Mĩ cảm về cái già trong văn chương

1026

1. Quá trình lão hóa nằm trong quy luật tồn sinh của con người. Tuổi già theo hiện tượng sinh học là điều tất yếu. Tuy vậy, quy chiếu hành trình của một kiếp người theo mô hình sinh – tử thì con người chỉ là một thực thể, một bản sao nghèo nàn của một động vật cao cấp. Lão hóa là quá trình chuyển đổi sinh lí dẫn đến những khủng hoảng tâm lí, có lúc hủy hoại, gặm nhấm từng khoảnh khắc sống còn lại của con người. “Với loài người, tuổi già xuất hiện như một nỗi bất hạnh” (Simone de Beauvoir).

Trong tiểu luận Tuổi già, ngay trong phần Dẫn luận, Beauvoir kể lại câu chuyện về thái tử Siddharta: Trong lần dạo chơi đầu tiên, thái tử gặp một người tàn tật, tóc bạc, răng rụng, da nhăn nheo, cúi gập người trên một cây gậy, miệng lập cập, hai tay run rẩy. Chàng lấy làm ngạc nhiên và người xà ích giải thích đó là một ông già. Thái tử liền thốt: “Những kẻ hèn yếu và dốt nát, chuếnh choáng vì niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ, không thấy được tuổi già. Khốn khổ biết chừng nào! Hãy trở nhanh về nhà thôi. Các trò chơi và niềm vui mà làm gì, vì ta là nơi ẩn náu của tuổi già mai sau.”

Từ đó, nhà nữ quyền Pháp giải thích nguyên nhân khiến bà viết Tuổi già: “Cả một truyền thống dồn cho từ ngữ này (tuổi già – L.T.H) một cái nghĩa xấu; nó vang lên như một lời thoá mạ. Chính vì lí do ấy mà tôi viết cuốn sách này – để phá tan sự đồng tình im lặng.”(1) Quan niệm về cái già biểu hiện độ chênh giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Trong khi các nền văn hóa phương Đông quan niệm “kính lão đắc thọ” thì ở phương Tây, tuổi trẻ được đề cao, người già bị “ruồng bỏ”, đôi lúc co cụm, tách khỏi cộng đồng.

Tuổi già đồng nghĩa với sự ngừng trệ, rã rời thân xác, xơ cứng tâm hồn kèm theo mặc cảm bị bỏ rơi. Erik Erikson, nhà phân tâm học người Đức, nói: “Quá niên/ lão niên là nấc cuối cùng của đời người, cái nấc mà con người cảm thấy toàn vẹn và thất vọng, và thoả thuận với cái chết.” Từ cái nhìn văn hóa, Erik Erikson cho rằng: “Việc thiếu một tư tưởng văn hóa hợp lí về tuổi già khiến nền văn minh phương Tây không thực sự có khái niệm về một cuộc sống trọn vẹn.”(2)

Beauvoir khẳng định: “Chỉ có thể hiểu tuổi già trong tính toàn vẹn của nó; nó không phải chỉ là một sự kiện sinh học, mà còn là một sự kiện văn hóa.” Nhà nữ quyền Pháp kêu gọi: “Đối đãi công bằng với người già là cách ứng xử có trước có sau mà nếu khác đi là làm lung lay gốc rễ của xã hội hiện đại.”(3)

2. Những vấn đề tâm lí xã hội nói trên vẫn còn là khoảng trống của văn chương. Để phá tan sự đồng tình im lặng đó, một số tiểu thuyết viết về tuổi già, không phải như một sự “thóa mạ”, mà cái già được nhìn nhận như một phạm trù cái đẹp. Trên hành trình vận động, tiểu thuyết ngày càng “phơi mở cho người ta thấy những phương diện mới mẻ của thực tại mà từ trước đến nay chưa từng được biết đến” (Kundera).

Mĩ cảm về cái già đã san lấp độ chênh giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Kawabata là nhà văn phương Đông sớm có cái nhìn thẩm mĩ về cái già. Trong nhiều tác phẩm của ông, cuộc sống, tâm tư, cảm xúc của người già được đặt ở vị trí trung tâm (Tiếng rền của núi, Người đẹp say ngủ…). Kawabata thường luận bàn về tuổi già, về những trạng huống khủng hoảng hiện sinh, sự va chạm, đối lập già trẻ và sự lựa chọn của người già để khẳng định hiện tồn.

