Miếu vợ chàng Trương, Thiếu phụ Nam Xương: Từ thơ ca đến truyện ca

869

Trần Danh Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong lịch sử nước ta, có những vị vua, ngoài chính sự, cũng đã “nặng nợ” với thơ ca. Vua Lê Thánh Tông là một trường hợp điển hình.

Ảnh minh họa

Ngay khi bắt đầu học môn Văn học những năm đệ Thất, đệ Lục ngày trước (lớp 6, lớp 7 bây giờ), chúng tôi đã biết bài thơ có nội dung rất cảm động “Miếu vợ chàng Trương” của vua Lê Thánh Tông:

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tỏ/nhẵn đừng nghe trẻ,
Làn/cung nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết/rõ nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”

Theo tư liệu lịch sử, Nam Xương là tên cũ của huyện Lý Nhân, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Tích cũ kể rằng, ngày xưa ở huyện này có người con gái nổi tiếng xinh đẹp, tên là Vũ Thị Thiết, lấy chồng người cùng làng là Trương Sinh. Hai vợ chồng rất yêu nhau, tuy gia cảnh túng thiếu nhưng hai người không bao giờ có lời qua tiếng lại, chỉ tiếc là Trương Sinh rất hay ghen. Lấy nhau chưa được bao lâu thì Trương Sinh bị gọi đi lính. Lúc ấy, Vũ Thị Thiết đang mang thai, Trương Sinh đi chưa được nửa tháng thì ở nhà nàng sinh hạ được một đứa con trai rất kháu khỉnh. Đã một mình nuôi con mọn lại còn phải lo cho mẹ chồng già nhưng Vũ Thị Thiết vẫn chu tất mọi việc. Mẹ chồng ốm nặng, nàng hết sức chạy chữa trong nửa năm trời nhưng bà cụ không qua khỏi được. Nàng làm đám cho mẹ chồng rất chu tất, xóm làng ai cũng khen. Hơn một năm sau, quân lính đều được về làng. Trương Sinh về thì đứa con trai đã bập bẹ nói. Anh đưa tay bế con thì cháu bé không chịu theo. Anh nói rằng bố đây mà. Cháu bé cãi là tối bố mới đến. Trương Sinh nghe thế thì nổi cơn ghen. Anh cứ vặn hỏi nhưng cháu bé cũng chỉ nói là tối bố mới đến, hễ mẹ đi, bố cũng đi, mẹ ngồi, bố cũng ngồi… Nghe vậy, Trương Sinh tin rằng trong khi mình đi vắng, vợ mình đã tằng tịu với một kẻ nào đó và kẻ ấy rất say mê vợ mình nên mới không rời ra được. Máu ghen sùng sục sôi lên, Trương Sinh tra hỏi vợ và giữ kín chuyện con nói với mình. Vũ Thị Thiết ra sức giải bày nhưng Trương Sinh vẫn không chịu tin, mắng chửi, đánh đập vợ tàn nhẫn. Mọi người biết chuyện đều can ngăn nhưng Trương Sinh chẳng những không nghe mà còn cho là vợ khéo đon đả nên mới được lòng mọi người. Vũ Thị Thiết phẫn uất quá, ôm con khóc nức nở, rồi thừa lúc chồng sang hàng xóm, chị đặt con xuống giường, chạy ra sông đâm đầu xuống dòng nước chảy xiết. Trương Sinh vội chạy ra sông nhưng mò mãi vẫn không tìm thấy xác vợ. Tối đến con khóc, Trương Sinh thắp đèn dỗ cho nó nín và thốt nhiên đứa trẻ chỉ vào cái bóng của Trương Sinh trên vách và nói là bố kia kìa. Thì ra trong những ngày Trương đi lính, buổi tối đứa trẻ hay hỏi mẹ là bố đâu. Người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách và nói đùa với con rằng bố kia kìa. Trương Sinh hiểu ra thì đã quá muộn. Về sau, dân huyện Nam Xương cảm thương người thiếu phụ, cùng dựng miếu thờ bà Vũ Thị Thiết và gọi là Miếu vợ chàng Trương.

Một ngày kia, vua Lê Thánh Tông, trên đường chinh chiến, khi đi ngang qua, thấy ngôi miếu và nghe sự tích liền cảm khái có bài thơ trên. Từ đó, Người thiếu phụ Nam Xương trở thành một trong những truyền thuyết của văn học nước ta.

