Mẹ tôi – Truyện ngắn của Song Kim – Trần Kim Lợi

776

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bà Hương Liên là con của gia đình khá giả trong thập niên 50. Nhà có 7 anh chị em nhưng bà là người được ông bà Minh Tâm (ông bà ngoại của Quỳnh Hương) thương nhất vì tính tình hiếu thảo, dịu dàng, biết thương tá điền…

 

Bà Liên rất “được mắt” các chàng trai trong làng thời ấy nhưng bà chẳng nặng lòng với ai nhiều. Trong số người theo đuổi bà, có ông Duy và ông Đức là để lại chút ấn tượng và xao xuyến trong lòng “cô Liên tuổi đôi mươi”. Vì quá thương con mà bà Minh Tâm quản lý Hương Liên “khá chặt” : Liên đi chơi nhảy lò cò, ô quan, bầu, cua, cá, cọp cũng bị mẹ nàng gọi về, dù đã mười tám, đôi mươi. Bạn bè nàng có người đã “con bồng, con bế”. Liên cũng thấy ngộp thở với sự quản lý gắt gao của mẹ nhưng có lẽ lề lối “khuê môn bất xuất”, người con gái phải nghe theo như một trong những việc cần làm để thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ. Vì vậy, Liên rất nhút nhát, không có cơ hội theo đuổi hôn nhân tiến bộ.

– “Anh muốn cùng em xây dựng gia đình. Bên người vợ hiền mà anh yêu thương nhất” – bức thư tình của Đức gởi Liên, làm cô cũng động lòng ít nhiều. Đức là người sâu sắc, điềm đạm, nhẹ nhàng – có thể nói Đức là tuýp đàn ông lý tưởng của mọi thời đại. Mỗi khi Hương Liên bệnh, anh nhẹ nhàng trong lời nói, tinh tế trong hành động: mua thuốc, hỏi han ân cần:

– Em bớt chưa? Ăn cháo và uống thuốc cho hết cảm nha.

– Được rồi… em… em cám ơn. Phiền anh quá! Liên rụt rè.

– Em xem thơ chưa, em nghĩ sao? Đức hồi hộp.

– Em cần suy nghĩ thêm. Liên lấp lửng.

– Anh không hối thúc nhưng anh mong sẽ cùng em xây dựng gia đình, bên cạnh người vợ hiền mà anh yêu thương nhất nên anh mong em sớm đồng ý.

Liên tủm tỉm cười, nói thầm trong bụng: ” Sến thật!” Dù cô cũng rất khoái.

Liên có bà chị cả (Thúy) hay “ton hót” với mẹ cô về chuyện riêng tư của cô út rằng lấy chồng nên chọn người sống thực tế, đừng “ướt át”quá, quan trọng là phải có tiền mới có thể bảo bọc vợ cả đời. Minh Đức chưa có sự nghiệp, đi chiếc xe đạp cộc cạch. Hương Liên không giống chị mình: lấy tiền làm thước đo giá trị con người, tầm mắt của cuộc sống. Cô không chê bai Đức điều gì, ngoài ngoại hình “lưng tôm” và mái tóc trắng xóa như bọt tuyết, nhìn Đức quá luộm thuộm, xấu xí, chẳng xứng đôi với mình – một lý do khá… hình thức và trẻ con khi Liên nghĩ về cuộc tình với Đức. Cứ thế, Liên trải qua cảm giác “tình yêu chưa đủ chín” với Trọng, Tiến,….

Ông bà Minh Tâm là chủ điền, ruộng đất “thẳng cánh cò bay” nhưng ông bà rất nhân đức, để có được cơ ngơi này, ông phải “khai hoang lập địa” từ hồi chiến tranh, nhà bị cháy rụi. Ông Tâm phải đi làm ruộng thuê và cùng vợ gầy dựng lại nên ông bà sống rất hòa đồng với tá điền. Một ngày kia, Liên mang cơm ra ruộng cho ba (ông Tâm) vào những ngày gặt lúa. Ông Thái, chủ điền sát bên ruộng ông Tâm, cũng là bạn già của nhau. Ông Thái có cậu con trai (Duy) đến tuổi lập gia đình mà “kén cá, chọn canh”, thấy Liên xinh đẹp, vốn là tiểu thư mà vẫn mặc áo bà ba, đi chân đất, lội sình, nói năng nhỏ nhẹ với người làm. Ông Thái quan sát rất kỹ, từ xa và rất hài lòng.

