Trần Ngọc Tuấn
(Vanchuongphuongnam.vn) – So sánh về thái độ “nhập thế” để hành đạo với đời thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần giống với Phan Bội Châu, vì cả hai đều bất mãn thời cuộc mà buổi đầu “ẩn chí đợi thời”, chẳng màng thi thố tài năng.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Trong lúc, về sau, Phan Sào Nam với than vắn “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài” nhưng vì bất đắc dĩ với chữ “danh” để mà hành sự, vậy nên phải quy lụy quan trường tòng theo lời răn của Khổng Tử: danh phải chính để cho ngôn được thuận. Thì trước đó, trong thời buổi Lê suy, “không còn cảnh tượng thái bình”, “khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất thành núi”, Trình Quốc công không chịu ra thi, mà ẩn sĩ chờ thời. Phải đến khi nhà Mạc thay Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra ứng thí. Và chỉ cần xắn tay vẩy bút, cả hai người đều đã đỗ giải nguyên.
Về thái độ “xuất thế” để lánh đục tìm trong, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có phần giống Tam nguyên Yên Đỗ. Vì, Bạch Vân Cư Sĩ cáo quan ẩn dật sau 8 năm ngao ngán lộng thần nơi chốn quan trường, thì Nguyễn Khuyến cũng chỉ làm quan được 10 năm rồi cáo quan. Và, cả hai từ quan nhưng đều canh cánh trong lòng bởi trách nhiệm kẻ sĩ. Thế mà cách ứng xử sau đó lại khác. Nguyễn khuyến dù day dứt “Ơn vua chưa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời” nhưng lại có phần cự tuyệt khi dặn con: “Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” (Di Chúc). Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm, “vì muốn tác động đến thời cuộc và vì sự ràng buộc của nhà Mạc đối với những sĩ phu có uy vọng, ông đã trở lại tham chính” (Từ điển văn học, Bộ mới, NXB Thế Giới, tr 1108). Rồi sau đó phải đến 70 tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới treo mũ từ quan.
Vì vậy, có thể thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện tượng khá đặc biệt trong liệt sử trung đại. Trong con người, ông là người nhập cuộc với triết lý Khổng giáo. Trong sáng tác, nhất là khi về ẩn, lập “quán”, xây chùa, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa có thiên hướng thế sự vừa nhuốm nhiều màu sắc tư tưởng Lão Trang.
Xét về vị trí của các tác giả trong dòng chảy văn học, nếu Nguyễn Trãi là người kết tinh thời kỳ vàng son văn hóa Lý – Trần, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là người theo sau, kế thừa tinh hoa Nguyễn Trãi và đạt đến đỉnh cao, thêm một bước hoàn thiện cả về tư tưởng, bút pháp, và thể loại cho thi ca dân tộc. Chỉ cần so sánh Nôm đủ cho ta thấy điều đó: Nếu Quốc âm thi tập (được xem là tập thơ viết bằng chữ Nôm sớm nhất của văn học nước nhà), mặc dù được Nguyễn Trãi ý thức cách tân “Nôm hóa” thơ thất ngôn Đường luật chữ Hán bằng nhiều câu thơ lục ngôn, song vẫn còn đậm đặc yếu tố cổ điển. Thì đến Bạch Vân quốc ngữ thi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “lột xác” cho thơ Nôm dân tộc, “Việt hóa” rất nhiều, từ ngôn từ, mỹ cảm cho đến tâm thức… Tất cả đều nhuốm màu thế sự, thấm đẫm hơi thở thời đại, đậm đặc đạo lý luân thường. Mà phải chờ khá lâu sau đó, chờ đến áng thơ Nôm trác việt kết tụ linh hồn dân tộc Truyện Kiều (Nguyễn Du) và thơ Nôm của “bà Chúa” Hồ Xuân Hương, dòng chảy thơ Nôm Việt Nam mới thật sự thăng hoa, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo. Nhìn bao quát ra như thế để thấy rằng, trong dòng chảy ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là chiếc cầu nối, là một mắt xích quan trọng, là vị trí khó có thể thiếu trống.
Bạch Vân quốc ngữ thi là đoạn trung chuyển của dòng chảy ấy, mà tiêu biểu nhất là bài thơ Nhàn (Thú nhàn). Bài thơ này của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lâu đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 10. Đây được xem là bài thơ khá đặc biệt vì nó kết tinh tư tưởng sâu sắc quan niệm sống của những bậc đại hiền triết thức giả Á Đông xa xưa. Những chiêm nghiệm sống ấy của tác giả ngày nay vẫn còn nguyên những giá trị thực tiễn với nhiều thâm thúy trong cách nhìn theo chiết tự Hán học.
Thứ nhất, sự thâm thúy của bài thơ thể hiện ở nhan đề “Nhàn”, mặc dù nó được người đời sau đặt. Trong Hán tự, chữ “nhàn” được ghép bởi bộ “nhân” (“nhân” đứng, là người, đứng bên trái tự) hội ý với bộ “môn” (là cửa), trong bộ “môn” có bộ “nguyệt” (là trăng). Khi hội ý như thế, chữ “nhàn” có nghĩa là: người thảnh thơi ngắm trăng rọi vào khung cửa. Như vậy, lúc nào mà chúng ta có những giây phút giao hòa với thiên nhiên như thế mới gọi là nhàn. Ngày nay, để có được những phút giây như thế thực là rất hiếm lắm thay.
Trong bài thơ có câu này: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ”. Nơi vắng vẻ là nơi nào? Là nơi “sơn lâm” (rừng núi) mà cái lẽ đời người ta thường nói “Bần cư tại thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Đọc câu thơ này của Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi lại nhớ đến một Hán tự khác, đó là chữ “tiên” (ông Tiên, ông Bụt). Theo sự hội ý của từ này thì “tiên” không phải là người trên trời mà là người trên núi (sơn). Vì chữ “tiên” được ghép bởi bộ “nhân” (như nói ở trên) và bộ “sơn” (đúng bên phải). Nghĩa là người sống trên núi thì được gọi là tiên. Mà dân gian ta hay nói “sướng như tiên”. Vậy thì xem ra Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu có… dại!
Ở cặp câu kết, tác giả viết: “Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Tôi xin không bàn câu thơ sau, mà chỉ bàn đến câu nói về… “tửu đạo”. Rượu, ừ thì uống chứ. Uống một cách ung dung, tự tại, chẳng ai cấm, không ai ép. Nhưng mà uống dưới gốc cây kia, uống như cụ Nguyễn Khuyến để vừa ngoạn cảnh thu Bắc bộ kia. Chứ tuyệt nhiên không uống ở… nhà hàng, quán bar, vỉa hè, đường phố như cách nhìn kiểu “lô nhô loài người” của nhạc Trịnh. Uống dưới “cội cây” là uống giữa thiên nhiên, uống để tịnh trí, tịnh tâm, tịnh dưỡng.
Nói đến đây tôi lại nhớ đến chữ “hưu” (nghỉ hưu, hưu trí) trong chữ Hán. Chữ này gồm bộ “nhân” (cũng như đã nói trên) ghép với bộ “mộc” (cây, bên phải). Nghĩa là, theo người xưa, nghỉ hưu, về hưu là về ở dưới gốc cây, về với vườn tược, thiên nhiên. Chứ không phải về ở… trại dưỡng lão, về với… bốn bức tường lạnh giá và với chiếc tivi nóng hổi thế sự. Không phải về để mà… nuôi cháu giữ chắt đàn đàn đống đống như bao cụ ông cụ bà ngày nay!
T.N.T