Những năm đầu của tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã từ “một câu chuyện xa xưa, nói đến lòng trung trinh của người vợ hiền mà bị nghi oan bỗng thành một thảm kịch trong gia đình”, đã dựng thành truyện ca “Thiếu phụ Nam Xương” đầy đau thương và nước mắt:

“Ai đời còn nhớ chăng?
xóm Nam Xương có một nàng.
Lòng trinh muôn đời muôn kiếp mang
đến tuyền đài cam ức ôm hờn.
Ôi đến bao giờ tan!
Từ chồng ra đi chiến tranh phân kỳ
rầu rầu chiếc thân tàn canh soi bóng.
Ôm con nhớ thương ngợp lòng
chờ ngày quang thái, tái lai rợp hồng ánh Xuân.

Con thơ nhiều đêm hoài kêu nhớ cha.
Khi ánh đăng soi mờ bóng nhoà,
chỉ bóng tường dụ dỗ gối con thơ.
Rằng :”đây chính cha đêm tối mới về cùng con.”

Rồi từ đó ánh đèn tàn đêm,
hình nàng in trên vách tường,
con giỡn đùa nô bóng cha rộn ràng,
nào ngờ đâu từ đó ly tan.

Người cha sau ít lâu hồi hương.
Một sáng quang minh chim ngàn kêu đàn,
mừng mừng tủi tủi mang mang .
Nàng bế con ra :”đây bố đã về cùng con ”
Thằng bé la lên:”
không không bố tôi đêm tối mới về
không không bố tôi đêm tối mới về,
không không bố tôi đêm tối mới về ”
Ôi đau thương, ôi ly tan, đau đớn cho nhau
chua xót cho nhau chim thương lìa đàn.
Ôi đau thương ôi nguy nan cuồng ghen
sôi máu phũ phàng dày đạp nát tan.

Trời thấu cho lòng thiếp chăng ?
Trinh chuyên mang oan phụ chàng
Xin đem thân như hoa tàn
trôi đi, trôi khuất xuôi với nước giòng Hoàng Giang.

Bóng đêm mờ đèn khêu u uất
chàng bồng con thơ in bóng lên tường
Thằng bé vui mừng :”
Đây đây bóng cha đêm tối đã về
đây đây bóng cha đêm tối đã về ,
đây đây bóng cha đêm tối đã về “.

Ôi nghi oan, ôi ly tan, đau đớn cho nhau
chua xót cho nhau chim thương lìa đàn.
Ôi đau thương, ôi nguy nan cuồng ghen
sôi máu lỡ rồi tình đã nát tan.

Bồng con đứng trông theo giòng Hoàng Giang.
Tình oan ngập mây u ám,
muôn năm mối hờn bao tan nơi cửu tuyền
bao đời còn nhớ ghi”.

Giai điệu và ca từ của truyện ca “Thiếu phụ Nam Xương” với hơi hướng của một trường ca cổ điển, so với “Miếu vợ chàng Trương” và với nội dung của một truyền thuyết đã được lưu truyền từ bao đời nay, đã có những cách tân.

Đó là sự cách tân về nghệ thuật sáng tác từ một thi phẩm thất ngôn bát cú ra đời vào thế kỷ 15 của thi ca cổ điển nước ta đến một áng văn đặc sắc của văn học nghệ thuật hiện đại nước nhà.

Thiếu phụ Nam Xương hoàn toàn không phải là một nhạc phẩm phổ từ thi phẩm Miếu vợ chàng Trương mà, theo người viết, thi phẩm và lòng trung trinh của người phụ nữ trong truyện chính là nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ: thi sĩ Lê Thánh Tông của thế kỷ 15 và nhạc sĩ Thẩm Oánh của thế kỷ 20 của nước ta.

Và thi ca Miếu vợ chàng Trương và truyện ca Thiếu phụ Nam Xương là một sự truyền tiếp trong văn học nghệ thuật xa xưa và hiện đại: sự truyền tiếp của một bài thơ bi tráng của một vị vua có tâm hồn nghệ sĩ và một bài ca bi ai của một nhạc sĩ tài danh…

T.D.T