“Mía đắng” – Truyện ngắn của Huyền Văn

1066

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lài đứng cạnh ông Tư nhìn ruộng mía ngút ngàn, lá mía kêu xào xạc như một khúc nhạc trầm bổng. Cô thả ước mơ theo ngọn gió thoảng mùi hương ngòn ngọt, lòng nôn nao nghĩ đến kỳ thi đại học sắp tới, mai này trở thành cô kỹ sư nông nghiệp, thực hiện hoài bảo xây dựng cánh đồng mía lớn trên mảnh đất thân yêu của mình.

Ông Tư thở dài:

– Mía trúng mùa mà không có thương lái thu mua, nước lũ đã leo xấp xỉ chân mía rồi, nếu mười hai mươi ngày nữa không bán được, ngập lâu mía sẽ bị hư, bị mất giá.

– Hay là mình chở ra Phụng Hiệp bán cho nhà máy đi tía.

– Mình không có phương tiện nên đành chờ thương lái vào ruộng mua con à, chờ không kịp, mía ngọt thành mía đắng đó con à.

Lài kéo khăn rằn lau mồ hôi trán, an ủi ông Tư:

– Ráng gầy lại mùa sau tía.

– Anh Hai, chị Ba con có gia đình rồi nhưng không ai khá, con là út phải ráng học làm bà kỹ sư để bày cho tía cách trồng mía ngọt làm giàu nhe hông.

– Con cũng muốn học lên cao, nhưng con sợ tía cực lo hổng nổi.

– Cực mấy tía cũng ráng, thôi xế rồi, về con.

Ông Tư bước vô cửa thấy Sen, vợ của Tới đang rót nước trà mời Chanh, ông hỏi: – Ủa, ngọn gió nào đưa bây tới vậy Chanh?

Chanh đon đả chào ông Tư: – Dạ ông Tư, con tên là Trân mà ông Tư kêu con là Chanh hoài hà.

Ông Tư cười xòa: – Cái tên đó bà con trong xóm đặt cho bây, kêu quen rồi.

Chanh vuốt ve mái tóc.

– Tại người ta nói xấu con, chứ con hiền muốn chết, có chanh chua gì đâu. Hướng về Lài:

– Út, chịu lấy chồng ngoại quốc hông? Lài lắc đầu.

Ông Tư nạt: – Bậy bạ! Con Út sắp thi vào đại học, chồng con gì bây.

– Ông Tư nhớ con Xuân em họ của con hông, nó lấy chồng Đài Loan mới có mấy năm, mà gửi tiền về cho dì con cất nhà tường rồi, dì con cũng nở mày nở mặt với người ta, thấy con Út hiền lành nên con tính…

Ông Tư đứng lên: – Không tính gì hết ráo, nói bậy bạ tao đuổi à.

– Mối này là thương gia ở Chợ Lớn.

Ông Tư xua tay: – Thôi, thôi, bây về đi, bây có muốn thì đi mà lấy nó.

Chanh đứng lên: – Hứ! Nghèo mà làm chảnh. Rồi ngoe nguẩy bỏ đi.

Trời vừa chạng vạng thì đổ mưa, nước mưa từ nóc nhà chảy xuống bàn thờ, ông Tư kêu Lài lấy thau hứng nước, rồi thắp nhang lên bàn thờ cho bà Tư. Ông Tư hỏi Lài: – Thằng Tới chưa về hả Út?

– Dạ… chắc anh Hai đi làm hồ xong ghé chị Ba mượn tiền mua sữa cho thằng Bo đó tía.

– Con Bé Ba nó cũng nghèo, có một công mía cũng chưa bán được, chồng nó tranh thủ chạy xe ôm kiếm cơm mỗi ngày, đâu có dư mà mượn hoài.

– Biết sao giờ tía, chị Hai không có sữa mà thằng Bo mới có bốn tháng, uống nước cơm hoài tội nghiệp nó.

Bổng mái lá bị tốc lên, nước tuôn vô nhà xối xả, ông Tư bắc cây thang leo lên:

– Út, con ra sau bếp lấy cho tía bó lạc.
Lài luýnh quýnh đi ra sau, bổng cô nghe một cái rầm, khi quay lại thì ông Tư đã nằm dài trên mặt đất.

***

Lài và Tới đứng trước cửa phòng cấp cứu bệnh viện, Bé Ba hớt hải chạy tới.

– Tía, Tía… bị sao vậy Út?

– Dạ… tối qua nhà bị mưa dột, tía leo lên che lại mái nhà thì bị té.

Cửa phòng cấp cứu mở, Lài chạy tới hỏi cô y tá tình trạng của ông Tư, y tá nói ông Tư bị gãy xương đùi, phải mổ để sắp xương lại. Mọi người xanh mặt.

Tới than: – Bất tử vầy, tiền đâu mà mổ?