– Ba uống miếng nước trà con pha, cơm má cũng mới nấu là con lật đật đem ra cho ba với mọi người. Có món canh chua, cá kho tộ nè ba. Liên nhoẻn miệng cười, nhìn ba.

– Cha bay! Khéo nịnh tao hà! Ông Minh Tâm mắng yêu cô con gái út.

– Đâu có! Món này má biết ba thích nên làm chứ bộ! Liên dịu dàng, với nụ cười tỏa nắng.

Mỗi mùa gặt thường kéo dài một tuần. Trời đang nắng thì mưa ùa về bất ngờ. Vừa đúng lúc, có Liên ở ruộng, cô trao ngay cho ông Thái chiếc áo mưa, mình đang mặc:

– Ông ơi, ông trùm áo mưa cho đỡ lạnh.

Duy cũng cầm dù chạy nhanh về phía ba, thấy Liên, Duy xã giao:

– Cám ơn cô, cô trùm lại áo mưa đi, để ướt.

Liên khẽ gật đầu, mỉm cười với cha con ông Thái, rồi quay về đám ruộng nhà mình.

Nhà cha con ông Thái ở tận Bình Dương, khi gặt lúa xong, ông phải nán lại nhà ông Tâm, mượn sân phơi lúa, vô bao, hoàn tất hết công việc của một mùa gặt rồi mới từ giã bạn.

Duy theo ba suốt những ngày gặt lúa. Anh chàng “công tử Bình Dương”, khá điển trai, làm biết bao cô gái “điêu đứng” vì “cái lưỡi không xương”. Duy cũng chưa trao trái tim mình cho ai; đến khi gặp Liên, Duy không ngừng tự hỏi: “Mình làm sao vậy?”

Âu cũng do trời, ông Thái ngỏ lời muốn làm sui với ông Tâm và đôi trẻ cũng quyến luyến nhau nhưng Liên vốn nhút nhát, chưa bao giờ cô mạnh dạn bước ra vùng an toàn để sống đúng với bản chất của mình, Duy lại khá “dẻo miệng” nên dù Liên có cảm mến Duy nhưng cô vẫn không đủ lòng tin, mình sẽ là người phụ nữ cuối cùng đồng hành cùng anh. Hơn nữa, má Duy có gương mặt ngầu, cái đầu thì trọc lóc ( các cụ ngày xưa mang diện mạo như má Duy thì rất khó tính); lại thêm mấy “bà chị chồng”. Nhà Duy kinh doanh cơ sở nhang nên ngày nào chị của Duy cũng dậy sớm se nhang, vô bao thẳng thớm. Một tiểu thư như Liên, chỉ cần nhiêu đó, đủ để cô “chạy dài”, chẳng dám quay đầu lại dù ông bà Thái rất hài lòng về Liên Và cộng thêm “lời ong tiếng ve” của Thúy, khiến cuộc tình này cũng kết thúc chóng vánh.

Thủy- chị tư của Liên có chồng là tài xế xe lam (Hoài). Thấy cô út tình duyên lận đận, ông anh rể ra tay làm mai Liên cho đồng nghiệp (An). An đã gần 40, nhưng chưa có “mảnh tình vắt vai”, là con cả, lại có nhà riêng ở chợ. Thúy là người tham lam, đánh giá con người bằng tiền tài, vật chất:

– Em ưng thằng An đi. Nó lớn tuổi nhưng khá giả, có nhà riêng ở chợ, mày về khỏi làm dâu. Hơn nữa, lấy chồng lớn tuổi, em sẽ được cưng chiều. Chứ mấy thằng “choai choai”, hay dẻo miệng như thằng Duy, không bền đâu.

