Minh Vương – Lệ Thuỷ: Trời sinh một cặp

847

Nửa thế kỷ gắn bó trên sân khấu, khán giả không ít lần thắc mắc vì sao họ không thành đôi. Nhưng trong lòng cả hai đều hiểu họ chỉ có tình đồng nghiệp, sự trân trọng dành cho nhau mà thôi.

Sân khấu cải lương vừa bước qua cột mốc 100 tuổi chỉ vỏn vẹn vài năm. Trên chặng đường trăm năm ấy, NSND Minh Vương và NSND Lệ Thuỷ đã gắn bó ngót nửa thế kỷ, trở thành đôi đào kép ăn ý bậc nhất. Tổ nghiệp soi đường cho NSND Lệ Thuỷ bước đi sớm hơn dù cả hai chỉ chênh nhau 1 tuổi. Khi bà đã làm đào chánh, đóng cùng nghệ sĩ Minh Phụng, Thanh Hải… trên sân khấu Kim Chung thì NSND Minh Vương chỉ mới chập chững vào nghề. Chàng thiếu niên gốc Long An được ông bầu Long của đoàn Kim Chung mang về “ươm mầm” sau khi đạt giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964.

Khác với Minh Phụng đã “sánh đôi tình tứ” với Lệ Thủy từ những ngày đầu kết hợp thì cái duyên giữa Minh Vương với Lệ Thủy khá thú vị khi lần đầu đứng chung sân khấu, Minh Vương phải làm… con của Lệ Thủy. Ở tuổi 14, Lệ Thủy đã là đào chánh của đại bang Kim Chung nhưng Minh Vương chỉ là giọng ca mới đang được bồi dưỡng và vẫn “chưa trổ mã” để có thể “làm kép”.

Suýt soát 1 tuổi nhưng NSND Minh Vương vẫn còn mang hình hài của một cậu bé với gương mặt non choẹt, thân hình nhỏ bé trong khi cô đào Lệ Thuỷ đã mang hình dáng của thiếu nữ trưởng thành. Ít ai biết mối duyên đầu tiên của cặp nghệ sĩ danh tiếng không phải tình nhân, mà là vai mẹ con trong tuồng Thượng phương bảo kiếm. Nhắc lại, ông vẫn không quên cảm giác hồi hộp, vui mừng khi được đứng cùng sân khấu với cô đào đã nghe danh nghe tiếng bấy lâu nay mới có dịp gặp mặt.

Từ cái duyên “mẹ con” trong vở Thượng phương bảo kiếm, phải 2 năm sau, Minh Vương mới được “thăng cấp” làm “người yêu thầm” Lệ Thủy khi ông bầu Long lập đoàn Kim Chung 5 và đưa Minh Vương về làm kép nhì cho Minh Phụng.


NSND Lệ Thuỷ nhận giải Thanh Tâm và NSND Minh Vương nhận giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964.

Gánh hát đại bang chia thành nhiều nhánh nhỏ. Hai nghệ sĩ bị tách ở hai đoàn khác nhau. Nhưng dường như cuộc đời vốn có sự sắp xếp sẵn, mà con người khó thể làm khác đi. Đoàn Kim Chung 5 được thành lập. Đây cũng là sợi “tơ hồng” mang họ trở lại bên nhau. Chàng thiếu niên năm nào đã “trổ mã” đủ chuẩn trở thành kép chính, đổi nghệ danh từ Minh Vưng (tên thật của NSND Minh Vương là Nguyễn Văn Vưng – PV) sang Minh Vương.

Đúng như mong ước của ông bầu Long chàng kép trẻ sẽ “thành vua” trên sân khấu, cái tên Minh Vương nhanh chóng vụt sáng. Ông và NSND Lệ Thuỷ kết hợp trong Nhất kiếm bá vươngMáu nhuộm sân chùaXin một lần yêu nhauĐêm lạnh chùa hoang… Tuồng nào cũng ăn khách, vé chợ đen không đủ để bán. Sau mấy mươi năm, chúng vẫn được nhắc như những dấu son của nghệ thuật cải lương. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của những sản phẩm này.

Trong sự nghiệp, cả hai cũng từng kết hợp với nhiều đồng nghiệp khác, nhưng hình ảnh Minh Vương – Lệ Thuỷ vẫn sống lâu bền nhất trong lòng công chúng. Điểm thú vị trong giọng ca của NSND Lệ Thuỷ là chất thổ đặc trưng, như mang nặng phù sa của những dòng sông miệt Cửu Long. Trong khi đó, NSND Minh Vương lại có chất giọng thanh, tình cảm và những quãng ngân hết sức độc đáo, khó thể nhầm lẫn. Giọng hát của họ hoà quyện vào nhau hết sức sự nhiên, mà cả người trong cuộc cũng khó lý giải được. Lời đáp hợp lý nhất có lẽ vẫn là trời sinh ra để dành cho nhau, mà chính NSND Lệ Thuỷ cũng nghĩ như vậy.


