Mẹ tôi đi về phía mặt trời lên

773

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mẹ tôi sinh ra trên vùng đất bên cạnh dòng sông Lam. Con sông hiền hòa, bao dung, nối đôi bờ Hà Tĩnh và Nghệ An. Con sông dài dằng dặc trong ký ức mỗi con người ở vùng quê này. Con sông một thời trầm tư lặng lẽ trôi, con sông ám ảnh, thu về bao cảnh đời cơ cực của miền quê dưới thời thực dân Pháp nô lệ.

Thời kỳ 1930-1931 và 1936- 1939, vùng quê Nghi Xuân, Nghi Lộc là một trong những điểm nóng của lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp ở  địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 1/5/1930, ngày quốc tế lao động, mẹ hòa vào dòng người biểu tình ngược lên thành phố Vinh, lúc đó mẹ tôi bước sang tuổi 24. Thời kỳ 1936-1939, mẹ tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh cách mạng. Từ cái nôi, cội nguồn lịch sử đó, mẹ kết duyên thành vợ chồng với ông Lý Dung trong làng mẹ. Ông Lý Dung có tham gia gây dựng phong trào đấu tranh ở vùng quê này. Mẹ tôi lấy tài liệu giấu trong nhà mẹ do các chiến sĩ gửi lại đó, rồi đem đi ấn loát ở địa điểm bí mật. Lúc thực dân Pháp truy quét gắt gao những người cách mạng, mẹ lại đi đò sang bên kia sông, mẹ sống trong sự đùm bọc của người dân Hà Tĩnh. Khi thấy lặng yên bên bờ sông quê mẹ. Mẹ lại sang đò về quê. Con đò đi qua về lại trong không gian trầm mặc, buồn thảm của thời kỳ lịch sử, những năm tháng mà cuộc sống của người dân lầm than dưới ách thống trị của Pháp. Mỗi khi xuôi đò sang sông, mẹ lặng đi trong những câu hò, câu hát chở nỗi buồn man mác, chở những số phận kiếp người nô lệ đi về phía dòng sông, để tan vào nước sông Lam. Mẹ đi chợ sáng, chợ chiều, rồi cải trang bằng nhiều trang phục bên ngoài dáng hình của mẹ, mẹ đi hun hút vào đêm, băng qua những cánh đồng quen thuộc trong không gian mùa đông tê lạnh. Đầu năm 1931, người dân vùng quê này giết tên tri huyện: Tôn Thất Hoàn, là một tri huyện gian ác nhất trong xứ. Những trận đàn áp bắt bớ diễn ra liên tiếp sau sự kiện đó. Những người bị tình nghi tham gia cuộc vây bắt đó bị gom về cây đa Chính Vị thuộc xã nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An, nơi có đền Chính vị (sau này là di tịch Lịch sử  văn hóa Quốc gia). Thực dân Pháp hành quyết tại nơi ấy 22 chiến sĩ cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc, bí thư xứ ủy Trung kỳ, giặc Pháp còn thiêu hủy 320 ngôi nhà ở Song Lộc – Tân Hợp. Mẹ tôi lúc ấy nhanh chân chạy vào một nhà dân bên dòng sông Lam. Một tốp lính ào tới, may mà trong khoảng khắc ngắn ngủi đó, phía sau nhà, con rắn độc bất ngờ lao ra, mấy thằng lính không chú ý việc bắt bớ, cứ lao vào đập rắn. Mẹ tôi chớp lấy thời cơ, nhanh chân lách nhẹ cửa sau lao ra và chạy miết về bên kia làng khác, trong ánh đêm bắt đầu đổ xuống. Mẹ lại gồng gánh đi về phía đó. Mẹ  đi về phía mặt trời lên. Nơi đó có ánh sáng cách mạng, có anh em đồng chí đang âm thầm gieo những hạt giống cách mạng. Mẹ có thời gian ở tù. Mẹ ra tù và lại trở về bên dòng Lam, xuôi dòng sang bên kia, sống tạm những tháng ngày bên đó. Ông Lý Dung hướng dẫn mẹ cách tiệp cận với những con người tham gia hoạt động đấu tranh; cách chuyển giao tài liệu bí mật. Sau một thời gian, phong trào lắng xuống để chuẩn bị cho một phong trào khác. Một mùa thu, chồng mẹ tôi đột ngột qua đời vì bệnh đau tim. Lòng mẹ nặng trĩu đau buồn. Chiều chiều, mẹ lại trở ra sông Lam. Sông Lam thở dài trong buổi chiều đổ xuống như lòng mẹ đau đáu thận phận một con người. Ký ức về người chồng lại hiện trên dòng sông. Bóng dáng con đò, dòng sông vắt qua cuộc đời mẹ tôi…