Vốn nhút nhát và phụ thuộc vào ý kiến gia đình mà Liên cũng “ớn” cái miệng như “kẹo kéo” của Duy thật. Cô kết hôn cùng An. An là người thực tế, chẳng sâu sắc như Đức, hay dẻo miệng và hài hước như Duy.

Là cô dâu mới, về tổ ấm của mình, Liên đã… “oải từ cái nhìn đầu tiên”. Theo lệ, thì chú rể phải sắm drap gường, chăn, nệm mới. Đằng này, An xài đồ cũ, với kiểu suy nghĩ thực tế : “còn xài được cứ xài, mua chi, tốn kém”. Hai vợ chồng ăn cơm tiệm được một tuần đầu tiên:

– Giờ mình là vợ chồng rồi. Ăn ngoài hoài, anh thấy rất tốn kém. Mai mình nấu ăn ở nhà, tiết kiệm hơn, em à.

Biết chồng không sai nhưng Hương Liên vẫn thấy rất gò bó, cô gật đầu đồng ý. Mang tiếng không phải hầu hạ má chồng, mà lấy phải ông chồng “có tính tự lập” cao, An thuộc tuýp người chẳng làm phiền ai nên càng không thích ai làm phiền mình, anh sống thực tế đến nỗi khô khan và vô cảm với hàng xóm. Liên thì nhẹ nhàng, sống chan hòa nên bị An cho là tào lao.

Một năm sau, cô mang bầu bé Quỳnh Hương. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ vụt tắt khi thai mới 7 tháng rưỡi thì Liên vỡ ối, trước đó, cô lại nghén nặng, chỉ uống được cà phê đá. Khi về giỗ bà nội, Liên có cảm giác ướt nhẹp ở đáy quần như tới chu kỳ nhưng không phải là kinh nguyệt mà là dung dịch màu trắng đục, Liên hỏi má:

– Sao con ra huyết trắng nhiều vậy má?

– Sao kỳ vậy cà? Từ xưa – giờ tao có biết đâu. Bay kêu chồng bay chở vô bệnh viện coi. Bà Minh Tâm lo lắng.

Bệnh viện Từ Dũ.

-Vợ anh có dấu sanh rồi. Y tá ra báo với An tình hình của Liên.

An tức tốc về nhà lấy đồ và báo lại với gia đình. Ca sinh của Liên là ca khó và hiếm thấy thời đó vì thai nhi chỉ mới 7 tháng rưỡi.

Có dấu sanh mà không đau đẻ? – một hành trình vượt cạn cam go, “có một không hai”. Bác sĩ phải tiêm thuốc gây đau. Liên quần quại như chết đi sống lại, còn gặp đám sinh viên thực tập “hỏi cung”, Liên tưởng là bác sĩ nên cô ráng trả lời. Sau, biết là bác sĩ thực tập, cô như phát điên.

Một công chúa chào đời! Chỉ nặng 1 kg rưỡi, cái gì với công chúa cũng phải tập, kể cả… khóc. Haiz!

Công chúa ấy là Quỳnh Hương. Em bé sinh non, khá yếu nên bác sĩ phải giữ lại, chăm sóc trong lồng kính 11 ngày mới được về với mẹ. Nhỏ ký nhưng được cái hay cười và hóng chuyện nên biết nói rất sớm. Giáp thôi nôi, bé Hương chưa đi, đứng gì. Vợ chồng Liên đưa con đi khám. Kết quả: bé Hương bị bại não vận động, chậm phát triển.

Vợ chồng An – Liên chạy thầy chạy thuốc cho con từ tây y sang đông y. Một đứa trẻ sinh ra không được hoàn thiện thì bao giờ người làm mẹ cũng nặng lo nhất; huống chi An là người vô tâm, ích kỷ chỉ biết lo đúng phận sự, khả năng, có thiếu hụt gì Liên phải tự gồng gánh. An chỉ một câu: “ Anh chỉ có nhiêu đây, em tự xoay xở thêm”. Liên hiểu chồng nhưng bao lần cô nhìn con vô tư say giấc, mà khóc một mình khi cô có chồng như không. Không là bờ vai vững chãi của vợ con, lại thêm cái tính gia trưởng, sĩ diện và “thương tiền”; An không thích vợ vay nợ, mà chỉ lo đúng khả năng của mình. An chưa bao giờ đặt câu hỏi: phần tiền lương ít ỏi của mình làm sao Liên có thể lo cho con và chồng vẹn toàn?

