Mấy cọc sắt trước nhà – Truyện ngắn của George Saunders

639

(Vanchuongphuongnam.vn) – George Saunders (sinh năm 1958) là nhà văn Mỹ viết truyện ngắn, tiểu luận, tiểu thuyết và sách thiếu nhi. Ông là giáo sư tại Đại học Syracuse đã giành được Giải thưởng Tạp chí Quốc gia cho sách hư cấu vào các năm 1994, 1996, 2000 và 2004, và giải Nhì Giải thưởng O. Henry năm 1997.

Tập truyện ngắn đầu tay của ông, CivilWarLand in Bad Decline (Đất-nội-chiến trong cuộc suy thoái tệ hại), đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng PEN/Hemingway năm 1996. Cuốn tiểu thuyết Lincoln in the Bardo (Lincoln trong cõi mơ hồ) giành được giải Man Booker năm 2017. Nội dung truyện diễn ra trong và sau cái chết của con trai tổng thống Abraham Lincoln và đề cập đến nỗi đau của tổng thống trước sự mất mát lớn lao. Sách nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và Giải thưởng Man Booker năm 2017. Nhiều nhà phê bình văn học xếp Lincoln in the Bardo là một trong những tiểu thuyết hay nhất của thập kỷ. Với truyện ngắn CommComm, ông giành được Giải thưởng Viễn tưởng Thế giới năm 2006; mới đây, truyện ngắn Mấy cọc sắt trước nhà (Sticks) được binh chọn là 1 trong 100 truyện ngắn hay nhất trên một số trang mạng xã hội Mỹ.

Nhà văn George Saunders – Ảnh: Photo by Damon Winter/Redux

 

Người dịch Trần Như Luận

Mấy cọc sắt trước nhà

Năm nào cũng vậy, cứ vào đêm Lễ Tạ ơn, lũ chúng tôi lại lục tục kéo nhau theo chân cha, tò mò coi cha ôm bộ đồ ông già Noel đỏ viền trắng ra đường, phủ lên cái trụ sắt ráp theo hình cây thánh giá mà ông đóng sẵn nơi mé đường.

Vào tuần lễ Super Bowl, trụ sắt được “mặc” áo thi đấu, đồng thời “đội” mũ bảo hiểm của Rod; cha dặn thằng Rod muốn lấy mũ xuống, phải thưa rõ với cha. Vào ngày 4 tháng Bảy, trụ sắt ấy là chú Sam; vào Ngày Cựu chiến binh nó là chú lính; còn vào ngày Lễ Halloween, nó mang mặt nạ quỷ.

Dường như sự chăm chút cái trụ sắt ấy là niềm hạnh phúc duy nhất của cha.

Cha kĩ tính đến mức, mỗi lần mỗi đứa chúng tôi chỉ được phép rút ra một cây bút màu sáp từ hộp bút. Vào một đêm Giáng sinh, cha thậm chí đã hét vào tai con bé Kimmie chỉ vì nó lãng phí một lát táo. Cha đảo qua đảo lại trước mặt chúng tôi khi chúng tôi rót xốt cà chua và nhắc đi nhắc lại: Đủ rồi, đủ rồi, đủ rồi. Tiệc sinh nhật của lũ chúng tôi thường chỉ có một chiếc bánh mì nướng, chả phết kem.

Khi lần đầu hẹn cô bạn tới nhà chơi, cô ấy thắc mắc hỏi tôi: “Ba anh và cây trụ sắt trước nhà có chuyện gì vậy?” và tôi cứ ngồi đó mà chớp mắt.

Lũ chúng tôi rời nhà, lập gia đình, sinh con đẻ cái, tự nhận thấy những hạt giống của lòng keo kiệt vẫn cứ nảy nở đâu đó trong tính cách của chúng tôi. Cha bắt đầu điểm tô cho trụ sắt trước nhà thêm rườm rà với những lí do ít rõ ràng hơn. Cha phủ một số loại lông thú lên đó vào Ngày Groundhog hằng năm và không quên kéo đèn pha chiếu vào đó để nó tỏa bóng xuống mặt cỏ(*). Dường như cha thích mùa đông kéo dài. Khi động đất xảy ra ở Chi Lê, cha đặt trụ sắt nằm nghiêng xuống và phun sơn lên một vết nứt trên mặt đất. Mẹ mất; cha trang trí đỉnh trụ sắt thành bóng hình Thần chết, đoạn treo lên hai thanh ngang mấy bức ảnh của mẹ thời còn bé. Lũ chúng tôi tạt qua nhà, thấy những lá bùa kỳ quặc từ thời trẻ của cha được bố trí quanh chân trụ: nào huy chương quân đội, nào vé xem kịch, nào áo nỉ bạc màu, nào tuýp trang điểm của mẹ.

Một mùa thu nọ, ông sơn trụ sắt màu vàng ánh. Cũng vào mùa đông năm đó, cha phủ đỉnh trụ bằng những nhúm bông gòn để giữ cho ấm và đóng thêm sáu chiếc cọc khác bắt chéo quanh sân như thể tạo thêm con cái. Cha chạy nhiều đoạn dây dài giữa trụ sắt và mấy cây cọc, rồi đính vào mấy sợi dây ấy những bức thư xin lỗi, nhận lỗi, cầu xin sự thông cảm, tất cả được viết bằng nét bút nghệch ngoạc trên bìa cứng. Cha lúi húi kẽ một tấm biển to ghi YÊU và treo nó lên trụ sắt, rồi một tấm biển khácghi THA THỨ? và sau đó, cha chết ở tiền sảnh, cạnh cha có cái radio đang mở oang oang. Chúng tôi bán nhà cho một cặp vợ chồng trẻ; họ hạ cây trụ sắt và mấy cây cọc xuống, đoạn quăng chúng ra lề đường để người ta đưa đi đổ rác.

G.S

(*) Theo truyền thống xa xưa của người Mỹ, Ngày Groundhog (ngày Hai tháng Hai) là ngày để tiên đoán liệu mùa đông có sớm kết thúc hay không. Người ta tin rằng nếu một con nhím đất nhìn thấy bóng của nó (vì mặt trời chiếu sáng vào ngày 2 tháng 2), mùa đông sẽ kéo dài thêm sáu tuần; nhưng nếu nó không nhìn thấy bóng của nó (vì trời nhiều mây), mùa đông sẽ kết thúc sớm.