NSND Minh Vương và NSND Lệ Thuỷ trong tuồng “Đêm lạnh chùa hoang”.

Thế nhưng ở lĩnh vực đĩa nhựa lại là câu chuyện khác khi cô Sáu Liên của Hãng đĩa Việt Nam mời Minh Vương – Lệ Thủy kết hợp thâu hàng loạt tuồng: Mạnh Lệ Quân (Tái sanh duyên), Chung Vô Diệm (Dạ xoa hoàng hậu), Hoa Mộc Lan… đều rất ăn khách và đặc biệt là Đêm lạnh chùa hoang tái bản không biết bao nhiêu lần.

Tuy nhiên, phải sau năm 1975 thì mối duyên của hai người mới càng bền chặt, nhất là qua độ phủ sóng của băng casstte và video cải lương mà đến nay cả hai không thể tổng kết hết được. Đặc biệt là các bài tân cổ: Lý con sáo, Lý chim quyên, Lý ngựa ô, Bông lan… qua giọng ca Minh Vương – Lệ Thủy “bùng nổ” trên sóng phát thanh – truyền hình cả nước.


Đến nay, NSND Minh Vương và NSND Lệ Thủy không thể nhớ hết được số lượng các băng đã thu âm và quay hình. Ảnh cap màn hình hồi ký “Một kiếp cầm ca – Sinh ra để hát” của NSND Lệ Thủy.

Dĩ nhiên khi nhắc đến Minh Vương – Lệ Thuỷ không thể quên đi Bánh bông lan. Gần như khi đi bất kỳ nơi đâu đều có thể bắt gặp giai điệu quen thuộc này. Đến nỗi NSND Lệ Thuỷ từng bông đùa khán giả “ăn” bánh bông lan mấy chục năm rồi vẫn không biết ngán!


Trong nhiều chương trình biểu diễn, hai nghệ sĩ thường được khán giả yêu cầu hát “Bánh bông lan”.

Sau khi đất nước thống nhất, cả hai tiếp tục đồng hành khi về đoàn Văn Công TPHCM, sau nữa là đoàn 284. Trong giai đoạn này, Tô Ánh Nguyệt ra đời, trở thành hiện tượng của làng cải lương thời bấy giờ. Suất hát nào rạp cũng đầy. Vé chợ đen cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của khán giả. Nhớ lại, cả hai đều thấy hạnh phúc và mang ơn khán giả vì cho họ được sống những ngày vinh quang, đẹp đẽ nhất nghiệp cầm ca.

Trong giai đoạn video cải lương bùng nổ, có những tuồng nữ chính là vai mẹ của nam chính, nếu Minh Vương đã nhận vai nam thì Lệ Thủy không thể nhận vai chính mà phải xuống vai nhì để đóng cặp với Minh Vương thì khán giả mới “chịu”.

Họ hiểu nhau đến mức chỉ cần nhìn mắt đối phương hiểu bạn diễn đang cần gì. Có lần, NSND Lệ Thuỷ bị khàn tiếng, NSND Minh Vương lại cố nói to lên để át đi giọng hát của bà, tránh để khán giả nhận ra. NSND Lệ Thuỷ tâm sự mỗi lần diễn Tô Ánh Nguyệt hai người chỉ cần nhìn nhau là thể hiện hết được tâm tư của nhân vật mà không cần diễn quá nhiều. Khán giả nhìn thấy sự hoà quyện của họ trong giọng hát, kỹ thuật, còn người trong cuộc nghĩ để có được sự ăn ý đó, ngoài chất giọng trời phú, sự khổ luyện thì việc nhường nhịn nhau, biết hy sinh cho nhau là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Cũng chính liên danh Minh Vương – Lệ Thủy làm điểm tựa cho Sân khấu Vàng ra đời vào năm 2008 nhằm mục đích làm từ thiện. NSND Lệ Thủy chia sẻ lần đầu tiên trong đời “làm bầu” mà lại thâm vốn nặng, mỗi suất hát còn năn nỉ người ta đến coi. Nhưng với tiêu chí “mỗi suất hát là một căn nhà tình thương”, một loạt vở tuồng hay đã trở lại như Lá sầu riêng, Đêm giao thừa, Một ngày làm vua, Tình mẫu tử, Đêm lạnh chùa hoang… và mang đến gần 50 căn nhà tình thương cho bà con nghèo. Sau đó, sức khỏe Minh Vương suy yếu, chương trình cũng tạm dừng…


Hình ảnh hiếm hoi trong vở “Tô Ánh Nguyệt” biểu diễn năm 1985 còn được lưu giữ.

Tình cảm khán giả dành cho Minh Vương Lệ Thuỷ nồng nhiệt không tả được. Năm 1992, báo Sân Khấu tổ chức cuộc bình chọn cặp nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất, qua 8 kỳ bỏ phiếu. Kết quả không gây bất ngờ khi Minh Vương Lệ – Thuỷ đứng ngôi đầu bảng. Cũng chính từ sự ăn ý trên sân khấu không ít lần khán giả đặt dấu hỏi liệu giữa họ có tình cảm hay không. Hoặc trong những lần đi diễn chỉ có 1 trong 2 người thì câu hỏi đầu tiên là người còn lại ở đâu.

