Miếu hoang – Truyện ngắn của Kha Anh Tuấn

721

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông lão giữ miếu cứ dắt dây từ những lời lão nói, lối nói chuyện tuy có phần bổ bả, sổ sàng nhưng tôi có cảm nhận là lão không giống như những gì mà thằng Tý đã kể cho tôi. 

Tác giả Kha Anh Tuấn 

Ngôi miếu nằm trên gò đất cao, giữa ngã ba dẫn vào khu đồi trọc đất Bazan với um tùm những bụi cây gai mắt mèo. Nghe đồn rằng thời chiến tranh, nơi đây xảy ra nhiều trận đụng độ lớn giữa hai bên. Ngôi miếu được ai đó dựng lên trên nền gò đất từ thời đó để thờ vong linh của một cô gái trẻ là người trong làng. Vào một buổi chiều khi cố ấy từ trên tỉnh về, đi ngang qua đây đã bị một tốp lính bắt lại rồi thay nhau hãm hiếp đến chết, xác bị vứt bỏ trong lùm cây mắt mèo. Đến cả tuần sau, có người ngang qua nghe mùi tử khí mới phát hiện ra rồi chôn cất và lập miếu để thờ. Nghe đồn oan hồn cô gái cứ vất vưởng ở nơi đây, qua lời truyền miệng của dân làng với những câu chuyện đầy ma mị.

Năm đó tôi đến vùng đất này, cũng là do tôi có Ông dượng rễ đi lập nghiệp từ những năm mà nhà nước vận động dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Long Khánh. Lâu lắm tôi chưa vào thăm gia đình ông. Ông là chồng của dì Ba, là em kế của mẹ tôi. Thời gian ở chơi, hàng ngày tôi được theo ông và thằng em trai vào mấy đám rẫy trồng mỳ của ông. Thời đó dân đi kinh tế mới ở vùng này, hầu hết đều trồng cây mỳ để lấy củ chặt khúc phơi khô bán cho thương lái. Dượng của tôi cũng có nhiều miếng rẫy nằm ở triền đất đồi tự khai phá. Một lần trên đường lên rẫy, tôi nghe thằng Tý là thằng em bạn dì ruột với tôi kể cho tôi nghe câu chuyện về ngôi miếu mà mỗi lần lên rẫy là phải đi ngang qua đó, câu chuyện hư thực ra sao thì chưa biết nhưng những gì qua lời kể của thằng Tý đã khiến tôi vừa chột dạ, nhưng vừa khơi gợi sự tò mò. Tôi nói với nó:

– Hay là chiều nay mình về sớm, mày dẫn anh Hai ghé vào ngôi miếu để thắp cho cô gái đó một cây hương được không?

Nghe vậy, nó bèn trả lời:

– Anh muốn thắp hương thì cũng không dễ đâu vì ở trong miếu có một ông già tính khí rất kỳ dị, hễ thấy có người, đặc biệt là thanh niên hay đàn ông muốn vào thắp nhang hoặc chỉ là ngồi nghỉ chân ở trước miếu thôi, thì lập tức ông ta sẽ chạy ra xua đuổi, thậm chí còn rượt đánh nữa đó!

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nên thằng Tý mới kể thêm rằng: những năm sau ngày hòa bình, dân đi kinh tế mới được nhà nước đưa tới vùng đất này để lập nghiệp. Thời đó, vùng này xơ xác lắm, chiến tranh, bom đạn đã tàn phá những khu rừng xanh um thành những mảng đồi trọc. Những đám rừng bằng lăng còn sót lại đã bị dân kinh tế mới đốn sạch, gốc cây được xới lên đốt làm than, thân thì họ cưa khúc chẻ ra từng miếng dài để mang ra ngoài đường quốc lộ bán củi thước. Mạnh ai nấy khai phá, khiến cho cả khu đồi trở nên xơ xác, nham nhở. Hễ mỗi lần vào rừng, vào rẫy, bọn họ thường ghé vô miếu, khi thì nải chuối, vài củ mỳ luộc hoặc vài chiếc bánh chiên làm từ bột củ mỳ để thắp nhang khấn vái cầu xin sự suôn sẻ, yên lành nơi vùng đất mới. Vài năm sau, nhờ khấm khá sau những chuyến vào rừng hạ cây lấy gỗ, đốt than, đám thợ rừng hùn nhau tu bổ ngôi miếu vốn bỏ phế lâu ngày trở nên khang trang hơn và cũng từ lúc ấy, bỗng dưng xuất hiện một ông già, không biết người ở nơi đâu tới đã chọn ngôi miếu làm nơi tá túc. Tới bây giờ cũng đã gần mấy năm rồi không ít. Những câu chuyện tâm linh, ma mị về ngôi miếu và cách sống lập dị của “lão già giữ miếu” (dân vùng này quen gọi như thế) thỉnh thoảng lại lan truyền, đồn thổi từ lời kể của mấy bà đi chợ hay từ đám thợ rừng trong những lúc trà dư tửu hậu…