Mẹ thường qua bên Hà Tĩnh để ấn náu, vì bên ấy có mấy người phụ nữ trong làng lấy chồng về  Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Lúc thực dân Pháp dò xuống vùng đó, mẹ lại trở về bên này. Mỗi lần đi qua cánh đồng, tôi đến thắp hương trên hai ngôi mộ, những ngôi mộ của cố ông, cố bà tôi, những người đã từng tham gia hoạt động cách mạng. Người mẹ sinh ra mẹ tôi là chị ruột ông Võ Văn Đồng. Ông Võ Văn Đồng từng làm bí thư huyện ủy Nghi Lộc, Giám đốc bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngôi mộ vợ ông Đồng cũng nằm bên cạnh chồng. Ông Đồng là người nâng đỡ dìu dắt mẹ tôi trong thời gian mẹ  tham gia đấu tranh cách mạng thời kỳ 1936-1939 ở vùng quê này. Vợ ông Đồng là người Thanh Chương,  nơi miền quê được gọi là lò lửa cách mạng. Hồi ấy, ông Đồng thường lui tới cha mẹ vợ ông Đồng để họp chi bộ, bàn kế hoạch đấu tranh. Và nơi đây trở thành địa điểm quan trọng của một tổ chức cách mạng trên đất Thanh Chương. Sau một thời gian, duyên của ông Đồng bén với cô gái trong gia đình. Rồi người con gái đó theo chồng về miền đất Cửa Hội. Mẹ tôi cô đơn dằng dặc. Mẹ gánh nỗi cô đơn trên đôi vai đi đến với dòng sông, đến với con đường quen thuộc ra phía chợ. Bờ vai của chồng, bờ vai để mẹ tựa vào đó mà ngược xuôi đi về không gian có mặt trời lên, có ánh bình minh của cách mạng. Mẹ thui thủi một mình trong đêm vắng, thân cò trên đồng bãi gieo hạt lúa để có hạt gạo; mùa về, mẹ gom từng hạt gạo để dành, thỉnh thoảng làm bữa cơm chập choạng tối cho anh em trong tổ chức ăn tạm, để họ kịp lao vào bóng tối tiếp tục hoạt động. Mẹ tôi là một Đảng viên, thường lui tới những cơ sở bí mật của cách mạng được gây dựng tại huyện Nghi Lộc trong thời kỳ đó.

Ở làng bên kia, có một người phụ nữ rất đẹp, người Hà Tĩnh bén duyên thành vợ chồng với một người trong làng. Bà Hương xe duyên mối lái thành công cho mẹ tôi về với ông Nghè Mai, làm vợ một tiến sĩ danh giá của thời kỳ cuối của chế độ phong kiến. Mùa thu ấy, mẹ qua đò cuộc đời lần 2. Mẹ đã một đời chồng rồi mà chưa có con. Sắc đẹp mẹ  luôn gìn giữ. Mùa đông giá lạnh, vậy mà nước da mẹ tôi vẫn hồng hào. Có lẽ trời phú cho màu da thuộc giống nòi. Ông Nghè Mai mê lắm. Được bước vào làm dâu trong một gia đình của tri thức phong kiến, mẹ mừng lắm. Trong một lần qua sông với mẹ, tôi được nghe mẹ kể một mảnh đời bên kia sông. Có lần khi trở về thăm nhà, mẹ mang cả bài thơ: “Giang Đình hữu cảm” của ông Nghè Mai, sau này được lưu giữ tại Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Mai( 1876-1956), người xã Tiên Điền, tổng Phân Xá, huyện Nghi Xuân, Phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyễn Mai là cháu họ bốn đời của Đại thi hào Nguyễn Du, đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900), rồi đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) năm Thành Thái thứ 16. Nhà ông Nghè Mai lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là bạn thơ phú của chồng. Buổi sáng, dậy sớm để chuẩn bị tiệc trà cho chồng tiếp khách. Thời gian qua mau mà mẹ vẫn chưa có con. Mẹ tôi tự hào vì khi ra tù, chưa có nơi nương tựa cuộc đời, mẹ lại được sang bên kia sông kết duyên với một tri thức có tiếng tăm. Mẹ làm dâu ở xứ này, người ta đều khen mẹ nhiều. Nhưng rồi, mẹ không ở lại lâu dài bên kia dòng sông. Sau này, mẹ cũng không kể rõ lý do mẹ chia tay ông Nghè Mai. Nhắc lại mẹ chỉ thở dài và hướng khuôn mặt buồn về phía dòng sông.


Minh họa (Ảnh: Internet).

