Miệt thức Năm Căn

783

Ninh Nguyễn

Len lỏi trong xóm rẫy, đồng đìa, rừng đước, mom sông… mới thấy chuyện thao thức của người Năm Căn. Họ thức vì mưu sinh, vì đợi xe đò hoặc vì đợi một người bạn hẹn về miệt vườn chơi một chuyến. Thức đã thành chuyện thường ở xứ: Miệt thức Năm Căn!

Ảnh minh họa – Đêm đi bắt ba khía – Nguồn: TTXVN

1.

Ới a cò ơi/ thôi về cò ơi …”. Nghĩa gõ mạn thuyền, hát như vậy khi xem đồng hồ đã ba giờ sáng. Cảnh lặn lội từ tối qua, mất ngủ, thấm mệt giờ thành thấm thía. Chuyến đi bắt ba khía của chúng tôi không thành công. Đầu đêm qua, chú Bảy Biết cùng xóm với Nghĩa nhìn thấy chúng tôi xuống xuồng thì quở: “Tụi bây thèm được muỗi đốt đó sao”? Rồi! Lời quở của chú hiệu nghiệm đến mức để bây giờ chưa được nổi một ký ba khía mà mất gần 50 ngàn dầu xăng, chưa tính đến tiền thuốc, tiền nước tẩm bổ… Nhưng đó là cuộc khởi động của một người chưa từng biết bắt ba khía như tôi, và một chuyến tìm lại mình của người đã bỏ đồng đìa lên Sài Gòn mở tiệm hớt tóc gần mười năm như Nghĩa. Tôi và Nghĩa an ủi nhau như vậy cho nhẹ nhàng chuyện lỗ vốn. Mười năm, những chỗ mà Nghĩa đã đến và bắt ba khía thì nay không như những gì mà Nghĩa vẫn hình dung. Nghĩa kết luận, nó khác quá, không còn là chuyện hồi trước nữa, một đêm đi bắt ăn ròng suốt năm.

Sức hấp dẫn miền phù sa mà bao năm qua, bao lượt người tìm đến sinh cơ lập nghiệp. Trên chim trời, dưới cá nước, trong rừng có: Mật ong, cua, ốc, ba khía, rắn, rùa… Nơi mà tay không, mang theo thùng thiếc vào rừng cũng có ăn. Những người khẩn hoang xưa vẫn kể lại, không chỉ rừng U Mình mà miệt Năm Căn cũng có những sân chim. Chim về đẻ trứng ở bãi cỏ năn, cỏ lác. Nay, do khẩn hoang, đất đổi thành ruộng, ao sình thành đồng tôm nên chuyện đó chỉ còn trong hồi ức. Năm Căn hoang sơ lùi xa. Năm Căn thao thức thành nếp vì cái nghề thả lọp, đi soi, tháo đáy theo con nước lớn, nước ròng. Những ngày trù mật xưa, người ta vẫn nhắc, vào mùa tháng mười âm lịch, bơi xuồng ra vàm (cửa sông), thắp đèn lên, ba khía thấy ánh sáng tụ lại bò lổm ngổm trên lưng nhau, vợt xúc ba khía vào thùng mang về làm mắm, muối. Nay ba khía phải thắp đèn, lặt từng con trong rừng. Mỗi đêm soi đèn, ít thì được mươi cân, nhiều thì hơn chục ký. Mỗi ký bán  giá 17 ngàn cho vựa, trừ tiền dầu cũng được hơn trăm ngàn. Năm Căn – thủ phủ ba khía miền Tây. Người miệt vườn huyện Năm Căn thao thức trong đêm đi bắt ba khía cất bán luôn trong đêm. Theo cách mưu sinh này, Năm Căn như một miệt thức.

Từ ngày tách huyện Ngọc Hiển thì Năm Căn lơ lửng giữa đất trời Cà Mau. Hình dáng của huyện như cánh diều với hai cạnh ngoài chạm biển. Ở cạnh này đang thủy triều lên thì cạnh kia đang xuống. Hai dòng hải lưu đông – tây chảy tràn qua huyện Năm Căn, mặn chan vào mặn thấm đất thấm đồng. “Nhất cận thị, nhì cận giang”, thị trấn Năm Căn cũng theo cách đó mà hình thành. Thị tứ Năm Căn nằm bên bờ sông Cửa Lớn, là điểm trung chuyển giữa đất mũi và thành phố Cà Mau. Một thời theo xe về huyện, theo đò về mũi về miệt thấm thía cái cảnh độ đường nhỡ chuyến đò, xe. Chuyện đi lại đã ăn vào máu, phải hết sức khẩn trương, nhanh nhẹn, thà sớm mà đợi còn hơn trễ. Và từ đó, người Năm Căn vồi vội. Nếu phải đi đâu, dù xa hay gần là y như cảnh chạy mưa tháng tư, chạy lụt tháng 10, cứ hối lên bên sông bên chợ.

2.