Bé Ba cằn nhằn: – Phải chi anh Hai mua bảo hiểm y tế cho tía thì đở khổ rồi.

Tới nói: – Mua một mình Tía người ta không bán, tính chờ bán mía có tiền mua hết hộ khẩu luôn, ai ngờ tía xui vậy.

Ông Tư mổ xong đã khỏe lại, ông nằm trên giường, Lài và Bé Ba ngồi kế bên nói chuyện với chú, thím hai kế bên nhà vào thăm. Tới lấp ló ngoài cửa ra hiệu cho Lài ra ngoài.

– Út còn tiền cho anh Hai mượn vài trăm, thằng Bo bị tiêu chảy nặng đã chở vô bệnh viện nhi đồng rồi.

Lài lo lắng: – Nó có sao không anh Hai?

– Không sao, nó khỏe rồi đang vô nước biển. Út đừng cho tía biết nha.

Lài đưa cho Tới năm trăm ngàn. Tới vừa đi khỏi thì Chanh cũng vừa tới, hỏi Lài cần thêm tiền không, Lài còn ấp úng thì Chanh mở bóp đưa cho Lài năm triệu. Lài ngần ngại: “Chị đã cho em mượn nhiều rồi, em không dám lấy thêm đâu”. Chanh dúi tiền vào tay Lài: “Lo cho ông Tư khỏe mạnh rồi tính sau, mình là chị em hàng xóm mà”.

Ông Tư xuất viện về nhà, đang ngồi trên ghế, dặn dò mấy đứa con dọn thức ăn lên bàn thờ cúng tạ ơn cửu huyền. Chanh cầm bọc trái cây bước vào, xởi lởi.

– Thưa ông Tư con mới tới.

– Ờ, ngồi chơi bây.

– Mừng là ông Tư đã khỏe, chuyện xui rủi qua rồi, giờ nên tính chuyện lợp nhà và tráng xi măng đi ông Tư.

Ông Tư nhìn lên nóc nhà thở dài: – Chờ bán mía xong trả nợ, còn dư mới tính bây ơi.

– Ông Tư ơi, một ký mía chưa đến bảy trăm đồng, lỗ nặng chớ làm gì có lời, nước đang lên mà thương lái chưa vô mua, thôi con cho ông Tư mượn tiền sửa nhà trước, khi nào bán mía có dư ông từ từ trả con sau.

Ông Tư lắc đầu. Bé Ba ở nhà sau bước ra: – Tía chịu đi, nhà mình muốn sập rồi. Tới cũng nói vô: – Phải đó tía.

Lài nhỏ nhẹ: – Tía tính lại đi, lúc này giông gió dữ lắm, mà nhà mình yếu lắm rồi tía.
Ông Tư trầm ngâm. Chanh nói: – Ông Tư tính toán lại cần bao nhiều kêu Út qua nhà con lấy.

– Ờ để tao coi lại, bây ở chơi ăn cơm.

– Dạ thôi, con có công chuyện phải dìa rồi.

Ông Tư ở đang ở nhà sau, nghe tiếng Lài về, ông chống cây nạng đi từng bước một, thấy Lài cầm ba nén nhang đứng trước bàn thờ bà Tư mà nước mắt tuôn dòng, ông ngạc nhiên hỏi: – Sao khóc vậy Út?

Lài cắm nhang vào lư hương rồi dìu ông Tư ngồi trên ghế, cạnh bàn thờ:

– Chân tía còn yếu đừng tới lui nhiều, nền đất trơn lắm.

– Không sao, thằng Sáng mới cho tía có cây nạng nè, nó được lắm.

– Vậy hả tía. Bổng Lài quỳ xuống:

Ông Tư sửng sốt: – Út, con làm gì vậy?

– Tía cho con đi lấy chồng để có tiền trả nợ nghe tía.

– Dứt khoát không được! Kẹt quá thì bán đất.

– Bác Hai không cho sao tía bán.

– Tía sẽ năn nỉ.

– Không được đâu tía ơi, nếu tía không ừ, con sẽ quỳ ở đây hoài.

– Chuyện động trời vậy sao tía ừ, để tía suy nghĩ rồi tính sau.

Nãy giờ Tới đứng phía sau cửa buồng, anh nhớ lại hồi sáng tía nói chuyện với bác Hai xin tách thửa ba công đất, bác Hai không chịu, tía năn nỉ: “Hồi xưa tía má bị thất mùa đi thế chấp hai mươi công đất cho ngân hàng, sau đó vợ chồng em chuộc ra hết, nay em chỉ xin tách thửa ba công để trang trải, lẽ nào anh Hai không cho”. Bác Hai giận dữ: “Giá nào cũng không được bán, chú kể công để đòi bán đất, rồi chú ăn nói sao với tía má ở suối vàng,”. Tới vò đầu bức tai. Nếu bác Hai không cho bán đất, con Út đi lấy chồng thì cuộc đời của nó sẽ mất hết tương lai. Làm sao đây trời?

