Mây trắng trong vườn chè ông nội – Tản văn của Trang Thanh

191

Đó là tên một bài thơ tôi viết vào quãng năm 2015, khi chăm sóc chồng tôi mang trọng bệnh nằm trong bệnh viện. Những ngày tháng ấy, nghĩ về căn bệnh vô phương cứu chữa đang chụp bóng đen tuyệt vọng lên kiếp người, tôi hay nhớ những gương mặt người thân đã khuất bóng…

Minh họa: Đào Tuấn

Tôi nhớ ông nội, người mà tôi chỉ được sống cùng khoảng dăm, sáu năm, trong quãng đời thơ bé nhất của mình. Ông nội gầy, dong dỏng cao, nho nhã, tóc bạc trắng, đôi mắt tinh anh. Nhà có một vườn chè và tôi mặc định đó là vườn chè ông nội, vì cho đến bây giờ, hình ảnh đẹp nhất khi tôi nhớ về ông là những lần theo ông đi hái chè. Nắng chớm hè chan hòa trên sân gạch, tỏa rạng khắp lúa trên đồng, nhưng trong vườn chè, bởi mấy cây mít cổ thụ trùm bóng, nên nắng dường chỉ mới lốm đốm xiên qua những kẽ lá thành những quầng sáng mỏng mảnh, tỏa rạng trên lùm cây.

Vườn đặt sẵn một chiếc thang ghế hai chân, để mẹ trèo hái chè ở những cành cao. Ông nội đã già, không còn trèo được, ông sẽ hái lá chè ở những cành thấp. Tôi cứ líu lo bên ông, cầm rổ hứng chè, nghe giọng ông ấm áp khen cháu ông ngoan lắm. Vào những hôm ông không được khỏe, hoặc ông bận khách, mẹ sẽ hái chè cho ông. Cách hái chè của ông nội và mẹ giống nhau. Cứ chọn những lá mà mẹ gọi là từ bánh tẻ đến già săn, màu xanh sẫm. Mẹ dùng ngón cái và ngón trỏ, nhẹ nhàng bứt lá ra khỏi cành nghe tách khẽ một tiếng, rồi nắm lá thật nhẹ trong lòng bàn tay. Hết lá này đến lá khác chồng lớp lên nhau theo một cách nào đó thật tự nhiên trong lòng tay là được một nắm chè. Khi đó mẹ thả nhẹ vào chiếc rổ đặt trên mặt thang. Tôi đòi mẹ cho cầm rổ hứng lá chè, nhưng khi mẹ hái được nhiều thì rổ nặng, tôi cũng mỏi tay, đành buông rổ xuống vườn. Bà nội tôi lúc ấy không ở nhà. Bà đi chăm các em con chú thím tôi ở tỉnh xa, vào dịp Tết đến bà mới thường về, ăn Tết xong ít ngày thì lại đi.

Ông nội tôi vốn là công nhân nhà máy trấu, xưa mẹ tôi hay gọi thế, tôi nghĩ đó là nhà máy xay xát của Pháp, ngày Pháp chiếm đóng thành phố Nam Định. Khi ta lấy lại được thành phố về tay chính quyền mới, ông nội trở thành công nhân xưởng nhuộm của Nhà máy Dệt Nam Định. Hẳn là khi đó tôi chưa ra đời rồi. Nghe mẹ thường kể, trước mặt làng về phía Tây là cánh đồng Bông rộng lớn, mẹ tôi mỗi 5 giờ sáng lại chèo thuyền đưa ông qua đồng Bông để lên đường cái, là đường 38A bây giờ. Từ đây, ông có khi đi bộ, có khi đi xe ngựa vào nhà máy trong thành phố để làm việc. Chiều tối mẹ lại chèo thuyền nan bơi ngang cánh đồng Bông, chạm đường cái là gặp ông đợi sẵn, hoặc mẹ chờ một lúc thì ông về tới.

Khi tôi có mặt trên đời, ông đã nghỉ hưu lâu rồi, có lẽ ông chỉ còn làm được việc lớn nhất mỗi ngày là hái chè, hãm chè, rồi đeo kính cầm lên một quyển sách mà ông gọi là Tam quốc, thư thả vừa uống chè vừa đọc. À, ông còn có một cái thú nữa là đánh tổ tôm, với mấy cụ ông hay chống gậy ba toong đến nhà tôi, tụ tập ngồi trên sập gụ. Tôi chỉ nhớ một ông tên là Kim, ở làng bên, người nho nhã. Mấy lần ông nội và các bạn tổ tôm đêm khuya, mẹ tôi nấu cháo gà mời các ông ăn cho ấm bụng.

