Mệnh trời và ý dân của Dương Kỳ Anh

882

06.4.2018-17:45

 Tập tạp văn Mệnh trời và ý dân của Dương Kỳ Anh,

NXB Văn học, 2017

 

Những ý tưởng tâm huyết

 

BẢO NGỌC

 

NVTPHCM- Thú thực, thời còn là sinh viên đại học, tôi đọc “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn mà không hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của tiền nhân. Sau này, khi đọc cuốn “Mệnh trời và ý dân” của nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, tôi mới ngộ ra nhiều điều từ những ý tưởng sâu xa của các bậc tiền nhân thông qua cách nhìn và sự luận giải của nhà thơ.

 

Tác giả đã, bằng những dẫn chứng cụ thể diễn ra trên đất nước mình để nói về MỆNH TRỜI, chính là quy luật tự nhiên; không tôn trọng quy luật tự nhiên là không tôn trọng MỆNH TRỜI, làm trái quy luật sẽ bị tự nhiên giáng họa như bão, lụt, thiên tai tàn khốc.

 

Còn Ý DÂN, theo tác giả cuốn sách chính là những quy luật xã hội, nếu chúng ta cứ làm theo ý chí chủ quan, mà một thời ta gọi là “ý chí luận” sẽ là trái với lòng người, trái với quy luật phát triển của xã hội loài người, dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển, dẫn đến thực trạng nước nghèo, dân khổ …

 

Dương Kỳ Anh là một nhà báo kỳ cựu, đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau trong những thời điểm khó khăn, gian khổ của đất nước, đã như một nhân chứng lịch sử, nên khi viết những dòng này trong cuốn sách thực sự giàu sức thuyết phục người đọc.

 

“Mệnh trời và ý dân” là một cuốn sách được viết thực sự hấp dẫn, cuốn hút bởi tính triết luận, tính hài hước và sự thâm thúy của một người từng trải, một nhà báo, một nhà thơ, một nhà văn đã nhiều năm lăn lộn trong cuộc sống đầy khó khăn, thử thách, với sự chân thật và nhân văn.

 

Ngay cái tít của những bài đăng trong cuốn sách đã lôi cuốn chúng ta bởi sự mới lạ, khác người, nhưng lại rất thân quen giản dị trong cách diễn đạt, trong cách nhìn nhận, suy tưởng.

 

 “Người lo trời sập”; “Cho cái ngàn vàng”; “Khi doanh nhân mặc áo lý trưởng”; “Từ chuyện một người ăn trộm nổi tiếng”; “Suýt bị chém”… đến “Đổi mới… cử tri”; “Làm từ thiện để …làm gì”; “Văn minh giả, văn minh thật”… thực sự là những bài viết vừa thâm thúy mà tưởng như ai cũng biết, ai cũng thấy, ai cũng hiểu với nhiều điển tích, ẩn dụ sâu xa …

 

Hôm tôi đến phỏng vấn nhà thơ Dương Kỳ Anh, tôi có hỏi vì sao cuốn sách của ông lại mỏng như vậy, dù tôi biết ông viết đều, gần như hằng ngày đều có bài viết đăng trên báo này, báo khác. Ông bảo: “Thời buổi bây giờ người ta có đủ thứ để đọc, để xem, để nghe, ngay bản thân tôi khi cầm trên tay một cuốn sách quá dày, những bài viết quá dài cũng ngại đọc nên tôi chỉ chọn lọc những bài viết ngắn để đưa vào cuốn sách này thôi…”.

 

Đúng là một nhà báo, một người biên tập, quản lý một tờ báo lớn nhiều năm đã rút ra nhiều kinh nghiệm, cũng là một người thức thời, mẫn thế.

 

Có nhiều bài viết chỉ vài ba trang in nhưng đầy ắp thông tin như bài  “Siêu”;  “Nước”; hay bài “Đúng “quy trình”. Tâm sự với tôi, tác giả nói rằng văn chương báo chí hiện đại bây giờ viết sao để người ta khi đọc còn phải ngẫm ngợi, hình dung ra những gì cần hình dung và tự người đọc tìm lấy những điều đằng sau con chữ…

 

Có một điều mà tôi, một người làm báo còn trẻ, yêu thơ nhận thấy khi đọc cuốn sách này, ấy là sự súc tích, giản dị trong từng bài viết, cái giản dị như tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp đã nói: “Giản dị là cái khó nhất trên đời này. Đó là giới hạn tột cùng của từng trải và nỗ lực tột cùng của tài năng”.

 

“Mệnh trời và ý dân” là một cuốn “Tạp văn” như đã in ở trang đầu của cuốn sách. Tuy tác giả trong nhiều bài viết đề cập nhiều vấn đề khác nhau, từ những tiểu phẩm đến những bài phê bình văn học viết công phu như  “Đọc lại Trần Dần, nghĩ về thơ hiện nay”; hay “Đổi mới, làm mới thơ”; “Điều còn lại trong mùi hương còn lại”… Dù viết dài hay ngắn, tiểu phẩm hay phê bình văn chương, cuối cùng vẫn đọng lại hai vấn đề lớn, đó là: Chúng ta phải luôn tôn trọng, tuân theo các quy luật, quy luật tự nhiên và quy luật xã hội, nếu chỉ làm theo ý chí chủ quan, mong muốn chủ quan, không trước thì sau sẽ bại!

 

Để kết thúc bài viết, tôi thiết nghĩ không có gì hay hơn là trích những dòng cuối trong bài “Mệnh trời và ý dân” để độc giả hiểu rõ hơn nội dung của cuốn sách nên đọc này: “Tất cả chúng ta, nhất là những người lãnh đạo, quản lý, cần đọc kỹ từng câu, từng chữ “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn; để khi làm việc gì liên quan đến nhân dân, đất nước, cũng nhất thiết “trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân”, để rồi “nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, chứ không nhất quyết khư khư ôm lấy những giáo lý cũ rích và luôn cho là mình đúng. Có như vậy mới làm cho “Phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Mới thực sự thấm nhuần tư tưởng cao đẹp, luôn mới mẻ của bậc tiền nhân” .

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…