Miền thương cũ – Tạp văn của Thanh Tuân

969

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nương theo những tháng ngày cũ để náu mình vào những nhớ nhung thuở ban sơ như vườn sớm bình minh gội nắng. Dù tha hương hay dù còn đắm mình trên  đất mẹ thì những đuổi xô của thời gian cũng đâu còn níu được những ngày tháng đã qua mãi mãi. Con người ta có yêu thương thì mới khắc ghi những gì là quý giá nhất cuộc đời họ, trong tim, và trong tâm trí. Những mùa cũ đi qua đời tôi, lặng lẽ.

Một khu vườn mít những thân cây người ôm không xuể. Mùa đến, lũ trẻ nhỏ dạo vườn hái dái mít chấm muối ớt. Hè về, những trưa trốn ngủ sọ sẹ bắt ve, quẩn mòn quanh từng gốc. Rồi có cả mùa lá rụng. Đó là những trưa gió len nhẹ, những chiếc lá vàng buông mình đằm lên lá khô rột soạt. Đó là những chiều gió xô từ đồi xuống vùng làng thung lũng quê tôi, vườn mít trút lá vàng tưởng chừng như rừng phong sang mùa. Lũ trẻ gom lá bỏ chuồng. Cái bội to, vài cái chổi, quét nhóm từng đống lá mít khô. Bàn tay bé xíu ôm từng mớ lá giòn, nhận căng đầy cái bội. Lựa những lá mít màu gạch cũ mới rụng, thắt thành chiếc đầu trâu bé xinh xinh. Tụi con gái dạo vườn tha hồ gom tiền lá mít. Lá to tiền mệnh giá to, lá nhỏ, tiền mệnh giá thấp. Mua bán, đổi chát đôi cụm cúc tím dại, vài trái dủ dẻ chín, đôi khi có vài trái quýt giấy mỏng toang vỏ. Đổi tới bán lui rồi lột vỏ chia nhau để mùi quýt thơm dày lên cả tuổi thơ ngọt lịm.

Nhớ con đường làng. Con đường chênh vênh bắc ngang giữa đồi. Đó là con đường nhỏ có hai bên hai hàng cỏ may. Sớm nào sương còn chưa tan hết, từng bàn chân dung dẻ tới trường. Phía bên trên là con dốc thoai thoải, vài bụi mua đang nở những chùm tím xinh xinh. Đôi con ong siêng năng vo ve từng nhụy hoa để lấy mật sớm. Bên dưới con đường là cánh đồng trải rộng nối liền với dải đất nà, và nối tới cuối cùng, mép sát chân núi kia có dòng suối Lâm Minh rì rào ngọt mát rót dòng nước trong về tận xa lắc hồ Phú Ninh mênh mông.

Nhớ những con đường tắt lẩn khuất sau những lùm cây, bụi rậm giữa đồi. Đó là con đường của người dân đi củi, vào hố ruộng; của lũ trẻ chăn trâu bò những buổi không lên lớp. Nhưng cũng là những con đường nối từng cụm xóm nhỏ chen khuất giữa núi rừng điệp trùng. Những con đường tắt ấy là con đường chống đói của chiếc bụng háu ăn. Học về trưa, rủ nhau tụm năm tụm bảy leo lên trên con đường tắt. Những búp mâm xôi đỏ mọng ngời dưới cái nắng trưa của gò đồi miền Trung mời gọi; những ngọn mâm xôi xanh mượt, mềm ngọt; dủ dẻ vàng rộm; sim mua tím ngắt nụ cười…

Nhớ đôi con đường cong quanh giữa xóm được lũy tre già ấp ôm tự đời nào. Đó là đôi con đường có hàng rào dâm bụt ai trồng thẳng thắp. Mùa theo mùa, dâm bụt treo những chiếc đèn lồng đỏ lựng trên nền lá xanh ngút ngàn dân dã. Ngày xuân già nào có tiếng nhạc xập xình. Đôi hàng trai gái xênh xang, với cô dì áo dài thướt tha, mấy cái dù xanh đỏ đủ màu, mấy chú áo vest, giày bóng mượt lịch lãm. Đám rước dâu từng bừng. Lũ trẻ chực chờ vây quanh con ngõ. Để rồi pháo đì đùng, tiếng cười giòn tan, tiếng vỗ tay hân hoan, tiếng chí chóe tranh nhau lượm những trái pháo còn sót dưới những xác pháo hồng xao xác bay…

Trở về tuổi thơ bằng chuyến tàu nhung nhớ. Thanh âm tiếng đồng dao gọi mời.

Rồng rắn lên mây

có cây núc nác

có ông thầy ở nhà không?

– Có.

– Con lên mấy?

– Lên Một

– Chưa ngon.

– Lên Hai.

– Chưa

– Lên Ba

– Chưa ngon…

– Lên Mười.

– Vừa ngon.

– Đố ông thầy bắt được con tui ăn.”

Xong sự mặc cả hỏi đáp là màn rồng rắn chạy nối đuôi nhau, đu đẩy, kéo rị nhau trong tiếng thở hổn hển, tiếng chân thình thịch và cả tiếng cười ngặt ngẻo… Hay một đứng bóng của ngày hè nào đó trốn ngủ, những thanh âm thậm thụi… Chặt cây dừa/ chừa cây nạn/ cầy đầm ấm/ cây bí đao/ cây nào cao/ cây nào thấp/…

Có gì đó ma mị trong những bài đồng dao, trong những trò chơi trẻ thơ ngày ấy. Một thời tôi đã nghĩ như thế. Bởi những trò trẻ con ấy cứ năm này qua năm nọ trải dọc tuổi thơ mà có khi nào ngán ngẩm, có khi nào một lời mời gọi mà bị từ chối? Ai đó cứ nghĩ chính những bài đồng dao liên vần ấy làm cho con người ta thích thú. Thế nhưng đôi khi những tiếng quẹt rột rẹt của bộ thẻ tre, tiếng tiếng rải những hòn đá nhỏ ra đất lợp cợp nghe khô khốc trong trò chơi ô sạ lại cũng làm cho con người ta mê mệt đến quên thời gian trôi. Để rồi một ai đã đi qua tuổi thơ hồn nhiên, trong hành lí hư vô của họ mãi tự mang theo những kí ức ngọt ngào mà nào đâu dễ bán mua được.

Tôi tự thấy mình thương mang khi những thanh âm năm tháng cũ bị lùi xa vào quá khứ mãi mãi chẳng thể hồi sinh. Và tự thấy thương mang khi những nốt nhạc của trẻ thơ ngày nay dường như chỉ là những thanh âm xô bồ, ồn ã của game, của quán xá, của máy móc hiện đại mà chẳng có những âm giai thanh trong, mộc mạc của những ngày cũ.

Nhớ thương ngày cũ, nhớ những khu vườn, nhớ những con đường, những niềm yêu tuổi thơ ngọt lịm. Ngã vào nỗi nhớ để rồi lòng bâng khuâng thương hoài miền thơ ấu. Trong chếnh choáng những hoài vương, lòng chợt ước ao được đặt chân lên một con tàu mang tên Miền Thương Cũ.

T.T