Ở sân khấu, họ là đôi tình nhân ăn ý bậc nhất. Nhưng khi trở về đời thường, họ là đồng nghiệp, dành cho nhau sự trân trọng, quý mến bởi lẽ ai cũng có hạnh phúc riêng. Tâm tư của khán giả, hai nghệ sĩ đều hiểu hết, nhưng trái tim họ có lựa chọn riêng, và phải bảo vệ tròn vẹn sự lựa chọn đó. Giữa họ chưa có bất kỳ sự rung động nào vượt quá khuôn khổ của những vai diễn. Đôi lúc giữa những câu hỏi khó trả lời, cả hai chỉ biết đùa duyên để an ủi khán giả: “Lệ Thuỷ ở nhà chăm con rồi”, “Tui đi một mình, để ổng ở nhà rồi”… Đời này họ xin được làm tình nhân sân khấu, xem nhau là tri kỷ mà thôi.


Hai nghệ sĩ chỉ là tình nhân sân khấu của nhau. Ngoài đời thường họ đều có hạnh phúc riêng.

Năm 2008, hai nghệ sĩ được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất, dựa trên chuỗi thành tựu: quay video cải lương đầu tiên và nhiều nhất, thu âm và phát hành album song ca cổ nhiều nhất… Sau này, hai nghệ sĩ không còn đứng chung nhiều do sức khoẻ, công việc cá nhân lẫn sự ảnh hưởng thời cuộc lên sân khấu cải lương.

Không chỉ hợp ý trên sân khấu họ còn có chung tâm nguyện làm điều thiện. Cả hai từng kết hợp với nhiều đồng nghiệp thực hiện chương trình Sân khấu vàng lấy doanh thu để trao tặng nhà tình thương cho bà con nghèo. Nhưng về sau chương trình phải dừng do vấn đề kinh phí, sức khoẻ… không cho phép. Tiếc nuối, buồn bã có đủ nhưng hai nghệ sĩ cũng đành chấp nhận bởi họ cũng không có lựa chọn khác.

Ở tuổi U80, NSND Lệ Thuỷ vẫn miệt mài đi hát. Trong khi đó NSND Minh Vương lại thường được mời làm giám khảo các sân chơi uy tín của nghệ thuật cải lương. Ông ít đi diễn hơn vì vấn đề sức khoẻ. Dẫu vậy, mỗi lần tái ngộ, được khán giả ủng hộ nhiệt tình, ông lại nhắn nhủ NSND Lệ Thuỷ: “Nếu có ai mời, tụi mình ráng đi hát chung, để tạ ơn hết nghĩa tình của khán giả”. 50 năm gói cho trọn chữ tình: tình nhân sân khấu, tình đồng nghiệp và tình tri âm tri kỷ. Có những mối duyên lạ lùng đến thế, chỉ đi với nhau một đoạn, gắn với nhau không trọn một đời nhưng lại trở thành huyền thoại.

Đến nay, qua gần 60 năm gắn bó, Minh Vương – Lệ Thủy chắc chắn là đôi bạn diễn bền bỉ nhất, vẫn tiếp tục làm khán giả say đắm mỗi lần đứng chung sân khấu và mỗi lần gặp Lệ Thủy khán giả sẽ hỏi “Minh Vương đâu?” cũng như khi gặp Minh Vương người ta lại nhắc “sao không thấy Lệ Thủy?”…

Một số hình ảnh của NSND Lệ Thuỷ và NSND Minh Vương:


Hình ảnh Minh Vương và Lệ Thủy trên sân khấu đoàn Kim Chung 5.


Khi đưa vở “Đời cô Lựu” đi lưu diễn châu Âu đã phải thêm vào lớp diễn gặp mặt giữa Võ Minh Luân – Minh Vương và Kim Anh – Lệ Thủy nhiều chi tiết hơn như “mời uống sữa”, “dí trâu vô chuồng” chỉ vì khán giả muốn thấy Minh Vương – Lệ Thủy hát chung, dù không đóng cặp.


Minh Vương và Lệ Thủy tham gia biểu diễn phục vụ kiều bào tại các nước châu Âu vào năm 1984.


Vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt” của đoàn cải lương 2/84 với Minh Vương vai Minh và Lệ Thủy vai Nguyệt đã tạo nên hiện tượng cho sân khấu TPHCM lúc bấy giờ. NSND Lệ Thủy nhớ có những hôm hát ở rạp Hào Huê (quận 5) mà phải mang vé ra Nhà hát TPHCM (quận 1) bán để kéo giãn người mua vé.


Cũng trên sân khấu Sân khấu Vàng, Minh Vương và Lệ Thủy đã xác lập kỷ lục Guiness là Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung với nhau lâu năm và ăn ý nhất vào năm 2008.

Theo PNO