***

Dù không cam tâm, ông Tư cũng đành chấp nhận gả Út Lài cho một thương gia người Hoa ở Chợ Lớn. Hôm nay nhà ông Tư đang sửa sang để chuẩn bị làm đám cưới, lẽ ra nhà có đám là vui vậy mà ông Tư nét mặt dàu dàu, ông ngồi trên cái chõng tre, miên man tự hỏi: “Ngày mai con Út sẽ theo chồng về xứ lạ, bỏ lại ước mơ làm kỷ sư trồng trọt, rồi nó sẽ ra sao khi chồng nó lớn hơn nó tới hai chục tuổi, có phải mình đã hại đời của nó không?”. Ông Tư xót xa nhìn di ảnh của bà Tư, ông cảm thấy có lỗi với người vợ quá cố, khóe mắt cay cay. Chợt đâu bên ngoài có tiếng ai kêu “Lài ơi, Lài…”. Ông Tư giựt mình, kêu Tới đi ra ngoài coi có chuyện gì.

Sáng xăm xăm đi vô sân, theo sau là ông Bảy Sỉn, chú của Sáng, mọi người trố mắt nhìn theo. Tới chặn lại: “Sáng, em là người có ăn học, đừng hành động hồ đồ, con Út đã khổ lắm rồi”. Sáng khựng lại, dáng điệu thiểu não: “Anh Hai nhắn dùm Út Lài ra ruộng mía, chỗ chòi củi cho em nói chuyện lần cuối, rồi em đi”. Tới gật đầu. Sáng lầm lũi đi ra. Bảy Sỉn còn chần chừ: “Bây nói với tía bây là nếu ổng làm đám cưới cho con Út, tao sẽ báo chính quyền, vì nó chưa đủ tuổi đó”.

Sáng đi tới đi lui ở chòi củi, thấy Lài mặc áo bà ba bông màu hường đi tới, anh xúc động nói: – Lài, Lài nghe anh nói nè!

Lài giữ khoảng cách: – Anh muốn nói gì mà hẹn em ra lúc này?

– Lài, em suy nghĩ lại đi, em chưa đủ mười tám tuổi mà, sao em lấy chồng sớm vậy?
Lài buồn bã: – Sớm muộn gì cũng vậy thôi mà.

– Chắc em biết tình cảm của anh dành cho em bấy lâu nay, chỉ là anh mới ra trường chưa có sự nghiệp, nên anh chưa dám ngỏ lời, nào ngờ em lại…

– Em… cũng vì hoàn cảnh bắt buộc chứ em không muốn vậy, hơn nữa em với anh chưa có hứa hẹn gì, anh đừng làm cho em khó xử.

Sáng nghẹn ngào: – Cho dù Lài không để ý tới tui, có đi lấy chồng cũng phải lấy người đàng hoàng, không nên lấy một người đáng tuổi cha chú mình, mà lấy người ta đi lên tận Sài Gòn, lỡ có chuyện gì thì ai hay biết?

Lài rơm rớm nước mắt: – Số phận đã an bài rồi, đi bước nào hay bước nấy thôi.

– Còn lời hứa sau khi học thành tài sẽ cùng anh trồng mía trên cánh đồng lớn thì sao?

– Coi như em thất hứa với anh đi.

Sáng nắm tay Lài: – Lài, anh biết em có thương anh mà, hay là mình trốn đi.

Lài sửng sốt: – Trốn đi đâu?

– Đi lên Cần Thơ, chờ thời gian lắng dịu rồi mình về.

– Em…

Trời bổng tối sầm, sấm sét đì đùng làm rung chuyển cả bầu trời, Lài giựt mình nép sát vào Sáng, đôi tay rắn chắc của Sáng che chở bờ vai nhỏ bé của Lài, lần đầu tiên Lài nghe hơi thở của Sáng thật gần, thật ấm, trống ngực cô đập liên hồi, mưa như trút nước, nhưng cô không thấy lạnh. Sáng nắm tay Lài đi nhanh lên bờ đê, Lài ngoáy đầu nhìn lại, căn nhà lá nhỏ bé của cô đắm chìm dưới cơn mưa xối xả. Bổng nhiên hình ảnh ông Tư bị té sấp mặt hiện ra trước mắt cô, cô bừng tỉnh: “Không, em không thể bỏ tía em được”. Lài ôm mặt chạy đi, mặc cho những tia chớp xé nát bầu trời. Sáng đứng chết trân như bị sét đánh.

Lài khụy xuống ruộng mía, những cây mía đang độ chín, sức sống căng đầy, cho dù mưa gió dập dùi, vẫn vươn lên đứng thẳng hàng, thẳng lớp, không cúi đầu gục ngã. Lài nhổ một cây mía làm điểm tựa đứng lên.

Văng vẳng tiếng kêu đắng lòng. Lài ơi…

H.V