Mỗi tầm gần trưa hàng ngày, ngấn nắng lấn dần từ trên bậu cửa, xuống thềm hè, rồi qua hè, xuống sân. Cả một cái sân gạch trong tầm mắt đứa trẻ lên ba lên năm ngày ấy là mênh mông ngời ngợi nắng. Bố dạy tôi cách nhìn ngấn nắng để đoán giờ. Ngấn nắng bám trên bậu cửa là tầm bảy, tám giờ sáng. Ngấn nắng bò xuống thềm hè thì qua tám đến chín giờ. Khi thềm hè không còn chút nắng nào nữa, ngấn nắng đã trườn xuống sân gạch rồi, là qua chín giờ. Rồi từ đó chỉ còn chan hòa những nắng là nắng, khắp sân gạch đến vườn cây, trên mái ngói, từ vườn nhà chan chan vời vợi trên đồng ruộng.

Khi ngấn nắng trườn xuống sân gạch là lúc mẹ tôi sẽ múc nước giếng thơi để rửa chè. Rổ chè sạch mẹ đặt lên mặt bể cho ráo nước, trong khi đó ông nội bỏ bã chè hôm qua từ ấm tích ra, phủ lên mấy gốc cây mai, hoa hồng ở vườn trước. Ông múc nước bể súc sạch ấm tích, rồi vặn nhẹ từng nắm chè bỏ vào. Vặn chè là để lá chè dập nhẹ, sẽ xanh hơn, đượm nước hơn, ông nói vậy. Chè vặn đủ một ấm rồi, ông xách ấm về đặt trên thềm hè. Mẹ tôi kịp xách ấm nước vừa sôi từ dưới bếp lên. Ấm nhôm đun bếp rơm bếp củi nên đen sì muội tro và nóng quai lắm. Ông lót tay, rót nhẹ một ít nước từ chiếc ấm vừa sôi vào tích để tráng chè.

Mùi chè tươi ngan ngát thơm lên. Lúc này, ông nội khom khom trên thềm hè râm mát, rót dòng nước tráng chè xuống sân gạch đang chan hòa nắng sớm. Muôn vàn giọt nước li ti bắn ra xung quanh quầng nước đang chầm chậm bò ngoằn ngoèo trên sân như chú rắn, in xuống nền gạch một vầng hoa rắc. Tôi thích thú khoảnh khắc ông tráng chè làm thành một vầng hoa rắc lấm tấm trên mặt sân lấp lánh như thế, mỗi ngày. Ông nội thân hình mảnh khảnh, tóc trắng như mây, đẹp như già tiên trong những câu chuyện cổ. Theo mỗi chuyển động lúc rót nước tráng chè buổi sáng dưới ánh trời rực rỡ, tôi thấy bóng ông rung rinh in xuống thềm sân nắng, hiền hậu tựa một vầng mây.

Còn hình ảnh yêu thương nhất, cảm động nhất mà tôi nhớ về ông nội, chính là vào cái buổi chiều cuối cùng ông còn trên dương thế. Ông nằm nhẹ nhõm trên chiếc giường rẻ quạt. Chiếc giường gỗ mà có lẽ trong nhà tôi, bốn thế hệ đã lần lượt nối tiếp nhau gửi giấc ngủ của đời mình mỗi ngày trên đó, đến bây giờ thì đã gãy hỏng, không còn. Mẹ tôi đưa lại bên ông một quả chuối tiêu đốm trứng quốc, tha thiết dỗ ông ăn. Ông nói nhỏ, bẻ đôi quả chuối cho ông. Rồi vẫy tay ra hiệu tôi lại gần, ông đưa vào tay tôi một nửa quả chuối, khẽ bảo, con ăn đi. Tôi và ông nghẹn ngào ăn hết mỗi nửa quả chuối. Thoáng có bóng ông Kim, người bạn tổ tôm của nội chống ba toong đến, dợm tiếng từ đầu sân. Cha tôi mời ông Kim vào nhà. Ông Kim đặt tay lên trán ông tôi, cầm tay ông tôi lắc lắc và bảo, tôi đặt tên cúng cơm cho ông nhé, nội tôi khẽ chớp mắt, gật đầu. Ông Kim chừng nghĩ ngợi một lát rồi nói nhỏ tên cúng cơm cho nội và cha mẹ tôi đủ nghe. Nội lại khe khẽ gật đầu, vẻ mặt bằng lòng, và chỉ vài phút sau, đôi mắt hiền hậu của nội tôi từ từ khép lại…