Trong Tiếng rền của núi, qua câu chuyện một ông bố chồng già “cảm”, “yêu” cô con dâu hồn nhiên tươi trẻ, nhà văn quan niệm: “Chúng tôi không muốn đạt đến cái tình trạng đáng ghét của tuổi già, khi mà người ta chỉ còn đếm từng ngày và bị thế giới và mọi người quên lãng. (…) Con người cần phải ra đi, trong lúc còn được yêu mến.” Tiếng rền của núi kể về quá trình lão suy qua tâm trạng của ông Ogata Shingo “cảm thấy cuộc sống đang từ từ rời bỏ ông”.

Nỗi kinh hoàng do tiếng rền của núi ngày càng xâm chiếm lòng ông. Những giấc mơ về bệnh tật, tuổi già, tình dục thường xuyên ám ảnh. Về việc ân ái với thân thể phụ nữ không có tay chân, chỉ có thân hình. Về người bạn già suốt ngày nhổ tóc bạc để giết thì giờ, rồi cuối cùng không thể rời cái gương ra nữa (“Lão muốn nhổ kì hết tóc bạc, nhưng nhổ sợi này thì sợi khác lại mọc ra… Cứ thế suốt ngày lão đứng trước gương… Sau đó, người ta đã đưa Kitamoto vào nhà thương điên và ở đó lão đã nhổ nốt những sợi tóc bạc cuối cùng của mình”; “Lão chẳng muốn già và cố gắng làm cho tuổi thanh xuân trở lại. Cũng không ai biết khi bắt đầu nhổ tóc thì Kitamoto đã điên rồi, hay vì quá ham mê việc giữ cho đầu không có tóc bạc mà lão hóa điên?”)

Trong Người đẹp say ngủ, ngắm nhìn những trinh nữ ngủ mê, ông già Eguchi ngẫm nghiệm về cái bất khả thể của tuổi già trong khung khổ hữu hạn của đời người: “Người già đứng trước cái chết. Người trẻ đứng trước tình yêu. Chết thì một lần. Yêu thì không biết bao nhiều bận.” Từ cái nhìn văn hóa phương Đông, Người đẹp say ngủ có lúc bị xem là “một kiệt tác của văn học suy đồi”. Một ông già say đắm ngắm nhìn những trinh nữ khỏa thân mê ngủ. Những pho tượng mĩ nữ vô hồn đã kích hoạt “chất trẻ” trong một thân thể già nua, đồng thời gợi tràn dòng cảm xúc suy tư triết lí về đời người. Không gian kín mít. Ánh sáng đỏ thẫm. Không lời thoại. Chỉ có người đẹp ngủ say. Chỉ có ngôn ngữ thân thể và độc thoại nội tâm. Tiếng sóng. Tiếng gió. Mùi biển mặn. Hương trinh nữ. Tuổi thơ dội về. Thời trai trẻ dội về.

Nỗi buồn rầu chán ngắt đã xâm chiếm cõi lòng ông Eguchi, 67 tuổi – người đã đến chốn này “để tìm cho ra, tìm đến mức điểm tận cùng của nỗi ghê sợ tuổi già”, đồng thời “nhận được ân huệ của tuổi trẻ”. Đó là nơi những “ông già không còn đủ sức làm đàn ông với đàn bà”, nơi những người đàn ông bị lão suy tìm thấy “những niềm vui và những nỗi đau mãnh liệt”. Thỏa mãn thị dục trong mặc cảm tuổi già, ông Eguchi cảm nhận đầy cay đắng nỗi cô chiếc tuyệt vọng của thế hệ mình – những cụ già mất năng lực đàn ông.

