Miếng trầu của mẹ – Tạp bút Võ Văn Trường

389

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mẹ vẫn thỉnh thoảng ăn trầu vào ngày tết, hôm giỗ kỵ. Những lúc như thế trông mẹ đẹp hẳn lên bởi môi má hồng hào. Mẹ không nghiện trầu chỉ biết ăn để cho vui. Song, trông mẹ tôi lại liên tưởng đến câu chuyện cảm động “Trầu cau”; cung cách tem trầu cánh phượng của cô Tấm được vua phát hiện trong cổ tích “Tấm Cám; lời mời trầu các liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh…

“Vào vườn hái quả cau xanh/ bổ ra làm tám mời anh xơi trầu/ trầu này ăn thật là say/ dù mặn dù lạt dù cay dù nồng/ dù chẳng nên đạo vợ chồng/ ăn dăm ba miếng kẻo lòng nhớ mong”. Sao mà tha thiết đến vậy.

Ông bà ta có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. “ Tiện đây ăn một miếng trầu/ hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là…”. Đặc biệt trong giao duyên trai gái miếng trầu cần thiết hơn bao giờ hết “lân la điếu thuốc miếng trầu/ đường ăn ở dễ chiều lòng bạn ơi”. Khi đã quen hơi bén tiếng, trai gái cũng mượn miếng trầu để tỏ tình, nhất là các chàng trai nhờ miếng trầu mà tán tỉnh: “Từ ngày ăn phải miếng trầu/ miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu/ một thương hai nhớ ba sầu/ cơm ăn chẳng được ăn trầu cầm hơi”.

Mẹ tôi bảo ông bà ta đã ví von “có trầu, có vỏ, không vôi” thì môi không thể nào đỏ được. Điều này có khác chi “có chăn, có chiếu, không người nằm chung”.


Minh họa (Ảnh: Internet).

Trầu cau còn biểu tượng tôn kính dùng trong các tế lễ, cúng kiếng. Đặc biệt việc têm trầu là cả một nghệ thuật. Theo Việt Nam phong tục: muốn têm trầu cánh phượng thì người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đoạn đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống, nhưng không được để đứt nên khi cuộn tròn lại hai rẻo lá vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng. Hai rẻo lá này trông còn giống hình vành trăng non lưỡi liềm, mà theo thần thoại Trung Hoa thì trên cung trăng, nơi Hằng Nga ở có cây quế nên cung trăng còn được gọi là cung quế, và trầu cánh phượng cũng được gọi là trầu cánh quế. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết của con người.

Ngày xưa khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi cô gái têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa…

Qua những điều ấy đủ nói lên cuộc sống người dân Việt từ xa xưa rất phong phú với những phong tục đẹp, giàu có về đời sống tinh thần, đặc biệt trầu cau gắn chuyện tình đôi lứa, hàm chứa điều hay lẽ phải đúc kết qua thời gian. Ngày nay không còn nhiều phụ nữ ăn trầu, nhất là nơi phố thị, song miền quê đây đó chúng ta vẫn bắt gặp các bà, các cô ăn trầu. Cái duyên ấy đẹp kiểu như những cô hàng xén răng đen trong thơ Hoàng Cầm.

Ngày mẹ chưa yếu hẳn phải nằm một chỗ như bây giờ, về quê dịp giỗ chạp, tết nhứt tôi vẫn thích được ngắm mẹ ăn trầu. Mẹ không rành rõi cách bổ cau, têm trầu nhưng mỗi khi mẹ ngồi lại làm những công việc như thế trong tôi lại liên tưởng đến hình bóng cô Tấm trong mỗi cô gái quê mình hay lam hay làm, nhân ái, thuỷ chung như buồng cau lá trầu một đời bên nhau…

V.V.T