Bà Lan – mẹ chồng Liên bị giựt hụi, gia sản bay đi trong thoáng chốc. Bà đăng bảng sang sạp rau củ để có tiền xoay xở. Mẹ Liên cho cô tiền để sang lại sạp của thông gia, với nhã ý vừa tương trợ gia đình con rể, vừa tạo cho con gái nguồn thu nhập. Thúy trở mặt, khinh khi gia đình chồng Liên, khi Liên ngỏ lời xin ông bà Minh Tâm một số vốn để bổ hàng:

  • – Hừ! Ba má có thương nó thì bán nhà lo cho nó, đã sang cho cái sạp, giờ còn xin vốn. Thúy bĩu môi.

Thúy là người háo danh, tham lam, thâm hiểm, cô rất “thèm” những gì thuộc về các em. Cái sạp rau của bà Lan cũng nằm trong “tầm ngắm” của Thúy. Thúy đã từng dựa vào sự túng thiếu của vợ chồng Thủy và Hoài (anh chị tư của Liên) để mua lúa với giá rẻ mạt, rồi bán lại cho người ta với giá cao ngất ngưỡng. Thúy giỏi mưu lược nên khấm khá nhất nhà.Thúy mua được miếng đất nhưng không có điều kiện coi sóc, Thúy cho vợ chồng Thủy dọn về đó để coi đất giúp mình, chẳng tốn một xu mà lại được tiếng thơm.

Trở lại với câu chuyện của Liên, Thúy cũng áp dụng cách đó với vợ chồng Liên: Thúy muốn sang sạp rau của má chồng Liên vì Thúy muốn khi “đứng tuổi” hơn sẽ sang sạp hàng bông của mình ở chợ Sài Gòn, về sạp bà Lan buôn bán cho tiện. Thúy nhờ Liên buôn bán, giữ mối cho mình, đến khi nào Thúy muốn lấy lại.

Vinh – em trai út, thấy chị hai quá mưu mô nên cậu lên tiếng phản đối, bênh vực chị bảy (Liên):

  • Chị hai bảo chị bảy giữ mối, rồi khi nào chị muốn lấy lại thì lấy. Chẳng khác nào làm kẻ giữ nhà không ăn lương cho chị, giống vợ chồng chị tư hả? Tui thấy kỳ quá ! Chị làm vậy, không thấy tội cho chị bảy hả? Con chỉ đã không được khỏe mạnh…
  • – Không phải chuyện của mày, tài lanh dữ! Thúy gạt phăng lời Vinh, làm anh cụt hứng.

– Ờ. Vậy thôi, chị làm sao coi được thì làm nghen, “chị cả”, giọng Vinh nhấn nhá, móc mỉa.

Bị Vinh móc mỉa, Thúy quê nên không ngó ngàng gì tới cái sạp nữa. Bà Minh Tâm tuy thương Liên nhưng cũng khá nể lời của Thúy vì chính bà cũng ngán ngẫm gia cảnh của con gái út nên bà chỉ cho tiền sang sạp còn vốn liếng Liên tự lo lấy.

Cô tiểu thư Hương Liên – đóa sen thơm ngày nào phải vươn mình chống chọi với giông bão. An – một người chồng, người cha vô tâm, ích kỷ chỉ biết làm đúng phận sự, không hể có sự sẻ chia. Cuộc sống chật vật, “thiếu trước hụt sau”, con gái bệnh tật, lại thêm mượn vốn mua hàng, Liên lâm vào nợ nần. Với thói gia trưởng, vô trách nhiệm, An nặng lời, xua đuổi Liên, Liên chở con trên chiếc xe đạp cộc cạch về bám víu ba má.