Trước trần truồng trinh nữ, ông già vừa ham muốn vừa luôn bị giày vò vì đã “buông thả vào cái thứ trò chơi khỉ gió, già nua và xấu xí này”. Trong ông là nỗi cảm thương lẫn ân hận. Không hề gợi dục, bên cạnh những người đẹp ngủ mê, ông cảm nhận rõ rệt cái trinh bạch của hoa trà, những đóa mẫu đơn, đỗ quyên trắng, những chùm hoa đậu tía… Giấc mơ, ác mộng, vô thức hữu thức lẫn lộn trong dòng suy ngẫm của ông già về cõi nhân sinh, về sống chết.

Nhiều tác phẩm của Marquez cũng viết về cái già như một phạm trù của cái đẹp. Không đặt ra sự đối sánh giữa Người đẹp say ngủ và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (viết về mối tình giữa ông già 90 tuổi, đúng ngày sinh nhật “muốn tự thưởng một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên” và đã gặp cô gái 14 tuổi ngủ say) nhưng điểm gặp gỡ giữa hai nhà văn lớn ở hai vùng văn hóa khác nhau là mĩ cảm về tuổi già, là những suy ngẫm về cõi nhân sinh từ cái nhìn của một mốc tuổi “mà phần lớn những người khác đã chết rồi”.

Nhà văn Mĩ Latinh luận về tuổi già với cái nhìn tâm lí: “Tuổi tác không phải là số năm mà người ta có mà chính là cái mà người ta cảm thấy ở trong cơ thể mình.” Ông già 90 tuổi cảm giác trẻ lại đúng thời điểm “bắt đầu cảm thấy sức nặng của chín mươi năm đè lên mình, và bắt đầu đếm từng phút một số phút giây ban đêm còn lại để đến với cái chết”.

Viết về cơn khủng hoảng hiện sinh của người già gắng gượng tìm lại tuổi trẻ, với Marquez, cuốn tiểu thuyết “không phải là lời than vãn về những năm tháng đã đi qua, mà là điều ngược lại: sự tôn vinh tuổi già”. Cũng vậy, tôn vinh tuổi già, Tình yêu thời thổ tả được xem “là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về tình yêu mà con người có thể viết ra”.

Hai người yêu nhau từ thời trẻ tuổi, vượt qua bao sóng gió cuộc đời, để gặp lại nhau, muộn màng khi cả hai đã ngoài 70. Dẫu họ cảm nhận rõ ràng dấu hiệu của cái già (khi “Ông dùng năm đầu ngón tay khẽ vuốt cái cổ nhăn nheo, bộ ngực nhăn nhúm, bộ mông nhô những đầu xương và các bắp vế của con hươu già”, hoặc lúc “Ông xòe những ngón tay cóng lạnh trong bóng tối, lần tìm một bàn tay khác trong bóng tối… Trong chính khoảnh khắc ấy, cả hai đều khá minh mẫn để nhận ra những bàn tay già nua xương xẩu”) nhưng mặc cảm và nỗi buồn tuổi tác vẫn không ngăn cản được tình yêu.

Họ lại tiếp tục vượt qua những định kiến luôn đeo bám, để trốn trong cõi tình yêu không hề biết đến sự già. Cái nhìn thời gian của Marquez đầy ám ảnh. Những đằng đẵng thủy chung. Những phi lí đợi chờ. Những đau đớn tuổi trẻ. Cuộc đời mới của họ mở ra từ lúc “giương cánh buồm vàng” thời thổ tả trên chuyến tàu đi tới đi lui giữa một vùng không gian hẹp nhưng thời gian còn lại của đời người bỗng mênh mông, vô tận.

Hướng dịch chuyển của dòng “văn chương thân xác” là ở chỗ không chỉ ngợi ca thân xác mà nhắm đến niềm lo âu thân xác. Trong văn chương, tuổi trẻ thuộc phạm trù cái đẹp. Nếu các nhà văn dành diễn ngôn thân thể để ca ngợi cái đẹp tràn trề sung mãn và cơ thể tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ thì cũng dành từng đó câu chữ để miêu tả cái tàn tạ, héo hắt, rệu rã của thân thể người già. Già đồng nghĩa với hủy hoại, loại bỏ.