Sau câu chuyện kể của thằng Tý, những ngày sau đó tôi không theo dượng tôi lên rẫy mà tìm cách lân la ở miếu. Khó khăn lắm, cuối cùng thì tôi cũng đã tiếp xúc được với lão bằng “cái chiêu” tự giới thiệu là mình người của phòng văn hóa Huyện đi tìm hiểu các vấn đề về văn hóa tâm linh, kèm theo chút quà biếu là chai rượu nếp và bánh thuốc rê Xuân Lộc mà tôi nhờ đứa em gái con của dì tôi mua giùm ngoài chợ Xuân Đà (*). Có lẽ lão tin lời thật, vì thấy tôi chỉn chu, tươm tất và nói năng thì cũng đúng kiểu “dân làm việc”(?!)

Với cái giọng nhừa nhựa, cách xưng hô thì chẳng mấy thiện cảm, lão hỏi:

– Mày tới miếu này và tìm tao là tìm hiểu văn hóa, văn hiếc gì vậy hả?

Tôi từ tốn đáp lại rằng:

– Dạ, con muốn tìm hiểu thêm về đời sống của bà con ở vùng kinh tế mới theo yêu cầu trên Huyện ạ!

Bây giờ, hễ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ ra được cái cách đối đáp ứng xử khéo léo như vậy để có cơ hội trò chuyện được với lão, một người mà ai cũng bảo rằng quái dị, khó gần.

Lão kể với tôi rằng: Tính theo tuổi mụ thì lão cũng đã xấp xỉ sáu mươi rồi, lão ở trong ngôi miếu này cũng gần bốn năm nay, ban đầu lão cũng bị chính quyền thôn, xã tới làm khó dễ vì lão chẳng có thứ giấy tờ tùy thân nào cả, nhưng dần dà họ thấy lão chẳng làm gì gây mất an ninh trật tự ở địa phương, lão chẳng giao du mà cũng chẳng gây chuyện gì với ai nên chính quyền cũng thôi khó dễ. Lão bảo rằng: Từ khi có lão, ngôi miếu có người chăm sóc, quét tước sạch sẽ, ngôi mộ nhỏ sau miếu được sửa soạn hương khói đàng hoàng, mấy mảnh đất nhỏ chung quanh miếu thì được lão cuốc xới trồng mấy luống mỳ, rau cải làm bữa ăn cho mình, có ai cúng kiếng gì ở miếu thì lão xin để dành lại mà ăn dần. Vậy mà gần đây ai cũng nói là lão khó khăn, hung dữ rồi có ác cảm với lão làm cho lão đổi tâm, đổi tính, kỳ dị, khó gần. Nghe vậy tôi buột miệng hỏi lão:

– Con nghe người ta nói chú thường hay xua đuổi mấy người đến miếu, nhất là đàn ông thanh niên, vì sao vậy chú?

Lão chau mày:

– Mày không hiểu hết đâu, tao ở đây, chứng kiến đủ thứ chuyện thế thái nhân tình từ bọn người đạo đức giả tạo không hà! Nghe đồn miếu này linh thiêng nên cứ lâu lâu lại có mấy mụ đàn bà rủ nhau đem hương đèn, hoa quả tới đây để cúng rồi xì xụp xin xỏ đủ thứ trên trời dưới đất. Đủ thứ để vái xin, nào là cho chồng con vô rừng gặp may nhiều, rủi ít, nào là cầu cho thằng chồng bỏ thói trăng hoa, mèo mỡ, nhậu nhẹt bê tha, nào là xin xỏ cho suôn sẻ cái chuyện buôn gian, bán lận, cân đếm lọc lừa, rồi thì bảo ghét con này, thù con kia, cầu cho nó gặp nạn tai, trắc trở…Ấy vậy, mà mấy mụ đó cứ kháo với nhau chuyện đi chùa, ăn chay, tu hành, làm phước. Bọn đàn ông thì cứ nghĩ chỗ này là quán nhậu nên hễ vào thắp vài cây hương xong là bày rượu, bày mồi nào thịt chó, mèo, rắn rít… vừa nhậu, vừa hét hò, văng tục. Mà mày biết không: tao ghét nhất là cái bọn cứ đem chuyện vong hồn đã khuất ra mà bàn tán, đơm đặt, vậy là tao đuổi, tao cấm, đâm ra tụi nó ghét tao lắm cũng phải thôi mày ạ! Có lần tao chửi thẳng mấy mụ đàn bà đó rằng: Sắc sảo, sân si gì cho nặng, ác tâm, khẩu nghiệp, tị hiềm… là tự tạo thêm oan chướng cho chính mình. Không nên học đòi ăn chay, chùa chiền, tụng niệm, khoa trương điều lành… làm chi, khi mà tâm mình không tịnh và đầy rẫy ý ác?!…

Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông lão giữ miếu cứ dắt dây từ những lời lão nói, lối nói chuyện tuy có phần bổ bả, sổ sàng nhưng tôi có cảm nhận là lão không giống như những gì mà thằng Tý đã kể cho tôi. Bên trong cái con người với tính cách thể hiện sự xù xì, gai góc, lập dị về hành xử và lối sống như người ta nói là một cái tâm lành thiện, biết phân định đúng sai, tốt xấu. Từ đó, trong những ngày tháng ngắn ngủi ở đây, tôi và lão đã gần gũi nhau hơn, đã có những lần trò chuyện cởi mở hơn và cách xưng hô của lão với tôi cũng thay đổi hơn. Có mấy lần tôi hỏi lão về lý do khiến lão chọn ngôi miếu có cái mộ chôn cô gái trẻ để làm nơi tá túc thì lão chỉ phớt lờ đi hoặc trả lời bâng quơ:

– Thôi cháu à, đừng khơi lại chuyện cũ làm gì, đời của chú buồn lắm. Còn sống được ngày nào thì chú cũng sẽ chọn nơi đây để phát tâm hối chuộc những tội lỗi trót gieo và cũng là nơi mà chú gởi gắm thân xác của mình khi xuôi tay, nhắm mắt. Cháu chỉ biết vậy là đủ rồi!

Tôi chia tay ông lão vào một buổi chiều trời mưa xối xả. Tấm bạt bằng ni lông che ở trước bệ thờ ở miếu không đủ để hai chú cháu chúng tôi không bị tạt ướt bởi nước mưa kèm theo gió giật của cái trận mưa chiều đầu mùa ở vùng núi đồi, rừng rẫy. Ly rượu gạo cuối cùng tôi mời là cũng để chia tay lão trước ngày về tôi lại Thành phố.

Vài năm sau, một hôm thằng Tý gọi điện báo tin cho tôi là “ông lão giữ miếu” đã chết rồi, có lẽ do bị bệnh hay bị trúng mưa, nhập gió gì đó. Khi dân làng phát hiện thì nghe đâu ông ấy đã chết trước đó vài ngày rồi. Trên vách miếu, người ta thấy có mấy dòng chữ được viết bằng than củi một cách nắn nót: “Tôi là kẻ có tội với cô vì tôi là một trong những thằng lính đã làm chuyện đồi bại khiến cô chết oan ức. Tôi bị ám ảnh, dày vò nên mấy năm nay tôi ở đây với cô để mong cô tha thứ”.

Người ở làng đã chôn cất ông bên cạnh ngôi mộ của cô gái. Tới nay, cái miếu nằm trên gò đất cao, giữa ngã ba dẫn vào khu đồi trọc và mấy dòng chữ trên vách vẫn còn. Đến ngày rằm, mồng một, bà con thường tới đến thắp hương, cúng kiếng.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu nói của ông: “Sắc sảo, sân si gì cho nặng, ác tâm, khẩu nghiệp, tị hiềm… là tự tạo thêm oan chướng cho chính mình. Không nên học đòi ăn chay, chùa chiền, tụng niệm, khoa trương điều lành… làm chi, khi mà tâm mình không tịnh và đầy rẫy ý ác?!…”

Mọi thứ đã trở thành quá khứ, đã trở về cát bụi. Cầu cho vong linh của ông được tiếp nhận sự thứ tha của cô gái trẻ khi ông đã có những năm tháng sống trong sự dày vò, ân hận, thiết tha cứu chuộc và đó cũng là bến bờ Giác ngộ, ông nhé!

K.A.T

(Trong tập truyện ngắn Xóm Đàn bà)