Bị chồng xua đuổi, anh chị em cũng “tỏ thái độ”, lòng Liên đau như cắt. Vinh đã có vợ nên cũng tính toán hơn, không còn thương chị như xưa. Tuyết – vợ Vinh thì “ton hót” với chồng, tiếp tay rẻ rúng mẹ con Liên.

Thấy các con không hòa thuận, ông bà Minh Tâm bàn nhau xây cho Liên ngôi nhà nhỏ. Bé Quỳnh Hương ngày càng bụ bẫm, đáng yêu, cô bé rất thương mẹ. Quỳnh Hương được mẹ cho học trong môi trường hòa nhập, cùng các bạn khỏe mạnh nên cô bé hơi chậm về thao tác nhưng khả năng phát triển, biểu đạt ngôn ngữ và cảm xúc khá tốt.

Hương Liên làm đủ nghề: bán bánh xèo, bán nước mía, phụ quán ăn và cả tạp vụ: quét rác, chà toillet để có tiền nuôi con. Liên là tuýp người nhân hậu, chẳng xem nhẹ công việc nào nhưng phải khổ sở đến mức này thì nó còn là nỗi tủi nhục, mặc cảm của cô tiểu thư danh giá một thời. Giọt nước mắt Liên rơi dài theo từng đoạn đường cô lướt qua để nhặt từng chiếc lá bỏ vào thùng. Ông bà Minh Tâm lúc này đã qua đời, chị em thì có cuộc đời của riêng họ, chỉ có Thủy (chị gái thứ tư của Liên) là thương cô nhiều nhưng Thủy cũng nghèo, có 2 con, 1 đứa bị tâm thần, 1 đứa bị thấp khớp cấp thì làm sao nương tựa nhau?

Vợ chồng Liên ly hôn, Liên không lanh lẹ, giỏi giang như những người mẹ đơn thân khác, lại không có ai thấu hiểu, hỗ trợ về mọi mặt. Một lần nữa, cô sa chân vào nợ nần khi gia cảnh túng thiếu, con cái học hành “rớt lên, rớt xuống”. Ngay từ khi học lớp 1, Quỳnh Hương đã học rất chậm, chẳng nhớ nổi mặt chữ a, b. Liên phải nhờ cô giáo kèm riêng cho con. Thúy cứ dè bỉu:

  • Chẳng biết sau này, con Hương làm được gì mà cho học hành. Phí tiền!
  • Chị im đi! Con tui nó tật nguyền, chị còn muốn nó dốt, chị mới vừa lòng sao? Liên nổi đóa.
  • Ờ. Thì tùy mày. Nợ như chúa chổm thì đừng “báo” tao.
  • Tui không cần! Có người chị như chị, không có còn hơn!
  • Thôi, Liên mày nhịn chị hai một tiếng đi. Thủy can.
  • Chị thì cứ “nhịn, nhịn”, mình nhường bả, rồi bả có nghĩ cho tụi mình không? Liên điên, bỏ đi một nước.

Giỗ má, Liên định về phụ các chị cúng kiếng, rồi ăn mâm cơm sum vầy. Ai ngờ đụng độ với chị hai nên Liên chỉ thắp hương, rồi dắt con về.

  • Mẹ ơi,có phải mẹ thương con mà cãi nhau với dì hai, không mẹ? Hương hỏi mẹ.
  • Không phải tại con. Liên vuốt tóc con gái.
  • Tại con mà. Hương khẳng định.
  • Dì hai của con vốn áp đặt người khác, sống không nhân từ, mà lại với chính con nên mẹ phải cứng rắn, bảo vệ con. Liên nói với con.

Nghe mẹ nói, Quỳnh Hương thương mẹ vô cùng! Cô hứa với lòng là sẽ cố gắng nhiều để đền đáp ơn mẹ nhưng “lực bất tòng tâm”.

  • Quỳnh Hương ngoan hiền nhưng học yếu các môn tự nhiên nên tháng này em ấy hạng cuối cùng của lớp. Chị nên có giải pháp….