Người chậm của Coetzee là một trong những tiểu thuyết “có đóng góp lớn trong nghệ thuật thể hiện thân phận của những kẻ ngoài lề, nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc và những bất công xã hội”, đặc biệt bi kịch “ngoài lề” đó lại rơi vào người già. Cả cuốn tiểu thuyết là hành trình tìm kiếm tình yêu và lẽ sống của Paul, một người già tàn tật, luôn mang mặc cảm về sự thiếu hụt thân thể. Chọn điểm nhìn từ một người mất đi một phần thân thể, người-chậm/già, Coetzee đã phóng chiếu một cái nhìn triết lí về tuổi già.

Với Paul, sự khiếm khuyết về thân thể và mặc cảm lão suy chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của ông. Nó khiến ông ác cảm với cơ thể, ác cảm với sự xấu xí của thân thể mình. Nó khiến những ham muốn tính dục, sự khoái lạc của xác thịt ẩn ức rồi thăng hoa vào giấc mơ tình dục với những cảm giác về thân thể phụ nữ. Nhà văn Nam Phi đã tạo những tình-huống-tình-dục khác thường của một người luôn mang mặc cảm về sự già nua và khiếm khuyết (Paul luôn suy nghĩ về việc có hay không thể có quan hệ tình dục ở người cụt chân, luôn bị ám ảnh bởi đôi chân phụ nữ, những have sex trong bóng tối “giữa một người đàn ông và một người đàn bà mất các bộ phận thân thể đang cố hết sức khóa chặt lấy nhau”).

Tất cả nói lên chấn thương tinh thần nặng nề, gợi cảm giác chua xót, vừa đam mê vừa nhục nhã về sự va chạm thân thể trong mặc cảm khuyết thiếu, già nua. Viết về quá trình lão hóa (dẫu không phải là vấn đề trung tâm), trong Những mối tình nực cười, với quan niệm tình yêu, tình dục như một trò chơi ất ơ, Kundera nêu thật sâu sắc mặc cảm thân thể. Nhà văn gốc Tiệp gọi đó là “sự tàn bạo của tuổi tác”, là “cái cặn thừa thảm hại của bản thân”.

Bằng giọng điệu vừa hài hước vừa triết lí của một nhà tiểu thuyết lớn, Kundera khiến người ta suy ngẫm sâu sắc về cái già (có khi không đơn thuần vì tuổi tác). Một Don Juan thời hiện đại cảm thấy mình già cỗi qua ánh nhìn, thái độ của phụ nữ. Một bác sĩ trưởng khoa, “ông già, xám xịt và hói trọc”, day dứt, đau khổ đến nỗi cảm thấy chán mình trong gương và “căm ghét tất cả những ai còn tóc trên đầu”. Dĩ nhiên vấn đề đề cập không chỉ là sự già đi của con người, nhưng trong lối viết dí dỏm thâm trầm của Kundera, sự già chi phối cái nhìn nhân sinh sâu sắc của nhà văn.

Tôn vinh tuổi già, cuốn tiểu thuyết của Jonas Jonasson trở thành “hiện tượng quốc gia ở Thụy Điển” và “hiện tượng văn học với 4 triệu bản khắp thế giới”. Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất là tiếng cười hài hước mới mẻ về lứa tuổi “gần đất xa trời”. Cụ Allan, đúng ngày sinh nhật thứ 100 của mình đã biến khỏi viện dưỡng lão, biến khỏi cuộc đời trước đó, để quăng mình vào cuộc phiêu lưu (do bị truy đuổi) một cách ngẫu nhiên.

Từ khung cửa sổ ở tầng trệt, ông trăm tuổi đã bước qua ranh giới giữa Nhà Già và thế giới bên ngoài sinh động, quăng mình vào cuộc sống với “cái đầu già nua”, “cái đầu gối ọp ẹp”, rệu rã và chỉ kịp mang đôi dép-nước-tiểu, vì “ở tuổi già, đàn ông hiếm khi đái quá mũi giày mình”. Trong văn chương, “những giọt tiểu”, hiện tượng sinh lí tự nhiên, trở thành thước đo của nam tính, thành dấu hiệu của sự già, và thành biểu trưng cho mặc cảm bất lực của đàn ông. Nó báo hiệu sự “tàn phế” thân thể dẫn đến chấn thương tinh thần vừa đau đớn vừa nhục nhã.