Đi về trên con đò dòng sông Lam, mẹ man mác nỗi buồn. Nhìn dòng nước trôi chầm chậm, mẹ  quặn đau nỗi lòng. Mẹ tên thật là Lưu Thị Cầu, thường gọi là bà Cư, sinh ra ở làng Xuân Giang, xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An. Làng Xuân Giang bây giờ nằm gần con đường mới, người ta đặt tên là con đường sinh thái. Phía trước mặt con đường là dòng sông Lam, sông có tự ngàn đời chảy qua vùng quê mẹ, dòng sông như dải lụa màu xanh ngọc bích, ôm lấy những con thuyền ngược xuôi qua cầu. Không gian ở nơi này thơ mộng lắm, các làng kế tiếp nhau, mặt hướng về dòng sông, làng vẫn lưu giữ được tên gọi như ngày xưa. Vẫn còn những vòm cây xanh như thuở ấy, mùa nắng những hàng cây vươn mình ra đón những làn gió biển, vòm cây rung rinh trong nắng hạ trong mỗi buổi sáng bình minh lên từ phía dòng sông.

Vòm cây bao bọc quanh làng, bao bọc lấy ngôi đền Chính Vị, ngôi đền của lịch sử oai hùng. Mùa đông, cây xanh bọc lấy làng, che gió lạnh, giữ ấm cho con người ở làng quê. Từ làng Xuân Giang thuở ấy, mẹ lại bước ra dòng sông đến với con đò quen thuộc để ngược xuôi về bên kia. Con sông lấp loáng ánh nắng như trải một lớp bạc trắng nhấp nhảy trên mặt nước, bên cạnh dòng sông là con đường sinh thái, chạy dài lên thành phố Vinh, chạy ra vùng bãi Lữ (Nghi Yên, Nghi Lộc) vươn dài về Diễn Châu. Tôi đi đâu xa về cũng muốn trở lại làng Xuân Giang của mẹ. Bạn bè từng sinh ra ở làng quê này, nay trưởng thành đi xa bao miền quê, luôn có nỗi nhớ làng, cứ nao nao hướng về nơi này, nhất là khi mùa hạ về chao nghiêng trên dòng Lam. Bao nhiêu kỷ niệm bạn bè một thuở cứ ùa về trong ký ức. Miền quê này, dung nạp nhiều yếu tố văn hóa, có phải chăng chịu ảnh hưởng của văn hóa một dòng sông tự ngàn xưa. Con người ở đây như dung nạp, neo về trong mình vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Con người vừa trữ tình vừa có cái gì đó quyết đoán; vừa nhẹ nhàng trữ tình như dòng sông nhưng lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Biết vượt lên những sóng gió cuộc đời, biết xử lý những tình huống éo le trong cuộc sống để giành lấy hạnh phúc.

Cha mẹ đặt tên cho mẹ tôi có phải vì duyên đời đã lặn vào tên mẹ. Mẹ lưu mãi trong đời như cánh cò bay qua bay lại trên cánh đồng làng quê. Mẹ lưu giữ trong đời hình ảnh những chiến sĩ cách mạng, những người đã hy sinh, những người còn sống sót sau cuộc biểu tình Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mẹ đi về trong chênh vênh nghiêng ngả của dĩ vãng buồn đau với tình duyên. Trên đôi gánh mẹ, mẹ gánh đơn côi từ hai phía. Phía bên này cầu là quê hương thứ nhất, phía bên kia cầu là quê hương thứ 2. Hai phía đi về trong lòng mẹ. Mẹ lưu lại dòng sông trong đời mình, lưu lại cái niềm cầu mong có cây cầu bắc qua sông để nối hai miền quê thân yêu, ước cây cầu bắc qua sông  để con người của hai miền quê đi về trong không gian rộng dài, tuôn chảy của dòng sông từ ngàn đời.

Trở lại một ngày mùa hạ bên cây cầu mới Cửa Hội. Con đứng lặng trên cây cầu mới này mà ngổn ngang bao nỗi niềm. Nước chảy qua cầu trong xanh. Bóng mẹ trên con đò xưa lại ùa về trong ký ức qua cuộc đời huyền thoại của mẹ. Bóng dáng mẹ với đôi quang gánh ngược xuôi về chợ bên dòng sông, bóng mẹ đi về hướng mặt trời lên. Hồn mẹ neo đậu trên dòng sông này, sông ơi hãy đưa hồn mẹ về nơi chiếc cầu mới bắc qua sông để mẹ được đi về hai phía quê hương. Ở nơi đây, bây giờ đổi thay nhiều lắm, trước đây những ngày sống trong hòa bình, thỉnh thoảng mẹ ngồi hóng mát trên con đường sinh thái, để đón những con thuyền đánh cá trở về. Có lẽ thời gian sống với người chồng là tiến sĩ (thường gọi là ông Nghè Mai), mẹ tôi được tiếp nhận những nét đẹp về văn hóa con người Việt Nam qua thơ văn. Mẹ thuộc rất nhiều những bài dân ca xứ Nghệ, những câu hò, điệu ví neo đậu trên dòng sông. Nét sinh hoạt văn hóa ấy vắt hai bên dòng sông và đi vào đời sống tinh thần của con người ở nơi đây. Mẹ lớn lên trên cái nôi văn hóa ấy.