Câu nói gần như “ kinh điển” mỗi lần bà Liên đi họp phụ huynh cho Hương. Mẹ không một lời oán trách mà còn dành cho Hương những cử chỉ ân cần, cảm thông. Cô càng thấy mình không xứng đáng với tình thương của mẹ.

  • Mẹ, con xin lỗi, con….
  • Không sao! Mẹ có la con đâu.

Khóe mắt cay cay, Hương sà vào lòng mẹ, bung xõa mái tóc xoăn dài, mới gội bằng bồ kết nên thơm và mượt lắm. Bà Liên chải tóc cho con: “ Chà! Mẹ không nghĩ con gái của mẹ để tóc dài. Con nhớ chải thường xuyên để tóc không bị rối nha con.

Suốt 12 năm ròng rã, sáng – chiều, bà Liên cùng con vượt qua mọi gian nan. Số tiền mượn cho con ăn học cũng lớn dần.

  • Bà có trả tiền cho tụi này không? Nói một tiếng!Tui cho nơi này thành “bình địa” liền.
  • Tui xin chú vài hôm, tui bịnh nên chưa có tiền.
  • Haiz! Tui bịnh, tui vừa đóng tiền học cho con,… bà thôi cái kiểu trình bày đó đi. Tui cho bà thêm 2 ngày, ngày mốt tui ghé, không có tiền thì tui thiêu sống mẹ con bà!

Tụi giang hồ quay xe, rú ga, đáp trả cho mẹ con bà Liên tiếng cười hả hê. Quỳnh Hương sợ hãi, ngồi nép vào lòng mẹ. Lòng bà Liên như tơ vò, chỉ rối, cố trấn an con:

  • Để mẹ hỏi mượn người quen, giải quyết được, con đừng khóc, làm mẹ thêm rối.
  • Hay mẹ dắt con qua dì hai, con xin dì tiền nha mẹ.

Liên bấm bụng, hạ mình làm theo lời con. Bà Thúy thấy Quỳnh Hương năn nỉ quá, cũng động lòng:

  • Thôi, hai mẹ con về đi, để dì hai tính. Tao nói rồi, mà mẹ mày, nó có chịu nghe đâu. Haiz!
  • Em cám ơn chị hai. Bà Liên nói.

Tưởng mọi chuyện ổn thỏa, mẹ con bà Liên chưa rời khỏi nhà Thúy thì ông Danh (chồng của bà Thúy) lên tiếng:

  • Bà hay quá! Nhà mình có dư giả gì, còn phải đóng tiền cho thằng Mẫn đang du học bên Đức, ở đó mà lo chuyện bao đồng! Hứ! Mẹ con đúm túm tới là tui biết có chuyện! Vừa nói, ông Danh vừa cầm tẩu thuốc, rít một hơi dài, vừa nguýt mắt khinh thường bà Liên.

Bà Thúy cũng xót dạ nhưng không thể bỏ gia đình để chọn em gái:

  • Thôi, con về đi. Dì hai không giúp được. Thúy nắm tay cháu, áy náy.

Mẹ con bà Liên thắt thẻo đèo nhau trên chiếc Cúp 87 cũ kỹ, lỡ hết xăng cũng không có tiền đổ. Mưa như trút nước, lòng người ngổn ngang. Quỳnh Hương ngồi sau xe, thút thít:

  • Mình tính sao, mẹ?
  • ….
  • Mẹ ơi! Con sợ.
  • ….
  • Ngày mốt, mình lấy tiền…
  • Con có tin là mẹ buông tay lái, đâm đầu vô xe tải để hai mẹ con mình cùng chết không? Con làm khổ mẹ nhiều quá rồi!

Quỳnh Hương tủi thân nhưng không dám khóc. Tối đó, bà Liên nghẹn ngào, len lén nhìn con. Bà ra hiên, òa khóc khi rút trong túi ra hộp thuốc trừ sâu:

  • Quỳnh Hương, mẹ xin lỗi, mẹ sẽ phù hộ cho con.