Chính vì lẽ đó, Marquez để cho người đàn ông 90 tuổi tự hào về chuyện tiểu tiện của mình: “Tôi đi tiểu vào bồn cầu, để không ướt gỗ lót, và dù hết sức khiêm tốn, tôi cũng phải nói rằng dòng nước chảy vẫn ào ào và liên tục như của chú ngựa hoang vậy” (Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi). Cũng chính vì vậy, Jonas Jonasson để cho nhân vật của mình chỉ bằng đôi dép-nước-tiểu tiếp tục phiêu lưu tìm ý nghĩa sống; và cụ vẫn ý thức rõ thoát khỏi cái chết này để đến một chỗ chết khác viên mãn hơn: “Cụ quay đầu nhìn lại Nhà Già, nơi chỉ vài phút trước, cụ đã nghĩ rằng nó sẽ là chỗ cư trú cuối cùng của mình trên trái đất. Rồi cụ tự nhủ mình có thể chết vào dịp khác, ở một nơi nào khác.” Đích đến của cuộc sống vẫn còn là phía trước.

3. Bi kịch chua xót của người già là tự mình đối diện với nỗi cô đơn của chính mình. Ở Việt Nam, hiếm có tác phẩm viết về người già, nếu có chỉ để minh họa cho vấn đề khoảng cách thế hệ. Trong một số tác phẩm, người già rơi vào bi kịch thế hệ – một thế hệ cuối đời người vừa dò dẫm chênh vênh, vừa cố thu mình để thích nghi nhưng cuối cùng bế tắc trong những định kiến, những đối kháng ý thức hệ. Thế hệ trẻ, những kẻ thừa mứa tình yêu, tình dục nhưng khắc nghiệt, cay độc khi nhìn chút tình cảm muộn màng của thế hệ cha ông. Những thành trì nghiệt ngã bao quanh, cộng với mặc cảm “hết thời”, người già bị đẩy đến tận cùng tuyệt vọng, xa lạ, lạc lõng, hoài nghi mọi giá trị… đến không còn chỗ sống.

Với Mùa lá rụng trong vườn (1985), Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn sớm đề cập “cái già” qua sự trì độn của con người. Từ cuộc chiến trở về, ông Đông anh hùng sớm để lộ bản chất trì trệ, già cỗi. Níu giữ truyền thống trong cơ chế thị trường tranh tối tranh sáng, ông Bằng tự co hẹp trong thế giới của người già, đau đớn, dối mình trong sự kìm hãm của những định kiến xã hội. Tình già bị phê phán từ cái nhìn xơ cứng, bảo thủ.

“Mối tình” giữa ông Bằng và bà Lang Chí như một vệt ánh thẩm mĩ khiến câu chuyện không chỉ nhằm phê phán cái xấu, cái tiêu cực trong giai đoạn nửa bao cấp nửa kinh tế thị trường. Nếu xem giá trị nhân văn là tiêu chí bền vững đánh giá văn chương, thì một trong những chỉ dấu nhân văn của tác phẩm Ma Văn Kháng là cái nhìn khác về người già.

Cũng trong thời điểm những năm 1980, nhạy cảm với những vấn đề xã hội nhức nhối, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn sớm đề cập bi kịch tuổi già bị ruồng bỏ. “Bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn.” “Ai đồng ý bố chết giơ tay?” “Các bác già chết đi thì có gì lạ!” (Không có vua). Về khoảng cách thế hệ, Nguyễn Huy Thiệp tỉnh táo sắc lạnh khi đi vào câu chuyện của một vị tướng về hưu. Hưu là mốc cay đắng báo hiệu tuổi già. “Hội chứng về hưu” là hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội. Với ông tướng là buồn chán, trống trải, là mặc cảm mất năng lực, là lạc thời: “Cha tôi già sụp hẳn đi từ khi về hưu.”

