằng nếu “Tiệc trăng máu” được dời lại, ra rạp vào thời điểm cạnh tranh cùng “Bố già” thì cũng chưa chắc đã đạt doanh thu vượt 100 tỉ đồng. Phim “Bố già” nếu ra rạp đúng dịp Tết Tân Sửu mà không buộc dời lại, đối đầu cùng các phim Việt khác thì cũng chưa chắc đã gặt hái doanh thu kỷ lục như hiện nay.
Theo NLĐ