Bà Liên tỉnh lại sau một giấc ngủ dài: Chúc mừng cô đã hồi sinh! Mạng sống rất quý giá. Con bé khóc sưng mắt suốt đêm, chỉ với một ước muốn là mẹ sẽ tỉnh lại. Y tá nói.

Bà Liên nhìn con đang gối đầu dưới chân mẹ, bà nghẹn ngào, vuốt mái tóc con gái, rồi hôn nhẹ: mẹ xin lỗi.

Tiếng gõ cửa – ông Duy bước vào, “tay xách, nách mang”, nào là cháo, sữa; đặc biệt là hoa Cát tường và chocolate Pháp – một trong những món bà Liên thích.

  • Sao, hai mẹ con hết giận chưa? Haiz! Liên cạn nghĩ quá! Tui có việc đi ngang nhà, ghé vô cho bé Hương hộp bánh, thấy Liên nằm ngoài hiên… Bạn bè, mà Liên khó khăn, tui lại không biết. Haiz!
  • Do tui không lanh lẹ như người ta. Tui không thể làm phiền anh được.
  • Liên khách sáo làm gì. Mọi chuyện chỉ vì hoàn cảnh.

Ông Duy đứng ra vận động bạn bè và cũng góp một phần, giúp bà Liên giải quyết ổn thỏa mọi việc, Quỳnh Hương đẩy chiếc xe khung, tà tà dạo mát, ngắm hoàng hôn, cùng mẹ tán gẫu chuyện “trên trời dưới đất”. Bà Liên mở một quán ăn gia đình. Quỳnh Hương vốn có khiếu văn chương, cô được một nhà văn giới thiệu làm cộng tác viên cho các tạp chí. Nhờ đó, môi trường quen biết cũng rộng rãi hơn, Hương có một tình yêu đẹp với Nhân – một giáo viên Tin học, anh cũng đứng lớp giảng dạy cho những người khuyết tật.

Về phần ông Duy, ông cũng ly hôn vợ nhiều năm.Tình yêu thời trẻ với bà Liên tuy chưa sâu đậm nhưng ở tuổi “sắp vào thu”, lại thêm nghĩa bạn bè càng làm cho ông bà trân trọng nhau. Thúy An, con gái ông Duy và Hương luôn ủng hộ ông bà về chung nhà nhưng họ vẫn lo sợ gièm pha của dư luận là già rồi mà còn “ mơ tưởng chuyện vợ chồng” nên hai đứa con quyết tạo cho ba mẹ sự bất ngờ trong sinh nhật của ông Duy: Thúy An đưa ba đến nhà hàng và không quên dặn ba mang theo chiếc nhẫn mà ông có ý tặng cho bà Liên:

  • Wow! Ba xoay một vòng cho con xem. Thúy An hồ hỡi.
  • Hey! Khỉ con, con có ý đồ gì, Khai mau! Ông Duy hài hước, lườm mắt, nhìn con gái.
  • Gì đâu? Xíu ba sẽ biết. Hì!

Ông Duy lắc đầu, trìu mến.

Nhà hàng Saphia.

Ông Duy lên sân khấu, khui Sampanh, chào quan khách. MC giới thiệu các tiết mục trong buổi tiệc:

  • Và sau đây, là sự hiện diện của cô Hương Liên – vị khách mời đặc biệt của chú Phạm Duy!

Tiếng vỗ tay lớn dần, khi Thúy An nắm tay bà Liên trao lại cho ông Duy: “Món quà bất ngờ của ba đây. Chúng con mong ba mẹ có những ngày tháng an nhiên bên chúng con”. Ông Duy – bà Liên xúc động, ôm Thúy An. Nhân cũng dìu Hương lên bục để chúc mừng ngày vui của ba mẹ vợ.

Sóng gió cuộc đời, cô tiểu thư Hương Liên tưởng chừng không có lối thoát khi bị chính người thân rẻ rúng, xã hội vùi dập. Nhưng với lòng chân thành, có trái tim nhân hậu mà cô đã cho đi thời xuân sắc thì hậu vận, hạnh phúc chắc chắn sẽ mỉm cười.

T.K.L