Về hưu, ánh hào quang của quá khứ một thời vẫn còn nhấp nháy trong lúc cái già liên quan nghiệt ngã đến hiện tại. Có sự đối lập, đứt gãy giữa tôi-đã-là và tôi-đang-là. Thời gian làm khoảng cách giữa trẻ – năng lượng và già – suy yếu ngày càng lớn và cảm thức lạc lõng ngày càng cao. Bí bách, ẩn ức, xa lạ, tủi nhục chính là những phức cảm đẩy ông tướng vào bi kịch lạc loài thế hệ – “Sao tôi cứ như lạc loài”, là thảng thốt kiếp già – “Khi liệm mẹ tôi, cha tôi khóc… Người già ai cũng chết khổ như thế này à?” (Tướng về hưu).

Không phải bệnh tật hay cái chết mà tính dục mới là vấn đề thiết yếu liên quan đến tuổi già/ cái già. Mĩ cảm tính dục gắn liền với tuổi già vẫn là khoảng trống mà văn chương bỏ lại. Đã có một dòng văn chương tính dục, đôi khi thừa mứa thân xác đến vượt ngưỡng. Tuy vậy, như một mặc định, tính dục là gắn với, là dành cho tuổi trẻ. Phải chăng đó là sự im lặng đáng sợ của văn chương khi đối diện với tuổi già – một cột mốc mà đến đấy con người trở nên nhỏ bé, cô đơn, không sức mạnh và bị lấn át từ mọi phía.

Cũng có một số tác phẩm đề cập đến những khao khát tính dục nhưng bị kiềm chế của người già, do định kiến, nhưng phần lớn do sự bất lực về tuổi tác. Càng hiếm có những tác phẩm viết về tính dục nữ-người-già. Phúc âm cho một người (Nguyễn Khắc Ngân Vy) là câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình phải đối mặt với Chúa, với tuổi già, với mặc cảm tội lỗi. Nhà văn viết về ngoại tình bằng cái nhìn tâm lí chứ không từ luân lí đạo đức.

Bà Khuê, người phụ nữ chịu gánh nặng từ chồng và những đứa con, trong một khoảnh khắc khó ghìm lòng đã thỏa mãn ẩn ức khát khao với vị bác sĩ khám bệnh cho mình. Tác giả không thiên về khoái cảm mà nhấn mạnh mặc cảm thân xác của người phụ nữ tuổi xế chiều, bệnh tật và cô đơn. Nó biến những khoảnh khắc trao tình giữa hai thân thể già nua thành một màn kịch của have sex. Nó khiến nhân vật nữ luôn bị giày vò, mặc cảm, cái mặc cảm không chỉ xuất phát từ hành vi ngoại tình mà từ nỗi ghê sợ cái già.

Với lối viết thuộc hệ hình thẩm mĩ mới, Hồ Anh Thái luận về cái già theo chiều nghịch dị, thô tục, lố bịch. Từ một góc nhìn, trong nhiều tiểu thuyết của nhà văn này, những bản sao trí thức “toát ra mùi già” (SBC là săn bắt chuột). Những nhà văn hóa lớn, những Cốp, Kễnh, những Giáo Sư Một, Giáo Sư Hai một thời qụy lụy vun vén chỗ đứng chỗ ngồi của mình, lúc “đầu râu tóc bạc” vẫn bị sức hút của quyền lực làm cho dị dạng. Trong thế chống chếnh giữa tôi hôm qua và tôi hôm nay, con người cũng chênh vênh nhân cách.

Viết về giai đoạn khủng hoảng tâm lí của tuổi già, Hồ Anh Thái đã mang lại cho văn học Việt Nam đương đại một tiếng cười chua xót, qua đó xáo trộn cái nhìn về một thế giới “thiêng”. Hồ Anh Thái không nhạo báng tuổi già, trong bề sâu của hiện tượng là niềm cảm thán về một vấn đề xã hội, là những suy ngẫm sâu sắc về quy luật tồn sinh đời người.

Viết về cái già như một vi mạch trung tâm không còn là khoảng trống của văn chương. Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương, Người mê của Uông Triều… cũng đã góp thêm vào đề tài này những góc nhìn riêng, dần đưa văn chương Việt Nam chạm tới vấn đề quan trọng trong quy luật tồn sinh của con người. Tuổi già, không cứ phải im lặng bặt tiếng thì mới là vàng mười.

Theo Lê Thị Hường/VNQĐ