Khi đó là giữa tháng sáu lịch Âm, nắng oi không thể nào tả xiết trong ngày chúng tôi đưa tiễn nội ra đồng. Rồi ngày mai, là trận bão khủng khiếp ập đến lúc nửa đêm, giật khỏi cây mít cổ thụ bên vườn chè của nội tôi mất mấy chục quả mít xanh non. Chị em tôi lội bì bõm trong vườn, bưng mít xanh về xếp dọc thềm mưa ướt. Mắt đứa nào đứa nấy mọng đỏ vì khóc thương ông, lại xót xa nghe mẹ đi đắp mộ theo phong tục ba ngày về, nói ngôi mộ của ông bị mưa bão làm ngập lút. Cả chục gốc chè trong vườn được mẹ vấn vôi tang. Cây mít cổ thụ cũng để tang ông nội bằng quầng vôi trắng xóa vấn quanh tấm thân già nua có lẽ đã gần trăm năm tuổi…

Vườn chè cổ thụ của ông nội khi ấy đương đơm một mùa hoa trắng ngần, thơm ngát. Mới buổi chiều hôm kia trước khi ông đi, mẹ dắt tôi sang vườn. Hôm ấy, mẹ hái chè thật nhiều, thật vội. Có lẽ mẹ đã chẳng còn tâm trạng nào mà kén chọn lá già săn hay bánh tẻ gì nữa. Bình thường, nếu ông khỏe, mùa này mẹ sẽ còn hái nụ chè để phơi khô, cất đi dùng thay lá chè vào mùa đông. Còn bây giờ, cứ với lấy cành nào gần mình nhất là mẹ hấp tấp hái, có khi ngắt cả ngọn non, và sùi sụt khóc. Mẹ bảo, ông con có lẽ lần này không qua khỏi rồi! Trong mắt tôi nhạt nhòa mây trắng. Tôi vốn luôn mường tượng mái tóc của ông nội mỗi lần tôi đứng lui cui nhỏ thó dưới vườn, ngước nhìn lên hình ảnh ông thoáng như chung chiêng, rung động khi với tay hái lá trên cành cao. Tóc ông tôi trắng tựa mây. Hoa chè từng đốm cũng trắng ngời dưới nắng, rung rinh trên mái tóc ông bềnh bồng, xao xuyến. Màu hoa trắng muốt, và mái tóc nội tôi, cả nắng ngời và mây trắng nhẹ bay trên vòm trời cao xanh tít tắp, tôi đều gọi, đó là mây trắng trong vườn chè ông nội.

Rất nhiều năm sau ngày vắng bóng ông, tôi luôn nhớ về màu mây trắng rung rinh trên những chòm xanh lá thắm những ngày tháng ấy. Tôi viết bài thơ “Mây trắng trong vườn chè ông nội” khi tôi chăm sóc chồng tôi trong bệnh viện và hay nghĩ ngợi về con người, về sự sống, về cái chết, về những năm tháng đời người. Thật tiếc, giữa thật nhiều khủng hoảng, hoang mang, đau đớn của những ngày tháng đó, tôi chưa kịp thuộc bài thơ thì chiếc máy cỏn con ghi bài thơ đó bị hỏng, không thể nào mở lại được. Tôi thường thuộc những bài thơ của mình sau nhiều lần đọc đi sửa lại, nhưng “Mây trắng trong vườn chè ông nội” là bài thơ chưa kịp đọc sửa, nên đã nhiều lần cố nhớ, mà tôi vẫn chỉ nhớ được câu kết: “Con ước làm mây trong vườn chè hoa nắng/ Ước nội làm mây trắng bay lên”.

Có lẽ lúc này, ông nội tôi và những người thân yêu trong gia đình đã khuất bóng, đang làm mây trắng phiêu du trên khắp các phương trời. Phương trời in bóng dáng những cuộc đời đã xa xăm, còn gửi linh hồn mình ở lại. Phương trời có hương trà hoa thơm lên từ mơ ước của bài thơ tôi viết, mỗi mùa về thành kính dâng lên, để nhớ, để thương…

Theo Trang Thanh/ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên