Mấy suy nghĩ về triết lý giáo dục Việt Nam

720

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời gian gần đây, giáo dục Việt Nam liên tục có sự thay đổi. Vì vậy, nhiều người đã nghĩ đến một khái niệm làm nền tảng, như “kim chỉ nam” cho sự vững bền của giáo dục, gọi đó là triết lý giáo dục. Vậy triết lý giáo dục là gì?dưới đây là một cách nhìn tiệm cận của chúng tôi.

Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của các nhà giáo dục, sư phạm, văn hóa hàng đầu Việt Nam  bàn luận về vấn đề này. Họ đưa ra các khái niệm cô đọng, súc tích nhằm thâu tóm một cách khái quát khái niệm này qua các tiêu chí như: mục tiêu, bản chất, đặc trưng, tầm nhìn, chiến lược, nội dung, phương pháp giáo dục. Thậm chí có nhiều người còn đề xuất nên trưng cầu ý kiến xã hội để “luật hóa” vấn đề này và đưa vào áp dụng. Có thể nói, dù chưa thể có tiếng nói chung và kết luận cuối cùng, song những ý kiến ấy là đáng quý, xuất phát từ sự quan tâm, sự nhiệt tình đầy trách nhiệm đối với giáo dục nước nhà, thật đáng trân trọng.

Tuy vậy, theo chúng tôi, việc tìm một triết lý giáo dục cho Việt Nam hiện nay không phải là một vấn đề đơn giản. Nhất là trong bối cảnh nền giáo dục của chúng ta đang trong tình trạng “mở” của tiến trình tiếp thu , hội nhập. Và phần nào đó thiếu sự ổn định và bền vững. Trong mấy mươi năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam đã và luôn đang trong tiến trình thay đổi nhiều về chương trình, về sách giáo khoa, về đánh giá, thi cử từ bậc tiểu học cho đến đại học, sau đại học. Đó là nhu cầu tự thân và thiết yếu. Và cũng chính vì đó mà chúng ta luôn lo lắng về sự thiếu ổn định và bền vững. Tôi nghĩ GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới) rất có lý khi ông cho rằng: Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới không dựa và một triết lý giáo dục cụ thể nào cả, mà chủ yếu trên cơ sở những chiến lược, mục tiêu đạt được trong quá trình thực hiện.     

Giáo dục là một lĩnh vựa rất rộng, khó có thể bao hàm trong một vài cụm từ ngữ nào đó để thâu tóm toàn bộ nội dung, bản chất của nó. Có thể trong trường hợp này việc áp dụng sẽ đúng nhưng ở tình huống khác lại khiên cưỡng. Tư duy đa chiều, linh hoạt ấy là cả một kho tàng triết lý giáo dục của dân gian. Đó là “không thầy đố mày làm nên” nhưng lại “học thầy không tày học bạn”. Đó là việc đề cao sự hiểu biết kiến thức (một kho vàng không bằng một nang chữ) nhưng lại chú trọng tính ứng dụng, thực tiễn (“trăm hay không bằng tay quen”, “học đi đôi với hành”…). Đó là những triết lý giáo dục có tính truyền thống mà vô cùng hiện đại, tích cực.

Trong các khẩu hiệu ở trường học hiện nay, chúng tôi tâm đắc nhất mục tiêu giáo dục này trong Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành  Trung ương Đảng (khóa VIII): “Xây dựng một nền văn hóa (giáo dục) tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vì nó vừa có quá khứ lẫn tương lai, có tính dân tộc và quốc tế, có bản sắc riêng mà không đứng trước nguy cơ tụt hậu…

Mục tiêu này có thể coi như là một triết lý cho giáo dục Việt Nam hiện nay!

 Trần Ngọc Tuấn