Đêm ở Năm Căn không phải tất cả mọi người đều vùi trong giấc ngủ. Đêm qua có người từ dòng sông, con rạch trở về, họ đi thả lưới tháo đáy được nhiêu cũng mang ra thị trấn. Đêm qua có những người từ những cánh rừng trở về, một đêm đặt lợp bắt cua, soi bùn tìm ba khía… Những cảnh kiếm sống không hẹn mà gặp, họ về thị trấn Năm Căn cất bán cho các vựa. Từ đây, món hàng của họ lại được chuyển lên thành phố, đi nhiều nơi. Về Năm Căn lần trước, tôi cũng ra đường đứng vào giờ đó để chờ buổi mai. Cái háo hức của người trên đường ra đất mũi mà tối qua phải dừng lại ở Năm Căn, ngủ sớm, qua lưng chừng đêm đã muốn dậy để ngó người, ngó thị trấn. Họ đi đâu về đâu mà tay xách nách mang, đầu đội nón, mắt lim dim, gà gật? Câu hỏi len lén trong đầu. Lại còn cái cảnh quạt than nấu nướng khói um. Thầm quở, ở cái miệt này, người ta có ăn sáng thì cũng phải lúc sáu bảy giờ, cứ khăng khăng trong suy nghĩ rồi chỉ trích trong thầm lặng. Một tiếng nữa khởi lò cũng kịp chớ tội tình chi mà thao thức cho cực. Bao nhiêu suy nghĩ của kẻ lần đầu đến, rồi ra đứng đường chẳng biết hỏi ai.

Sáu giờ sáng, bước khỏi khách sạn tấp vô quán cà-phê gọi một ly đã có người ghé tới hỏi. Chú đặt đò ra mũi phải không? Gật đầu xác nhận. Vậy thì nhanh lên, đò chờ rồi đó. Mấy người đi cùng đoàn cũng lạch cạch bước ra, họ cùng giục túi bụi, chủ đò đang chờ. Một trăm phần trăm ly cà phê vào họng, để lại bảy ngàn trên bàn rồi bước theo. Vừa mới tìm được chỗ ngồi kiếm miếng sáng đã có người gọi, chú ở đò đang đợi ở bến… Sao vậy, thuê cả chuyến đò cơ mà, có chung với ai đâu mà vội, để cho tui ăn! Vài phút trôi qua, rồi cô lơ đò đứng ngay lề đường nở một nụ cười tươi nhưng đường nét trên mặt cô vẫn là sự nóng ruột. Thế rồi cũng phải nhanh, ai đời lại để một người đứng bên đường nhắc nhở, một con đò đợi ở bến sông. Tất cả lên đường. Ra đến mũi, chụp hình, xem cua, mua cá ăn chơi thoải mái thời gian. Đò đưa về thị trấn Năm Căn mới non buổi chiều. Vậy là kiểm điểm mới thấy rằng rất chi vội vã. Mà vội để làm làm chi cũng không biết bởi vì sao vội vã mà làm chi?

Mỗi chuyến về Cà Mau nhất là về Năm Căn để đi ra đất mũi cho tôi một sự khám phá. Ví như một chuyến xe đò từ Sài Gòn về, cùng có lúc xe nghỉ ngơi để uống nước, bắt chuyện bao người chỉ để hỏi câu hỏi sao vội vàng? Mọi người đều ngơ ngác, không ai nhận cái điều mình hỏi bởi đó là thói quen. Chú Tư Thường, người ở xã Đất Mới, Năm Căn cho tôi hay. Người ở Năm Căn không vội thì đợi đến ngày mai. Phải vội chớ. Chú kể, dạo trước, xe đò từ thị trấn Năm Căn lên thành phố Cà Mau mỗi ngày hai chuyến, xe đông thật là đông. Ai lỡ chuyến sáng thì đợi tới chiều, ai lỡ chuyến chiều thì tìm nhà trọ mà đợi đến mai. Không vội vàng thì thành tốn kém. Đó là chuyện xe đò, còn chuyện tàu xuồng đi về xóm, xuống rẫy nữa. Xăng dầu đắt đỏ, đi lại tốn hao, mà không phải nhà nào cũng có sẵn xuồng để đưa, để đón. Mỗi chuyến đưa đón, nếu không đợi chờ thì phải đi thành bốn lượt, nên chuyện đi là phải hỏi trong xóm có ai thì quá giang hoặc trả tiền dầu, đi lại vất vả lắm, con ơi. Ngày trước lên đến thị trấn thì mới được một nửa đường lên tỉnh. Người khai hoang không mang nhiều tiền nhưng phải mang theo lỉnh kỉnh những gì cần cho cuộc sống…

Chuyến xe đò hôm ấy lắc lư cũng nhiều, thấm tháp cũng nhiều.

Hôm nay, tôi thấy mình đang có, đang trong câu chuyện ở đây. Bốn giờ sáng, chúng tôi về tới ở thị trấn Năm Căn. Cột xuồng, Nghĩa hát: “Hò ơ… Đừng chê lấy vợ miệt đồng/ ba khía, cơm nguội ăn ròng cả năm”. “Zrô đây! Zrô đây!…”. Một người trong quán cà phê ới gọi, hẳn Nghĩa và họ có biết nhau. Khi chờ những giọt cà phê rơi xuống, chúng tôi chuyện về đêm qua, những thao thức cũng đồng đìa rừng rẫy và tiếng ba khía lách tách trong thùng thiếc.

Theo Văn Nghệ