Cuộc sống dần trôi… đời người, số phận nhiều khi có sự giao thoa giữa thăng và trầm. Tưởng như đã bình yên, khi bước sang đò đời lần hai ở miền quê Hà Tĩnh, nào ngờ mẹ lại đơn côi trong ngôi nhà cũ của mình. Hai lần sang đò đời mà mẹ vẫn chưa có con. Dường như số phận người phụ nữ lận đận neo vào đời mẹ từ lâu rồi. Mẹ đơn chiếc làm bạn với đôi gánh, làm bạn với con đò bên sông. Nhưng mẹ không đơn côi vì mẹ lấy lại niềm vui công việc trong hoạt động xã hội. Đời mẹ đã bước ra từ những ngày gian khổ nhất, thời gian ở tù, trong những tình huống gay cấn nhất, tưởng như không thoát khỏi bàn tay của kẻ thù. Mẹ bước ra từ trong ánh bình minh ánh sáng cách mạng nên vững vàng hơn trong giông tố cuộc đời.

Mẹ qua đò đời lần thứ 3. Năm ấy, mẹ  kết duyên với một người trong làng, người đàn ông ấy là y sĩ Tây y. Người đàn ông ấy chính là cha tôi. Cha tôi rất chiều chuộng và yêu thương hai mẹ con. Ba lần đò, ba đời chồng mới có được một đứa con. Đôi gánh của mẹ mòn vẹt trên vai qua những chặng đường đời…

Thế nhưng ai biết được trước cuộc đời. Bất ngờ, cha tôi qua đời. Đời mẹ sao mà man mác buồn. Nước mắt mẹ qua hai lần đò đời trước chưa kịp ráo thì đến lượt những dòng nước mắt lại tuôn ra từ đôi mắt mẹ. Những giọt nước mắt nối nhau dài trong đời mẹ. Cõng trên lưng mẹ ba đời chồng, mẹ lại gánh cô đơn đi trong không gian bàng bạc của bóng đêm. Bây giờ có đứa con gái, người con duy nhất của mẹ. Tình yêu con của mẹ sâu thẳm, mênh mông biết nhường nào. Đứa con gái cứ chạy lon ton phía trước mặt mẹ  mỗi lần mẹ đi chợ về khi bóng trưa đổ dài xuống sân nhà.

Mẹ không còn bờ vai của người đàn ông, bờ vai thứ ba của đời mẹ. Nhưng mẹ lại có bờ vai của đứa con gái mẹ. Lòng mẹ tựa vào lòng con, con ở trong sâu thẳm của tâm hồn mẹ. Con lớn dần lên trên đôi vai gánh gồng của mẹ về phía chợ. Cuộc đời mẹ, ba lần qua đò đời. Bây giờ mẹ đã về bến đỗ bình yên của mẹ sau bao nhiêu bão tố của cuộc đời mẹ. Hôm mẹ được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, mẹ mừng lắm. Mẹ nhớ lại thật nhiều những câu chuyện về những người bạn trên đất quê này đã cùng mẹ tham gia hoạt động cách mạng trong những năm gian khó. Hình ảnh bà Xân, bà Thiu luôn lưu giữ mãi trong tâm trí mẹ tôi.

Một mùa đông sắp hết. Mẹ qua được mùa rét cóng ở miền quê này. Rét cắt da thịt. Rét làm da mẹ nhăn nheo, dịp đó về quê mẹ, cứ muốn ngồi bên bếp lửa đỏ giữa nhà. Mẹ đưa đôi bàn tay gầy guộc lên trên ngọn lửa. Bếp lửa hội tụ tình cảm sum vầy của gia đình, người quê hương. Bữa cơm giản dị với nồi khoai luộc và bát cà quê, bát canh rau ngót mẹ trồng quanh nhà. Tất cả vẫn còn nguyên sơ trong nhà mẹ. Mẹ lại kể về quãng đời cuộc đời mẹ. Mẹ kể trong tiếng khóc thầm mà lòng tôi đau nhói. Tôi nhớ về dòng sông, nơi có những con đò chở mẹ tôi qua sông. Mẹ gánh hai đầu miền quê có bóng dáng ba người chồng…

N.V.N