Võ Chí Nhất
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi lần tôi về thăm mẹ, bà đều chuẩn bị cho tôi một món quà. Với tôi, món quà quý giá nhất là được sinh ra và lớn lên trong tình thương yêu của những người thân trong gia đình. Trong đó có mẹ. Thiết nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi, mà bất kỳ ai khác thì mẹ cũng là cả bầu trời có phải không?
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Năm nay, mẹ tôi đã sáu mươi bốn, độ tuổi mà mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Tóc mẹ đã có sợi bạc vì nhuộm phải nước rửa thời gian. Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi, cái già xồng xộc theo sau là thế. Những khi đi học xa về được ở bên cạnh mẹ, tôi có cảm tưởng những ngày ấu thơ lại ùa về như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Nhà tôi gần mặt đường, địa thế thuận lợi cho việc mua bán. Mẹ bày một gian hàng ẩm thực nhỏ bán những món đặc sản của quê hương địa đạo Củ Chi. Từ luống củ mì xanh rờn sau hè đến gian bếp dành riêng cho việc chế biến củ mì thành món ăn… Tôi xem gian bếp ấy là nơi lưu giữ nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống của Củ Chi mình.
Hôm ấy, mẹ chuẩn bị cho tôi một món quà, đó là nồi canh củ mì. Còn nhớ, lúc tôi thi đậu đại học, mẹ mừng lắm. Bà nghẹn đi, không nói được gì, chỉ biết ôm tôi và khóc. Dường như nỗi nhọc nhằn những ngày vất vả lo cho tôi đã hóa thành những giọt nước mắt trượt dài trên đôi gò má sạm đi vì nắng gió. Mẹ bươn bả vào bếp làm mâm cơm cúng ông bà. Chiều hôm ấy, trời mưa hoài không dứt. Cái bếp hôm nay ương lắm, có nhóm cỡ nào cũng không chịu cháy vì những thanh củi… ướt nhem. Vậy mà mâm cơm tươm tất vẫn được dâng lên bàn thờ khói hương nghi ngút.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hương vị đặc trưng ấy. Mùi thơm nồng đậm cuộn lòng những người con xa quê. Nồi canh củ mì với thịt ếch bằm, nghệ tươi, rau thơm càng đậm đà hương vị quê hương. Giờ thì tôi mới hiểu nỗi lòng ông Vũ Bằng: “Hỡi ôi là cái lòng thương nhớ của người ta: nhiều cái chẳng ra cái “chết” gì mà làm cho mình nhớ quá” là như thế. Nhớ quả cà Nghệ, miếng cà bát dầm tương… không chỉ nhớ cái hương vị “quê mình” mà còn là nỗi khắc khoải, nhớ nhung người mẹ tần tảo sớm hôm lo cho tôi ăn học…
Những lúc mẹ rảnh tay, tôi mới bắt chuyện. Trước khi nói phải uốn lưỡi, lựa lời mà nói vì không được phát ngôn tùy tiện, linh tinh. Bởi vì thế, tôi cho rằng mẹ tôi là hình mẫu còn sót lại của bà nội trên đời này. Một người phụ nữ truyền thống. Bà là người thực tế, đã tính thì làm, đã làm thì đến nơi đến chốn không vì khó khăn mà bỏ nhỡ công việc giữa chừng.
Ngày đó, mẹ động viên ba lên đường đánh giặc trả nợ nước thù nhà, khi chiến tranh bước vào giai đoạn cam go ác liệt nhất. Mẹ – người phụ nữ Củ Chi luôn ý thức rõ ràng nỗi đau của quê hương địa đạo Củ Chi và nỗi đau của dân tộc là một. Như một cây Củ Chi bị mảnh bom chạt ngang, gãy đổ ào ào như một trận bão lớn. Rồi những cây Củ Chi khác mọc chèn lên đấy, thành một rừng cây bất tận. Dù chuyện xảy ra đã mấy mươi năm, nhưng bà không khỏi xúc động, hai mắt rưng rưng, vì một gia đình có đến hai bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hai người phụ nữ hiến dâng núm ruột của mình cho Tổ quốc.
Gần đây, hòa theo chủ trương của Nhà nước, bà không đợi cán bộ đến dọn dẹp lòng lề đường mà chủ động dời gian ẩm thực vào trong mấy thước để không ảnh hưởng đến việc giao thông nông thôn của bà con. Bà cho rằng việc ấy phải tự giác, phải tuân thủ pháp luật. Mẹ nói thêm: “Đó là việc mà một Đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Sống trên đất cách mạng thì phải là người cách mạng, không khéo lại vấy bẩn truyền thống tốt đẹp đấy!”.
Người ta thường nói: “Nhân sinh thất thập Cổ Lai Hy”. Mẹ tôi đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn một lòng với gia đình, với con cháu. Sáu mươi bốn năm qua bà đã gặp biết bao nhiêu con người, với những mảnh đời bất hạnh, niềm vui, nỗi buồn, sự khốn khó… việc gì cũng đã trải qua. Trong gia đình nhỏ bé này, mẹ hiểu tính hiểu nết từng người, qua những cuộc nói chuyện, qua những bữa cơm chiều ấm cúng. Điều đó đã tôi luyện cho năm anh em tôi một thói quen đáng trân trọng là gìn giữ những giá trị tốt đẹp của một gia đình.
Mẹ đã quen cuộc sống của người phụ nữ thuần túy. Bà say sưa nhìn con cháu quay trong guồng máy không ngơi nghỉ của cuộc sống. Quen nhìn mỗi buổi sáng con cháu dậy đi làm, rồi sau đó một mình chìm trong nỗi hoang vắng, trống trải. Chiều đến, cả nhà họp mặt, con cháu lại vui đùa. Tôi xem đó là giàu có, giàu đạo đức và tình cảm. Như một dòng sông luôn chảy, có thượng nguồn, có hạ lưu, đi vào một trật tự được sắp đặt một cách tự nhiên. Với mẹ, có một việc vẫn chưa được trọn vẹn, đó là: chưa tận mắt trông thấy các cháu nội, ngoại trưởng thành. Bà giao phó: “Mẹ chỉ lo cho các cháu tới đây, còn sau này mẹ giao việc đấy lại cho các con”.
Tôi ghi những lời dạy của mẹ vào quyển sổ gia đình. Mẹ tôi là như thế!
Hạnh phúc của tôi là gia đình. Tôi không mơ ước gì, chỉ mong mình ăn học thành tài rồi chăm lo lại cho mẹ, như mẹ đã từng chăm sóc cho chúng tôi.
V.C.N